Nói thật, nói thẳng về những vấn đề cốt lõi
Trước thềm năm Đinh Dậu, Tạp chí Tia Sáng đã tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và các nhà khoa học hàng đầu là cộng tác viên của Tạp chí. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trên tinh thần cởi mở, tạo cơ hội để Bộ trưởng và các nhà khoa học trao đổi một cách thẳng thắn, chân thành về những vấn đề thiết yếu trong công tác quản lý KH&CN.
Vai trò của trí thức và các nhà khoa học
Là người phát biểu đầu tiên trong số các nhà khoa học, GS. Hoàng Tụy bày tỏ quan điểm về tầm quan trọng của việc lãnh đạo Đảng và Nhà nước lắng nghe tiếng nói của các nhà trí thức. GS kể lại những kỷ niệm về thời kỳ khó khăn trước thềm Đổi mới, khi cố Tổng Bí thư Lê Duẩn “mời các anh em khoa học” đến trao đổi với tinh thần hết sức cầu thị, lắng nghe họ trình bày thẳng thắn tất cả những vấn đề tưởng chừng như trái tai đối với các nhà lãnh đạo, như lý thuyết làm chủ tập thể, cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung cùng với tệ ngăn sông cấm chợ làm bần cùng hóa nông thôn, v.v. GS. Hoàng Tụy cho rằng, bối cảnh đất nước ngày nay cũng có những vấn đề không kém phần cấp bách so với giai đoạn trước Đổi mới, cụ thể như “10-20 năm qua chúng ta chống tham nhũng nhưng chưa đạt nhiều kết quả”. Vì vậy, GS mong muốn Bộ KH&CN tổ chức những cuộc trao đổi giữa lãnh đạo Đảng và Nhà nước với các nhà trí thức, nhà khoa học theo tinh thần tương tự như các cuộc gặp trước đây, vào giai đoạn trước thềm Đổi mới, và tổ chức sao cho “tạo không khí để họ mạnh dạn phát biểu”, “nói thật, nói thẳng, đi vào những vấn đề cốt lõi” để tìm ra giải pháp có tính gốc rễ thực sự thay vì chỉ “sai đâu sửa đấy”.
Cùng quan điểm với GS. Hoàng Tụy về tầm quan trọng của việc các nhà lãnh đạo tôn trọng và lắng nghe các nhà khoa học, sự cần thiết của việc hình thành những diễn đàn để các nhà khoa học có thể trực tiếp góp ý với Bộ KH&CN, tuy nhiên, GS. Trần Xuân Hoài và GS. Vũ Cao Đàm cũng thẳng thắn nhận định, hiện nay không phải ai mang danh nhà khoa học cũng là nhà khoa học đích thực. Để nền khoa học phát triển, nhất thiết cần chấn chỉnh đạo đức khoa học và thanh lọc, loại bỏ những thành phần “khoa học rởm”.
Tái cơ cấu mạng lưới tổ chức KH&CN
Theo TS Lê Đăng Doanh, lực lượng làm khoa học tại Việt Nam đang ở trong tình trạng phân tán, bị “xé nhỏ” với quá nhiều viện nghiên cứu được đầu tư theo cơ chế “cào bằng” dù không phải đơn vị nào cũng hoạt động chuyên môn hiệu quả. Rõ ràng, việc chia đều kinh phí hoạt động vừa khiến cho nguồn lực bị dàn trải vừa làm suy giảm động lực nghiên cứu bởi tất cả các ngành khoa học đều có chung một mức “bao cấp”, dù đóng góp ít hay nhiều. Để các ngành giàu tiềm năng có đủ nguồn lực phát triển, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, cần tiến hành tái cơ cấu mạng lưới nghiên cứu khoa học, tập trung đầu tư đúng “địa chỉ”, dành ưu tiên cho các ngành có tính cạnh tranh và nhất định phải xóa bỏ cơ chế “rót tiền” theo “đầu người” – lối đầu tư manh mún đã tồn tại quá lâu. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát phù hợp, đảm bảo tính minh bạch trong quản lý kinh phí và các nguồn lực dành cho các tổ chức KH&CN. TS. Lê Đăng Doanh cũng chia sẻ kinh nghiệm về tự giám sát ở các tổ chức KH&CN công lập ở Đức, trong đó mỗi năm có sự bố trí ngẫu nhiên từng cặp tổ chức tiến hành giám sát, thanh tra chéo lẫn nhau. Ông nhấn mạnh, ngành KH&CN hãy tự mình cải cách hướng tới sự minh bạch và hiệu quả, đừng mãi trông chờ sự cải cách toàn diện từ cả hệ thống lớn.
Chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình thành công của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong xây dựng học viện thành một đại học, một cơ sở nghiên cứu theo đúng chuẩn mực và thông lệ quốc tế, GS Trần Đức Viên khẳng định việc tiếp cận các thông lệ và chuẩn mức quốc tế và quyết tâm thực hiện cơ chế tự chủ theo tinh thần của Nghị định 115 là cách duy nhất để tái cơ cấu các tổ chức KH&CN trong nước một cách đúng hướng. Trên thực tế, kể từ khi Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng lòng tự chủ, những người thực tài đều “sống khỏe”. Thế nhưng, rất nhiều đơn vị khác vẫn muốn… né Nghị quyết 115 bởi đã quen sống dựa vào Nhà nước.
Đảm bảo tính minh bạch trong quản lý các đề tài, dự án
Trong cơ chế quản lý các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, để tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả, PGS. Tạ Hải Tùng, Giám đốc Trung tâm Hợp tác nghiên cứu phát triển công nghệ định vị sử dụng về tinh (NAVIS), Đại học Bách khoa Hà Nội, kiến nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi khâu của hoạt động quản lý KH&CN: từ xét duyệt đề tài/dự án, cơ sở dữ liệu các tổ chức chủ trì, và nhà khoa học. Trong quy trình thủ tục phê duyệt các đề tài, GS. Phùng Hồ Hải (Phó viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) bày tỏ lo ngại về tình trạng chỗ cần đẩy nhanh tốc độ thì “làm chậm” và ngược lại. “Dự án nghiên cứu tháng 12 khởi động, tháng 9, Hội đồng duyệt mới họp và họp có mấy hôm đã ra quyết định. Đánh giá gấp rút như thế thì không thể tốt được”, GS. Phùng Hồ Hải nhận xét về khâu thẩm định đề tài nghiên cứu. Trong khi đó, khâu cấp kinh phí lại quá “rề rà”, như lời GS TS. Vũ Thị Thu Hà (Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu quốc gia), “có khi đề tài mới được duyệt rồi mà đề tài cũ còn chưa được ‘thanh toán’”. Đây thực sự là một rào cản lớn, khiến các nhà khoa học vô cùng “mệt mỏi”, thậm chí, phải chịu tổn thất nếu doanh nghiệp không chịu thông cảm. Để hỗ trợ thiết thực hơn cho các nhà khoa học, GS. Vũ Thị Thu Hà đề xuất cơ chế giảm thiểu “chữ ký” xét duyệt, cũng tức là rút ngắn thời gian “chết”, một trong những nguyên nhân khiến không ít “pha” hợp tác giữa nhà khoa học và doanh nghiệp bị đổ bể.
Cần tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu cơ bản và công bố quốc tế
Một thực trạng đáng lo ngại, theo GS. Trần Đức Viên, là tình trạng các viện nghiên cứu trong nông nghiệp cố tình “bỏ quên” nghiên cứu cơ bản, dẫn tới suốt một thời gian dài, Việt Nam đã phải “mượn tạm” kết quả tạo giống của các nước như Trung Quốc, Nhật, Mỹ. GS. Viên kiến nghị cần “phân công” rõ nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, đồng thời yêu cầu tất cả các viện lớn phải duy trì nghiên cứu cơ bản.
