Pháp quy hạt nhân: Yếu tố quan trọng của an toàn hạt nhân
Cơ quan pháp quy hạt nhân là một phần không thể thiếu của bất cứ quốc gia nào, nếu muốn xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân an toàn.

Trong lịch sử phát triển của công nghệ hạt nhân, niềm tự hào của mỗi quốc gia có nhà máy điện hạt nhân là những giờ vận hành nhà máy an toàn, không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người. Một phần làm nên niềm tự hào ấy là năng lực giám sát của cơ quan pháp quy hạt nhân với việc ban hành những quy định chặt chẽ ngay từ những công đoạn đầu tiên để hình thành nhà máy điện hạt nhân.
Ở Việt Nam, tiến trình song song chuẩn bị cho dự án nhà máy điện hạt nhân và sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử cũng hướng đến mục tiêu vận hành an toàn, và trong đó đảm bảo tăng cường năng lực của Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân (VARANS). Một trong những điểm mấu chốt của việc sửa luật lần này là sửa đổi những nội dung liên quan đến quy định của các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và có trách nhiệm thực hiện. Chúng ta nhớ rằng Luật Năng lượng nguyên tử được ban hành vào năm 2008, trong khi hai năm sau, Việt Nam mới tham gia Công ước An toàn hạt nhân nên chưa kịp cân nhắc bổ sung một số điểm đã được các chuyên gia Cơ quan năng lượng nguyên tử (IAEA) lưu ý. Đó là các quy định về khung luật pháp, pháp quy, cơ quan pháp quy, những yếu tố quan trọng của an toàn hạt nhân và góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa an toàn của mọi quốc gia phát triển điện hạt nhân.
Hiểu về mô hình cơ quan pháp quy hạt nhân
Công ước An toàn hạt nhân mà Việt Nam tham gia từ năm 2010 có quy định rất rõ ràng về việc các quốc gia thành viên phải xây dựng luật pháp và pháp quy, trong đó quy định hệ thống cấp phép liên quan đến các công trình hạt nhân (bao gồm nhà máy điện hạt nhân). Theo tinh thần này, các quốc gia thành viên buộc phải thành lập hoặc chỉ định một cơ quan pháp quy với nhiệm vụ thực thi luật pháp và pháp quy (hạt nhân), bao gồm cả thẩm định, cấp phép và giám sát an toàn công trình hạt nhân.
Mặc dù yêu cầu các quốc gia cần phải tuân theo quy định, nhưng Công ước An toàn hạt nhân cũng có độ mở nhất định về mô hình của các cơ quan pháp quy. Tùy thuộc vào quy mô phát triển điện hạt nhân và hệ thống hành chính nhà nước mà mỗi quốc gia có thể thiết lập hoặc chỉ định một cơ quan pháp quy hạt nhân với thẩm quyền khác nhau và có trách nhiệm cung cấp đủ năng lực, nguồn tài chính, nhân lực để cơ quan này có thể hoàn thành các trách nhiệm được giao.
Chúng ta có thể hình dung một cách sơ bộ, cơ quan pháp quy hạt nhân có trách nhiệm xây dựng các văn bản pháp luật, pháp quy hạt nhân, tự ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành; chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép và tổ chức giám sát an toàn hoạt động của nhà máy điện hạt nhân. Cơ quan pháp quy hạt nhân có trách nhiệm quản lý an toàn hạt nhân ở tất cả các giai đoạn trong vòng đời của nhà máy điện hạt nhân, bao gồm lựa chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng, vận hành thử, vận hành và ngừng hoạt động. Cơ quan này có thể linh hoạt xây dựng tổ chức hỗ trợ kỹ thuật (TSO) trực thuộc, có TSO bên ngoài, hỗ trợ công việc của mình; song mối quan hệ và trách nhiệm giữa cơ quan pháp quy hạt nhân với các TSO trong các hoạt động thẩm định, cấp phép và giám sát an toàn các nhà máy điện hạt nhân phải được quy định rõ trong luật pháp và pháp quy hạt nhân quốc gia.
