Nghiên cứu KHXH&NV: Nguyên nhân khó công bố quốc tế
PGS. TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ VH, TT, DL) đã nêu lên một số nguyên nhân và khó khăn khiến các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV của Việt Nam khó công bố quốc tế trên các tạp chí ISI.
PGS. TS Nguyễn Thị Hiền. Nguồn: nhandan.com.vn
Từ khi Quỹ NAFOSTED thông qua điều kiện các chủ nhiệm đề tài nộp hồ sơ xin tài trợ phải có bài công bố trên các tạp chí chuẩn ISI (viết tắt tạp chí ISI), số lượng hồ sơ tham gia xét duyệt giảm đáng kể. Nhiều nhà khoa học cho rằng đây là một định hướng đúng đắn, thể hiện nỗ lực và tầm nhìn chiến lược của nền khoa học Việt Nam (Nguyễn Công Thảo 2016). Năm 2016, Hội đồng Khoa học liên ngành Văn hóa học, Nghiên cứu nghệ thuật, Thông tin đại chúng và Truyền thông (Quỹ NAFOSTED) không nhận được hồ sơ nào. Một trong những lý do dẫn đến việc ít hoặc không có hồ sơ tham gia xét duyệt là do các nhà khoa học muốn xin tài trợ của Quỹ NAFOSTED không đủ điều kiện công bố quốc tế trong các tạp chí ISI.
Một điều chung cho tất cả các công trình khoa học (cấp bộ, cấp trường/viện, dự án xin các Quỹ tài trợ) là sản phẩm khoa học được công bố, được ứng dụng. Khi bắt đầu một đề tài, người nghiên cứu phải tìm đọc các bài báo của các tác giả khác về lĩnh vực đó nhằm nắm bắt những kiến thức nền tảng và cập nhật xu thế nghiên cứu của ngành nói chung và của đề tài nói riêng. Từ đó, nhà nghiên cứu định ra hướng đi, tìm tòi vấn đề nghiên cứu riêng của mình. Một công trình nghiên cứu chỉ được coi là có giá trị khoa học khi kết quả của nó được viết thành các bài báo đăng trên các tạp chí, một chương trong một cuốn sách có chủ biên, hay một chuyên khảo mà những ấn phẩm này được thẩm định về chuyên môn thông qua phản biện của các chuyên gia (peer-review, có người gọi là bình duyệt). Đồng thời, một số những kết quả công bố này cũng được ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống và trong chính sách phát triển. Một nhà nghiên cứu tạo được uy tín cho mình là có những công trình nghiên cứu để đời, tức là công trình có tiếng được trích dẫn và được sử dụng nhiều trong học thuật và trong thực tiễn. Công trình công bố quốc tế được biết đến nhiều hơn và được trích dẫn, sử dụng trong phạm vi toàn thế giới. Nhiều nhà khoa học đã biết câu nói cửa miệng ở phương Tây “Công bố hay là chết”, còn tôi thì nói “Công bố quốc tế hay giậm chân tại chỗ”. Trong bài này, tôi muốn nhấn mạnh đến việc ngành KHXH&NV của Việt Nam cần phải hội nhập, các nhà nghiên cứu trong nước cần khẳng định vị thế của mình trong nước và thế giới thông qua các sản phẩm công bố quốc tế.
“Công bố quốc tế hay giậm chân tại chỗ”
Tôi rất hoan nghênh một số viện/trường đã hỗ trợ cho các công bố quốc tế (từ 7 triệu đến hàng trăm triệu) (Xem thêm Ngân Anh 2015). Điều này cho thấy sự chuyển biến tích cực ở Việt Nam trong diễn đàn học thuật quốc tế, khi ở nhiều đơn vị, các nhà quản lý quan tâm và khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ có bài công bố quốc tế. Trong khi đó, nhiều sản phẩm, kết quả của các đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước hiện nay nhận kinh phí của nhà nước triển khai chưa yêu cầu công bố quốc tế. Nếu các loại đề tài này cũng có những yêu cầu gắt gao về mặt sản phẩm công bố quốc tế như Quỹ NAFOSTED, thì ngành KHXH&NV đã tạo được những bước tiến triển trong hội nhập. Trên thực tế, trong ngành KHXH&NV, các báo cáo tổng hợp của các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ bảo vệ xong, thì thường là để ngăn tủ, chỉ một số ít báo cáo được in thành chuyên khảo, hay được công bố thành các bài báo trong các tạp chí trong nước, và hầu như không có công bố quốc tế, hoặc tham gia hội thảo thường niên của các hội thảo thường niên của các Hội chuyên ngành liên quan (Xem thêm Nguyễn Công Thảo 2016).
