Nửa thế kỷ chính sách vì doanh nghiệp

Chính sách phát triển khoa học và công nghệ theo hướng ứng dụng nghiên cứu phục vụ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ ở Hàn Quốc được thể hiện rõ nét qua quá trình hình thành những nền tảng cơ bản, như công viên khoa học và những quỹ phát triển ứng dụng KH&CN.

Chủ trương phát triển khoa học và công nghệ theo hướng phục vụ các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp được Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy từ cách đây gần nửa thế kỷ, với cái mốc đầu tiên là việc thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) năm 1966. Sự ra đời của Viện KIST được bắt đầu bằng cuộc khảo sát rất chi tiết về các lĩnh vực công nghiệp của Hàn Quốc. Một nhóm 80 người gồm các nhà khoa học, kỹ sư, chuyên gia cơ khí, bao gồm người Hàn Quốc và nước ngoài, đã tiến hành điều tra, phân tích kỹ lưỡng trên 600 nhà máy công nghiệp, qua đó giúp Viện KIST hiểu rõ các vấn đề mà các ngành công nghiệp đang gặp phải, cũng như những tiến trình cần thiết để thúc đẩy những ngành này phát triển hơn nữa.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Việc thúc đẩy ứng dụng phát triển khoa học công nghệ vào các doanh nghiệp ở Hàn Quốc đòi hỏi những nỗ lực tập trung cao hơn nữa, nhằm tạo ra những môi trường thật sự thuận lợi cho các doanh nghiệp ứng dụng những kết quả nghiên cứu, đó là các khu công nghệ cao, và quy mô rộng hơn là các công viên khoa học.


Bộ trưởng Nguyễn Quân và Bộ trưởng Lee Ju-ho (Bộ Giáo dục, Khoa học, và Công nghệ) ký biên bản hợp tác ghi nhớ ngày 29/10/2012

Trong chuyến công tác tại Hàn Quốc vừa qua, đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ, dẫn đầu là Bộ trưởng Nguyễn Quân, đã đạt được những thỏa thuận quan trọng trong hợp tác phát triển khoa học và công nghệ giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, trong đó định hướng tập trung thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển các ngành công nghiệp được thể hiện khá rõ qua danh sách các biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU):
– MOU giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Giáo dục, Khoa học, và Công nghệ Hàn Quốc, ngày 29/10/2012;
– MOU giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện KIST ngày 29/10/2012;
– MOU giữa Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hội nhập Quốc tế và Viện Máy và Vật liệu Hàn Quốc (KIMM) ngày 29/10/2012;
– MOU giữa Viện Đo lường Việt Nam và Viện Nghiên cứu Chuẩn và Khoa học Hàn Quốc ngày 30/10/2012
– MOU giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cơ quan Xúc tiến Công nghệ Thông tin Hàn Quốc ngày 1/11/2012

Sự phát triển của Khu đô thị Khoa học Daedeok

Ý tưởng về công viên khoa học ở Hàn Quốc là một khu vực tập trung các trường đại học và các ngành công nghiệp, nơi các doanh nghiệp và các viện nghiên cứu dễ dàng gặp gỡ và kết nối. Nhưng từ ý tưởng tới hiện thực hóa là cả một quá trình lâu dài.

Năm 1973, Hàn Quốc bắt đầu xây dựng kế hoạch cho một tổ hợp với tên gọi Khu đô thị Khoa học và Trường đại học Daedeok, và ngay từ năm 1974 người ta đã bắt tay vào khởi công xây dựng hạ tầng cho nhiều viện nghiên cứu. Trong suốt những năm tiếp theo của thập kỷ 70 và 80 là thời kỳ tổ chức phát triển các viện nghiên cứu của Nhà nước tại nơi đây, với những viện hàng đầu như Viện Nghiên cứu Chuẩn Hàn Quốc và Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử Hàn Quốc. Để thu hút nhân tài, người ta tiến hành những chính sách ưu đãi hấp dẫn, ví dụ như cấp nhà ở cho các nhà khoa học ở nước ngoài được mời về làm việc.

