Nhân lực cho giấc mơ điện hạt nhân
Giữa vô vàn công việc cần phải làm khi Việt Nam nối mạch phát triển điện hạt nhân trở lại, việc đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân Quốc gia được coi là một trong những yếu tố quyết định sự thành công.
Hai năm trước, vào trung tuần tháng 11/2022, đoàn công tác của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) đã tới Jordan theo một lịch trình do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) gợi ý. Ở đây, đoàn có cơ hội thị sát các cơ sở nghiên cứu, sản xuất đồng vị phóng xạ của ngành hạt nhân quốc gia này và làm việc với con người huyền thoại ở Trung Đông, TS. Khaled Toukan, một trong 10 nhân vật nổi bật thế giới của tạp chí Nature năm 2017. Trong cương vị Chủ tịch Viện Năng lượng nguyên tử Jordan, ông đã vạch ra một lộ trình mà như nhận xét của TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM, khiến “Jordan đang phát triển, hầu như đã đạt tới tầm quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”.
Tại các buổi làm việc với VINATOM, TS. Khaled Toukan đã chia sẻ một cách cởi mở về những bí quyết thành công cùng bài học kinh nghiệm của Jordan, trong đó không thể quên một yếu tố cốt lõi “Ngành hạt nhân có hai đặc điểm quan trọng, đó là phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực và trọng dụng họ, và xây dựng năng lực nội tại. Vì đối với một đất nước, ngành hạt nhân không thể là ‘hộp đen’, chỉ khi có năng lực nội tại thì mới đảm bảo được an toàn và xử lý được các vấn đề phát sinh”.
Dẫu Jordan mới đang trên con đường phát triển điện hạt nhân (go nuclear) nhưng những lời trao đổi chân thành mà không kém phần sâu sắc của TS. Toukan cũng có thể đúng với bất cứ quốc gia mới phát triển năng lượng hạt nhân nào (emerging nuclear energy countries), trong đó có Việt Nam.
Vậy Việt Nam sẽ phải làm những gì để có được nguồn nhân lực đó?
Đội ngũ chuyên gia R&D chính là nòng cốt an toàn hạt nhân của mọi quốc gia có nhà máy điện hạt nhân.
Điện hạt nhân cần ai?
Thông thường, mỗi khi nhắc đến điện hạt nhân hay nhà máy điện hạt nhân, phản ứng của mọi người đều là nỗi quan ngại về tính an toàn và những sự cố có thể đến. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một chuyên gia về công nghệ hạt nhân, TS. Lê Văn Hồng (VINATOM), có ba yếu tố cơ bản liên quan đến tính an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, đó là công nghệ lò phản ứng, khuôn khổ pháp lý và nguồn nhân lực. Trong ba yếu tố này, công nghệ lò phản ứng, điều khiến mọi người lo ngại nhất lại là yếu tố mà các nhà chuyên môn an tâm hơn cả, bởi đó đều là những công nghệ đã trưởng thành và được kiểm chứng sau 50-70 năm. “Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trực tiếp trong các nhà máy điện hạt nhân được đánh giá là khâu then chốt, cốt lõi cho tính an toàn”, ông nói.
Nguồn nhân lực tham gia vào một lĩnh vực đòi hỏi phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt và cần nhiều thời gian đào tạo như ngành hạt nhân sẽ có vai trò quan trọng trong sự thành công của các dự án điện hạt nhân, theo tài liệu hướng dẫn của IAEA. Trong một cuộc trao đổi vào năm 2015, TS. Trần Chí Thành đã phác thảo một bức tranh rộng lớn hơn về ngành hạt nhân và nguồn nhân lực: Tại các quốc gia phát triển về điện hạt nhân trên thế giới, ngành hạt nhân có ba cấu phần chính, bao gồm các công ty điện lực vận hành các nhà máy điện hạt nhân (Utilities); cơ quan pháp quy hạt nhân có nhiệm vụ đưa ra hệ thống pháp quy, quy định, yêu cầu ràng buộc về an toàn đối với các công ty này để đảm bảo an toàn cho con người và môi trường; các cơ quan nghiên cứu triển khai (R&D) và hỗ trợ kỹ thuật (Technical Support Organizations – TSO) cho điện hạt nhân. “Với các quốc gia này, có thể đội ngũ R&D cho điện hạt nhân và hỗ trợ kỹ thuật có sự tách biệt nhưng ở quốc gia mới bắt đầu như Việt Nam, do lĩnh vực này vẫn chưa được hình thành rõ rệt nên có thể coi cả hai cùng thuộc một bộ phận chung”, ông nói.
