Người trẻ hôm nay đang ra sao ?
Sài Gòn, thập niên 1950, 1960, có một cậu bé chìm đắm trong thế giới những quyển sách phổ biến tri thức khoa học. Với cậu, đó là cả một thế giới đầy hấp dẫn, kỳ lạ của vũ trụ, chẳng khác nào những cuộc điều tra của thám tử Sherlock Holmes, từ những giả thuyết, những con đường lầm lạc, những ngõ cụt và những cuộc tranh biện để rồi tìm tới chân lý…
Cậu bé ấy, về sau là một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng trên toàn cầu: GS Trịnh Xuân Thuận, tác giả của hàng chục đầu sách phổ biến tri thức khoa học vật lý vũ trụ được viết bằng tiếng Pháp, với văn phong đầy thi tính.
Câu chuyện trên được GS Thuận kể trong một clip gửi về Việt Nam, xem như là diễn từ nhận giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh tối 24-3 vừa qua tại Sài Gòn. Vị giáo sư khả kính từ Đại học Virginia kể thêm: “Những cuốn sách phổ biến khoa học mà tôi đã đọc ở tuổi thơ ấu, nhất là mấy cuốn sách của ông Albert Einstein, đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng và làm hình thành những suy tư của tôi. Chắc chắn rằng, chúng đã đóng một vai trò to lớn trong việc dẫn dắt những bước đi đầu tiên của tôi đến với khoa học.
Chúng cũng kích thích trong tôi sự ham muốn được đóng vai trò tích cực trong cuộc phiêu lưu vĩ đại của khoa học. Từ đó, tôi đã không ngừng quan sát vũ trụ bằng những kính thiên văn lớn nhất trên mặt đất cũng như trong không gian”.
Trong đêm trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh (24-3, tại TP.HCM), có một vị tân khoa khác, GS Pierre Darriulat, một người Pháp đã sống ở Việt Nam 16 năm để nghiên cứu và giảng dạy khoa học vật lý. GS. Pierre Darriulat là thành viên thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ năm 1986; từng được trao giải thưởng André Lagarrigue 2008– giải thưởng danh giá của Cộng đồng Vật lý Pháp vì những đóng góp tiên phong cho khoa học vật lý hạt. Đến Việt Nam, GS Pierre làm công việc cố vấn (không lương) cho dự án nghiên cứu tia vũ trụ Pierre Auger rồi sau đó cá nhân ông đứng ra sáng lập nhóm nghiên cứu VATLY, với một phòng thí nghiệm do ông bỏ tiền túi với sự hỗ trợ của bạn bè ở Trung tâm nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) xây dựng, quy tụ những sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ, gầy dựng hoạt động sinh hoạt học thuật. Từ phòng thí nghiệm này, đã có những công trình được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế hằng năm.
Điều đáng nói, trong diễn từ nhận giải lẫn những bài báo mà ông Pierre Darriulat viết thường xuất hiện trên Tạp chí Tia Sáng, cho thấy ở nhà khoa học này luôn có một sự thao thức nhân văn: làm sao để tạo thêm điều kiện cho những người trẻ làm khoa học tại Việt Nam có cơ hội phát triển trong thế giới toàn cầu hóa?. “Cần thật nhiều cơ hội tốt để họ (những người trẻ – NV) được phát triển, phát huy năng lực, sự độ lượng, nhiệt tình, kỹ năng và tài năng của mình. Nhưng để điều ấy trở thành hiện thực, bản thân chúng ta cũng phải thay đổi: trí tuệ và nghiêm túc hơn, có trách nhiệm hơn với cộng đồng, đoàn kết và bớt ích kỷ, chuyên nghiệp hơn và tin tưởng mạnh mẽ vào tương lai.
Tôi biết rằng những đổi mới trên đây không chỉ cần vài năm, mà đòi hỏi sự cố gắng qua vài thế hệ. Nhưng chúng ta có thể giúp tiến trình ấy diễn ra nhanh hơn nếu có quyết tâm. Chúng ta, các nhà khoa học và kỹ sư, phải cảm thấy trọng trách của mình là đóng vai trò chính yếu trong những đổi mới ấy. Đạo đức, sự nghiêm khắc học thuật, tinh thần đồng đội, và sự chuyên nghiệp là những phẩm chất không thể thiếu trong công việc của chúng ta. Cộng đồng chúng ta trong truyền thống luôn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử, ở mọi quốc gia, trong việc thúc đẩy tinh thần tiến bộ, hòa bình và khoa học phi biên giới”, GS Pierre Darriulat viết trong bài “Cần tin tưởng mạnh mẽ vào tương lai” trên Tạp chí Tia Sáng, số Xuân Bính Thân 2016.
