Phát triển thủy điện tràn lan vượt tầm kiểm soát
Trận lũ lụt ở Miền Trung vừa qua dẫn đến cái chết của 43 người dân, kèm theo là những hậu quả nghiêm trọng về mọi mặt đã được các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật từng ngày có nguồn gốc sâu xa từ đâu? Tất nhiên, chúng ta hiểu đó là thiên tai, thứ mà mảnh đất Miền Trung từng phải gánh chịu từ bao đời. Nhưng nếu chúng ta không phát triển thủy điện tràn lan vượt tầm kiểm soát, thì thiên tai đâu có thể tàn phá dữ dội và kinh hoàng đến thế?
Quan niệm thủy điện là loại năng lượng sạch và rẻ đến nay chắc chắn không còn đúng nữa nếu đánh giá về tổng thể, không những thế việc phát triển loại hình năng lượng này còn tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường.
Trước hết để xây dựng các hồ thủy điện, những diện tích lớn đất đất đai thuộc thung lũng sông đã phải thay đổi mục đích sử dụng. Trong khi người Việt Nam từ lâu đời có đời sống gắn liền với các lưu vực và thung lũng sông. Cũng chính tại đó người nông dân đã sáng tạo nên nền văn minh lúa nước độc đáo. Sự phát triển của mạng lưới thủy điện đã đẩy không biết bao nhiêu gia đình thuần nông phải rời xa thửa ruộng, mảnh vườn đã bao đời gắn bó với họ. Đó thực sự là sự đảo lộn cuộc sống. Nhìn chung các căn nhà tái định cư, những mảnh đất đền bù… khó có thể so sánh với những gì từng thiết thân mà “người lòng hồ” đã phải rời bỏ, kể từ mồ mả cha ông đến những nét văn hóa mang bản sắc riêng của một vùng quê.
Thứ hai, cùng với việc phá rừng làm thủy lợi, đa dạng sinh học không chỉ của rừng, mà còn của cả hệ thủy sinh bị phá hủy, làm mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng. Mà cân bằng sinh thái luôn là chỉ thị của phát triển bền vững trong lĩnh vực khai thác tự nhiên. Rừng nhiệt đới bị phá hủy, đồng nghĩa với việc một phần lá phổi của hành tinh bị hủy hoại, một lượng lớn khí carbonic (CO¬2) không được cây xanh hấp thụ, trong khi đó một lượng lớn khí mêtan (CH4) được phát thải từ dưới đáy các hồ thủy điện, góp phần làm gia tăng hiệu ứng nhà kính – nhân tố quan trọng gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Chỉ xét riêng từ góc độ này cũng đã thấy, thủy điện không còn là năng lượng sạch so với các loại hình năng lượng khác.
Thứ ba, việc đắp đập hồ thủy điện khiến cho bờ sông vùng hạ du bị phơi khô, đẩy nhanh quá trình phong hóa, làm giảm đáng kể độ bền cơ học của dải bờ. Do vậy, đến khi bị xả lũ đột ngột, bờ sông thường bị xói lở mạnh hơn rất nhiều so với khi chưa có đập thủy điện chắn phía thượng nguồn. Chính vì thế, nguy cơ sụp lở dải bờ sông, phá hủy nhà cửa của cư dân vùng hạ du là rất đáng kể.
Cuối cùng, đã có nhiều ý kiến về việc liệu các công trình thủy điện ở Miền Trung có vai trò gì không trong trận lụt kinh hoàng vừa qua? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta lại phải dựa vào nội dung của khái niệm phát triển bền vững. Chúng ta cần đặt câu hỏi, nếu không có mạng lưới thủy điện dày đặc như ở Miền Trung hiện nay thì quy mô và sức tàn phá của trận lụt trong tháng 11 vừa qua có khủng khiếp đến vậy không? Thực ra, câu trả lời không khó. Mặc dù Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nói: “Đến nay chưa có báo cáo nào nói có hồ nào đó xả lũ sai quy trình và các địa phương có hồ chứa đều khẳng định như vậy”, thì chúng ta có thể hiểu ngay, Phó thủ tướng đã nói về những báo cáo đơn lẻ của từng cơ sở. Mà vấn đề ở đây không phải là một phép tính cộng đơn giản thế.
