Nhà nước và nhà khoa học phải tin nhau
Có thể nói, GS. TSKH Trần Xuân Hoài không chỉ là một nhà khoa học tài năng mà còn là người luôn đi “tiên phong” trong đổi mới quản lý khoa học. Với Tia Sáng, ông là một “cây bút” có nhiều bài về khoa học, giáo dục và văn hoá được độc giả quan tâm. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Tia Sáng, GS. TSKH Trần Xuân Hoài đã trao đổi với Tia Sáng về mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm của một tổ chức KH&CN công lập mà ông và một số nhà khoa học của Viện Vật lý ứng dụng đề xuất và thực hiện cách đây gần 30 năm.
Xin ông cho biết vì sao ngày đó ông và các cộng sự lại có ý tưởng xây dựng một tổ chức KH&CN hoạt động theo một cơ chế chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam?
Câu chuyện tự chủ, tự chịu trách nhiệm xuất phát từ thực tế nghiên cứu tại Viện Vật lý, nơi tôi công tác và lúc đó được giao trọng trách là Viện Phó thường trực, đồng thời cũng là Trưởng phòng thí nghiệm (PTN) Vật lý chất rắn, một PTN mạnh nhất lúc bấy giờ. Khi đó, Viện trưởng của Viện là GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu.
Vật lý là một ngành gắn liền với kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Nhưng vào thời điểm đó, trình độ sản xuất công nghiệp của đất nước ta lại ở mức thấp so với thế giới, vì vậy nhiều kết quả nghiên cứu của Viện chưa có điều kiện phát huy hết ưu điểm. Cũng một phần vì lý do này mà Việt Nam không có được những sản phẩm hàng hóa có hàm lượng khoa học cao phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần vào nâng cao đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Là người làm khoa học thực nghiệm, tiêu tốn khá nhiều tiền của nhà nước, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều khi thấy những kết quả nghiên cứu của mình chưa được ứng dụng vào thực tiễn chứ không muốn chỉ làm theo kiểu báo cáo suông.
Cái khó lớn nhất trong đời làm khoa học của tôi, cũng như của Viện tôi là làm sao thoát được sự đàn áp, trù đập, gây khó khăn cho tập thể chỉ vì lòng đố kỵ nhỏ hẹp của một số lãnh đạo khoa học giáo điều, chưa thoát khỏi ám ảnh quyền lực. Mà bạn biết đấy, khoa học là tự do, là dân chủ, là bình đẳng, là tôn trọng mọi khác biệt, rất xa lạ và dị ứng với áp chế quyền lực. |
Hơn nữa, không chỉ riêng Viện Vật lý, môi trường quản lý khoa học của ta lúc bấy giờ tồn tại một số vấn đề mà theo tôi, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nghiên cứu. Đó là cung cách quản lý khoa học kiểu hành chính áp đặt cá nhân từ trên xuống bằng những mệnh lệnh duy ý chí, như mô hình Luxenco-Mitsurin ở Liên Xô mà chúng tôi thường gọi là “vua trong khoa học”, là cách “làm khoa học vì lãnh đạo cấp trên”, như cách một số vị khoa học nổi tiếng thời bấy giờ đã làm và khuyên mọi người theo. Chúng tôi cho rằng, muốn làm được khoa học tốt thì nhà nghiên cứu phải được tự do trong tư duy, phải được làm việc trong bầu không khí dân chủ.
Vậy ông đã có những kiến nghị gì với lãnh đạo Viện về cách quản lý khoa học?
Khi một số Ủy viên Bộ Chính trị đến Viện Khoa học Việt Nam (KHVN) làm việc, họ đã gặp và yêu cầu tôi phát biểu. Tôi đã thẳng thắn nói rằng, trong khoa học chỉ có quan hệ thầy trò, đồng nghiệp, không có khái niệm thứ bậc hành chính cấp trên, cấp dưới. Cũng như nhiều anh em khác trong Viện, tôi sang Âu, Mỹ làm việc từ khá sớm nên có được cơ hội tìm hiểu và học tập nhiều điều bổ ích. Vì vậy trong những cuộc họp nội bộ của lãnh đạo Viện, tôi đã nhiều lần phát biểu, những quy định về tổ chức hoạt động nghiên cứu của Viện cần “buộc” người lãnh đạo, phải tạo điều kiện cho cán bộ cấp dưới làm tốt hơn chứ không phải để “trói buộc” cấp dưới. Cần phải tạo ra một đột phá trong quản lý và nghiên cứu khoa học, nếu chúng ta thực sự muốn có một môi trường thuận lợi cho nghiên cứu khoa học ở trình độ cao, đạt hiệu quả, tiết kiệm nhất và thật sự có ích cho xã hội.