Tuy nhiên, đội ngũ vận hành nhà máy điện hạt nhân và đội ngũ R&D điện hạt nhân lại khá tách bạch. Theo phân tích của TS. Trần Chí Thành, đội ngũ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia ngành hạt nhân là những người hiểu rõ về công nghệ, hệ thống trang thiết bị, chức năng, cũng như nắm rõ các quá trình vật lý xảy ra trong các hệ thống và thiết bị nhà máy điện hạt nhân, sự ảnh hưởng, tương tác giữa các hệ thống, thiết bị (giống như những người vận hành của Utilities). “Họ đủ năng lực đánh giá được an toàn cho nhà máy điện hạt nhân, dự báo được những gì có thể xảy ra, ở mức độ nào; và nếu xảy ra thì [tình thế] sẽ ra sao, những cách nào có thể hạn chế được các vấn đề trục trặc xảy ra; cách nào có thể giúp phòng chống sự cố, hay giảm thiểu hậu quả của sự cố nếu xảy ra, mặc dù xác suất vô cùng thấp”, ông nói. Thông qua nghiên cứu, đội ngũ R&D phải ngày càng hiểu rõ và nắm sâu hơn về công nghệ, về các vấn đề an toàn, tiến tới hỗ trợ công tác vận hành ở các nhà máy điện hạt nhân đạt tính hiệu quả và kinh tế.
Đội ngũ chuyên gia R&D chính là nòng cốt an toàn hạt nhân của mọi quốc gia có nhà máy điện hạt nhân. “Những người như vậy cần được đào tạo trong một quãng thời gian rất dài, từ 10 đến 15 năm, thậm chí là 20 năm, để giải quyết được những vấn đề phức tạp, góp phần bảo đảm tính an toàn cho hoạt động của nhà máy điện hạt nhân như tìm hiểu khả năng tiềm ẩn sự cố tại các nhà máy điện hạt nhân, tính toán xác suất sự cố có thể xảy ra, xác định quy trình ứng phó sự cố, đánh giá mức độ hậu quả, giảm thiểu các hậu quả, tìm phương án bảo vệ nếu có rò rỉ phóng xạ…”, TS. Lê Văn Hồng lưu ý về vai trò không thể thiếu của những nhà nghiên cứu trong một lộ trình phát triển điện hạt nhân lâu dài và bền vững. Đó cũng là lý do mà TS. Trần Chí Thành cho biết “Dựa trên kết quả đánh giá và phân tích của họ, các công ty điện lực có thể củng cố vấn đề an toàn cho nhà máy hoặc ra quyết định tạm dừng vận hành, đóng cửa nhà máy”.
Trong khi đó, đội ngũ vận hành nhà máy điện hạt nhân, tuy cũng cần có những kiến thức và kỹ năng nêu trên nhưng ở mức độ và yêu cầu khác. “Những người làm công tác vận hành hiểu rõ nhiệm vụ, thao tác, quy trình… để vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân, còn những người đảm trách việc nghiên cứu, chuyên gia là những người am hiểu bản chất các hiện tượng, quá trình, những gì xảy ra ngoài (phía sau, xa hơn) việc vận hành bình thường, bao gồm cả thay đổi, hay sự cố có thể xảy ra và cả dự đoán, biện pháp bảo vệ hay phòng ngừa, giảm thiểu ảnh hưởng sự cố”, TS. Trần Chí Thành giải thích với tầm nhìn của một chuyên gia an toàn hạt nhân nhiều năm làm việc tại Thụy Điển.
Sự bổ sung cho nhau của hai nhóm nhân lực trên chính là một phần trong nguyên lý “bảo vệ theo chiều sâu” (Defence in Depth) nhằm đảm bảo sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân khi đi vào vận hành.
