Ở lại nước ngoài làm việc là chảy máu chất xám?
Các nhà khoa học cần có môi trường và điều kiện phù hợp để toàn tâm cho chuyên môn và phát huy năng lực của mình. Vậy thì việc những nhà nghiên cứu làm việc và cống hiến trí tuệ cho khoa học ở nước ngoài có phải là chảy máu chất xám?
Quan điểm thứ hai ngược lại, mặc định phân chia thế giới thành các vùng, miền riêng biệt, và có sự phân biệt lợi ích dân tộc hay lợi ích quốc gia. Theo đó, nếu xem mỗi một con người là một phần của một quốc gia thì trí tuệ của họ sẽ là tài sản quốc gia, và rõ ràng, khi quốc gia không giữ được tài sản ấy thì đó là một sự mất mát.
Ngoài hai quan điểm chủ đạo này, còn một lối suy nghĩ khác, cho rằng hãy cứ để những người có năng lực ra đi và đến một lúc nào đó họ sẽ quay trở về. Suy nghĩ này tuy không phải là không có cơ sở nhưng nó phần nhiều dựa vào niềm tin và/hay sự kì vọng liên quan đến tính trắc ẩn của từng người mà thôi.
Sau khi học và làm việc ở Paris năm năm, tôi quyết định về nước làm việc đơn giản vì những nhu cầu đời sống tình cảm cá nhân, dù biết rằng sẽ phải đối diện với những vấn đề như điều kiện làm việc hạn chế, đời sống kinh tế thấp, khiến khó có thể luôn toàn tâm cho công việc chuyên môn. Thực tế đúng là như vậy, sau khi trở về dù luôn luôn cố gắng thì cũng giống như bao người khác, bản thân tôi cũng không thể thoát khỏi những băn khoăn về vấn đề thu nhập và các điều kiện ngoại cảnh. Nhưng dù sao tôi và một số bạn đồng nghiệp vẫn là những người may mắn, vì khi quay trở về nước năm 2009 thì đúng lúc Quỹ NAFOSTED ra đời, cho chúng tôi một cơ hội để yên tâm làm việc hơn, nghĩa là có thể vẫn sống được bằng nghề nếu làm tốt chuyên môn. Ngoài ra, hằng năm dựa trên các kết quả làm việc của mình, tôi vẫn có thể xin được các tài trợ để đi gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp qua các hội nghị, hội thảo quốc tế, và tiếp tục phát triển sự nghiệp khoa học của mình. |
Quan điểm riêng của tôi thiên về quan điểm thứ hai, cho rằng mỗi quốc gia và dân tộc phải bảo vệ, giữ gìn và tìm cách làm giàu hơn những tài sản mà mình đang có, trong đó có tài sản trí tuệ/chất xám. Tuy nhiên, tài sản trí tuệ/chất xám chỉ tồn tại trong sự vận động nên không thể chỉ giữ khư khư một chỗ, mà phải tạo các điều kiện thuận lợi cho nó được phát triển, sinh sôi nảy nở. Nếu một quốc gia không làm được điều này thì việc giữ gìn, níu kéo các tài sản trí tuệ là vô nghĩa, và khi đó sự mất mát hay chảy máu chất xám là đương nhiên, không tránh khỏi.
Thông thường khi nói đến sự chảy máu chất xám người ta thường liên tưởng ngay tới những người đã thành danh, mà có khi chẳng mảy may nghĩ tới những kẻ khác, những người đang âm thầm làm việc và có tiềm năng trở thành những tài năng thành danh mới. Nếu như chúng ta không có chính sách xứng đáng, không tạo điều kiện phù hợp cho công việc của họ, thì mai này họ sẽ tìm đến một môi trường khác phù hợp cho sự phát triển của mình, để cống hiến tài năng của mình và rồi thành danh ở đó. Đây là tình thế rất mỉa mai cho chúng ta: để mất tài sản rồi mới biết mình có tài sản đó! Và nếu đợi đến khi ấy chúng ta mới mời mọc, níu kéo và giữ gìn những tài năng này thì không còn ý nghĩa nữa vì thực tế công trạng của họ đã được ghi nhận cho nơi làm cho họ thành danh rồi, đồng thời với danh tiếng ấy họ được tất cả mọi nơi chào đón, lôi kéo, vậy thì chúng ta cố giữ cho riêng mình cũng không được nữa.
Để tránh tình trạng này, chúng ta không nên quên rằng sự hùng mạnh của một quốc gia trên một lĩnh vực nào đó dựa trên nền tảng phát triển đồng đều của số đông chứ không phải là số ít. Vì vậy đừng quên giữ gìn/phát triển những dòng máu trí tuệ/chất xám đang âm thầm chảy tí tách một cách đúng mực. Nước chảy chỗ trũng, nên việc phát huy nội lực hay tập trung và phát triển trí tuệ chính là việc phải luôn luôn chủ động tạo ra những vùng trũng (môi trường thuận lợi) để định hướng những dòng chảy nhỏ đó thành một dòng chảy lớn có năng lượng cao.