Những nỗ lực quy tụ chất xám của các nhà nghiên cứu này đồng thời cũng giúp tập hợp được các dự án nghiên cứu, theo lời ông Chan Jong Park, Giám đốc Trung tâm Thương mại hóa Công nghệ – Quỹ Innopolis. Đây là cơ sở để xúc tiến các hoạt động chuyển giao công nghệ. Sau khi đã tập hợp được một số viện nghiên cứu hoạt động ổn định nhất định, Hàn Quốc mới bắt đầu tìm cách thúc đẩy việc quy tụ các doanh nghiệp đầu tư.


Một nghiên cứu sinh Việt Nam giới thiệu các thành tựu công nghệ của Viện KRISS với đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ

Trong số những viện nghiên cứu được thành lập tại Khu Đô thị Khoa học Daedeok, phải kể đến Viện Nghiên cứu Chuẩn Hàn Quốc, được thành lập năm 1975, và kể từ 1991 được đổi tên là Viện Nghiên cứu Chuẩn và Khoa học Hàn Quốc (KRISS).
KRISS là cơ quan cung cấp những tiêu chuẩn được quốc tế công nhận cho các khách hàng trong nhiều ngành công nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp Hàn Quốc trên thị trường trong nước cũng như toàn cầu.
KRISS cũng tích cực phát triển những tiêu chuẩn và công nghệ đo lường mới phục vụ những cải tiến công nghệ tiên tiến nhất trong các lĩnh vực công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và viễn thông.

Nhưng việc triển khai ứng dụng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu không diễn ra một cách hoàn toàn dễ dàng, quan hệ hợp tác giữa các ngành công nghiệp với các cơ quan nghiên cứu còn rời rạc, hoàn toàn không có các công ty đầu tư nước ngoài hay các trung tâm nghiên cứu của nước ngoài, và thiếu một hệ thống hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, đồng thời thiếu một nhóm phụ trách thúc đẩy triển khai các chiến lược vạch ra.

Nguyên nhân của những vấn đề trên là Hàn Quốc còn thiếu những quy định pháp lý phù hợp làm nền tảng cho sự phát triển của Khu đô thị Khoa học Daedeok. Đó là lý do Luật Quản lý Khu đô thị Khoa học Daedeok ra đời năm 1993. Việc triển khai Luật này đã đem lại kết quả ấn tượng: những dòng đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp vào Khu đô thị Daedeok, không chỉ trong sản xuất mà cả nghiên cứu. Bắt đầu xuất hiện nhiều những viện nghiên cứu có sự đầu tư của khu vực tư nhân như Trung tâm R&D Daelim Industrial Daedeok, hay Viện Nghiên cứu Daedeok của Tập đoàn Hóa dầu Honam.

Với ưu thế là tận dụng được nguồn chất xám từ các viện nghiên cứu và các trường đại học hàng đầu (ví dụ như Đại học KAIST bắt đầu lập cơ sở KAIST Daedeok năm 1990), các ngành công nghiệp tại Khu đô thị Khoa học Daedeok phát triển nở rộ. Các thành tựu khoa học và công nghệ của các tổ chức nghiên cứu không chỉ giúp các ngành công nghiệp cải thiện năng suất mà còn nâng cao chất lượng hàng hóa. Những viện nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Chuẩn và Khoa học Hàn Quốc giúp các doanh nghiệp đạt được những tiêu chuẩn cao trong sản xuất hàng hóa, tạo sức cạnh tranh để chiếm lĩnh các thị trường trên thế giới.  

Mô hình quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ: nền tảng mới cho sáng tạo

Mặc dù gặt hái được những thành công ấn tượng trong ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển các ngành công nghiệp, nhưng thách thức đặt ra tiếp theo cho Hàn Quốc là làm sao hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, nguồn động lực cơ bản cho đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế.