Về mặt lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế, tùy trình độ phát triển của mỗi quốc gia mà việc điều phối, vận hành của các cơ quan pháp quy có phần khác nhau. Ở Mỹ, Ủy ban Pháp quy hạt nhân (NRC) được Quốc hội thành lập như một cơ quan pháp quy độc lập vào năm 1974 để quản lý các nhà máy điện hạt nhân và sử dụng vật liệu hạt nhân vì mục đích dân sự khác. NRC có các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật trực thuộc với năng lực, nguồn tài chính và nhân lực rất mạnh. Do vậy, NRC và các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật trực thuộc có thể tự thực hiện được tất cả các hoạt động thẩm định, cấp phép và giám sát an toàn các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ.
Hai mô hình thiết lập cơ quan pháp quy hạt nhân, một là mô hình trực thuộc Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ; hai là mô hình trực thuộc Bộ. Tôi cho rằng, Việt Nam nên chọn mô hình thứ hai cho giai đoạn hiện nay, bởi lẽ quy mô phát triển điện hạt nhân của chúng ta còn nhỏ và nhân lực về an toàn hạt nhân của chúng ta còn hạn chế.
Trong khi đó, một cường quốc hạt nhân khác là Liên bang Nga thành lập Rostekhnadzor có phần khác biệt. Vào năm 2004, Rostekhnadzor ra đời trên cơ sở sáp nhập Cơ quan Giám sát nguyên tử Liên bang và Cơ quan Giám sát công nghệ Liên bang. Sau đó, việc tiếp nhận các chức năng giám sát môi trường, giám sát xây dựng giúp Rostekhnadzor có thể thực hiện trách nhiệm lớn hơn trách nhiệm của một cơ quan pháp quy hạt nhân. Được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ, Rostekhnadzor và các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật trực thuộc có thể thực hiện tất cả các hoạt động thẩm định, cấp phép và giám sát an toàn các nhà máy điện hạt nhân của Liên bang Nga.

Ở Hàn Quốc, Ủy ban An toàn và An ninh hạt nhân Hàn Quốc (NSSC), do một Chủ tịch Ủy ban cấp thứ trưởng phụ trách, và đặt dưới sự quản lý của Văn phòng Thủ tướng. NSSC được thành lập vào ngày 26/10/2011 nhằm tăng cường bảo đảm an toàn hạt nhân sau tai nạn Fukushima Daiichi vào tháng 3/2011 và một số sự cố tại các lò phản ứng của Hàn Quốc. Khác với cơ quan pháp quy Mỹ và Nga, NSSC sử dụng các viện nghiên cứu (không trực thuộc NSSC) như các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật.
Đó là ba mô hình cơ quan pháp quy của các quốc gia đi đầu trong phát triển công nghệ hạt nhân (Mỹ, Liên bang Nga) và quốc gia tiếp nhận công nghệ, tiến tới làm chủ và bắt đầu xuất khẩu công nghệ hạt nhân ra nước ngoài (Hàn Quốc). Để có cái nhìn sát thực hơn về mô hình cơ quan pháp quy của quốc gia tiếp nhận công nghệ giống Việt Nam, chúng ta có thể tham khảo mô hình của Bangladesh, quốc gia đang đón nhận chuyển giao công nghệ và trong tiến trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Cơ quan Pháp quy năng lượng nguyên tử Bangladesh (BAERA), trực thuộc Bộ KH&CN và chịu trách nhiệm quản lý năng lượng hạt nhân tại Bangladesh. BAERA giám sát các khía cạnh an toàn của Nhà máy Điện hạt nhân Rooppur và chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp với một Ủy ban của Quốc hội Bangladesh.
Qua các ví dụ này, có thể thấy có hai mô hình thiết lập cơ quan pháp quy hạt nhân, một là mô hình trực thuộc Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ; hai là mô hình trực thuộc Bộ. Tôi cho rằng, Việt Nam nên chọn mô hình thứ hai cho giai đoạn hiện nay, bởi lẽ quy mô phát triển điện hạt nhân của chúng ta còn nhỏ và nhân lực về an toàn hạt nhân của chúng ta còn hạn chế. Điều đó may mắn thay lại vừa khéo với hiện trạng hiện nay của VARANS là trực thuộc Bộ KH&CN. Về lâu dài, để phù hợp với tình hình Việt Nam, cơ quan pháp quy hạt nhân này nên có đơn vị hỗ trợ kỹ thuật với nhân lực ở quy mô vừa phải, chú trọng tuyển chọn cán bộ có kinh nghiệm từ các viện nghiên cứu, có chuyên môn về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung, về điện hạt nhân nói riêng; đồng thời có hợp tác với tổ chức hỗ trợ kỹ thuật bên ngoài.
