Phải có giai đoạn giao thời
Với tính chất của hệ thống mang tính chính trị hóa hiện nay, với những người được đánh giá là cây đa, cây đề trong khoa học nhưng thực sự không phải trong thế nắm quyền lãnh đạo và từ đó nẩy sinh lợi ích cục bộ, lạm dụng hệ thống chính trị thì tôi thấy mọi giải pháp cải tổ đều sẽ thất bại.
– Trong từng bộ môn, sẽ định ra một nhóm nòng cốt chừng 10 người hoàn toàn dựa trên thành tích khoa học, từng người sẽ có lương hậu hĩnh (70 đến 100 ngàn USD một năm), họ sẽ tham gia giảng dạy tối thiểu (không quá 6 tiếng/tuần) ở đại học ( để tiếp xúc và hướng dẫn sinh viên trẻ) và hoàn toàn được tự do nghiên cứu. Họ cũng sẽ là nhóm đánh giá và quyết định chuyên môn của những người nộp đơn xin dự án của chính phủ. Nhiệm kỳ của họ là 5 năm và có thể kéo dài thêm. Nếu không có công trình họ sẽ bị nhóm trên loại bỏ (bằng phiếu của đa số) bất cứ thời điểm nào. Nhóm cần có ban tư vấn là các nhà khoa học gia nước ngoài có uy tín. Tư vấn có quyền đánh giá các công trình của từng người trong nhóm. Nhà nước dựa vào đánh giá của tư vấn để xem xét có nên tiếp tục nhóm hay không.
– Chính phủ đề ra các dự án nghiên cứu và nhóm nòng cốt trên sẽ xem xét và quyết định ai xứng đáng. Việc quản lý đề án là thuộc bộ, nhóm không tham gia nhưng nhóm này sẽ tổ chức đánh giá kết quả.
Sau 10 năm, sẽ hình thành Academy of Science, bổ nhiệm từ những người có công trình quan trong sau khi tham gia nhóm. Academy of Science sẽ chỉ có tính chất chuyên môn và cố vấn nhà nước, đánh giá và chọn những chuyên gia thắng đề án của nhà nước, giống như ở Mỹ.
Vừa rồi chính phủ mới cho lập nhóm toán của Ngô Bảo Châu, chúng ta nên hỏi xem nhóm đó làm việc như thế nào, và từ kinh nghiệm của họ mà rút ra bài học. Điều nên tránh là tập hợp những người trong nhóm vào một viện nghiên cứu.
Trên đây chỉ là ý kiến để suy nghĩ vì nó không nhằm vào việc tổ chức, mà thực chất là nhằm vào việc chọn ra những người có chuyên môn cao và trả lương xứng đáng để họ chú tâm vào nghiên cứu.
—
(*) Chuyên gia thống kê, Việt kiều Mỹ