Bên cạnh đó, GS. Viên nhận định, thước đo để đánh giá một nhà khoa học là sản phẩm công nghệ phục vụ quốc kế dân sinh cùng số lượng công bố quốc tế và cả hai đều là điểm yếu của các nhà khoa học Việt Nam. Cùng quan điểm với GS. Viên, GS. Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn) chia sẻ về tình trạng nhiều nhà khoa học, sau khi được phong học hàm, học vị là “đứng yên”, coi như đã hoàn thành nhiệm vụ, không cống hiến gì nữa. Ông thống kê, cả nước có 1.100 GS, hơn 9.000 PGS. Mức độ đóng góp của 9.000 PGS là rất thấp, thể hiện ngay trong số lượng các công bố quốc tế. Dễ thấy, nhà khoa học, một khi đã lười nghiên cứu thì những nhiệm vụ khó khăn hơn lại… càng ngại!
Tích tụ công nghệ để giúp nền kinh tế vượt qua điểm nghẽn
KH&CN liên quan mật thiết đến “điểm nghẽn” của nền kinh tế”, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Trong khi thế giới đã bước vào cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn “giậm chân” ở lĩnh vực gia công cùng lực lượng lao động giá rẻ, vẫn chạy theo “know who” thay vì chuyển hướng sang “know how”. Đó là bước tụt hậu nguy hiểm bởi nó khiến Việt Nam khó “lọt mắt xanh” của các nhà đầu tư nước ngoài hiện coi trọng những khu vực “đi vào được những chuỗi giá trị mới”. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài sau khi “thăm dò”, khảo sát đã đánh giá, Việt Nam chưa sẵn sàng cho những ngành công nghệ mới và mức độ phát triển công nghệ ở tầm doanh nghiệp là rất thấp, bà Phạm Chi Lan chia sẻ. Rất nhiều chuyên gia đã chỉ ra, trong nhiều năm qua, năng suất lao động luôn là điểm yếu “cốt lõi” của kinh tế Việt Nam và đó là hệ quả từ việc các doanh nghiệp bằng lòng với trình độ công nghệ thấp cùng đội ngũ nhân công kém chất lượng. Rõ ràng, chính sự tụt hậu về công nghệ là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế của chúng ta bị suy yếu, tự “mài mòn” tính cạnh tranh và khả năng “hút” vốn đầu tư quốc tế. Đó là lý do tại buổi tọa đàm, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh:“Không còn con đường nào khác, muốn vượt qua điểm nghẽn kinh tế, Việt Nam phải tích tụ công nghệ”.
Theo GS. Đào Tiến Khoa (Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân), muốn mau chóng tích tụ công nghệ, Việt Nam cần phải đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế và nếu cần, “phải bỏ tiền thuê chuyên gia nước ngoài giúp ta có được công nghệ mới”. Như ước tính của ông, Việt Nam chỉ đóng góp 0,1% vào tổng số các phát minh của nhân loại. Việc tận dụng 99,9% thành tựu còn lại có ý nghĩa như tìm ra “đôi hài vạn dặm”, giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách với thế giới và chắc chắn, không đứng ngoài cách mạng công nghiệp lần tư. Tuy nhiên, chúng ta luôn “chậm chân” trong việc cập nhật các phát minh quan trọng, hữu ích với đời sống thực tiễn. GS. Đào Tiến Khoa đưa ra hai ví dụ: Công nghệ soi chiếu hình ảnh Pet/CT giúp phát hiện sớm ung thư sau hàng thập niên thông dụng trên thế giới, mới “du nhập” vào Việt Nam và do tư nhân đưa về, máy gia tốc điều trị ung thư cũng vậy. Câu chuyện này khiến người ta phải đặt câu hỏi: Vì sao, cho đến nay, việc đưa công nghệ của thế giới về Việt Nam lại chưa lọt vào bất kỳ chương trình đầu tư nào của nhà nước dù ai cũng nhận thấy, sự tăng trưởng về công nghệ chính là “bàn đạp” cho kinh tế khởi sắc? Không hoàn toàn đồng tình với quan điểm của GS. Đào Tiến Khoa, PGS. Phạm Thành Huy cho rằng doanh nghiệp vẫn rất cần công nghệ của các nhà nghiên cứu trong nước. Theo ông, ngoài yếu tố giá thành cao thì công nghệ nhập khẩu còn có hạn chế là chức năng thường cố định, độ linh động thấp, trong khi tốc độ phát triển của thị trường đi kèm với những yêu cầu mới về mẫu mã rất nhanh “nên nếu đầu tư vào một công nghệ hiện đại nhưng lại bị cố định và giới hạn ở điểm này thì tính cạnh tranh cũng sẽ bị giảm đi.”