Trong diễn từ của mình tại lễ trao giải Phan Châu Trinh, vị giáo sư người Pháp này cũng một lần nữa nhấn mạnh về trách nhiệm của học giới trong việc đào tạo nên những công dân, nhà khoa học trẻ có tài năng và ý thức để “chống lại sự trì trệ, quan liêu và bảo thủ, những người biết nổi giận khi chứng kiến những điều chướng tai gai mắt đi ngược với đạo đức xã hội”. Và: “Chúng ta cần phải đào tạo nên những công dân trẻ có trách nhiệm, những người có thể thay đổi những luật lệ điều hành xã hội khi thế giới quanh ta đòi hỏi, họ phải là những người không chỉ đơn giản áp dụng một cách mù quáng những quy tắc lỗi thời là nguyên nhân của sự xơ cứng và tê liệt của xã hội” (…) “Chúng ta cần phải trao cho họ cơ hội để thay đổi mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn, động viên họ chủ động đóng góp công sức của mình cho sự tiến bộ và phát triển của dân tộc. Tương lai của đất nước nằm trong tay họ, những bàn tay của thế hệ Đổi Mới. Họ đã không phải chịu đựng những cuộc chiến tranh, đói khổ, những nỗi đau, nỗi buồn, sự áp bức mà cha mẹ và ông bà họ đã phải chịu đựng. Họ được thừa hưởng từ ông bà cha mẹ độc lập và tự do. Mục tiêu của họ không còn là chiến thắng trong những cuộc chiến tranh mà là chiến thắng trong hòa bình. Sự nghiệp đó cũng cao quý như sự nghiệp mà các bậc cha mẹ và ông bà của họ đã từng chiến đấu. Điều đó vừa cao quý nhưng cũng đồng thời là thử thách. Chúng ta phải làm hết sức mình để ủng hộ và động viên họ thực hiện nhiệm vụ; trang bị cho họ những công cụ giúp họ vượt qua những khó khăn trở ngại trong tương lai”, GS Pierre Darriulat chia sẻ.
Sự truyền lửa đam mê tri thức, sự trao truyền tinh thần văn minh và đạo lý sống cho giới trẻ có thể nói là những gì mà những học giả chân chính luôn ưu tư. Có thể bắt gặp triết lý ấy xuyên suốt trong công việc của GS Nguyễn Nam Trân (giải thưởng Dịch thuật) trong vài chục năm trời đào sâu nghiên cứu, dịch thuật văn học Nhật Bản, để nói như ông, là chia sẻ hiểu biết không chỉ văn học mà còn văn hóa, tính cách của một dân tộc đề cao sự độc lập tự cường. Hay cũng có thể thấy điều đó trong thái độ nghiên cứu của GS Y khoa Nguyễn Ngọc Lanh gần đây đào sâu vào lĩnh vực lịch sử, xới tung những định kiến cũ để nhìn lại vai trò trí thức của tiền nhân trong những bối cảnh xã hội đầy phức tạp. Những bài nghiên cứu của GS Lanh trên trang nghiencuulichsu. com luôn là những câu chuyện ôn cố tri tân đầy giá trị, đặc biệt là cho những trí thức trẻ ưu tư về phát triển. Và từ kinh nghiệm của một người nước ngoài theo đuổi nghiên cứu Việt Nam học từ thập niên 1980, GS Peter Zinoman (giải Việt Nam học) cũng bày tỏ quan điểm về một thời chính ông bị những áp lực khá nặng nề từ bối cảnh xã hội và từ viễn kiến cá nhân của người đi trước và đồng thời cũng thừa hưởng tiếp nối các giá trị từ những học giả tiến bộ.
GS Peter Zinoman cũng kêu gọi: “Vì vậy, ngoài việc thực hiện nghiên cứu của riêng mình, tất cả các học giả về Việt Nam, cả trong và ngoài nước, đều có phận sự củng cố những tiến bộ của thế hệ trước bằng cách bảo đảm để tinh thần tự do, cởi mở và đa dạng sẽ tiếp tục được phát huy trong ngành”
Nhiều người cho rằng, đến với giải thưởng Phan Châu Trinh chỉ toàn thấy những mái đầu bạc. Nhưng ít ai bao dung nhận ra những mối ưu tư từ chính những học giả, những mái đầu bạc được vinh danh, đó là khát khao hướng tới sự kết nối và truyền trao những giá trị sống, giá trị học thuật cho thế hệ trẻ.
GS Trịnh Xuân Thuận hẳn không nhớ nổi tác giả của những quyển sách vật lý mà ông đã say sưa cách đây gần 60 năm, ở Sài Gòn, khi còn là một cậu bé, nhưng hẳn ông còn nhớ về sự hấp dẫn và khai mở tư duy của chúng, ông nhớ nguồn cảm hứng mà tri thức khơi gợi bắt nhịp cùng niềm đam mê hiểu biết mà nền giáo dục khai phóng lúc đó đã xây dựng trong đời sống của một đứa trẻ – một nền tảng tinh thần lấy hiếu tri và đạo đức làm cơ sở trong cuộc đời một con người.
Người trẻ hôm nay đang ra sao?