Chính vì lẽ đó mà vào năm 1987, 1988, tôi và một nhóm các đồng nghiệp thuộc PTN Vật lý chất rắn của Viện đã cùng nhau bàn bạc về việc thành lập một trung tâm nghiên cứu ứng dụng vật lý để chế tạo các vật liệu, linh kiện và thiết bị khoa học (gọi tắt là Trung tâm vật lý ứng dụng), hoạt động một cách “đàng hoàng” theo quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (khi đó chúng tôi gọi là “tự quản, tự chịu trách nhiệm”). Mục tiêu của Trung tâm là phải nghiên cứu ra những kết quả có thể dùng được trong sản xuất và đời sống xã hội và tìm mọi cách để chuyển giao cho các xí nghiệp, nhà máy chứ không phải là ứng dụng nửa vời như cung cách bấy lâu chúng ta vẫn quen làm. Nếu không thành công, chúng tôi sẽ kiên quyết tự giải thể. Đây là một ý định có phần bất bình thường, bởi chưa từng có một đơn vị, một tổ chức nào của khoa học Việt Nam thời điểm đó lại “dại dột” tự đặt mình vào thế bấp bênh trong khi có thể yên tâm ngồi nghiên cứu và hưởng tiền nhà nước đều đều.
Vậy ông đã xây dựng trung tâm đó theo mô hình nào để đạt được mục tiêu như vậy?
Theo kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia tiên tiến, việc sáng tạo trong nghiên cứu thường được giao cho những tập thể nhỏ của các nhà khoa học nhiều thế hệ, tập hợp nhau theo một định hướng khoa học xác định, tự quản, tự chịu trách nhiệm, và điều hành theo phương thức đơn giản, linh hoạt.
Vì vậy trong tờ trình đầu tiên gửi lãnh đạo Viện KHVN với lãnh đạo Viện Vật lý, tôi và một số anh em tâm huyết nói rõ là: “Chúng tôi nhận thấy cần thiết phải xây dựng ngay tại Viện Vật lý một cơ sở khoa học – sản xuất làm nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng triển khai, đưa vào sản xuất một số những thành tựu của vật lý ứng dụng hiện đại trên thế giới và ở nước ta, chủ yếu tại Viện Vật lý. Do vậy nó cần được xây dựng theo một mô hình lấy mục tiêu kinh tế – sản xuất là chính. Nó phải có cơ sở vật chất kỹ thuật để đảm bảo sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm cao cấp về vật liệu linh kiện và thiết bị, và đủ khả năng làm hạt nhân công nghệ trong liên kết với các cơ sở trong nước và liên doanh với nước ngoài. Cần phải lựa chọn hình thức tổ chức của trung tâm này đảm bảo đủ tư cách pháp nhân trong giao dịch nhưng không làm ảnh hưởng đến chức năng nghiên cứu khoa học của Viện Vật lý nói chung”. Trong điều kiện kinh tế hiện thời của Việt Nam, trung tâm nên bắt đầu từ hình thức nhỏ nhất là trực thuộc hoặc phối thuộc, như vậy sẽ đảm bảo tận dụng được ưu thế truyền thống của Viện Vật lý, sử dụng một cách hợp lý nguồn nhân lực và hai mảng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và phát triển có thể tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau.