Bài học nào quan trọng với Việt Nam?
Công ước an toàn hạt nhân cũng có quy định cụ thể về địa điểm, thiết kế và xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân; lưu ý đến các hoạt động bảo đảm an toàn của các cơ quan pháp quy. Năng lực của cơ quan pháp quy thể hiện một cách rõ nét thông qua các hoạt động thẩm định, phê duyệt, cấp phép và giám sát an toàn ở các giai đoạn này. Việc xây dựng năng lực ấy là mảnh ghép quan trọng của bức tranh chung về an toàn hạt nhân đối với việc triển khai dự án điện hạt nhân của một quốc gia.
Ở giai đoạn đầu phát triển điện hạt nhân, cơ quan pháp quy ở quốc gia tiếp nhận chuyển giao công nghệ cần phải có chương trình, kế hoạch đào tạo phát triển nhân lực pháp quy phù hợp; có thể tiếp nhận hợp tác từ cơ quan pháp quy ở quốc gia xuất khẩu công nghệ và từ quốc gia bên thứ ba hoặc từ IAEA.
Nếu nhìn vào tổng quan phát triển điện hạt nhân của thế giới, có thể thấy có nhiều quốc gia tương tự Việt Nam khi tiếp nhận công nghệ hạt nhân từ quốc gia khác. Điểm chung của các quốc gia này là cơ quan pháp quy hạt nhân buộc phải có đủ năng lực để thực hiện trách nhiệm quản lý an toàn đối với hoạt động của nhà máy điện hạt nhân ở quốc gia mình, bởi lẽ cơ quan pháp quy ở quốc gia khác không chịu trách nhiệm thay cho cơ quan pháp quy ở quốc gia tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu phát triển điện hạt nhân, cơ quan pháp quy ở quốc gia tiếp nhận chuyển giao công nghệ cần phải có chương trình, kế hoạch đào tạo phát triển nhân lực pháp quy phù hợp; có thể tiếp nhận hợp tác từ cơ quan pháp quy ở quốc gia xuất khẩu công nghệ và từ quốc gia bên thứ ba hoặc từ IAEA.
Ở thời điểm này, Việt Nam có một lợi thế là đã có một cơ quan pháp quy hạt nhân và một số kinh nghiệm hoạt động trong quá khứ. Vào giai đoạn trước khi dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (ngày 26/11/2016), Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã có nhiều cuộc họp, hội thảo với Rostekhnadzor và có được nhiều khóa đào tạo – bồi dưỡng cho cán bộ Việt Nam về văn bản pháp quy, quy trình thẩm định và sử dụng phần mềm đánh giá an toàn của Liên bang Nga. Thời kỳ đó, Việt Nam còn nhận được hỗ trợ đào tạo nhân lực pháp quy từ các cơ quan pháp quy hạt nhân Mỹ, Anh, Liên bang Đức, Slovakia, Nhật Bản và trực tiếp từ IAEA.

Trong quá trình chuẩn bị cho nhà máy điện hạt nhân giai đoạn trước năm 2016, Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân trong khoảng 10 năm (từ năm 2006 đến 2015), lúc cao điểm có tới 90 cán bộ được đào tạo bài bản. Việc tuyển chọn nhân lực lúc đầu tập trung vào số cán bộ có 20-25 năm kinh nghiệm ở Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và các cán bộ trẻ có trình độ tiến sĩ mới tốt nghiệp ở nước ngoài về. Các cán bộ này góp phần tạo ra định hướng hoạt động, tự đào tạo lớp cán bộ mới ra trường. Khi đó, việc thu hút nhân lực được thực hiện bằng chính sách nâng cao thu nhập hợp lý, ví dụ thu nhập qua lương có thể tăng khoảng 1,5 đến 2 lần; thu nhập qua việc được gửi đi đào tạo ở nước ngoài tương đối thường xuyên (tất nhiên mục tiêu chính là nâng cao trình độ). Việc nâng cao năng lực được tiến hành dưới nhiều hình thức, từ các khóa học ngắn hạn từ một đến ba tháng đến các khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành năng lượng nguyên tử ở các viện nghiên cứu, trường đại học ở nước ngoài. Một trong những ghi nhận về năng lực của đội ngũ cán bộ pháp quy Việt Nam thời điểm đó là có chuyên gia được mời tham gia Hội đồng Tiêu chuẩn an toàn (CSS), tham gia các Nhóm chuyên gia về an toàn hạt nhân, về an ninh hạt nhân của IAEA; được mời tham gia các đoàn đánh giá tích hợp về cơ sở hạ tầng của IAEA cho các quốc gia khác; có bốn cán bộ được IAEA tuyển chọn làm việc dài hạn tại Viên (Áo)…
Để cơ quan pháp quy hạt nhân của Việt Nam, trong trường hợp này là Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân, có được điều kiện tốt nhất trong quá trình xây dựng năng lực, nhà nước cần quy định rõ thẩm quyền, năng lực, nguồn tài chính, nhân lực và có cơ chế đặc biệt để phát triển.