Tác giả Nguyễn Văn Tuấn nêu 9 lý do cần công bố quốc tế: (1) Nghĩa vụ và đạo đức; (2) Đóng góp vào tri thức quốc tế; (3)Phúc lợi xã hội; (4) Chứng từ khoa học; (5) Chuẩn mực khách quan; (6) Sự nghiệp nhà nghiên cứu; (7) Cơ hội hợp tác; (8) Hội nhập quốc tế; (9) Nâng cao sự hiện diện của khoa học Việt Nam (Nguyễn Văn Tuấn 2015). Công bố quốc tế còn tạo ra cơ hội trao đổi thông tin đa chiều, minh bạch và “phản ánh tâm thế hội nhập của đất nước” và “trách nhiệm công dân toàn cầu của nhà khoa học” (Nguyễn Công Thảo 2016). Với những lý do này, chúng ta không nên ngụy biện những điều kiện, hay nguyên nhân khiến cho không có hoặc ít công bố quốc tế. Công bố quốc tế là để ngành KHXH&NV của Việt Nam hội nhập, nâng cao vị thế của chính bản thân các nhà khoa học, của các Viện/Trường. Một số Trường/Viện nghiên cứu ở Việt Nam đang trên đà phát triển, phấn đấu trở thành cơ sở đầu ngành của quốc gia và ngang tầm khu vực và thế giới. Do vậy, công bố quốc tế mà một hình thức khẳng định ví thế và hội nhập, và có thể coi là một trong những nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển của các cơ sở này. Theo ‘luật của thế giới’, đánh giá năng lực của nhà nghiên cứu, của Viện/Trường là thông qua công bố quốc tế trên những tạp chí có uy tín. “Nếu anh không có bài báo tức là anh đứng ngoài cuộc chơi và không được cộng đồng khoa học thừa nhận” (Tạ Cao Minh 2012). Nếu mỗi cán bộ làm khoa học, các Viện/Trường chưa nhận thấy công bố khoa học quốc tế là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay, thì các chiến lược phát triển của họ nhằm tạo uy tín, có vị thế, tăng cường hội nhập, trao đổi học sẽ chỉ giậm chân tại chỗ.
Khó công bố quốc tế
Lý do khách quan
Các bài viết KHXH&NV ít và khó công bố quốc tế vì các lý do khách quan và chủ quan. Quan điểm khá phổ biến trong các ngành kỹ thuật công nghệ với suy nghĩ rằng nghiên cứu ứng dụng không cần công bố bài báo mà điều đó chỉ quan trọng trong nghiên cứu cơ bản (Xem thêm Tạ Cao Minh 2012). Quan điểm này cũng phổ biến trong ngành KHXH&NV.
Một số người đứng đầu trong các đơn vị khoa học (như một số Bộ chủ quản) quan tâm nhiều hơn đến kết quả của một đề tài là việc ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống và chính sách phát triển (Nguyễn Văn Chính 2016). Họ ít quan tâm đến công bố quốc tế, đến việc được sử dụng trong học thuật tầm quốc gia, quốc tế. Họ chú ý nhiều hơn đến các đề xuất, giải pháp, khuyến nghị mặc dù chúng thiếu cơ sở khoa học, viết chung chung như là những mệnh lệnh. Ở đây, cần có một sự hiểu biết đầy đủ rằng một công bố đáp ứng các yêu cầu về mặt học thuật, những đúc kết từ kết quả nghiên cứu có chứng minh, dẫn chứng thuyết phục có sức mạnh hơn nhiều những khuyến nghị, giải pháp vô căn cứ 1.
