PTNTĐ: Cơ chế sàng lọc và tiêu chí đánh giá

Sau gần 10 năm triển khai với số tiền đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho các phòng thí nghiệm trọng điểm, đến nay Nhà nước cần một cơ chế sàng lọc để chỉ ra đâu là những phòng thí nghiệm trọng điểm hoạt động hiệu quả cần được chú trọng tạo điều kiện để phát triển tốt hơn, và đâu là những nơi không hiệu quả cần sớm được cải tổ hoặc trả về đơn vị chủ quản. Đây là quan điểm của PGS.TS Vũ Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu,  trong cuộc trả lời phỏng vấn với Tia Sáng.

Trong khi đa số các phòng thí nghiệm trọng điểm chưa mang lại những sản phẩm, kết quả KH&CN tương xứng với sự đầu tư của Nhà nước, đâu là bí quyết giúp Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu đạt được một số kết quả ấn tượng với các bằng sáng chế trong, ngoài nước và ứng dụng triển khai?

Bí quyết quan trọng là chúng tôi luôn chú trọng vào khâu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Khởi đầu chỉ với năm người, ngày nay chúng tôi đã có 40 người. Đó là một đội ngũ cán bộ chuyên môn có năng lực đồng đều, vừa có khả năng nghiên cứu cơ bản vừa làm triển khai ứng dụng công nghệ, biết vận hành các trang thiết bị hiện đại, và đều có tinh thần làm việc chuyên nghiệp. Khi có việc thì miệt mài không kể ngày đêm. Bên cạnh đó, yếu tố phát huy mối quan hệ hợp tác quốc tế bền vững nhằm rút ngắn khoảng cách trong nghiên cứu khoa học công nghệ và yếu tố gắn mục tiêu nghiên cứu với nhu cầu thực tiễn cũng là hai bí quyết không phần quan trọng.

Nhà nước đã dành cho Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc hóa dầu sự đầu tư ở mức độ nào?

Ngoài những đầu tư ban đầu giống như đối với các phòng thí nghiệm trọng điểm khác, phòng của chúng tôi chỉ nhận được khoản đầu tư thường xuyên (gồm các khoản kinh phí cho nhiệm vụ thường xuyên, hoạt động của Hội đồng chuyên ngành, duy tu bảo dưỡng thiết bị, duy trì vận hành thiết bị) trong hai năm 2009 và 2010. Sau đó, khoản đầu tư này bị cắt đi với lý do phòng của chúng tôi thuộc Tập đoàn nên theo Thông tư liên tịch 211…, chúng tôi không nằm trong diện được hỗ trợ. Kinh phí nghiên cứu khoa học công nghệ với mục tiêu dài hạn cũng rất phập phù, lúc có, lúc không và cũng chỉ mang tính ngắn hạn. Chẳng hạn, chúng tôi đặt ra một số mục tiêu dài hạn, nhưng khi xét tài trợ, các cơ quan quản lý chỉ xét tài trợ trong hai năm vì lý do là “xưa nay người ta vẫn làm thế, chưa có tiền lệ nào xét nhiệm vụ khoa học công nghệ (dưới dạng đề tài Nhà nước) thực hiện dài hơn hai năm”. Trong điều kiện như vậy, những năm qua, hầu như chúng tôi hoàn toàn phải tự gánh vác, lấy nguồn thu từ các sản phẩm nghiên cứu của mình để trả lương cho cán bộ nghiên cứu, duy trì vận hành bộ máy, vận hành trang thiết bị, duy tu, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng.

Có lẽ hoàn cảnh phải tự thân vận động là một tác nhân buộc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu phải làm ra nhiều sản phẩm nghiên cứu để có nguồn thu tự nuôi mình. Liệu đây có phải là mô hình cần áp dụng phổ biến cho các phòng thí nghiệm trọng điểm khác?

Đã là cơ sở nghiên cứu khoa học thì mục tiêu cuối cùng đều là hoạt động có hiệu quả, đóng góp cho sự nghiệp khoa học công nghệ của đất nước, có nhiều kết quả nghiên cứu được áp dụng thành công. Phòng của chúng tôi cũng vậy, chúng tôi đang thực hiện mục tiêu này, chỉ có điều là chúng tôi phải nỗ lực hết sức mình và ngay cả với sự cố gắng và kết quả đạt được như vậy, chúng tôi vẫn không hoàn toàn yên tâm. Thật vậy, tôi cho rằng việc các tổ chức KH&CN phải tự vận động tìm kiếm nguồn thu qua sản phẩm nghiên cứu là điều cần thiết. Tuy nhiên, ngay cả với những phòng thí nghiệm làm nghiên cứu ứng dụng như chúng tôi cũng vẫn cần được Nhà nước hỗ trợ một khoản nhất định để có thể theo đuổi những nghiên cứu có tính dài hơi, có tầm chiến lược. Hoặc thậm chí với những ứng dụng công nghệ có thể thương mại hóa, chúng tôi cũng vẫn cần có nguồn kinh phí để có thể đầu tư nghiên cứu triển khai và làm ra sản phẩm – các doanh nghiệp thường chỉ bỏ tiền ra mua kết quả nghiên cứu sau khi sản phẩm đã thực sự định hình. Ngoài ra, việc duy tu bảo dưỡng các thiết bị nghiên cứu (không phải là thiết bị dịch vụ để có thể lấy thu bù chi), nâng cấp thiết bị, bổ sung các thiết bị mới cho phù hợp với xu hướng nghiên cứu mới đòi hỏi những khoản tiền không nhỏ mà nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì không thể thực hiện được.