Sự thay đổi đột ngột chính sách hạt nhân vào cuối năm 2016 đã làm mai một đội ngũ chuyên gia này. Khi dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận bị tạm dừng, số lượng cán bộ của Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân đã giảm xuống đáng kể, không ít người đã chuyển công tác, trong đó bao gồm các tiến sĩ, thạc sĩ trẻ có năng lực, các cán bộ được IAEA đào tạo chuyên ngành tới 9-10 tháng ngay tại Viên (Áo)… Do đó, số lượng người bám trụ ở lại chỉ còn 31 người. Có thể ước tính một khoản kinh phí đào tạo không nhỏ trong vòng 10 năm ấy đã bị lãng phí.
Gần đây, do quá trình sáp nhập mà Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân đã có thêm 14 cán bộ từ Vụ Năng lượng nguyên tử, nâng tổng số nhân lực lên 45 người. Tuy nhiên có nhận xét cho rằng, 45 cán bộ hiện tại chưa có đủ chuyên môn và kinh nghiệm pháp quy hạt nhân so với 45 cán bộ đã nghỉ hưu và chuyển công tác. Mặt khác, việc sáp nhập nhân lực này, nếu sáp nhập cả chức năng nhiệm vụ thúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử với chức năng pháp quy hạt nhân, Việt Nam sẽ phải giải trình với các đoàn công tác đánh giá tích hợp của IAEA về sự tách biệt hiệu quả giữa các chức năng của cơ quan pháp quy và các chức năng của bất kỳ cơ quan hoặc tổ chức nào khác liên quan đến việc thúc đẩy hoặc sử dụng năng lượng hạt nhân, được quy định tại Công ước An toàn hạt nhân.
Những gì xảy ra trong quá khứ của Việt Nam cũng như những chuyển động của pháp quy quốc tế cho thấy, sự tồn tại của một cơ quan pháp quy hết sức quan trọng với sự vận hành an toàn của nhà máy điện hạt nhân. Cơ quan pháp quy ấy cần được thụ hưởng một chính sách bền vững, nhất quán để có thể nâng cao năng lực và làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình.
Về cụ thể, từ góc nhìn của một chuyên gia pháp quy hạt nhân, tôi mạo muội cho rằng, để cơ quan pháp quy hạt nhân của Việt Nam, trong trường hợp này là Cục An toàn và bức xạ hạt nhân có được điều kiện tốt nhất trong quá trình xây dựng năng lực, Nhà nước cần quy định rõ thẩm quyền, năng lực, nguồn tài chính, nhân lực và có cơ chế đặc biệt để phát triển. Với mục tiêu xây dựng một đội ngũ giỏi và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân sẽ cần một nguồn nhân lực lớn. Tuy nhiên, để tránh trường hợp đào tạo gấp quá nhiều nhân lực pháp quy, cũng cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của tổ chức hỗ trợ kỹ thuật (không thuộc Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân) đối với việc thẩm định và giám sát an toàn ở các giai đoạn khác nhau của dự án điện hạt nhân; có quy định về tương tác giữa cơ quan pháp quy hạt nhân và tổ chức hỗ trợ kỹ thuật.