Một số cán bộ quản lý cũng như cán bộ nghiên cứu, triển khai đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ có cách nhìn đơn giản, cho rằng quan trọng nhất là những khuyến nghị, giải pháp để vận dụng xây dựng các thông tư, hướng dẫn, hoạch định chính sách phát triển, hoặc triển khai ứng dụng trong thực tiễn. Trong thực tế, kết quả của một dự án (cấp Bộ hay Nhà nước) rất cần nghiên cứu cơ bản chuyên sâu để có thể đúc kết ra được những nhận định mang tính khoa học, có khả năng ứng dụng mà khi cơ quan Bộ, những người làm chính sách quan tâm tìm đọc, sử dụng.
Quan điểm quá nhấn mạnh vào thực trạng và giải pháp, khuyến nghị của một đề tài, dự án đã và đang ảnh hưởng rất lớn việc công bố quốc gia và quốc tế khi các cơ quan chủ quản không khuyến khích nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu, các công bố quốc tế. Nếu một đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ chỉ chú trọng đến thực trạng, giải pháp phục vụ thực tiễn cuộc sống và chính sách, thì những kết quả này KHÔNG THỂ viết thành bài công bố quốc tế. Đây là một trong những quan điểm lâu nay có ảnh hưởng rất lớn đến sản phẩm khoa học, công bố quốc tế.
Ngoài ra, có một số ngụy biện từ các nhà khoa học về những lý do khách quan khiến các công trình của họ không thể, hoặc không nên công bố quốc tế vì liên quan đến “lợi ích dân tộc”, “an ninh quốc phòng” (Nguyễn Công Thảo, 2016). Có nhà khoa học cho rằng khoa học tự nhiên công bố quốc tế đơn giản, nhưng đối với KHXH&NV việc công bố quốc tế “cần cân nhắc có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia hay không” (Hoàng Thùy 2016). Nnhững lý do “nhạy cảm” này chỉ là sự nguy biện cho việc không có, hoặc có ít công bố quốc tế. Viết nghiên cứu khoa học dù là đề tài về Tây Nguyên, về dân tộc thiểu số, về tôn giáo, tín ngưỡng, hay về văn hóa biển đảo chỉ có lợi cho quốc gia dân tộc trong những tranh luận, diễn đàn quốc tế. Khi phản biện quốc tế cho những vấn đề về lịch sử đất nước, về dân tộc, về quyền con người, về chủ quyền biên giới, hải đảo của Việt Nam, chúng ta rất cần các công trình công bố khoa học, thuyết phục của các nhà nghiên cứu Việt Nam, những người làm khoa học chính “vì tâm và vì tầm” (Nguyễn Công Thảo 2016), vì vị thế của chính họ, vì ngành khoa học nước nhà trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Lý do chủ quan