Để đảm trách được dự án tầm cỡ thế kỷ (vòng đời một nhà máy điện hạt nhân vào khoảng 60 năm và có thể mở rộng tới hơn 80 năm). “Chúng ta cần thiết lập được một kế hoạch toàn diện và dài hạn cho nguồn nhân lực”, TS. Trần Chí Thành nói.
Nguồn nhân lực ở đâu?
Ở thời điểm hiện tại, nguồn nhân lực hạt nhân là một thách thức lớn với Việt Nam. Ít ai biết rằng hiếm lĩnh vực nào ở Việt Nam lại khát nhân lực như ngành năng lượng nguyên tử. Quyết định dừng chương trình điện hạt nhân vào tháng 11/2016 – trong đó có dừng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sau khi đã khảo sát, chọn địa điểm và chọn công nghệ – đã đặt một dấu chấm lửng cho sự phát triển của ngành. “Chúng tôi cảm thấy rõ là sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng chung cũng như giới quản lý với ngành năng lượng nguyên tử có phần giảm đi từ năm 2016, khi chúng ta tạm dừng chương trình phát triển điện hạt nhân. Có thể là mọi người cho rằng làm vật lý hạt nhân, ứng dụng năng lượng nguyên tử là làm điện hạt nhân nên không đầu tư nữa”, giáo sư Đào Tiến Khoa đã từng đau xót phát biểu như vậy trong cuộc họp tổng kết năm 2021 của VINATOM.
Nhận xét của giáo sư Đào Tiến Khoa không hề nặng về cảm tính. Ngay cả những người làm trong ngành năng lượng cũng tự tránh né điện hạt nhân. “Từ đó đến nay, ở EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), cụm từ ‘điện hạt nhân’ gần như là cấm kỵ, không ai còn dám nhắc đến nữa. Và chỉ cho đến năm nay, khi tình hình thế giới thay đổi, điện hạt nhân được phục hưng ở nhiều quốc gia thì bỗng nhiên, điện hạt nhân được dè dặt nhắc lại như một giải pháp” – chia sẻ của một học viên trong khóa đào tạo công nghệ nhà máy điện hạt nhân Việt Nam – Nhật Bản năm 2023, do VINATOM, ĐH Bách khoa HN và Công ty Phát triển Năng lượng hạt nhân Quốc tế Nhật Bản (JINED) tổ chức hằng năm.
Đúng là quyết định năm 2016 đã làm đột ngột thay đổi cái nhìn về điện hạt nhân ở mọi nơi, mọi cấp mọi ngành, và hệ quả của nó là kể từ mốc thời gian đó, không có một chương trình phát triển nguồn nhân lực lớn nào của ngành hạt nhân được phê duyệt và không dự án nghiên cứu lớn nào được thông qua, bất chấp một sự thật hiển nhiên là việc triển khai những chương trình như vậy sẽ đem lại nhiều lợi ích phát triển cho nhiều ngành, và hơn nữa là xã hội. “Ở giai đoạn 5-7 năm vừa qua, Việt Nam không triển khai bất kỳ chương trình đào tạo nhân lực nào cho ngành hạt nhân theo chương trình Nhà nước”, TS. Trần Chí Thành nêu trong lễ tổng kết hoạt động của Viện năm 2022. Ngay trong báo cáo tổng kết năm 2022 của VINATOM cũng ghi nhận thực trạng “Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam không có kinh phí đào tạo nguồn nhân lực cho ngành năng lượng nguyên tử, trong khi số cán bộ chuyên gia giỏi ngày càng ít hơn do nhiều người trong số họ đến độ tuổi nghỉ hưu và các học sinh khá giỏi theo học ngành hạt nhân lại vô cùng hiếm hoi. Điều này dẫn đến tình trạng đội ngũ chuyên gia giỏi của ngành hạt nhân đang giảm đi nhanh chóng”.
