Nước Nhật kiếm tiền nhờ bán lò phản ứng

Ngay cả khi nước Nhật có kế hoạch giảm dần Điện Hạt nhân vì quá nguy hiểm cho việc sử dụng trong nước thì chính phủ lại đang ủng hộ ngành công nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh việc bán kỹ thuật Điện Hạt nhân cho các nước khác.

Các tổ hợp công nghiệp Nhật Bản với sự cộng tác của chính phủ Tokyo, đang mở lại việc tiếp tục các dự án nhiều tỷ đôla, đặc biệt là ở các nước nhỏ, đói năng lượng như Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù có các chỉ trích trong nước Nhật của các nhóm bảo vệ môi trường và các chính trị gia thuộc phe đối lập.

Nhật đang đề cao kỹ thuật hạt nhân của mình ở nước ngoài trong khi ở trong nước thì cố gắng khống chế các vụ nóng chảy nhiên liệu hạt nhân đã làm cho trên 100 000 người phải rời bỏ nhà cửa. Nước Nhật biện hộ rằng kỹ thuật mới nhất của mình gồm những đảm bảo không có trong các lò phản ứng cũ hàng nhiều thập kỷ của nhà máy điện Fukushima Daiichi bị tai nạn, nhà máy điện này hiện vẫn đang tiếp tục rò rỉ phóng xạ.

Gần đây, thủ tướng Nhật, ông Yoshihiko Noda tuyên bố trước Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc: “Nhiều nước trên thế giới ngày nay đang nghiêm túc thăm dò việc sử dụng năng lượng hạt nhân và chúng tôi đã giúp họ trong việc tăng cường an toàn hạt nhân. Chúng tôi sẽ tiếp tục đáp ứng các mối quan tâm của các nước ấy.”

Chính phủ của ông Noda xem các dự án Điện Hạt nhân ở nước ngoài như cách để kích thích nền kinh tế hướng về xuất khẩu của Nhật, một nền kinh tế đã phải vật lộn nhiều ngay cả trước khi thảm hoạ thiên nhiên và hạt nhân xảy ra trong tháng Ba. Sự ủng hộ của Tokyo – gồm cả việc trợ giúp tài chính cho các quốc gia khách hàng – đã có ý nghĩa quyết định trong các thoả thuận đang được thương lượng, đặc biệt là khi niềm tin chung vào an toàn hạt nhân đã bị lung lay sau vụ Fukushima.

Hiệp hội Hạt nhân thế giới, một nhóm công nghiệp thương mại, nói rằng con số 443 lò phản ứng hạt nhân trên thế giới có thể tăng hơn gấp đôi trong 15 năm sắp tới.

Đầu tháng Chín, sau sáu tháng ngừng trệ tiếp theo trận động đất, chính phủ Nhật nối lại các cuộc đàm phán với các nhà chức trách Việt Nam về một dự án 1 nghìn tỷ yen (13 tỷ USD) để xây dựng hai lò phản ứng ở miền Nam Việt Nam. Các điều khoản hợp đồng có thể gồm cả một viện trợ tài chính của Nhật.

Dự án này có sự tham gia của một công ty được nhà nước bảo trợ mà cổ đông lớn nhất là Tokyo Electric Power, công ty vận hành nhà máy Fukushima Daiichi bị tai nạn. Các tổ hợp công nghiệp Toshiba và Hitachi đã cung cấp lò phản ứng cho Fukushima, cũng có tham gia đầu tư. Ichiro Takekuro, một cựu giám đốc của Tokyo Electric là chủ tịch công ty mới này có tên là Công ty Phát triển Năng lượng Hạt nhân Quốc tế của Nhật Bản.

Dự án ở Việt Nam, nếu được thực hiện, sẽ nằm trong một danh sách khoảng hai chục dự án Điện Hạt nhân mà các nhà sản xuất Nhật Bản đang dự thầu hay đang tìm cách tạo ảnh hưởng ở nhiều nước kể cả Mỹ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Litva.

Nỗ lực hạt nhân của Nhật Bản và những nhà sản xuất lò phản ứng hạt nhân ở các nước khác, kể cả Areva của Pháp, General Electric ở Mỹ, công ty quốc doanh Rosatom của Nga và nhiều tổ hợp được chính phủ hỗ trợ ở Trung Quốc như China National Nuclear vẫn tiếp tục tiến hành việc thương lượng các hợp đồng mới khá tương phản với tuyên bố gần đây của Siemens, tổ hợp công nghiệp lớn nhất châu Âu, theo đấy họ sẽ ngừng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Siemens, có trụ sở chính ở Munich, đã đáp lại quyết định của nước Đức năm nay về việc giảm dần năng lượng hạt nhân – chủ yếu do phản ứng trước thảm hoạ ở Nhật Bản.

Trong nước Nhật, các nỗ lực của Tokyo đã gây ra những phản kháng từ những người chống đối hạt nhân:

Trong tháng Chín, nhóm bảo vệ môi trường Bạn Trái Đất của Nhật Bản nói: “Việc chính phủ Nhật Bản đẩy mạnh xuất khẩu hạt nhân rõ ràng là một tiêu chuẩn hai mặt và là một sai lầm.” Đảng đối lập Dân chủ Tự do đã đề nghị có thêm những tranh luận về sáng kiến xuất khẩu của ông Noda và đảng Dân chủ cầm quyền, mặc dù dư luận trong cả hai đảng tiếp tục có nhiều bất đồng, Một nghị sĩ Dân chủ Tự do, ông Itsunori Onodera, chủ tịch một uỷ ban đối ngoại của quốc hội phụ trách việc thông qua các hiệp ước hạt nhân song phương nói: “Có người đặt câu hỏi: Tại sao Nhật Bản lại cố gắng xuất khẩu một thứ mà trong nước đã loại bỏ. Ngay cả khi Nhật Bản cuối cùng quyết định tiếp tục xuất khẩu hạt nhân thì cũng vẫn cần có thêm những tranh luận về vấn đề này.”

