Những điều cần cân nhắc khi mời chuyên gia phản biện quốc tế
Theo GS.TS Phạm Hùng Việt (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), qua đợt đầu thử nghiệm mời chuyên gia nước ngoài tham gia thẩm định hồ sơ đăng ký xin tài trợ của Quỹ Nafosted có thể thấy mời được họ không phải dễ, nhưng ngay cả khi mời được thì không phải ý kiến đánh giá nào của họ cũng có giá trị tham khảo cao.
Để nâng cao tính minh bạch cơ chế xét duyệt, từ năm 2014, Quỹ Nafosted đã bắt đầu áp dụng thử nghiệm việc mời chuyên gia nước ngoài tham gia thẩm định hồ sơ đăng ký xin tài trợ trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.
Bên cạnh hiệu quả của những đánh giá từ các chuyên gia phản biện độc lập, đợt áp dụng thử nghiệm đầu tiên này đã vấp phải một số vấn đề như mời chuyên gia nước ngoài không phải dễ, hoặc nếu mời được thì không phải ý kiến đánh giá nào của họ cũng có giá trị tham khảo cao. Với Hội đồng khoa học ngành Hóa học, trong số các chuyên gia nước ngoài được mời, chỉ có ¼ số người có ý kiến nhận xét kỹ lưỡng, số ý kiến còn lại tương đối dễ dãi, xuê xoa.
Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là Quỹ Nafosted vẫn chưa tính toán kỹ yếu tố thời gian trong việc mời chuyên gia nước ngoài xét duyệt, thẩm định. Thời gian mà Quỹ đề nghị các chuyên gia thẩm định hồ sơ rơi vào quãng từ tháng Sáu đến tháng Bảy, trùng với thời gian họ hết sức bận rộn với kế hoạch chấm luận án tốt nghiệp, tổ chức thi cuối kỳ… Vì vậy ít giáo sư nào dành được thời gian để chuyên tâm thẩm định hồ sơ mà Quỹ gửi sang.
Một nguyên nhân khác rất tế nhị là kinh phí tài trợ cho các nghiên cứu của Quỹ Nafosted vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khi đặt yêu cầu phải có tới hai bài báo ISI. Ở các quốc gia tiên tiến, mỗi đề tài cùng lĩnh vực và có quy mô tương đương đều nhận được khoản kinh phí tài trợ khoảng 150.000 đến 250.000 Euro, tức là lớn hơn tới năm lần so với kinh phí tài trợ đề tài của Quỹ Nafosted. Trước sự khác biệt này, nhiều giáo sư nước ngoài đã ngạc nhiên và hạ bút phê đồng ý vì theo quan điểm của họ, việc thực hiện được nghiên cứu với khoản kinh phí như thế đã là điều khó tưởng tượng.
Vì vậy, Quỹ Nafosted nên cân nhắc kỹ những yếu tố trên và xác định những cách thức mời chuyên gia phản biện nước ngoài phù hợp.
Thanh Nhàn ghi
Đọc thêm:
* Không nên ám ảnh bởi công bố “thuần Việt”
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&News=9066&CategoryID=36
* Quy định số công bố ISI nên dựa trên tính đặc thù của từng lĩnh vực nghiên cứu
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&News=9056&CategoryID=36