Cũng phải nói rằng, trong giai đoạn bắt đầu triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Việt Nam đã kết hợp với năm trường đại học ở trong nước mở các khóa đào tạo về vật lý hạt nhân, công nghệ hạt nhân đồng thời gửi đi đào tạo ở Nga và Nhật Bản khoảng gần 500 người. “Nguồn nhân lực trước khi dừng chương trình điện hạt nhân gồm có 130 người ở EVN (thuộc nhóm Utilities), hơn 410 sinh viên đào tạo ở Nga, 27 sinh viên ở Nhật Bản, 90 người làm pháp quy ở Cục An toàn và Bức xạ hạt nhân (VARAN), 30 người làm quản lý ở Cục NLNT và 800 người thuộc nhóm R&D, TSO của VINATOM cùng một số rất ít cố vấn”, TS. Trần Chí Thành nhìn lại nguồn nhân lực của Việt Nam trong “Diễn đàn năng lượng hạt nhân Việt – Nhật lần thứ 14: Vai trò của điện hạt nhân trong biến đổi khí hậu và tính kinh tế của điện hạt nhân”, diễn ra vào ngày 3 và 4/12/2024 (sau khi Việt Nam tạm dừng chương trình điện hạt nhân, các tổ chức năng lượng Nhật Bản vẫn tiếp tục cùng VINATOM duy trì diễn đàn học thuật này, song song với khóa học về công nghệ nhà máy điện hạt nhân).
Sự bẻ lái chính sách hạt nhân một cách đột ngột trong khi lại thiếu vắng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển chính đáng của một ngành có nhiều tiềm năng đóng góp cho đất nước sau năm 2016 cũng ảnh hưởng nặng nề đến nguồn nhân lực này, đặc biệt với các kỹ sư công nghệ hạt nhân mà lứa đầu tiên gồm 28 người tốt nghiệp chương trình học sáu năm tại Đại học Hạt nhân Quốc gia Nga (MIFI) vào năm 2017. Khi hoàn tất quá trình đào tạo ở Nga, một số đã tham gia các dự án hạt nhân của Nga, một số đã về nước, làm việc tại EVN và các công ty điện lực khác, ví dụ như nhà máy nhiệt điện, dẫu công việc ở đó không thực sự phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Theo tổng kết của VINATOM, trong vòng sáu năm, chỉ chưa đến 20 người trong nhóm 500 người quyết định làm việc tại viện để thực hiện một cam kết theo đuổi đúng nghề.
Con người có cái nhìn thấu suốt như giáo sư Pierre Darriulat cảm thấy tiếc nuối cho nguồn lực bị hoài phí trong một bài viết trên Tia Sáng vào tháng 11/2023 “Khi cử thanh niên Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài ở những lĩnh vực mà đất nước không có cơ hội đào tạo phù hợp, cần giữ liên lạc chặt chẽ với họ trong thời gian họ ở nước ngoài, tạo cho họ những vị trí việc làm hấp dẫn khi trở về và phát triển cơ sở hạ tầng trong nước cho phép họ không chỉ duy trì mà còn phát triển tài năng và kiến thức chuyên môn thu được khi học ở nước ngoài. Không làm như vậy sẽ dẫn đến chảy máu chất xám, đồng nghĩa với việc lãng phí nguồn lực lớn, biến sự đầu tư đó thành một khoản đầu tư vô ích”.
Để nối mạch phát triển trở lại từ một điểm dừng của chính sách, có lẽ, cần đến một chính sách mới.
Việc xây dựng thành công Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia sẽ góp phần nâng cao trình độ KH&CN, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cũng như nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, tạo niềm tin của xã hội về hạt nhân”. (TS. Trần Chí Thành)
Đốt đuốc tìm nhân lực
Sự tản mát của đội ngũ nhân lực đặt nhiều thách thức lên quá trình tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Đó là lý do trong Diễn đàn năng lượng Việt – Nhật mới đây, TS. Trần Chí Thành chia sẻ “Để khôi phục các dự án điện hạt nhân tại Việt Nam, chúng tôi sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn và thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có phát triển nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực cần phải là ưu tiên hàng đầu và trở thành vấn đề trung tâm của Việt Nam”.