Để đạt được mục tiêu này, Hàn Quốc phải tiếp tục cải thiện hệ thống cơ sở pháp lý và chính sách khoa học công nghệ. Những cơ sở pháp lý như Luật Quản lý Khu đô thị Khoa học Daedeok năm 1993 vẫn còn hạn chế, vì nó chỉ có phạm vi phục vụ công tác quản lý Khu đô thị Khoa học Daedeok phát triển thành một tổ hợp công nghiệp. Nó chưa có những cơ sở pháp lý cần thiết để đưa Khu đô thị Khoa học Daedeok phát huy những động lực thế mạnh, trở thành một đặc khu chuyên cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo.  

Vì vậy, năm 2005, Luật Đặc biệt Hỗ trợ Đặc khu Nghiên cứu và Phát triển Daedeok được ban hành nhằm thay thế Luật Quản lý Khu đô thị Khoa học Daedeok, tạo cơ sở pháp lý để đưa Khu đô thị Khoa học Daedeok phát triển thành một trung tâm đổi mới sáng tạo, với tên gọi mới là Innopolis Daedeok. Cùng với đó là sự ra đời của Quỹ Innopolis, nhằm thúc đẩy thương mại hóa những kết quả nghiên cứu một cách mạnh mẽ hơn. Phạm vi quản lý của Quỹ Innopolis gồm 3 khu công viên khoa học: Innopolis Daedeok, Innopolis Gwangju và Innopolis Daegu (2 khu sau được thành lập năm 2011).

Theo ông Jae Goo Lee, Chủ tịch Quỹ Innopolis, hiện nay trong số 60 triệu USD tiền ngân sách Nhà nước giao xuống hằng năm, Quỹ dành khoảng 40 triệu USD cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại hóa những kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Trung bình, mỗi doanh nghiệp được Quỹ hỗ trợ khoảng 600 – 700 nghìn USD. Ngoài hỗ trợ về vốn, Quỹ còn cung cấp dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp về marketing, thiết kế sản phẩm, chiến lược đầu tư và kinh doanh (với nhiều cấp độ, từ lúc khởi nghiệp tới giai đoạn phát triển chín muồi).

Hệ thống thẩm định công nghệ của KOTEC

Ngoài việc ra đời Luật Đặc biệt Hỗ trợ Đặc khu Nghiên cứu và Phát triển Daedeok, năm 2005 còn đánh dấu một bước tiến mới của Hàn Quốc trong thực hiện mục tiêu thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới và sáng tạo, đó là việc Tập đoàn Tài chính Công nghệ Hàn Quốc (KOTEC) phát triển thành công hệ thống thẩm định công nghệ KIBO (KTRS).

KOTEC là một tổ chức phi lợi nhuận được Chính phủ Hàn Quốc thành lập từ năm 1989 theo Luật Hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp công nghệ mới (năm 2002 được sửa đổi toàn diện thành Luật Tập đoàn Tài chính Công nghệ Hàn Quốc) nhằm cung cấp bảo lãnh tín dụng giúp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp công nghệ mới, thúc đẩy tăng trưởng những doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa cùng các hoạt động đầu tư mạo hiểm vào công nghệ mới.


Bộ trưởng Nguyễn Quân tặng Bộ trưởng Lee Ju-ho số báo Tia Sáng ra ngày 20/10/2012

70% nguồn vốn đầu tư cho KH&CN Hàn Quốc là các doanh nghiệp tư nhân

Năm 2012 Chính phủ của Tổng thống Lee Myung Bak đầu tư khoảng 16 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn lực này của Chính phủ thì không thể đủ để thúc đẩy phát triển nền khoa học và công nghệ của cả quốc gia, mà cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. Hiện nay, Hàn Quốc đứng thứ hai trên toàn thế giới về tỷ trọng đầu tư cho khoa học và công nghệ trên GDP là nhờ huy động được nguồn vốn đầu trực tiếp của người dân vào khoa học và công nghệ. Hiện nay, 70% nguồn vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ Hàn Quốc là các doanh nghiệp tư nhân.
Có được kết quả này là do Hàn Quốc luôn chú trọng áp dụng những quy định pháp luật cần thiết để tạo động cơ khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho khoa học và công nghệ. Thành công sẽ đến nếu Chính phủ có ý chí quyết tâm và các công ty có động cơ để tham gia tích cực.