Thực tế hiện nay ở các viện nghiên cứu, các trường đại học về lĩnh vực KHXH&NV, không có nhiều cán bộ có công bố quốc tế trong các tạp chí ISI. Nhiều cán bộ trẻ, thậm chí cán bộ có bằng tiến sĩ viết bài in trong các tạp chí uy tín trong nước cũng khó khăn. Nên ở một số viện/trường, tiêu chí đặt ra là một cán bộ nghiên cứu một năm viết hai bài tạp chí trong nước, mà cũng khó thực hiện. Ở đây, tôi không bàn về năng lực cán bộ, mà tôi chỉ nêu một số lý do cơ bản nhất khiến cho các bài viết khó công bố quốc tế. Công bố quốc tế ít nhiều còn xa lạ với không ít người trong ngành KHXH&NV (Viết như thế nào, quy trình ra sao, in ở tạp chí ISI nào, v.v.). Hơn nữa, các bài viết in ở tạp chí của Việt Nam (như theo danh mục của Hội đồng Giáo sư nhà nước) mà dịch ra tiếng nước ngoài thì khó được in ở tạp chí ISI. Một số nhà nghiên cứu cho rằng khoa học xã hội Việt Nam đang “lạc điệu”, một mình một kiểu. Lạc điệu tức là không làm theo chuẩn quốc tế, không gia nhập “luật thế giới” ở nhiều khía cạnh từ phương pháp luận, lý thuyết, quy cách viết bài, phân tích số liệu, v.v.2 Có số liệu hay, phong phú chưa đủ mà cần phải biết cách viết nghiên cứu đáp ứng yêu cầu học thuật của một công bố trong tạp chí ISI. Dưới đây, tôi sẽ nêu một số lý do từ phía các nhà khoa học khiến khó công bố quốc tế:
Thứ nhất, theo ý kiến thiển cận của tôi, ngoại trừ một số bài tương đối tốt, nhiều bài các bài in trong các tạp chí khoa học ở Việt Nam nặng tính mô tả, khái quát hóa mà không có dẫn chứng, chứng minh rõ ràng (supporting data), không nêu được vấn đề nghiên cứu, luận giải vấn đề, không cập nhật được các quan điểm nghiên cứu, lý thuyết nghiên cứu của ngành và lĩnh vực liên quan.
Có thể cho rằng không đầy đủ nếu ta chỉ quan sát mô tả, đưa ra những nhận định chung chung mà không có biện giải, chứng minh một cách khoa học. Ở Mỹ, một bài công bố trên tạp chí, hay luận án TS, chuyên khảo bắt buộc phải có vấn đề nghiên cứu, tức là đặt ra vấn đề nghiên cứu từ những nội dung phân tích, từ những chủ đề, trường hợp nghiên cứu cụ thể. Như vậy, dù bạn là nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, nếu các bạn chỉ có mô tả và viết chung chung, phân tích không có cứ liệu để chứng minh, không cập nhật các quan điểm học thuật liên quan, không nêu ra được vấn đề nghiên cứu, thiếu các luận điểm với những số liệu làm minh chứng thì bài viết của các bạn không được chấp nhận.
Thứ hai, nhiều bài viết nghiên cứu chưa chặt chẽ, không có cấu trúc mang tính chuẩn mực. Viết nghiên cứu khoa học đòi hỏi mức độ kiểm soát tính lôgíc, sự nghiêm khắc và cẩn trọng trong bàn luận, phân tích. Điều phân biệt cơ bản giữa viết bài nghiên cứu khác với những hình thức viết khác là đúng, rõ ràng, lôgíc và thuyết phục. Một cấu trúc thông thường của một bài nghiên cứu trong KHXH&NV bao gồm (1) Phần Mở đầu; (2) Lịch sử nghiên cứu; (3) Phương pháp nghiên cứu, lý thuyết sử dụng, cập nhật quan điểm học thuật liên quan; (4) Phân tích số liệu một cách có lôgíc, lập luận chặt chẽ, thuyết phục; (5) Kết luận. Công bằng mà nói, nhiều công bố trong các tạp chí của Việt Nam chưa đáp ứng được những yêu cầu về nội dung và cấu trúc này.
