Những lợi ích trong việc tham gia nhóm nghiên cứu có chuyên gia quốc tế
Để vượt qua được những khó khăn chung của môi trường KHXH trong nước và có công bố quốc tế, theo PGS.TS Đặng Hoàng Minh (trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), việc tham gia vào một nhóm nghiên cứu chung cùng với các học giả nước ngoài là hết sức cần thiết.
PGS.TS Đặng Hoàng Minh
Khi tham gia vào một nhóm nghiên cứu có chuyên gia quốc tế, nhà khoa học xã hội (KHXH) nhận được sự giúp đỡ về mặt chuyên môn sâu cho tới những hỗ trợ đơn giản nhất về tài liệu, cơ sở dữ liệu nghiên cứu (database). Khi xác định chủ đề nghiên cứu, sự quan tâm của các nhà nghiên cứu quốc tế trong nhóm như là một phép thử trong việc xác định chủ đề nghiên cứu có phù hợp với sự quan tâm của cộng đồng khoa học quốc tế và ý nghĩa khoa học quốc tế hay không. Ví dụ khi nghe mình trình bày một vấn đề nghiên cứu đặc thù ở Việt Nam, nếu họ thấy hấp dẫn thì có nghĩa là chủ đề đó có thể sẽ hấp dẫn cộng đồng khoa học nước đó. Ngược lại, nếu họ nói là họ không thấy nghiên cứu đấy có điểm nào đáng quan tâm, có thể vì người ta làm nhiều rồi hoặc không đóng góp gì cho khoa học thế giới, có nghĩa là sẽ không thuyết phục được các độc giả cũng như học giả quốc tế. Khi đã xây dựng đề cương nghiên cứu, các chuyên gia khác trong nhóm sẽ cùng phân tích, phản biện lại ý tưởng của nhà KHXH Việt Nam để giúp chúng ta xây dựng nghiên cứu tốt hơn. Đồng thời, những góp ý của họ trong quá trình thiết kế nghiên cứu cũng sẽ giúp chúng ta có nghiên cứu chặt chẽ hơn, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế cả về mặt thể thức cũng như nội dung. Họ cũng sẽ sẵn sàng cung cấp tài liệu, cơ sở dữ liệu miễn phí vì họ hiểu rằng hầu như nhà KHXH ở các nước chậm phát triển không đủ tiền để mua các tài liệu này.
Không quá khó để tham gia vào các nhóm nghiên cứu có chuyên gia quốc tế bởi hiện nay các nước phát triển có nguồn ngân sách tương đối lớn cho hỗ trợ nghiên cứu với các nước đang phát triển và chậm phát triển. Nhà khoa học từ các nước phát triển cũng cần có đối tác từ phía Việt Nam để nghiên cứu, khi ấy họ sẽ tìm thông tin về chủ đề nghiên cứu của mình và về mình trên mạng internet. Tuy nhiên người nghiên cứu KHXH phải đáp ứng được các tiêu chí gồm sự hiểu biết, niềm đam mê về chủ đề nghiên cứu và năng lực ngoại ngữ. Về chủ đề nghiên cứu, mình phải cho họ thấy được mức độ hiểu biết sâu từ lý thuyết, phương pháp luận cho tới cơ sở thực tiễn để có thể thảo luận học thuật được với họ trên nền tảng am hiểu về chủ đề đó. Tức là mình phải có gì đó để đảm bảo “hai bên cùng có lợi” – nguyên tắc win – win, họ cũng phải nhận thấy sẽ được gì trong hợp tác với mình. Nếu mình không biết gì hết thì họ sẽ không còn hứng thú làm việc với mình.
Có khá nhiều học giả nước ngoài quan tâm đến KHXH Việt Nam nhưng hiện nay trong các trường đại học nghiên cứu, không phải ai cũng quan tâm đến nghiên cứu hoặc có đủ hiểu biết kỹ lưỡng về chủ đề nghiên cứu để chia sẻ với các chuyên gia quốc tế. Ví dụ, trường mình là một đại học có nhiều chuyên gia nước ngoài đến nhưng có rất nhiều chuyên gia đến rồi đi, bởi vì khi họ trình bày và hỏi về các chủ đề nghiên cứu thì phía ta nói rất chung chung, khi đó các chuyên gia kia cũng chỉ thấy mơ hồ và như vậy, sẽ khó có thêm chia sẻ để cùng nghiên cứu chung.
Khuyến khích nghiên cứu và công bố quốc tế trong KHXH ở Việt Nam là rất cần thiết, nhưng tôi cũng đặt câu hỏi ngược lại rằng, các kết quả trong những công bố quốc tế ấy có được lắng nghe, đưa vào chính sách hay không? Ví dụ: Đã từ lâu, thông qua các công bố quốc tế của mình, tôi đưa ra kiến nghị, phải hỗ trợ sức khoẻ tâm thần cho trẻ em ở các trường học, trong đó phải nâng cao năng lực nhận biết các vấn đề về sức khoẻ tâm thần của giáo viên. Nhưng các kiến nghị đó không được lắng nghe, không được sử dụng. Khi không được sử dụng thì nhà nghiên cứu sẽ không có động lực để khám phá tiếp. Nói thật là ở Việt Nam, công bố quốc tế về KHXH cũng chỉ để công bố thôi. Còn hầu như các nhà làm chính sách không mấy quan tâm đến các phát hiện, đề xuất từ các công bố quốc tế của nhà khoa học để xây dựng chính sách.
Thu Quỳnh ghi lại.