Phân phối ngân sách nghiên cứu ở Úc: Các bộ không can thiệp

Mỗi năm, Nhà nước Úc chi ra khoảng 5-6 tỉ đô-la Úc cho các dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng quốc gia (GDP) và được phân phối đến các nhóm nghiên cứu ở đại học hàng đầu và các viện nghiên cứu trên toàn nước Úc. 

Hai cơ quan chính chịu trách nhiệm quản lí dự án và phân phối ngân sách nghiên cứu khoa học là NHMRC (National Health and Medical Research Council – Hội đồng y tế và y khoa quốc gia) và ARC (Australian Research Council – Hội đồng nghiên cứu khoa học quốc gia). NHMRC chủ yếu quản lí các dự án nghiên cứu liên quan đến các ngành y sinh học, còn ARC chủ yếu quản lí các dự án liên quan đến khoa học tự nhiên và khoa học thực nghiệm. Hai cơ quan này có tên là “Council” (Hội đồng) vì cơ cấu tổ chức không giống như cơ cấu của một cơ quan Nhà nước. Chủ tịch và các thành viên trong hội đồng là các nhà khoa học làm việc bán thời gian và không lương.  Điều hành công việc hằng ngày là một nhóm cán bộ hành chính (những người này có lương) do Nhà nước tuyển dụng. Các quan chức Nhà nước từ các bộ hầu như không dính dáng và không can thiệp vào việc quản lí và phân phối tài trợ của ARC và NHMRC. 

Tiền tài trợ cho nghiên cứu trên danh nghĩa là cấp cho nhóm nghiên cứu, nhưng nhà khoa học không trực tiếp quản lí số tiền này. Trong thực tế, ARC và NHMRC chuyển tiền tài trợ đến và ủy nhiệm cho trung tâm nghiên cứu (trường đại học hay viện nghiên cứu) trực tiếp quản lí số tiền này. Do vậy, số tiền mà các trung tâm nhận được thường cao hơn ngân sách của đề án nghiên cứu khoảng 15 đến 20%, tùy theo trung tâm. Chẳng hạn như nếu đề án được cấp 1 triệu đôla, thì ARC và NHMRC sẽ phải cấp cho trung tâm thực hiện đề án là 1.15 đến 1.2 triệu USD.

Một đề án nghiên cứu thường kéo dài từ 3 năm đến 5 năm. Mỗi năm, người chủ trì đề án nghiên cứu phải báo cáo cho NHMRC về tiến trình của nghiên cứu. Báo cáo này chỉ vỏn vẹn 3 trang giấy, và chỉ liên quan đến khoa học, chứ không liên quan đến phần tài chính. (NHMRC không trực tiếp kiểm tra xem nhà nghiên cứu chi số tiền tài trợ cho khoản nào). 

Khi dự án kết thúc (năm thứ 3 hay thứ 5), người chủ trì đề án nghiên cứu phải soạn thảo một báo cáo sau cùng. Bản báo cáo này chỉ dài khoảng 10 trang (tùy theo số lượng bài báo khoa học công bố), nhưng phải bao gồm các khía cạnh như sau: nhắc lại mục tiêu cụ thể của đề cương nghiên cứu, mô tả đề án có đạt được các mục tiêu đề ra hay không, thay đổi nhân sự (nếu có), số lượng ấn phẩm khoa học công bố (như bài báo khoa học, sách, chương sách…), tập san công bố, số lần trích dẫn (nếu có), bằng sáng chế, số nghiên cứu sinh đào tạo được, số nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ đã huấn luyện, và hướng nghiên cứu kế tiếp. 

Vì nghiên cứu mang tính kế thừa và liên tục, cho nên nếu nhà nghiên cứu không công bố được bài báo nào trong thời gian thực hiện dự án, thì chắc chắn sẽ không bao giờ được tài trợ lần sau và có thể nói là sự nghiệp của nhà nghiên cứu sẽ bị gián đoạn.

Theo “Quản lý dự án nghiên cứu khoa học của Úc”

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)