Thứ ba, các bài viết chưa cập nhật quan điểm, xu hướng nghiên cứu, và chưa đưa nghiên cứu cụ thể vào trong tranh luận mang tính học thuật quốc tế. Khi nghiên cứu, chúng ta không chỉ đọc những bài viết về Việt Nam và của các học giả Việt Nam, mà còn về các nền văn hóa khác và của các nhà nghiên cứu quốc tế. Với việc đọc, sự hiểu biết sâu rộng như vậy, các nhà nghiên cứu mới nắm bắt được ở trong nước và quốc tế họ đã viết gì, xu hướng nghiên cứu lĩnh vực liên quan như thế nào, quan điểm của họ về vấn đề bạn quan tâm ra sao. Làm như vậy, nhà nghiên cứu mới hiểu được chỗ đứng bài viết của mình và cập nhật được các xu hướng, quan điểm học thuật quốc tế. Nhiều nhà KHXH&NV Việt Nam, tuy rất cần mẫn, say mê, nhưng họ lại không có điều kiện đọc, nghiên cứu về vấn đề mình quan tâm, về các nền văn hóa khác từ các nguồn tư liệu nước ngoài. Đây là một sự bất cập khi nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV của Việt Nam không thành thạo ngoại ngữ, không đọc được hệ thống tư liệu cập nhật, trong khi đó, tài liệu dịch ra tiếng Việt không có đầy đủ để tham khảo. Một thực tế là các tài liệu liên quan đến một lĩnh vực hẹp thôi cũng có hàng trăm các công trình (sách, bài báo) khoa học cần phải đọc khi viết một bài công bố quốc tế. Do vậy, bài viết không cập nhật các quan điểm học thuật quốc tế liên quan, thì rất khó được chấp nhận công bố (Xem thêm Nguyễn Thị Hiền 2016). Nguyên nhân cơ bản là rào cản ngoại ngữ, khiến cho các nhà KHXH&NV của Việt Nam không tiếp cận được nguồn tư liệu bằng tiếng nước ngoài, cập nhật thông tin, và vì vậy họ khó có thể đưa nghiên cứu của mình về một vấn đề nghiên cứu cụ thể vào trong tranh luận mang tính học thuật quốc tế.
Thứ tư, một trong những lý do quan trọng khác là rào cản ngoại ngữ. Như trên đã nói, việc không thành thạo ngoại ngữ khiến cho các nhà khoa học không cập nhật được nguồn tư liệu của ngành, mà còn gặp khó khăn viết bài trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, hoặc tự chuyển ngữ. Các tạp chí được xếp vào danh mục ISI, chủ yếu bằng tiếng Anh, một số bằng tiếng Pháp và số ít bằng các ngôn ngữ khác. Mỗi bài viết về một vấn đề cụ thể lại có những thuật ngữ chuyên môn đặc thù (như xuyên quốc gia, lên đồng, thờ cúng, dòng tộc, văn hóa đô thị, công nghiệp hóa, dân tộc bản địa, v.v.). Nên một bài viết bằng tiếng Việt thông thường in trong các tạp chí có uy tín trong nước, chẳng hạn, dịch ra tiếng Anh mà người dịch không biết thuật ngữ chuyên ngành bằng tiếng Anh thì không thể đảm thoát ý, đúng văn phong học thuật3. Các bài viết dịch tiếng Việt ra tiếng Anh, cần được người nói tiếng Anh bản địa hiệu đính, hay người đồng nghiệp ở nước ngoài giúp đỡ hiệu đính, thì mới đảm bảo ngôn ngữ khoa học và mới đạt được yêu cầu tối thiểu về văn phong của các tạp chí ISI. Các tạp chí không có người chuyên trách để hiệu đính bài viết, và nếu bài viết chưa chuẩn về mặt ngôn ngữ, văn phong, thì cũng là một trong những lý do khó công bố quốc tế.
Thêm vào đó, việc không thành thạo ngoại ngữ khiến cho các nhà KHXH&NV Việt Nam có nhiều hạn chế khác như trong việc lựa chọn in tạp chí nào trong danh mục ISI (trong số hàng ngàn tạp chí) phù hợp với chủ đề, lĩnh vực bài viết của bạn. Quá trình viết, sửa bài, liên hệ với người biên tập của một tạp chí mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi có sự tương tác giữa nhà khoa học, người biên tập, phúc đáp lại nhận xét của những người bình duyệt. Do vậy, các tạp chí ISI bằng tiếng nước ngoài có thể nói là một rào cản rất lớn cho các nhà KHXH&NV Việt Nam viết bài và công bố quốc tế 4.
