Nút thắt cơ chế
Những phòng thí nghiệm trọng điểm có thực lực như Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc và hóa dầu đã có những kết quả nghiên cứu chín muồi sẵn sàng để triển khai phục vụ cho nền kinh tế và xã hội, nhưng một rào cản rất lớn hiện nay là Nhà nước chưa có cơ chế pháp lý cần thiết cho việc triển khai ứng dụng các sản phẩm nghiên cứu có sử dụng kinh phí của Nhà nước. 
Một quá trình phát triển đã chín muồi
Có được những thành tựu phong phú và đáng kể như vậy trong khi đội ngũ nhân lực xuất phát điểm lúc ra đời năm 2003 chỉ có 5 thành viên, yếu tố quan trọng nhất phải kể đến là những nỗ lực theo đuổi một chiến lược phát triển thật sự đúng đắn và bài bản, đó là lấy con người làm trung tâm, luôn chú trọng đầu tư chuẩn bị thật đầy đủ về con người trước khi đầu tư cho các nguồn lực khác. Đến nay, đơn vị đã có 36 người, với trụ cột chính là PGS. TS. Vũ Thị Thu Hà, người từng đoạt giải thưởng Kovalevskaia năm 2011.
Từng tốt nghiệp tiến sĩ ở Pháp năm 1999, chị Hà đã không ngừng tạo những mối liên kết hợp tác giữa đơn vị với các chuyên gia, tổ chức khoa học nước ngoài. Cũng nhờ một trong những mối liên kết như vậy đã đem đến cơ hội giúp đơn vị nghiên cứu và đăng ký thành công bằng sáng chế quốc tế đầu tiên, trong đó 50% thuộc sở hữu của đơn vị, 50% thuộc đối tác Pháp. Sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục phát triển sâu hơn nữa mối quan hệ hợp tác với các đối tác Pháp để mở ra một phòng thí nghiệm liên kết quốc tế hoạt động trực tuyến, qua đó sẽ giúp đơn vị tăng cường mạnh mẽ cơ hội đào tạo người ở Pháp, số lượng công bố quốc tế, và sự giao lưu hợp tác với các chuyên gia quốc tế.
Tuy nhiên, sau những nỗ lực phấn đấu phát triển không ngừng trong gần 10 năm qua, Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc và hóa dầu không tự thỏa mãn dừng lại ở những giải thưởng KHCN, những bằng sáng chế trong nước và quốc tế, mà còn mong muốn được tiến hành triển khai ứng dụng những nghiên cứu đã chín muồi này vào thực tế. Điều này là hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật, và một số sản phẩm và công nghệ của đơn vị hiện nay đã có sẵn những địa chỉ ứng dụng cụ thể, đơn cử như sản phẩm hydroxit nhôm – hiện đã có đối tác Nhật sẵn sàng vào đầu tư liên doanh, đồng thời bao tiêu luôn cả đầu ra – mà hiện nay ở Việt Nam đang phải nhập khẩu hoàn toàn. Và không chỉ làm ra các sản phẩm công nghiệp, đơn vị còn có khả năng nghiên cứu xây dựng cả những dây chuyền công nghệ, ví dụ như công nghệ sản xuất sorbitol đã được sản xuất thử nghiệm từ 2003 tới 2010, dự kiến được dùng trong dự án nhà máy sản xuất sorbitol quy mô 30.000 tấn/năm tại Tây Ninh do Tập đoàn Hóa chất làm chủ đầu tư.
Việc triển khai những ứng dụng như vậy sẽ giúp công việc nghiên cứu của đơn vị có sự cọ xát, gắn kết, và phản hồi từ thực tiễn đời sống để cho ra những kết quả nghiên cứu hoàn thiện hơn, đáp ứng tốt hơn những nhu cầu thiết thực của thị trường, các ngành công nghiệp, và xã hội, chưa kể còn đem lại nguồn thu giúp đơn vị chủ động mở rộng hơn nữa hoạt động và quy mô nghiên cứu.
Nút thắt cần tháo gỡ
Nhưng bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu không chỉ là sản phẩm từ công sức lao động trí tuệ của tập thể các chuyên gia và cán bộ của đơn vị, mà còn nhờ vào nguồn kinh phí đầu tư nhiều tỷ đồng của Nhà nước. Cụ thể là Nhà nước đã đầu tư cho Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc và hóa dầu 67 tỷ đồng để gây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồng thời nguồn chi phí thường xuyên cũng không nhỏ (riêng chi phí sửa chữa hoặc thay thế mỗi chi tiết thiết bị có thể tốn kém tới hàng trăm triệu đồng), từ năm 2008 tới nay trung bình mỗi năm đơn vị được cấp chi 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị còn nhận được nguồn kinh phí từ các đề tài nghiên cứu KHCN các cấp của Nhà nước thông qua đấu thầu, có năm lên tới hàng chục tỷ đồng, PGS.TS. Vũ Thị Thu Hà cho biết.
Như vậy, có thể nói rằng những sản phẩm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc và hóa dầu cũng đồng thời là một tài sản của Nhà nước, và những đối tượng muốn khai thác các sản phẩm nghiên cứu này sẽ cần trả lại cho Nhà nước phần chi phí mà Nhà nước đã bỏ ra. Tuy nhiên, hiện nay Nhà nước vẫn chưa quy định rõ ràng về một cơ chế cho phép các cá nhân và tổ chức KHCN triển khai thương mại hóa các kết quả nghiên cứu có sử dụng kinh phí của Nhà nước, thiếu quy định hướng dẫn cho biết liệu có phải hoàn trả phần kinh phí này cho Nhà nước hay không, nếu có thì cách tính ra sao.
Do thiếu những quy định như trên nên những nghiên cứu KHCN dùng kinh phí Nhà nước dù có địa chỉ ứng dụng vẫn chưa thể được thương mại hóa. Đây là một sự lãng phí to lớn cho xã hội, là thiệt thòi cho các nhà khoa học và các tổ chức KHCN, đồng thời là sự cản trở sự phát triển lành mạnh của KHCN theo xu hướng gắn kết với những nhu cầu kinh tế xã hội trong thực tiễn. Và điều bất cập nữa là, trong khi chưa hóa giải nút thắt đầu ra này, thì ở đầu vào hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng khác vẫn đang tiếp tục được Nhà nước đầu tư vào các nghiên cứu ứng dụng KHCN.
Những bất cập to lớn này không chỉ trong phạm vi quản lý của Bộ KH&CN mà còn trực tiếp liên quan đến Bộ Tài chính trong lĩnh vực quản lý công sản, và có thể liên quan đến nhiều Bộ ngành khác có phạm vi quản lý tương ứng với những lĩnh vực ứng dụng của các sản phẩm KHCN vì mỗi lĩnh vực có thể sẽ cần một chính sách và mức độ ưu đãi riêng – ví dụ như những sản phẩm thay thế nhập khẩu như hydroxit nhôm của Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc và hóa dầu là loại sản phẩm cần được ưu đãi đặc biệt – và tùy theo mức độ ưu đãi này mà Nhà nước cần đặt ra quy định mức hoàn trả chi phí cao hay thấp tương ứng. Vì vậy, để có được những quy định hướng dẫn cụ thể và rõ ràng sẽ cần một sự vào cuộc tích cực của các Bộ ngành, và trước mắt là một chủ trương quyết liệt từ Quốc hội và Chính phủ.