Những công việc phía trước
Trong lĩnh vực hạt nhân, các quốc gia đi sau cần tham khảo cách làm của các quốc gia đi trước và tuân thủ hướng dẫn của các tổ chức quốc tế. Để có điện hạt nhân an toàn, Việt Nam cũng không nằm ngoài cách làm này.
Một trong những ví dụ đáng chú ý gần đây mà Việt Nam cần tham khảo là Bangladesh với Cơ quan Pháp quy năng lượng nguyên tử Bangladesh (BAERA). Được thành lập năm 2013 nhưng đến năm 2016-2017, BAERA đã đủ năng lực cấp các giấy phép cần thiết cho việc thiết kế và xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Rooppur. Để hỗ trợ Bangladesh, tổ chức hỗ trợ kỹ thuật của Rostekhnadzor JSC “VO Safety” và BAERA đã ký kết hợp đồng khung vào ngày 18/11/2016, cho phép JSC “VO Safety” cung cấp các dịch vụ kỹ thuật về an toàn hạt nhân và bức xạ để hỗ trợ các quy trình pháp quy chính do BAERA thực hiện trong các hoạt động lựa chọn địa điểm, thiết kế, chế tạo và xây dựng cho Nhà máy điện hạt nhân Rooppur. Tháng 12/2021, hai bên thảo luận và ký Hợp đồng mới về nhiều lĩnh vực, bao gồm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho BAERA và đánh giá sự phù hợp của thiết bị cho Nhà máy điện hạt nhân Rooppur.
Như vậy, theo kinh nghiệm của Bangladesh hiện nay và của Việt Nam thời kỳ trước tháng 11/2016, Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan pháp quy hạt nhân ở quốc gia xuất khẩu công nghệ (đối với dự án Ninh Thuận 1 là Rostekhnadzor (Liên bang Nga). Hai bên sẽ hợp tác tìm hiểu, chuyển giao quy trình thẩm định, cấp phép, giám sát an toàn và đào tạo – bồi dưỡng phát triển nhân lực pháp quy hạt nhân theo tiến độ thực hiện dự án Ninh Thuận 1. Tương tự như vậy đối với các dự án nhà máy điện hạt nhân tiếp theo của Việt Nam.
Đối với dự án Ninh Thuận 1, Việt Nam có thể phải thuê tư vấn quốc tế thẩm định an toàn phê duyệt địa điểm, phê duyệt thiết kế, giám sát xây dựng…, kết hợp đào tạo – bồi dưỡng phát triển nhân lực pháp quy hạt nhân cho Việt Nam trong ngắn hạn, trong khi hợp tác dài hạn với cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia chuyển giao công nghệ, chuẩn bị giám sát nhiều giai đoạn vòng đời của nhà máy điện hạt nhân. Theo kinh nghiệm vận hành an toàn Lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Việt Nam có thể có đủ nhân lực tự vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân, cũng như nhân lực pháp quy sau một số năm mà Việt Nam có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Cơ quan pháp quy hạt nhân cần có quan điểm, định hướng rõ trong việc hợp tác với các đối tác để sớm nâng cao năng lực của chính mình và của tổ chức hỗ trợ kỹ thuật. Việc hợp tác với cơ quan pháp quy quốc gia đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân có thể chỉ về đào tạo phát triển nhân lực, tiếp nhận chuyển giao các công cụ tính toán thẩm định, các phương tiện quan trắc, giám sát an toàn, có nghĩa là các hoạt động có liên quan gián tiếp đến thẩm định an toàn. Còn các hoạt động trực tiếp liên quan đến thẩm định thì cần hợp tác với bên thứ ba như thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, phương án hợp tác pháp quy hạt nhân đồng thời với cơ quan pháp quy quốc gia đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân và với bên thứ ba là cách làm tối ưu và thuận lợi cho Việt Nam để tăng cường năng lực của cơ quan pháp quy và tổ chức hỗ trợ kỹ thuật. Nguyên nhân là bởi Việt Nam có chính sách hợp tác quốc tế đa phương, rộng mở; minh bạch trong chính sách phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung và phát triển điện hạt nhân nói riêng; đã thực hiện tốt quy định của các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, áp dụng hài hòa quy định và hướng dẫn của IAEA, kinh nghiệm của cơ quan pháp quy hạt nhân các quốc gia có điện hạt nhân phát triển. Điều quan trọng là Việt Nam có nhiều chục năm chuẩn bị về nhận thức và con người cho hợp tác quốc tế về hạt nhân và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng hạt nhân trên thế giới.
Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang tiến hành sửa Luật Năng lượng nguyên tử và cơ quan pháp quy đang trong quá trình xây dựng năng lực, việc vận dụng linh hoạt theo thứ tự ưu tiên áp dụng các yêu cầu, hướng dẫn về an toàn nên là của IAEA, sau đó mới là của quốc gia đối tác hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam. Chúng ta biết rằng, IAEA đã ban hành các yêu cầu về an toàn (tiêu chuẩn bắt buộc) lựa chọn địa điểm, thiết kế, vận hành thử và vận hành đối với nhà máy điện hạt nhân. Vì vậy, Việt Nam cần tập trung ban hành các quy định bắt buộc đối với các khâu lựa chọn địa điểm, thiết kế, vận hành thử và vận hành nhà máy điện hạt nhân theo tiêu chuẩn của IAEA. Với một khâu quan trọng khác là xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam có thể áp dụng quy định pháp quy của quốc gia đối tác hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam (Nga với dự án Ninh Thuận 1) hoặc của Mỹ. Trong trường hợp có nhiều đối tác hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam cần bảo đảm thống nhất áp dụng một hệ thống văn bản pháp quy hạt nhân cho các dự án.
Ở đây, có thể có ý kiến nêu: nếu các quốc gia thành viên IAEA đều có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu (tiêu chuẩn bắt buộc) của IAEA thì tại sao Việt Nam không lựa chọn dựa theo tiêu chuẩn của IAEA cho đỡ phức tạp? Vấn đề nằm ở chỗ, các tiêu chuẩn bắt buộc của IAEA đúng là do các chuyên gia chủ yếu đến từ các quốc gia có điện hạt nhân phát triển như Mỹ, Liên bang Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, thiết kế, thảo luận và thống nhất ban hành; nhưng để có được sự ủng hộ, nhất trí của đa số các quốc gia thành viên, các yêu cầu an toàn của IAEA thường mang tính phổ quát, và có thể chưa đủ các yêu cầu chi tiết. Trong thực tế, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc thường bổ sung chi tiết hệ thống văn bản pháp quy của mình bằng cách sử dụng kinh nghiệm của Mỹ.
Việc áp dụng kinh nghiệm của Cơ quan pháp quy Mỹ (NRC) cũng là nhằm đáp ứng yêu cầu của Chính phủ Việt Nam là phải lựa chọn công nghệ hạt nhân tiên tiến, an toàn và kiểm chứng, nghĩa là đã được xây dựng và vận hành ở quốc gia khác; đồng thời cần thúc đẩy tiến trình chuẩn bị triển khai dự án điện hạt nhân đầu tiên. Ví dụ, Việt Nam có thể áp dụng các quy trình cấp phép bổ sung theo kinh nghiệm của Cơ quan pháp quy Mỹ (NRC) với quy trình cấp phép theo hai bước, phê duyệt xây dựng và cấp phép vận hành, trong đó khi tiến hành phê duyệt xây dựng mới tiến hành xem xét, đánh giá địa điểm và thiết kế. Các bên có nhà máy điện hạt nhân có thể sử dụng các quy trình cấp phép bổ sung, bao gồm phê duyệt địa điểm sớm, chứng nhận thiết kế tiêu chuẩn, cấp phép kết hợp và các quy trình cấp phép khác.
Việc áp dụng hướng dẫn của IAEA và kinh nghiệm quốc tế có thể hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong việc nhanh chóng có được các quy định pháp quy phù hợp và đẩy nhanh các hoạt động chuẩn bị đầu tư, sớm có thể bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Kết luận
Liên quan đến việc tái khởi động Dự án điện hạt nhân, bên cạnh việc cần nghiên cứu đề xuất tham gia Công ước về trách nhiệm hạt nhân và nghiên cứu thực hiện trách nhiệm của quốc gia đã tham gia các công ước quốc tế, trong đó có Công ước An toàn hạt nhân, Việt Nam cần quan tâm đến việc củng cố cơ quan pháp quy và các bước liên quan để có được một dự án thành công.□
—–
*TS. Lê Chí Dũng là chuyên gia pháp quy hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam).
Bài đăng Tia Sáng số 7/2025