Nobel Kinh tế 2009

Ủy ban Nobel cho biết công trình nghiên cứu của hai nhà khoa học Elinor Ostrom và Oliver Williamson liên quan đến lĩnh vực “tổ chức và hợp tác trong hệ thống quản lý điều hành kinh tế” được coi là hết sức quan trọng để tìm hiểu về khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay cũng như trong công cuộc góp phần đẩy lùi hiện tượng biến đổi khí hậu.

Giáo sư Elinor Ostrom, 76 tuổi, hiện đang giảng dạy tại đại học Indiana. Bà là phụ nữ đầu tiên trên thế giới được vinh dự trao tặng giải thưởng Nobel Kinh tế, nhờ vào công trình nghiên cứu trong lĩnh vực “điều hành kinh tế”. Theo đó, một nhóm người cùng sử dụng tài sản chung của một cộng đồng hoàn toàn có thể quản lý khoản tài sản đó một cách tối ưu. Giáo sư Ostrom phản bác luận điểm cho rằng “cha chung không ai khóc” nhằm đề cao vai trò cá nhân trong việc sở hữu và sử dụng.
Giáo sư Oliver Williamson, 77 tuổi, giảng dạy tại Đại học Berkley, California, Hoa Kỳ, có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực quản lý kinh tế liên quan đến ranh giới giữa các tập đoàn. Ông đi sâu vào việc phát triển lý thuyết của các công ty, tập đoàn, nhằm giải thích tại sao các công ty, tập đoàn lại ra đời, tại sao chúng lại có xu hướng hội nhập dọc (vertical integration) và giữa chúng có liên kết chặt chẽ giữa đầu vào và đầu ra.
Bà Elinor Ostrom và ông Oliver Williamson, sẽ chia nhau giải thưởng cao quý nhất của Viện Hàn lâm Thụy Điển, trị giá tương đương với 1,4 triệu USD. Giải Nobel Kinh tế khép lại mùa Nobel 2009 và Hoa Kỳ chiếm một vị trí áp đảo: 11 trên tổng số 13 người.
Giải thưởng Nobel kinh tế ra đời từ năm 1969 vốn được xem là đất dụng võ dành riêng cho các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ. Từ đó đến nay, 45 kinh tế gia trên tổng số 64 đều là các nhà nghiên cứu của Mỹ.

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)