Vì sao doanh nghiệp là đơn vị chủ quản, ví dụ như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, không thể thay thế Nhà nước cáng đáng việc tài trợ cho phòng thí nghiệm trọng điểm?

Mục đích của các doanh nghiệp thường gắn với lợi nhuận và thường đòi hỏi hiệu quả kinh tế thấy ngay được. Điều đó không hoàn toàn phù hợp với hoạt động của các tổ chức nghiên cứu, đặc biệt là các phòng thí nghiệm trọng điểm của quốc gia, là nơi cần tiến hành những nhiệm vụ KH&CN phục vụ cho sự nghiệp khoa học công nghệ của ngành, quốc gia, hoặc làm ra những sản phẩm nghiên cứu ở giai đoạn thử nghiệm ban đầu chưa thể thương mại hóa ngay, hay các sản phẩm không thuộc phạm vi, lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì thế, trong cuộc họp liên ngành về đánh giá hoạt động của Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu diễn ra trong năm 2014, các cơ quan quản lý đã đề nghị giải pháp giao Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc hóa dầu để Bộ Công thương làm cơ quan chủ quản.

 Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế, bằng cách nào Nhà nước có thể đầu tư một cách quy mô, bài bản và lâu dài cho tất cả các phòng thí nghiệm trọng điểm?

Chắc chắn chúng ta sẽ phải đầu tư một cách có chọn lọc. Những phòng thí nghiệm được coi là trọng điểm và được Nhà nước ưu tiên tài trợ phải là nơi thể hiện được một định hướng phát triển thuyết phục cùng một đội ngũ các nhà nghiên cứu giàu năng lực, có kinh nghiệm và khát vọng cống hiến. Năng lực, kinh nghiệm đó không chỉ thể hiện qua bằng cấp, mà nhất thiết phải được minh chứng qua những sản phẩm nghiên cứu cụ thể, như các công trình công bố quốc tế trên các tạp chí ISI, hoặc các sáng chế được đăng ký trong và ngoài nước, số lượng công nghệ đang được ươm tạo.

Như vậy, chúng ta cần tiến hành đánh giá năng lực, hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm một cách thực chất. Ở Việt Nam công tác đánh giá này được thực hiện ra sao?

Cứ 2 năm một lần các phòng thí nghiệm trọng điểm đón các đoàn kiểm tra của Bộ KH&CN phối hợp với một vài Bộ, ngành liên quan, và cứ 4 năm một lần sẽ có các đoàn kiểm tra liên ngành quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, các hoạt động kiểm tra này hầu như mới chỉ dừng lại ở việc xuống nghe báo cáo và đề xuất của đơn vị, chưa có sự xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về chuyên môn. Ví dụ, việc đánh giá chỉ mới dừng lại ở việc đếm số lượng công bố quốc tế, mà không xem kỹ liệu các công trình nghiên cứu đó liệu có thực sự do phía Việt Nam thực hiện (trong đó tên của phòng thí nghiệm ở Việt Nam được ghi nhận) hay thực chất là công trình thực hiện tại nước ngoài với phần đóng góp của Việt Nam không thực sự đáng kể.  Bên cạnh đó, một số tiêu chí đánh giá được xây dựng chưa phù hợp với thực tiễn, chẳng hạn với những phòng thí nghiệm mới đi vào hoạt động với một thời gian chưa đủ dài thì không thể nào áp dụng tiêu chí đánh giá về hiệu quả kinh tế, số tiền thu được từ việc chuyển giao công nghệ hoặc triển khai sản xuất .

Hiện nay các cơ quan quản lý dựa vào chuẩn mực nào để đánh giá đâu là một phòng thí nghiệm hoạt động kém hiệu quả?

Thông qua Quỹ Nafosted hoặc các chương trình của Nhà nước, chúng ta có thể cung cấp cho các phòng thí nghiệm trọng điểm những gói tài trợ dài hạn – theo tôi, khung thời gian có thể lên tới 8 năm – trong đó hằng năm đều có những mục tiêu, kế hoạch cụ thể mà đơn vị được tài trợ phải hoàn thành. Hằng năm Quỹ sẽ có vai trò giám sát, đảm bảo các phòng thí nghiệm được tài trợ thực hiện đúng theo những mục tiêu đã cam kết. 