Tóm lại, sản phẩm của một đề tài (bài viết, một chương trong sách, sách chuyên khảo) cần được tạo điều kiện, khuyến khích công bố quốc tế từ các cơ quan chủ quản. Về phía các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, công bố quốc tế cũng là một hình thức để khẳng định vị thế, sự hội nhập và trao đổi học thuật. Khi được công bố quốc tế thì việc ứng dụng trong học thuật cũng như trong thực tiễn càng tăng hơn và công trình càng có giá trị, ý nghĩa hơn. Những khó khăn của các nhà KHXH&NV của Việt Nam như trong bài viết này đã chỉ ra, cần phải được sự quan tâm của các đơn vị chủ quản tháo gỡ và hỗ trợ. Các cán bộ, các nhà nghiên cứu cũng cần có sự hiểu biết đầy đủ về quy cách viết bài mang tính học thuật quốc tế, cũng như việc nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn và ngoại ngữ của mình. Sự hội tụ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan của nhiều bên liên quan cũng như của cá nhân các nhà khoa học thì mới tạo ra đà phát triển, hội nhập của ngành KHXH&NV Việt Nam trên diễn đàn học thuật quốc tế.
———————————————
Chú thích:
1. Trong một workshop về viết kết quả nghiên cứu ở Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh năm 2012 mà tôi cùng với một Giáo sư ở Đại học Toronto thuyết giảng, có một học viên hỏi giáo sư rằng các luận án, công trình ở nước ngoài có yêu cầu phần đề xuất giải pháp, khuyến nghị không? Giáo sư cười và nói: “Tôi cũng không biết đó là gì nữa. Yêu cầu của một công trình là những đúc kết có cơ sở khoa học.”
2. Trao đổi, thảo luận riêng với TS. Hoàng Cầm và TS. Nguyễn Công Thảo về công bố quốc tế ngày 27/7/2016.
3. Ưu thế biết thuật ngữ chuyên ngành thuộc về những nhà nghiên cứu được đào tạo chuyên môn ở nước ngoài và họ dễ dàng có công bố quốc tế hơn.
4. Hiện nay, chưa có một tạp chí KHXH&NV nào của Việt Nam được xếp trong danh mục tạp chí ISI.
Tài liệu tham khảo
Ngân Anh, 2015. “Những trường đại học chi trăm triệu cho bài báo công bố quốc tế” http://pkhcn.duytan.edu.vn/tin-tuc-su-kien/tin-suu-tam/nhung-truong-dh-chi-tram-trieu-cho-bai-bao-cong-bo-quoc-te/. Tải ngày 15 tháng 07 năm 2016.
Nguyễn Văn Chính, 2016. “Đặc điểm trong nghiên cứu dân tộc học của Việt Nam”. Tạp chí Tia Sáng, số 05, 2016, tr. 30-32.
Nguyễn Thị Hiền. “Cần một dự án dịch thuật cấp quốc gia về nhân học”. Tạp chí Tia Sáng, số 05, 2016, tr. 37-39.
Tạ Cao Minh, 2012. “Bài báo khoa học, ISI và một số ‘thước đo’ đánh giá nhà khoa học.” http://automation.net.vn/Dien-dan/Bai-bao-khoa-hoc-ISI-va-mot-so-thuoc-do-danh-gia-nha-khoa-h.html. Bài in ở số 134 (1+2/2012), Tạp chí tự động hóa ngày nay. Tải ngày 15 tháng 07 năm 2016.
Nguyễn Công Thảo, 2016. “ ‘Xuất bản quốc tế’” vì tâm và vì tầm”. http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&News=9763&CategoryID=2. Tải ngày 29 tháng 07 năm 2016.
Hoàng Thùy, 2016. “Vì sao Viện hàn lâm Khoa học Xã hội ít có nghiên cứu công bố quốc tế”. http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/vi-sao-vien-han-lam-khoa-hoc-xa-hoi-it-co-nghien-cuu-cong-bo-quoc-te-3391989.html. Tải ngày 29 tháng 07 năm 2016
Nguyễn Văn Tuấn, 2009. “Chín lý do cho công bố quốc tế”, http://vietsciences.org. Tải ngày 15 tháng 07 năm 2016.
Nguyễn Văn Tuấn, 2009. “Một vài hiểu lầm tai hại”. Tạp chí Tia Sáng, bản điện tử, ngày 03/02/2009.