Xét theo logic thông thường, lẽ ra làm hồ thủy điện là góp phần điều tiết lưu lượng nước sông, góp phần hạn chế lũ lụt và đảm bảo tốt hơn nguồn nước tưới cho đồng ruộng vùng hạ du vào mùa khô. Nhưng cách phát triển thủy điện vừa và nhỏ tràn lan như ở Miền Trung hiện nay đã vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, của các bộ ngành và Nhà nước.
Nước lũ nhấn chìm nhiều ngôi nhà ở thôn Tân An, xã Đại Lãnh ven sông Vu Gia (Quảng Nam) đầu tháng 10. Dư luận cho rằng việc thủy điện xả lũ đã làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt |
Phát triển thủy điện là vấn đề lớn, không thể có cách tiếp cận vụn vặt, mà phải xét nó trên quy mô tổng thể. Mỗi nhà máy thủy điện dù lớn, dù nhỏ, trước khi được cấp phép xây dựng chắc chắn cần phải có đánh giá tác động môi trường. Quy trình vận hành hồ thủy điện cần thiết lập chuẩn mực. Ngoài ra, cần có kịch bản tình huống cho từng cấp độ xả lũ, kể cả đối với cấp độ xấu nhất là vỡ đập, thì ảnh hưởng của nó tới vùng hạ du như thế nào. Những phương án xử lý tình huống hiệu quả nhất đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, của xã hội cần được tính toán chi tiết cho những trường hợp đó. Đối với cả hệ thống thủy điện gồm hàng chục, hàng trăm nhà máy, thì buộc phải có một kịch bản tổng thể, không chỉ đơn thuần là phép cộng nữa. Phép tính tổng hợp này chắc chắn thời gian qua chưa được đặt ra ở Miền Trung. Hệ thống thủy điện chưa có quy trình điều phối tổng thể, chưa có cơ quan chỉ huy thống nhất. Chính vì thế, việc xả lũ dù đúng quy trình chăng nữa, nhưng mới dừng ở từng hồ đơn lẻ, nên vẫn có thể gây hậu quả nghiêm trọng như trận lụt vừa qua.
Trong bài phát biểu ngày 21/11/2013 tại Quốc hội Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận thực trạng yếu kém của việc quản lý thủy điện, đặc biệt là các đập thủy điện ở Miền Trung, gây thiệt hại nhân mạng và tài sản rất lớn trong mùa mưa lũ. Điều đó là chính xác. Có thể nói cho đến nay, chúng ta vẫn không có được những giải pháp hữu hiệu giải quyết nạn chặt phá rừng cũng như chưa kiểm soát, điều hành được toàn bộ hệ thống thủy điện đang phát triển tràn lan vì mục đích lợi nhuận của các doanh nghiệp là chính.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại vấn đề thủy điện một cách nghiêm túc. Hiên nay ở nhiều nơi trên thế giới người ta đã cảnh báo những hiểm họa mà thủy điện có thể đưa lại và nhắc đến nhiều thảm họa đã xảy ra. Có những nước như Mỹ, Nhật v.v.. đã quyết định phá bỏ các đập thủy điện, trả lại cho các con sông diện mạo vốn có của chúng, giúp khôi phục cân bằng sinh thái và nguồn lợi kinh tế của cộng đồng cư dân trong lưu vực sông. Dự kiến đến năm 2020, nước Mỹ sẽ phá bỏ các đập thủy điện khổng lồ. Dự án phá bỏ đập thủy điện này có tổng chi phí lên tới 450 triệu đô la Mỹ. Còn ở Nhật Bản, sau khi thắng cử vào tháng 9/2009, chính phủ của tân Thủ tướng Yukio Hatoyama đã ngừng ngay 48 trong số 56 dự án xây đập thủy điện trên toàn nước Nhật, trong số đó có Dự án xây đập Yamba với chi phí dự kiến lên đến 5 tỷ đô la Mỹ và hiện tại đã hoàn tất 70% khối lượng công trình.
Trong khi đó, với nhiều mặt yếu kém về kỹ thuật và quản lý, Việt Nam đã vươn lên thành nước đứng đầu Đông Nam Á về lĩnh vực thủy điện. Điều đó thật trớ trêu, vì cái cần đứng đầu chắc chắn không phải là thủy điện!
—
* Chủ tịch Hội Cổ sinh – Địa tầng Việt Nam