Lẽ ra chúng ta cần lập ra những bộ tiêu chí chuẩn phù hợp với đặc thù của từng ngành, dựa vào đó có thể chỉ ra trong từng ngành, đâu là những phòng thí nghiệm hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay chúng ta chưa thực sự đặt ra các chuẩn mực rạch ròi như vậy. Chính vì thế, sau 10 năm chúng ta vẫn hoàn toàn chưa tiến hành một cuộc sàng lọc để chỉ ra đâu là những phòng thí nghiệm trọng điểm hoạt động không hiệu quả cần được cải tổ hoặc trả về cơ quan chủ quản, và đâu là những phòng làm tốt cần được hỗ trợ, tạo điều kiện để tiếp tục phát huy.

Hiện nay chính là thời điểm phù hợp cho một cuộc sàng lọc như vậy?

Nếu chúng ta không sớm tổ chức việc sàng lọc thì hậu quả là tiền của Nhà nước vẫn tiếp tục đổ vào những nơi hoạt động kém hiệu quả. Mặt khác, nguồn đầu tư sẽ bị dàn trải, trong khi nhu cầu bảo trì và thay mới thiết bị là rất lớn – chẳng hạn ở Phòng thí nghiệm Công nghệ lọc hóa dầu, chúng tôi lâu nay vẫn thường phải tự bỏ tiền để thay mới hàng loạt linh kiện (mà mỗi linh kiện tốn kém hàng trăm triệu đồng). Phòng thí nghiệm trọng điểm nào không có nguồn kinh phí để bảo trì và thay mới thì sau 8-10 năm, các trang thiết bị đó sẽ hầu như không thể sử dụng một cách hữu hiệu được nữa.

Việc tài trợ đầu tư mới cho các phòng thí nghiệm trọng điểm nên được tiến hành theo cách nào để đảm bảo tính chính xác, công bằng, khách quan?

Trước hết cần tổ chức tốt công tác xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá tính hiệu quả của các phòng thí nghiệm trọng điểm trong từng ngành, từng lĩnh vực, làm công cụ để các cơ quan quản lý biết được đâu là những phòng thí nghiệm trọng điểm phù hợp để được tài trợ. Chúng ta nên áp dụng kinh nghiệm quốc tế, đó là tài trợ cho các tổ chức nghiên cứu và phòng thí nghiệm trọng điểm, thông qua quỹ khoa học – ở Việt Nam đó có thể là Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) và rất nhiều Chương trình khác đang chuẩn bị vận hành mà cơ cấu hoạt động cũng tương tự như Quỹ. Các hội đồng ngành của Quỹ gồm những chuyên gia am hiểu về đặc thù hoạt động của các phòng thí nghiệm trong ngành của mình, sẽ biết được đâu là những định mức và khung thời gian tài trợ hợp lý. Để đảm bảo sự khách quan và chất lượng chuyên môn của các hội đồng của Quỹ, ngoài các chuyên gia trong nước, nên mời các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài có uy tín tham gia.

Trước mắt khi chưa được tài trợ những khoản kinh phí dài hạn, đâu là cách để Quỹ Nafosted có thể hỗ trợ phòng thí nghiệm của bà một cách hữu hiệu nhất?

Chúng tôi mong muốn được Quỹ hoặc các Chương trình tài trợ những dự án nghiên cứu có sự hợp tác giữa phòng thí nghiệm và các doanh nghiệp tại bất kỳ thời điểm nào trong năm, ngay khi xuất hiện nhu cầu. Hiện nay các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư kinh phí cho những nghiên cứu đã định hình được sản phẩm, nhưng với những nghiên cứu chưa ra được sản phẩm thì họ không dám đầu tư vì ngại rủi ro. Vì vậy, chúng tôi cần Quỹ tài trợ cho những nghiên cứu ở giai đoạn ban đầu, tuy chưa định hình ra sản phẩm, nhưng được doanh nghiệp cam kết tiếp nhận kết quả nghiên cứu nếu đáp ứng yêu cầu đề ra.  Với cách làm này, các bên sẽ đều có lợi: phòng thí nghiệm có nguồn kinh phí để triển khai nghiên cứu làm ra sản phẩm, doanh nghiệp được mua sản phẩm nghiên cứu sau khi đã định hình mà không bị các rủi ro, và Quỹ đạt được mục tiêu tài trợ cho nghiên cứu mà không phải bỏ ra nhiều tiền vì chỉ phải tài trợ trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu. Yếu tố thời điểm tài trợ cũng rất quan trọng vì với những nhu cầu phát sinh trong hoạt động sản xuất, nhu cầu áp dụng và triển khai công nghệ, doanh nghiệp không thể ngồi chờ đến năm kế hoạch để nhà khoa học được gửi đăng ký đề xuất, chờ thêm một năm nữa để cơ quan quản lý xét duyệt đề xuất. Tương tự như vậy, với các hướng nghiên cứu cơ bản hoặc nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, trong xu thế hiện nay, số lượng các công bố quốc tế của những hướng nghiên cứu đang được quan tâm, tăng lên từng ngày. Nếu không được tài trợ kịp thời để triển khai ý tưởng, cơ hội công bố của chúng ta có thể sẽ trôi qua vì trở nên lỗi thời do vấn đề đó vừa được công bố.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

          

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)