Ngoài ra, để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ, một vấn đề rất quan trọng là nguồn nhân lực phù hợp. Đây là lý do Chính phủ thực hiện những chính sách tài trợ cho các trường đại học. Sự tài trợ này giữa các trường không giống hệ nhau mà linh hoạt tùy theo đặc thù phát triển của từng địa phương. Ví dụ, đối với Đại học Busan thì Chính phủ tài trợ khuyến khích phát triển ngành cơ khí, hay với Đại học Kyungpook ở miền Trung thì Chính phủ tài trợ khuyến khích phát triển ngành điện tử. 

Phát biểu của Bộ trưởng Lee Ju-ho, Bộ Giáo dục, Khoa học, và Công nghệ Hàn Quốc trong cuộc trao đổi với Tạp chí Tia Sáng, ngày 29/10/2012


Theo ông Yu Mun Jae, giám đốc hợp tác quốc tế của KOTEC, trước năm 2005, hoạt động cấp bảo lãnh của KOTEC bị hạn chế rất lớn vì thường phải căn cứ theo hồ sơ tín nhiệm tài chính của doanh nghiệp, trong khi tín nhiệm tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, thường rất sơ sài, hay thậm chí không hề có hồ sơ tín nhiệm tài chính.

Nhưng kể từ năm 2005, hệ thống KTRS đã cho phép KOTEC thẩm định được giá trị tương lai của các dự án đổi mới và thương mại hóa công nghệ dựa trên những đánh giá về triển vọng công nghệ, triển vọng kinh doanh và thị trường, từ đó đưa ra những kết luận định tính và định lượng theo thang điểm. Đây là những căn cứ để KOTEC có thể cấp bảo lãnh một cách hiệu quả và dễ dàng hơn. Với nguồn bảo lãnh này từ KOTEC, các doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vay vốn từ ngân hàng mà không cần đến hồ sơ tín nhiệm tài chính cũng như tài sản thế chấp.

Chứng nhận bảo lãnh từ KOTEC không chỉ giúp các doanh nghiệp vay được vốn từ ngân hàng, mà còn giúp các doanh nghiệp và dự án công nghệ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư. Điều này rất quan trọng đối với các lĩnh vực công nghệ mới có tiềm năng thương mại hóa cao nhưng rủi ro cũng lớn, thường đòi hỏi những khoản đầu tư mang tính mạo hiểm.

Tính tới cuối năm 2011, số lượng doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa ở Hàn Quốc được KOTEC thẩm định công nghệ và cấp chứng nhận đã lên tới gần 17 nghìn, với tổng giá trị thẩm định là hơn 200 nghìn tỷ won. Tính khách quan và hiệu quả hoạt động thẩm định, cấp bảo lãnh của KOTEC được thể hiện rõ nhất qua khả năng tự cân đối tài chính. Hiện nay, số tiền trong quỹ lên tới gần 2,2 nghìn tỷ won (xấp xỉ 2,02 tỷ USD) mặc dù kể từ năm 2010, Nhà nước không hề đóng góp vào quỹ một khoản nào.