Lý giải việc các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng tiếp thu các tiến bộ KH&CN, PGS. Phạm Thành Huy cho rằng “thậm chí nếu bây giờ có kinh phí để sẵn sàng đầu tư cho các doanh nghiệp tiến hành đổi mới công nghệ thì chúng ta vẫn khó có thể tìm được doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận công nghệ”, bởi để tiếp thu công nghệ mới thì “doanh nghiệp phải tích lũy được một nền tảng công nghệ nhất định và bản thân họ cũng phải sẵn sàng đổi mới. Khi đó họ mới biết được cần đầu tư vào vấn đề nào, phát triển công nghệ gì để có thể tạo ra những sản phẩm mới đủ sức cạnh tranh được trên thị trường”. Số doanh nghiệp có thể nhìn rõ bức tranh công nghệ như vậy ở Việt Nam thời điểm này không nhiều, PGS. Phạm Thành Huy nhận định.
Để nhà khoa học nắm bắt được hơi thở cuộc sống
Theo PGS. Đỗ Thị Hương Giang (Phó Chủ nhiệm Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ Nano, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội), vì cầu nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp còn lỏng lẻo nên rất nhiều nhà khoa học gặp không ít khó khăn khi tìm cách tiếp cận với doanh nghiệp để có thể nắm bắt hơi thở cuộc sống, hiểu các “đề bài” và có những sáng chế phù hợp theo nhu cầu doanh nghiệp. PGS. Giang cho rằng vai trò cầu nối của Bộ KH&CN là vô cùng quan trọng trong việc kéo giới khoa học và doanh nghiệp xích lại gần nhau.
Vậy bản thân các nhà khoa học Việt Nam cần chủ động làm gì để nắm bắt được hơi thở cuộc sống? PGS. Phạm Thành Huy chia sẻ kinh nghiệm ở các quốc gia tiên tiến, việc các giáo sư ở các viện nghiên cứu và trường đại học ra làm việc ở các cơ sở sản xuất công nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định (mô hình Sabbatical year) là rất phổ biến. Khi áp dụng mô hình này, các nhà nghiên cứu sau khoảng thời gian từ ba đến năm năm công tác tại trường, viện sẽ có quãng thời gian từ sáu tháng đến một năm làm việc ở một cơ sở công nghiệp nào đó hoặc một cơ sở nghiên cứu khác trong khi vẫn được hưởng các chế độ của trường, viện. Đó là cách giảm sức ì trong tư duy vì thực tế cho thấy, cứ “ngồi” mãi một chỗ sẽ không có ý tưởng mới, nhưng ý tưởng mới lại có thể sẽ nảy sinh trong điều kiện làm việc mới.
Bên cạnh đó, PGS. Phạm Thành Huy kiến nghị, muốn có một nền công nghệ đi vào được cuộc sống, cần phải có những tập thể nghiên cứu mạnh. Ông đề xuất, nên có thêm nhiều chính sách tương tự như Post-doc để “lôi kéo” các nhà khoa học hiện đang làm việc tại nước ngoài về nước, và cho biết, ngay sau khi chương trình đào tạo sau tiến sĩ được thông qua vào ngày 17/11, đã có hai nhà khoa học Việt Nam ở Đức nộp hồ sơ xin vào làm việc ở viện. Đến nay, đơn vị của ông đã có 30 tiến sĩ từ nước ngoài trở về và hầu hết “đều làm việc hiệu quả”. Điều đó cho thấy, nếu có cơ chế “giữ chân” người tài hợp lý, tình trạng “chảy máu” chất xám sẽ được hạn chế và nhờ thế, đội ngũ nghiên cứu khoa học trong nước cũng sẽ dồi dào hơn rất nhiều cả về chất lẫn lượng.