Phương thức chuyển đổi viện nghiên cứu sang tự chủ

Tại Hội nghị toàn quốc về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học ông lập, bà Keiko Sato, Phó giám đốc Nhóm Ngân hàng Thế giới đã đưa ra kinh nghiệm cải cách của các viện R&D tại các nước thuộc khu vực Châu Âu và Trung Á (ECA).

Từ một điểm xuất phát chung

Trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, các nước đang phát triển ở Châu Âu và Trung Á có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như: Tỉ lệ giữa đầu tư cho nghiên cứu và phát triển và GDP thấp, nhà nước gần như nắm độc quyền trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và phần lớn kinh phí nghiên cứu dành cho R&D đến từ ngân sách nhà nước, cán bộ nghiên cứu cũng là công chức, viên chức.

Từ một nền khoa học được kế hoạch hóa tập trung như vậy nên hoạt động R&D của các viện nghiên cứu của các nước ECA không gắn liền với doanh nghiêp, không có sự tham gia của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân vào quá trình ra quyết định chiến lược phát triển KH&CN nên các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng không đáp ứng được nhu cầu sản xuất hoặc thị trường. Chính vì vậy, khi bước vào giai đoạn tái cấu trúc hệ thống các viện nghiên cứu, không chỉ giảm quy mô và số lượng của các tổ chức nghiên cứu mà còn thay đổi cơ chế quản lí từ nhà nước bao cấp sang tư nhân hóa, các viện này phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, nổi bật là sự thiếu hụt về kinh nghiệm thị trường và thiếu một thế hệ các nhà khoa học trẻ năng động bởi đa số họ rời bỏ vị trí tại các nước ECA để làm việc tại các nước Tây Âu hoặc Mỹ trong khi bộ máy quản lí tại các viện nghiên cứu này đã trở nên “lỗi thời” (hầu hết các nhà quản lí khoa học đã quá 50 tuổi và được đào tạo từ nền giáo dục thời Xô-viết).

Minh bạch hóa và thương mại hóa

Một trong những cách giảm quy mô và số lượng của các viện nghiên cứu được áp dụng là sáp nhập các tổ chức nghiên cứu vào hệ thống các trường đại học. Ví dụ như Estonia (hiện nay đang đứng thứ 25/142 thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo) đã đóng cửa hầu hết viện nghiên cứu trực thuộc Xô-viết trước kia (23 viện), ngoại trừ các viện nghiên cứu về hai lĩnh vực thế mạnh của nước này là nông nghiệp và năng lượng. 17 Viện Hàn lâm được sáp nhập vào bốn trường đại học. Hiện nay, nước này chỉ có bảy viện nghiên cứu công lập. Còn tại Cộng hòa Séc, tất cả các viện nghiên cứu công nghiệp được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn và sau được tư nhân hóa hoàn toàn vào giữa những năm 1990, gắn liền với nhu cầu thị trường và cung cấp những dịch vụ phi nghiên cứu.

Việc công khai, minh bạch việc hỗ trợ ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học là điều đảm bảo cho kết quả chuyển đổi các viện nghiên cứu được triển khai một cách bền vững. – Bà Keiko Sato, Phó giám đốc Nhóm Ngân hàng Thế giới

Qua kinh nghiệm của những viện nghiên cứu tại các nước đang phát triển ở Châu Âu và Trung Á, báo cáo của Ngân hàng Thế giới đưa ra phương thức chuyển đổi bốn nhóm tổ chức khoa học như sau:

Với những viện nghiên cứu có đầu ra là sản phẩm công ích nên được điều hành theo cơ chế: nhà nước sở hữu và ký hợp đồng điều hành. Theo đó, Chính phủ sẽ ký hợp đồng với một tổ chức bên ngoài để điều hành viện nhưng vẫn duy trì quyền sở hữu.

Với những viện nghiên cứu có đầu ra là các sản phẩm phi công ích, việc tư nhân hóa là điều tối cần thiết bởi viện sẽ được tiếp cận với thị trường và sau đó sẽ được chuyển đổi thành công ty thương mại hoàn toàn

Với những viện nghiên cứu có đầu ra bao gồm cả sản phẩm công ích và phi công ích nhưng khả năng tiếp cận thị trường hạn chế và không có mấy cơ hội “sống sót” như một công ty tư nhân, có thể chuyển đổi thành một tổ chức phi chính phủ hoặc tư nhân hóa nội bộ thay vì đóng cửa.

Với những viện nghiên cứu cần phải đóng cửa, kêu gọi tư nhân hóa có thể được dùng như một phép thử với thị trường.

Bà Keiko Sato nhấn mạnh phải công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học bởi đây là điều đảm bảo cho kết quả chuyển đổi các viện nghiên cứu được triển khai một cách bền vững. Chất lượng nghiên cứu và phát triển của Hàn Quốc đã có bước tiến bộ rõ rệt khi nước này từ năm 1999 đã có cơ chế tài trợ dựa trên hiệu quả hoạt động của các viện nghiên cứu qua các công cụ kiểm tra, đối chiếu thông qua sự tham gia của tư nhân, giới học thuật, tổ chức xã hội dân sự và chuyên gia nước ngoài để đảm bảo quá trình đưa ra quyết định không bị ảnh hưởng bởi hành vi tham nhũng và các nhóm lợi ích.

Bà cũng đưa ra sáu lưu ý mà các viện cần ghi nhớ khi thực hiện chuyển đổi các tổ chức nghiên cứu KH&CN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đó là:


Cần xác định số liệu tài chính chính xác về tổ chức nghiên cứu để có thể dự báo khả năng sinh lời, phát triển của viện sau khi tái cấu trúc (bởi các viện nghiên cứu thường khai tăng số liệu tài chính như giá trị tài sản, đặc biệt là tài sản trí tuệ, số liệu lợi nhuận…để được định giá cao)

Chất lượng và mức độ cạnh tranh của những công nghệ mà viện nghiên cứu đang sở hữu phải được thẩm định bởi các chuyên gia độc lập bên ngoài, những người hiểu rõ không chỉ về công nghệ hiện thời mà còn cả về thị trường.

Nhóm cán bộ thực hiện việc cải cách cơ chế của viện cần được trao quyền để quản lý toàn bộ quá trình chuyển đổi (chứ không chỉ những nội dung liên quan đến chuyên môn kĩ thuật).

Không nên đặt ra những mục tiêu quá tham vọng. Hơn nữa, nó cũng không thực tế khi kì vọng những kết quả đáng kể sẽ diễn ra trong một thời gian ngắn, ít nhất thông thường phải mất từ bốn đến năm năm mới nhận thấy tiến triển.

Cần thống nhất một quy trình giám sát và báo cáo rõ ràng.

Truyền thông tích cực về chương trình chuyển đổi.


Hảo Linh (tóm lược từ báo cáo tại Hội nghị)

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)