Để khái niệm tự chủ, tự chịu trách nhiệm tồn tại đúng bản chất của nó, nhà quản lý cần tạo ra một môi trường hoạt động nghiên cứu minh bạch và rõ ràng, cởi mở và dân chủ, có chế độ đãi ngộ tốt cho anh em nghiên cứu và tránh hiện tượng “xin cho”. |
Chúng tôi đề nghị, trung tâm cần bao gồm xưởng sản xuất, phòng nghiên cứu phát triển, phòng đo lường và kiểm tra, phòng thiết kế và công nghệ…. Về nguyên tắc hoạt động, trung tâm chủ trương cố gắng lấy thu bù chi. Vốn hoạt động được lấy từ bốn nguồn chính là vốn đóng góp của cơ quan quản lý sản xuất và khoa học nhà nước trong và ngoài Viện Khoa học Việt Nam, vốn vay ngân hàng, vốn đầu tư cơ bản của nhà nước trả dần theo nộp khấu hao cơ bản và vốn vay hay tài trợ của nước ngoài. Về nhân lực, Trung tâm sẽ áp dụng cơ chế tuyển chọn hoặc mời cộng tác viên. Nếu hoạt động không hiệu quả kinh tế hoặc sau ba năm không có yêu cầu phát triển thành đơn vị độc lập, trung tâm sẽ tự giải thể.
Tôi được nghe một số cán bộ khoa học cùng thời với ông kể lại việc ông đề xuất mô hình tự quản, tự chịu trách nhiệm đã bị một số lãnh đạo Viện bác bỏ, bản thân ông bị gây khó dễ…
Đúng như vậy. Một số lãnh đạo cao cấp đã chỉ không chấp thuận mà còn cho rằng tôi có những ý nghĩ “ngược dòng” nên đưa đối tượng (tức là tôi) ra “đấu tố”, quy chụp một số tội danh. Lãnh đạo Viện Vật Lý cũng như của Viện KHVN lúc bấy giờ đã hành động quyết liệt đến mức tiến hành giải thể, sáp nhập phòng thí nghiệm, cử trưởng PTN mới để loại bỏ đối tượng (tức là tôi đấy, vì tôi đứng đầu PTN), nhân lúc tôi đang đi nước ngoài!
Tuy nhiên chúng tôi không nản lòng, bởi ngoài một số anh em làm công tác nghiên cứu, còn có một số lãnh đạo khác của Viện Khoa học Việt Nam cũng đồng tình với ý định của chúng tôi, dù không dám công khai. Đặc biệt, lúc tôi đang ở nước ngoài, hơn chục cán bộ khoa học trẻ của PTN đã ký tên vào một văn bản để ủng hộ những ý kiến đề xuất và bảo vệ trưởng phòng thí nghiệm của mình trước những quyết định có tính trù dập. Bước đường cùng, khi về nước, một lần nữa, vào tháng 2/1989, chúng tôi viết tờ trình gửi lãnh đạo Viện KHVN, trong đó nêu rõ “đề nghị tách PTN Vật lý chất rắn thành một PTN độc lập trên nguyên tắc tự quản tự chịu trách nhiệm…”. Tổ chức này tách khỏi Viện Vật lý và trực thuộc Viện KHVN, “trong điều kiện hiện nay, để nó được phát triển độc lập, không nên đặt nó dưới một sự quản lý hành chính của một đơn vị nào đã có sẵn”. Để tránh lặp lại việc làm khoa học theo kiểu hành chính, chúng tôi cũng đề xuất, người quản lý PTN chịu trách nhiệm điều hành trực tiếp, không hưởng lương chức vụ mà chỉ có trợ cấp trách nhiệm. Đồng thời tôi cũng xin từ chức, rút ra khỏi ban lãnh đạo Viện (nhưng không bỏ PTN). Sau nhiều lần thuyết phục không được, mấy anh chị em khoa học chúng tôi phải kéo nhau “đột nhập” vào cuộc họp liên tịch lãnh đạo Viện KHVN và Đảng ủy Viện KHVN (mà chúng tôi không được mời) để trình bày chính kiến của chúng tôi, yêu cầu sự trả lời rõ ràng của các cấp lãnh đạo. Cuối cùng dưới sức ép của tập thể, người lãnh đạo Viện KHVN đã phải miễn cưỡng chấp thuận với đề xuất của chúng tôi. Trên cơ sở đó, Trung tâm vật lý ứng dụng, tiền thân của Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học, ra đời vào 8/3/1989.
Trong bối cảnh như vậy, hẳn việc vận hành mô hình mới của ông gặp nhiều khó khăn?