Để đảm trách được dự án tầm cỡ thế kỷ (vòng đời một nhà máy điện hạt nhân vào khoảng 60 năm và có thể mở rộng tới hơn 80 năm), ngành hạt nhân cần những chính sách thúc đẩy nguồn nhân lực mới. “Chúng ta cần thiết lập được một kế hoạch toàn diện và dài hạn cho nguồn nhân lực”, TS. Trần Chí Thành nói.
Bởi lẽ, “cơn mưa” chính sách sẽ cho phép ngành hạt nhân không chỉ quy tụ và tập hợp lại đội ngũ các kỹ sư công nghệ hạt nhân đã được đào tạo tại Nga (hơn 400 sinh viên), Nhật Bản (27 cán bộ) mà còn để tiếp tục những kế hoạch mà họ ấp ủ. Trong kiến nghị về việc đưa điện hạt nhân là nguồn năng lượng cần phải có trong Quy hoạch điện VIII, xuất bản trên tạp chí KH&CN hạt nhân số 10/2020, các tác giả ở Bộ Công thương cho rằng cần “có cơ chế, chính sách cho sinh viên tốt nghiệp đào tạo các chuyên ngành điện hạt nhân trở về nước, đặc biệt chú trọng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên được đào tạo nâng cao. Đây là nguồn nhân lực có giá trị cho các tổ chức R&D về KH&CN hạt nhân, cho các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân. Từ đó, có thể chuẩn bị cho các chương trình dài hạn và chủ động ứng phó trước mắt với các vấn đề hạt nhân khu vực và quốc tế. Mặt khác, cần nghiên cứu, xây dựng lại kế hoạch đào tạo dài hạn nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân”.
Do việc vận hành các nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi nguồn nhân lực từ nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ vật lý hạt nhân hay công nghệ hạt nhân mà còn cả toán học, cơ học dòng chảy, cơ khí, luyện kim, thủy nhiệt, đo lường điều khiển, tự động hóa, hóa học nhiên liệu vật liệu, hóa nước v.v. nên một chủ trương đúng đắn sẽ giúp ngành hạt nhân tạo ra cơ chế học bổng phù hợp, qua đó có thể thu hút những kỹ sư giỏi chuyên môn và ngoại ngữ trong các lĩnh vực liên quan đó rồi tiếp tục đào tạo và gửi đi học dài hạn ở các cơ sở nghiên cứu, thiết kế hạt nhân tại nước ngoài.
Những cơ chế đặc biệt về nguồn nhân lực mà họ cần liên quan đến việc thúc đẩy triển khai dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia (CNEST) với lò phản ứng mới đa mục tiêu 10 MW, một dự án Rosatom thiết kế đi kèm với các nhà máy điện hạt nhân đối với những quốc gia nhập khẩu công nghệ của họ. Đây không phải là một dự án thừa thãi bởi một trung tâm KH&CN hạt nhân có vai trò hết sức quan trọng với các quốc gia mới phát triển năng lượng hạt nhân, giúp họ thực hiện vô số nhiệm vụ quan trọng, bao gồm đào tạo, huấn luyện nâng cao trình độ các nhà khoa học và các kỹ sư ngành hạt nhân, đồng thời mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu chuyên sâu ở nhiều lĩnh vực khoa học và phát triển một số dịch vụ sản xuất các đồng vị phóng xạ phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh trong nước (thậm chí xuất khẩu)… “Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia là một mắt xích quan trọng trong chương trình phát triển điện hạt nhân, là một phép thử quan trọng về năng lực thực hiện chương trình đó. Việc xây dựng thành công Trung tâm sẽ góp phần nâng cao trình độ KH&CN, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cũng như nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, tạo niềm tin của xã hội về hạt nhân”, TS. Trần Chí Thành từng trả lời Tia Sáng vào năm 2013.
