Người Việt, chất xám, đi về đâu?
Tôi ghé thăm gia đình người bạn. Sân nhà mới bữa nào còn hay ồn ĩ bọn trẻ, giờ nay im ắng. Hai vợ chồng mới đi làm về. Con cái đã gửi đi học và đi làm cho bằng hết ở xứ ngoài rồi, một ở Âu, một ở Mỹ.
Anh bạn lâu niên nhìn tôi, đôi mắt như muốn phân trần, nhưng đôi tay thì đã buông thõng câu trả lời rồi.
Nhìn vào rất nhiều gia đình bạn bè khác ở Hà Nội, điều tưởng như kì lạ này hóa đã thành quá quen thuộc. Các đôi vợ chồng còn đi làm, và con cái đã gửi đi học và/hoặc đi làm bằng hết ở xứ ngoài, đặc biệt là ở Âu-Mỹ. Thực tế này rất cứng đầu, thẳng thừng, coi thường những đống lý sự tổng cóc.
Anh bạn chợt chọc vui “nghĩ ngợi lo âu gì cho xứ sở à?”
Tôi đâu đã ở tầm quen nghĩ to. Tôi chỉ đang tự nhiên mải đắm nghĩ sang người Do Thái. Mang máng theo con số ước tính của “Jewish People Policy Planning Institute” năm 2007 thì có khoảng hơn 13 triệu người Do Thái trên toàn thế giới, trong đó 34% sống ở Israël, 38% sống ở Liên bang Mỹ, còn lại ở mọi nơi…
Tôi quay sang anh bạn.
– “Có gì mà lo. Nếu so với cấu trúc định cư của người Do Thái, thì với 90 triệu người Việt, nay mai chúng ta sẽ phải có chỉ vào tầm 30 hay 31 triệu người Việt còn sống ở… trong nước thôi, còn lại 34 triệu người Việt sẽ sống trên đất nước Mĩ, và 25 triệu người Việt sẽ sống ở những nơi khác trên khắp hành tinh.”
– “Thế ra anh còn lo to hơn thế nhỉ, lo làm sao di được dân Việt đến mức vĩ đại như thế à! Vào nhà đi.”
—
Vừa thưởng trà, chúng tôi vừa hàn huyên luyên thuyên đủ mọi chuyện.
Trong mỗi câu chuyện chẳng đâu vào đâu, vẫn hay có cái hạt nhân rất thực để mà ngẫm suy.
Dẫu mô hình dân số người Việt chả ăn nhằm gì với mô hình dân số của người Do Thái, nhưng mô hình dân số người Việt đã mang những thay đổi rất quan trọng.
Hàng triệu người Việt đã định cư ở khắp nơi trên thế giới. Nói đến người Việt, bây giờ không thể quên nói đến người Việt ở xứ ngoài, với những thành công nhất định về kinh tế, văn hóa, khoa học, cùng những liên kết rất đời thực cơm áo gạo tiền với gia đình, người thân ở trong nước.
Người Việt ở xứ ngoài là con em của mọi tầng lớp ở trong nước, kể cả con em thuộc các tầng lớp kinh doanh thành đạt trong lĩnh vực tư nhân, cũng như con em của các quan chức cao cấp, và cả cao cấp nhất, của bộ máy công quyền.
Trong số người Việt ở xứ ngoài, có nhiều người đã trở về, về hẳn, về hợp tác, hoặc “về nửa này nửa kia”. Điều này thúc đẩy một sự đa nguyên nhân sinh theo nghĩa rộng nhất.
Nó đã thúc đẩy sự tan băng của cái nhìn thù địch truyền thống về “yếu tố nước ngoài” trong nền tảng tinh thần cát cứ kiêu-ti Khổng giáo. Nó mở ra sự hợp lưu của mọi tầng hoạt động của con người, khoa học, giáo dục, công nghệ, buôn bán, văn hóa nghệ thuật, rộng hơn nữa, chính trị, pháp lý, xã hội công dân.
—
Nó động đến quyền lợi của các tầng lớp, kể cả tầng lớp cao cấp công quyền trong chuyện xử lý “yếu tố nước ngoài”. Các gia đình đã có thể có cấu trúc đa quốc tịch, rồi các công dân cũng đã có thể đa quốc tịch. Người mang nhiều quốc tịch có thể tham gia vào các hoạt động xã hội đã đành, họ có thể, và đã có trường hợp trở thành quan chức công quyền cao cấp. Và một ngày kia, yên tâm là sẽ còn rất xa, sẽ giống như ở Israel, họ sẽ có thể trở thành quan chức công quyền cấp cao nhất.
Câu chuyện như con thuyền, càng theo gió đi xa, anh bạn tôi có vẻ càng tự thấy nhẹ nhõm hẳn đi về chuyện con cái của mình.
Anh ngỏ lòng dẫu sao cũng là đáng tiếc về tình thế “chảy máu chất xám.”
Tôi thì lại hình dung mệnh đề này cũng không đơn giản.
Trước hết, phải có chất xám, rồi mới nói đến chuyện chất xám chảy đi đâu.
Chất xám có được phải nhờ được đào tạo tốt, được sử dụng tốt, bị chịu áp lực đòi hỏi sự cố gắng bền bỉ cao độ trong công việc. Chất xám không phải là thứ đem cất vào nhà kho đông lạnh để dự trữ được.
Thứ đến, việc chảy của chất xám nôm na ra thì cũng như nước chảy. Không phải là chất xám rủ rê nhau bỏ chỗ nào, chạy về đâu. Mà chính là các môi trường nếu được cải thiện để tạo ra thế năng thuận lợi, thì chất xám lúc nào cũng sẵn sàng tràn về. Không chỉ chất xám có nguồn gốc bản xứ, loại “mũi tẹt da vàng”, mà là chất xám phổ quát, của toàn thể loài người. Cho nên, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, câu chuyện về một cộng đồng muốn sẽ trở thành như thế nào, thiết kế việc ăn ở sinh sống ra sao.
—
Chị vợ đã kịp nướng xong mấy con mực, lại còn bày ra chai rượu quí.
– “Đây nhé, hãn hữu nhé, em rất ghét mấy ông rượu trà lắm lắm! Nhưng hôm nay chuyện thế này cũng làm em vơi được lòng mình, về cái chuyện con cái nhà mình phải khăn gói đi xa khỏi quê nhà, xa ông bà, bố mẹ.
Có chai rượu ngon, thứ thiệt đấy ạ, con bé đầu nó mang về nhà tháng trước đấy, mời các anh. Gớm, anh chồng em tự nhiên được lãi lây bữa rượu nhé !”