Việc vận hành về chuyên môn một mô hình tổ chức hoàn toàn mới với Việt Nam không gặp quá nhiều khó khăn như mọi người tưởng. Với phương thức điều hành đơn giản và linh hoạt, chúng tôi đã đảm bảo được định hướng phát triển theo cả hai hướng quan trọng là phát triển nghiên cứu cơ bản và ứng dụng các kết quả nghiên cứu với những địa chỉ cụ thể. Vào những năm 1990, dù với tay trắng và bị gây khó dễ, chúng tôi vẫn có nhiều công bố quốc tế đáng chú ý về năng lượng tái tạo, về quang điện hóa, kỹ thuật nano ôxít titan (TiO2) quang xúc tác…và nhiều công trình khác, qua đó, được mời tham gia nhiều hội nghị quốc tế và có điều kiện cập nhật nhiều thông tin công nghệ hiện đại, mở rộng liên kết hợp tác với các tổ chức nghiên cứu nước ngoài. Và số tiền tài trợ quốc tế nhờ đó cũng khá lớn. Xin nói thêm, những định hướng khoa học mà chúng tôi làm thời đó nay đang là “mốt” của rất nhiều cơ sở nghiên cứu hiện nay, họ nhờ đó đã “câu” được khá nhiều tiền của nhà nước.
Về việc tìm địa chỉ ứng dụng, với những uy tín nghiên cứu và mối quan hệ sẵn có, chúng tôi đã lần lượt đưa các kết quả nghiên cứu “chào hàng” ở nhiều nhà máy, xí nghiệp lớn, đó đều là những sản phẩm công nghệ như kính hiển vi quét đầu dò (SPM), màng Ti02 quang xúc tác, vật liệu từ Ferrit… chất lượng cao nhưng giá thành rẻ vì làm từ nguyên vật liệu trong nước. Có thời vật liệu từ Ferrit của Viện chúng tôi chiếm lĩnh phần lớn thị trường Việt Nam, có nhiều ứng dụng trong sản xuất như làm nam châm trong đồng hồ đo điện của nhà máy Điện cơ Hà Nội, loa và các dụng cụ dạy học, rơ le sản xuất nồi cơm điện … Có thời chúng tôi phối hợp với các cơ sở sản xuất đúc hàng trăm tấn bi hợp kim cứng nghiền xi măng chất lượng cao cho nhà máy Xi măng Bỉm Sơn khi bị Liên Xô cắt nguồn cung cấp (vì sụp đổ). Chúng tôi cũng nghiên cứu chế tạo khá nhiều thiết bị khoa học cao cấp theo đơn đặt hàng chuyên biệt, việc này cũng đem lại doanh thu tốt… Tìm được đầu ra cho các sản phẩm nghiên cứu, chúng tôi đã đạt được mục tiêu đề ra khi thành lập trung tâm là không ứng dụng nửa vời và chứng minh cho xã hội thấy mình không phải là người làm khoa học viển vông. Và dĩ nhiên, chúng tôi có thể tạm sống khiêm tốn bằng chính trí lực của mình. Vì vậy, Trung tâm Vật lý ứng dụng không những không phải giải thể mà còn tạo được nền móng vững chắc để sau này chuyển đổi thành Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Chúng tôi đúc rút ra một điều: Làm ra đồng tiền để sống không dễ nhưng không phải không làm được, miễn là anh có thực nghề trong tay, có công nghệ, có tri thức, uy tín cộng với đam mê thì sẽ làm nên được thương hiệu, qua đó có thể thương mại hóa sản phẩm một cách đàng hoàng.
Qua việc hình thành và vận hành mô hình Trung tâm Vật lý ứng dụng theo mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong những năm 1990, ông rút ra được bài học kinh nghiệm gì về quản lý và nghiên cứu khoa học?
