Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1: An toàn với công nghệ 3+
Được lựa chọn là nhà cung cấp công nghệ cho Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 của Việt Nam, ông S. A. Boyarkin - Giám đốc các Chương trình Đầu tư cơ bản của Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga (Rosatom) - khẳng định công nghệ do tập đoàn cung cấp cho Việt Nam là công nghệ an toàn hàng đầu hiện nay.
Thiết kế của nhà máy điện hạt nhân thế hệ 3+ là công nghệ nước áp lực (VVER), xét về mức độ an toàn hơn hẳn thiết kế thế hệ 2. Cụ thể, khu vực đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra sự cố cách nhà máy 800m nên các chất phóng xạ và chất thải phóng xạ được giữ, cô lập hoàn toàn trong phạm vi nhà máy. Các rào cản chất phóng xạ sẽ được sắp đặt kế tiếp như búp bê gỗ Matrioska của Nga, con to ở ngoài, con nhỏ ở trong. Tất cả những chất phóng xạ phát sinh đầu tiên, thanh nhiên liệu, bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng sẽ nằm trong con búp bê nhỏ nhất phía trong. Trường hợp con búp bê nhỏ nhất bị phá vỡ thì con búp bê bên ngoài sẽ đảm nhiệm chức năng bảo vệ.
Ngoài ra, các nhà máy điện hạt nhân do chúng tôi xây dựng đều có một loạt chương trình, hệ thống đảm bảo an toàn chủ động và thụ động. Hệ thống đảm bảo an toàn thụ động hoạt động không cần sự hỗ trợ của điện áp từ bên ngoài. Hệ thống này hoạt động theo nguyên lý tự nhiên như nguyên lý trọng lực hay trao đổi nhiệt tự nhiên, người vận hành không thể can thiệp, tắt hoặc mở các hệ thống. Khi nhiệt độ trong lò phản ứng đạt đến một mức độ nhất định thì các hệ thống đó khởi động.
Một ưu thế khác nữa là, trong các nhà máy điện hạt nhân đều xây dựng hệ thống cô lập chất nóng chảy, gọi là “bẫy nóng chảy”. Bẫy nóng chảy hoàn toàn không có trong thiết kế các nhà máy điện của Pháp hay Mỹ. Với sự lắp ráp và hoạt động của hệ thống cô lập nóng chảy, sự cố dù xảy ra với mức độ nào và biến đổi như thế nào thì chất nóng chảy cũng không thể vượt ra khỏi phạm vi của lò phản ứng phóng xạ. Cơ quan năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA) đã công nhận hệ thống cô lập nóng chảy là hệ thống an toàn nhất thế giới.
Rosatom đã áp dụng hệ thống này cho nhà máy điện hạt nhân nào, thưa ông?
Năm 2005, chúng tôi bắt đầu áp dụng hệ thống này tại nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc.Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã lắp ráp, thi công và đưa vào hoạt động tại nhiều nhà máy điện hạt nhân của Nga. Hai hệ thống cô lập nóng chảy được lắp ráp tại 2 tổ máy ở thành phố Leningrad và sẽ được khởi động vào năm 2014 – 2015. Chúng tôi cũng sẽ lắp 1 hệ thống như vậy tại nhà máy điện hạt nhân Baltic ở thành phố St Pstersburg, khởi động vào năm 2016 – 2017. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng bẫy nóng chảy tại 4 tổ máy của nhà máy điện hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau sự cố điện hạt nhân Fukushima, vấn đề an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân rất được dư luận quan tâm. Ngoài công nghệ, những công tác để đảm bảo an toàn cho dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam được triển khai ra sao?
Hiện tại, Rosatom đã hoàn thành hồ sơ đánh giá mức độ an toàn của địa điểm xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Các công việc về khảo sát địa điểm, báo cáo tiền khả thi trước khi xây dựng đều được tiến hành theo đúng lộ trình nhằm đảm bảo mọi điều kiện an toàn cho Nhà máy.
Đồng thời, hệ thống văn bản pháp quy nhằm đảm bảo an toàn trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam đã và đang được Cục An toàn bức xạ hạt nhân – Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam thiết lập với sự phối hợp chặt chẽ của phía Nga. Chính phủ Việt Nam và Nga cũng đang phối hợp xây dựng Trung tâm KHCN hạt nhân.
Về phần mình, Rosatom sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa và cải tiến những công nghệ cần thiết khác cho nhà máy. Sau khi hết chu kỳ hoạt động, các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng sẽ để lại tại Việt Nam trong 3 năm, sau đó chuyển về Nga xử lý hoặc tái chế tại các nhà máy chuyên sử dụng để thanh lý. Đó là sự hỗ trợ toàn diện của nước Nga trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.
Đề nghị ông cho biết cụ thể hơn về hợp tác Việt Nam và Nga trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực vận hành nhà máy?
Để xây dựng và vận hành Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, ở cả 2 tổ máy cần khoảng 1.500 người, trong đó có 300 công nhân, 700 kỹ sư, 300 người làm việc ở các đơn vị giám sát, các chuyên gia thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan.
Để hỗ trợ Việt Nam xây dựng lực lượng này, hiện nay, mỗi năm, Chính phủ Nga phối hợp đào tạo khoảng 100 sinh viên Việt Nam theo học các trường đại học chuyên ngành điện hạt nhân tại Nga, thuộc các lĩnh vực vận hành, xây dựng, giám sát…. Ngoài ra, các chuyên gia thuộc các Bộ, ngành, viện nghiên cứu của Việt Nam trong quá trình làm việc với các chuyên gia Nga cũng được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tại các trung tâm thực nghiệm, cùng chia sẻ kinh nghiệm về điện hạt nhân. Vì vậy, trong 10 năm tới, chắc chắn Việt Nam sẽ đào tạo được đủ nhân lực để vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Xin cảm ơn ông!