Chỉ có một phần năm trong số 54 lò phản ứng của Nhật Bản – trước đây đáp ứng khoảng 30 phần trăm nhu cầu điện năng – là vẫn còn hoạt động. Phần còn lại bị hư hỏng trong đợt sóng thần nay đang được cho chạy thử theo kế hoạch hay đã không được phép khởi động lại sau các đợt chạy thử ấy do có sự chống đối ở địa phương. Người ta không rõ là có nhà máy nào sẽ có lúc khởi động lại. Thêm vào sự bất định ấy, ngày 4 tháng Mười, một lò phản ứng ở Genkai miền Nam Nhật Bản đã tự động ngừng chạy do gặp những vấn đề trong hệ thống làm mát. Vì chính phủ nói rằng khó có thể có những lò phản ứng mới sẽ được xây dựng nên việc giảm dần Điện Hạt nhân ở Nhật là điều không thể tránh khỏi, khi các lò phản ứng cũ bị đóng cửa.

Nhưng các nhà phân tích công nghiệp cho rằng ba công ty công nghiệp hạt nhân hàng đầu của Nhật Bản  – Hitachi, Mitsubishi Heavy Industries và Toshiba – mà lợi nhuận tổng cộng trong ngành kinh doanh năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng lên đến 242 tỷ yen (3,14 tỷ USD) trong năm tài chính vừa qua, đều tìm mọi cách để hướng ra nước ngoài hơn bao giờ hết. Những dự án đắt tiền như các lò phản ứng mới thường đi kèm theo các dịch vụ phụ trợ như hoạt động và bảo dưỡng nhiên liệu, đặc biệt tỏ ra hấp dẫn đối với các quan chức thương mại của Nhật Bản.

Nhật Bản vẫn có ý định tiếp tục xuất khẩu công nghiệp trong lúc nền kinh tế hướng về xuất khẩu của đất nước đang phải đối mặt với nhiều bão táp: đồng yen mạnh làm cho hàng hoá và dịch vụ của Nhật trở nên đắt đỏ trên thị trường quốc tế, thiếu hụt năng lượng sau sự cố Fukushima, cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ là những nước công nghiệp châu Á.

Năm 2010, xuất khẩu hạt nhân của Nhật Bản lên đến 15 tỷ yen. Trước tháng Ba năm 2011, đảng Dân chủ cầm quyền đã lấy việc mở rộng xuất khẩu hạt nhân làm tâm điểm của chính sách phát triển kinh tế của mình. Và khi ông Kan tìm cách ngừng các nỗ lực trong việc tiếp tục xuất khẩu hạt nhân tháng Bảy vừa qua, nhiều người trong đảng đã yêu cầu ông xét lại. Nay người thay thế ông Kan là ông Noda, cũng là đảng viên Dân chủ, còn tích cực hơn ông Kan trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hạt nhân. Bộ trưởng thương mại trong nội các Yoda, ông Yukio Edano, hiện chỉ đạo chính sách hạt nhân của Nhật, là người nhiều lần lên tiếng ủng hộ việc tiếp tục xuất khẩu hạt nhân.

Cho đến nay, một vài công ty Nhật Bản đã phải rút các đơn thầu sau sự cố Fukushima. Toshiba và Tokyo Electric đã phải rút lại một đề nghị mở rộng dự án Nam Texas ở phía Nam Houston. Liên doanh Toshiba – Tokyo Electric cũng từ bỏ đơn thầu để xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi chính phủ Thổ cho biết họ muốn có một kỹ thuật khác kỹ thuật lò phản ứng nước sôi mà Toshiba chuyên chế tạo đã được sử dụng ở Fukushima. Nhưng điều này có thể có lợi cho một công ty khác của Nhật Bản là Mitsubishi Heavy Industries, công ty này chuyên chế tạo các lò phản ứng nước áp lực, một kỹ thuật mà Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra quan tâm. Mitsubishi đã thắng các cuộc đấu thầu xây dựng ba lò phản ứng hạt nhân ở Mỹ, hai ở Texas và một ở Virginia.

Tuy nhiên, các chính trị gia Nhật Bản đã trì hoãn một vài dự án hạt nhân tiềm năng ở nước ngoài. Gần đây, quốc hội đã hoãn thông qua một hiệp ước hạt nhân với Jordan, nếu được thông qua, Nhật Bản có thể dự thầu một nhà máy điện hạt nhân đã lên kế hoạch ở đấy.

Một lý do: địa điểm xây dựng đề ra không có một hồ nước lớn nào nằm gần và trong trường hợp sự cố khẩn cấp, nhà máy không có cách nào đáng tin cậy để làm mát lò phản ứng nhằm ngăn chặn việc nóng chảy nhiên liệu.

Ông Odonera nói: “Sau Fukushima, chúng tôi cảm thấy rằng đấy có thể là một vấn đề.”      

N.T. N.  dịch theo New York Times

Nguồn: http://www.nytimes.com/2011/10/11/business/global/
shunning-nuclear-plants-at-home-japan-pursues-building-them-overseas.html?

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)