Một khi đi vào vận hành, lò phản ứng đa mục tiêu và các hệ thiết bị khai thác dòng năng lượng gần như vô hạn đó sẽ còn đem lại cho Việt Nam một vị thế mới ở khu vực và châu lục, nơi quy tụ những nhà khoa học đẳng cấp quốc tế. Trường năng lượng này sẽ là cơ hội thúc đẩy nhiều ngành khoa học khác và mở ra nhiều ứng dụng hữu ích khác cho xã hội. Nhưng có lẽ, trước hết đó sẽ là một môi trường hoàn hảo cho nguồn nhân lực bởi “Nguồn nhân lực giống như các mỏ quặng tự nhiên, chúng thường được chôn lấp ở rất sâu, không sẵn có trên bề mặt đất. Để tìm kiếm nguồn nhân lực quý đó, bạn phải tạo ra những hoàn cảnh để họ chứng tỏ mình”, câu nói nổi tiếng của nhà giáo dục nghệ thuật Anh, Sir Ken Robinson, mà TS. Trần Chí Thành trích dẫn tại diễn đàn đã nhận được sự đồng tình của các đồng nghiệp Nhật Bản.
Cho đến bây giờ, VINATOM vẫn mơ ước về một chu trình bài bản như vậy có thể đem lại cho họ khoảng 40 chuyên gia giỏi về R&D, sau khoảng 10 đến 15 năm. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc, từ xuất phát điểm nhập khẩu công nghệ nay đã trở thành quốc gia có chương trình điện hạt nhân tham vọng nhất thế giới. Đó là hệ quả của một chương trình đào tạo nhân lực dài hạn – mỗi chuyên gia của họ đều được ví là “người vàng”, nếu tính từ chi phí đầu tư, TS. Nguyễn Hào Quang (VINATOM) từng chia sẻ vào năm 2014.
***
Năm 2024, khi ý tưởng trở lại với điện hạt nhân được thảo luận rộng rãi ở Việt Nam cũng là năm Nga kỷ niệm bảy thập niên thành lập Obninsk, nhà máy điện hạt nhân nối lưới điện đầu tiên trên thế giới. Đây là nơi giúp Nga trở thành quốc gia tiên phong chứng minh có thể chế ngự nguồn năng lượng khổng lồ tăng lên theo hàm mũ từ chuỗi phản ứng phân hạch trong lò phản ứng và chuyển đổi nhiệt dư của quá trình đó thành dòng diện phục vụ đời sống con người. “Vào giữa những năm 1940, nhiều phòng thí nghiệm R&D đã được Liên Xô (USSR) thành lập với mục tiêu mở rộng phạm vi của các hoạt động nghiên cứu về vật lý hạt nhân, phát triển các phương pháp phân tách đồng vị phóng xạ… Phòng thí nghiệm được lập ở Obninsk là một trong những số đó”, nhà vật lý Dmitry Blokhintsev, tổng công trình sư nhà máy điện hạt nhân Obninsk, ghi lại.
Bước khởi đầu của một đột phá “chứng minh khái niệm” (proof of concept) như ở Obninsk là phòng thí nghiệm số 5 và các cơ sở nghiên cứu khác, những ngôi trường học qua hành (learning by doing). Từ đó, Nga đã trỗi dậy như một thế lực hàng đầu về công nghệ hạt nhân và xuất khẩu thành công ra thị trường quốc tế.
Giờ đây, khi đã kết thúc vòng đời và được chuyển đổi thành bảo tàng khoa học, Obninsk vẫn còn giữ nguyên ký ức về những gì diễn ra nơi đây hơn bảy thập niên, trong đó có những dòng ký ức của Dmitry Blokhintsev về chuyến thăm Obninsk vào tháng 7/1955 của chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự tháp tùng của ông và Ephim Pavlovich Slavsky, Bộ trưởng Bộ Chế tạo máy cỡ trung bình Liên Xô (Bộ phụ trách ngành công nghiệp hạt nhân): “Thật khó mà hình dung ra con người ăn mặc giản dị đang đứng trước chúng tôi lại là một người đấu tranh không khoan nhượng trước quân xâm lược, vị lãnh đạo của một đất nước. Khi đi thị sát nhà máy, ông nói: ‘Đây thực sự là tương lai của nhân dân tôi, chúng tôi phải làm bằng được!’”.
Giấc mơ ấy đã được phác họa gần bảy thập niên trước, từ Obninsk!□
Bài đăng Tia Sáng số 24/2024