Tôi cũng từng phải kinh doanh khá thành công để nuôi sống cho PTN, và thấm thía rằng một đồng tiền làm ra từ kết quả khoa học khó hơn, quý hơn vạn lần đồng tiền làm ra bằng kinh doanh nước bọt, dù biết rằng tiền nào cũng là tiền. Nhìn xa hơn, dưới góc độ quản lý, để phá vỡ thế trì trệ trong nghiên cứu, cần phải thay đổi cơ chế mới có thể khuyến khích việc “làm thật, hưởng thật”, một nguyên tắc đơn giản có thể áp dụng trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội. Chúng tôi quan niệm rằng, nhà nước cần phải đầu tư lớn cho khoa học, nhưng phải là đầu tư có trách nhiệm và ngược lại, nhà khoa học – nhà quản lý, những đối tượng được thụ hưởng sự đầu tư này, cũng phải giữ tinh thần chi tiêu có trách nhiệm. Khái niệm tự chủ, tự chịu trách nhiệm nghĩa là sử dụng đồng tiền đầu tư của nhà nước một cách có trách nhiệm, mà muốn sử dụng đồng tiền có trách nhiệm thì nhà quản lý cũng nên tạo điều kiện cho anh em nghiên cứu được tự chủ làm nghiên cứu và quyết định làm thế nào để kết quả nghiên cứu được sử dụng. Một giáo sư người Đức, làm cố vấn cho cơ quan quản lý Việt Nam nhiều năm, đã nói thầm với tôi: “Tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan khoa học là điều tất nhiên, nước Đức và cả thế giới văn minh đã làm từ lâu, sao Việt Nam lại rộ lên chuyện này như một phát minh vậy!”
Sau mấy chục năm gắn bó tận tụy với nghề khoa học, ông trăn trở điều gì nhất?
Nghĩ lại thì thấy mình đã làm hết sức có thể, sẵn sàng từ bỏ địa vị và danh vọng cho niềm tin của mình. Ngay khi đương chức, tương lai rộng mở, mình đã không ngần ngại nói lên và trực tiếp thực hiện những ý kiến “không hợp thời” của mình. Như Einstein đã nói “một tiếng nói đơn lẻ luôn luôn chìm trong tiếng ồn ào của số đông” nhưng tôi vẫn hành động dù đơn lẻ. Hệ lụy, mất mát đối với tôi là không nhỏ, nhưng cuối cùng thì chúng tôi vẫn còn sống, còn may mắn hơn so với nhiều đồng nghiệp tài năng khác đã bị vùi dập. Chúng tôi được nhìn thấy một phần những gì mình cố gắng làm, dù bị cho là ngược đời, thì nay đã được những người hiểu biết nhìn nhận là việc nên làm, muộn còn hơn không! Cái đáng tiếc là đã phải dành phần lớn tài năng, sức lực và thời gian sáng tạo để đấu tranh cho sự sinh tồn của mình và tập thể, cũng là cho khoa học chân chính (hay là niềm tin ngây thơ) chống lại những hành xử của một số “học phiệt” quản lý khoa học bằng quyền lực phi lý. Tôi chỉ mong sao cho lớp trẻ ngày nay không phải chịu đựng như vậy nữa, để có thể dành thời gian và trí tuệ cho đam mê sáng tạo khoa học.
Xin cảm ơn ông !
Những yếu tố mấu chốt để phát huy hiệu quả cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm
Trong những năm gần đây, khái niệm tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã được đưa vào đời sống khoa học Việt Nam một cách bài bản thông qua việc thể chế hóa bằng nghị định, văn bản chính sách. Thông qua thực tiễn, tôi thấy rằng, để phát huy hiệu quả cơ chế này, trước hết cần người lãnh đạo phải là người có tài, có bản lĩnh chịu trách nhiệm, đem lại mái nhà chung cho các nhà nghiên cứu (có tài) yên tâm làm việc. Khi đó, người cán bộ nghiên cứu có tài không phải sống nhờ hay trông chờ vào “sự cưu mang” của lãnh đạo tổ chức mà ngược lại, góp phần xây dựng tổ chức bằng công sức lao động trí óc của mình. Mặt khác, cần phải có sự nỗ lực từ hai phía: cơ quan quản lý nhà nước và nhà khoa học. Từ phía nhà nước, cần phát hiện ra những tổ chức xứng đáng đầu tư và trao quyền tự chủ về cả tổ chức nhân sự, định hướng nghiên cứu lẫn sử dụng kinh phí, tránh chuyện can thiệp quá sâu vào công tác nghiên cứu. Những tổ chức đó phải là tập hợp những người có tài, những người biết làm thật, nếu không tuyển được họ, tức là không có người làm được việc, thì không thể tự chủ, mà đã không tự chủ được thì không thể chịu trách nhiệm được. Về phía nhà khoa học, đó phải là những người đam mê khoa học, trung thực và có tinh thần cầu tiến. Hai nhà, nhà nước và nhà khoa học, đều phải có niềm tin lẫn nhau, đây chính là gốc rễ của tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm. |
Thanh Nhàn thực hiện