Kết luận

Chính sách thúc đẩy ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ cho các doanh nghiệp ở Hàn Quốc là một quá trình bài bản và lâu dài. Trong đó, khởi đầu là việc hình thành quần thể các tổ chức nghiên cứu, kéo dài xuyên suốt thập kỷ 70 và 80, mà điển hình là sự hình thành Khu đô thị Khoa học Daedeok. Đây chính là nền tảng để tạo ra nguồn chất xám và những tri thức khoa học kỹ thuật phục vụ cho tiến trình thu hút và quy tụ các ngành công nghiệp của Hàn Quốc trong thập kỷ 90. Sự phát triển của các ngành công nghiệp này đã đem lại cho Hàn Quốc những thành tựu ấn tượng trong tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa đất nước mà chúng ta được chứng kiến hiện nay.

Thách thức kế tiếp mà Hàn Quốc muốn đạt được là thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư cho khoa học và công nghệ. Để làm được điều đó, Hàn Quốc đã tích cực triển khai các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới sáng tạo. Những quỹ này không chỉ đóng vai trò hỗ trợ về vốn, mà còn phát huy cả vai trò tư vấn trong khởi nghiệp và thương mại hóa sản phẩm.

Tuy nhiên, nguồn vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới sáng tạo ở Hàn Quốc không bị giới hạn ở các quỹ, mà có thể mở rộng sang các nguồn tài chính thông thường khác nhờ vào hệ thống thẩm định công nghệ của KOTEC. Đây là một thành tựu quan trọng, giúp thẩm định giá trị tương lai của các công nghệ và sáng tạo mới, làm cơ sở để KOTEC cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp đầu tư vào những dự án này. Với nguồn bảo lãnh từ KOTEC, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dễ dàng huy động được nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại mà không còn chịu những kiềm tỏa do hạn chế về hồ sơ tín nhiệm tài chính và tài sản thế chấp.

Thành tựu của Công viên khoa học Daedeok

Trong suốt 40 năm, Công viên Khoa học Daedeok đóng vai trò là một trụ cột cho tăng trưởng kinh tế ở Hàn Quốc, đóng góp vào sự ra đời của những công nghệ mới. Ngày nay, đây là nơi tập trung nguồn lực lớn nhất cho nghiên cứu và phát triển, chiếm 15% chi tiêu R&D của quốc gia, và 11% số lượng các nhà nghiên cứu có bằng tiến sĩ ở Hàn Quốc.

Một số mốc thành tựu kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ của Công viên khoa học Daedeok:


1986: Thiết bị TDX (Electronic Telephone Exchanger), tiên phong cho một chương mới trong lịch sử ngành viễn thông Hàn Quốc.

1993: Polybutene – mở ra một con đường mang tính cách mạng cho các tiến trình hóa học.

1995: Hanaro (Lò phản ứng nguyên tử mang tính nghiên cứu) – đưa Hàn Quốc vào danh sách những nước hàng đầu về công nghệ hạt nhân.

1996: CDMA (Hệ thống Liên lạc Điện thoại Kỹ thuật số) – thương mại hóa thành công ứng dụng tiêu chuẩn công nghệ thông tin toàn cầu.

2003: Factive – phát triển loại dược phẩm đẳng cấp quốc tế

2006: Haemirae – thiết bị dò tìm dưới đáy biển ở độ sâu 6000m


2007: KSTAR (Nghiên cứu Cao cấp Tokamak Siêu dẫn) – công nghệ tính toán phục vụ sản xuất và vận hành, được phát triển hoàn toàn từ Hàn Quốc

2008: KRISS-1 (Tiêu chuẩn Tần số Tia Nguyên tử)– chiếc đồng hồ nguyên tử hoàn toàn dựa trên công nghệ nội địa Hàn Quốc.

2009: Hubo 2 – Người máy mô phỏng con người đầu tiên có khả năng chạy ở Hàn Quốc.

2010: Siêu máy tính số 4 – Máy tính nhanh nhất và lớn nhất của Hàn Quốc

2011: Tàu Điện từ phục vụ Đô thị – giới thiệu mô hình phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

2012: Smart UAV – thiết kế và chế tạo thiết bị bay không người lái sử dụng cánh quạt nghiêng.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)