PUBPEER – Sáng kiến vị khoa học hay chiến trường ẩn danh?
Cho phép người dùng thảo luận và đánh giá ngang hàng các nghiên cứu khoa học sau công bố, nền tảng PubPeer đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc phát hiện những sai sót trong các bài báo khoa học nổi tiếng, đôi khi dẫn đến việc thu hồi các bài báo hoặc cáo buộc gian lận khoa học. Tuy nhiên, tính năng cho phép bình luận ẩn danh của PubPeer lại chính là con dao hai lưỡi, ban đầu giúp thúc đẩy liêm chính nhưng về sau lại làm dấy lên các cáo buộc ném đá giấu tay phỉ báng cá nhân.
Về Pubpeer
Được khởi xướng từ những năm 1700, quy trình đánh giá ngang hàng (peer review) là một bước quan trọng trong xuất bản khoa học, nhằm đảm bảo chất lượng, độ tin cậy và tính minh bạch của các nghiên cứu trước khi được công bố chính thức. Đến giữa thế kỷ 20, hầu hết các tạp chí uy tín đều áp dụng quy trình này. Đến nay, quy trình đánh giá ngang hàng là không thể thay thế và mang tính nền tảng trong nỗ lực duy trì tính toàn vẹn của hệ thống học thuật, không chỉ đảm bảo tính minh bạch và công bằng mà còn đóng vai trò là cầu nối chia sẻ tri thức và định hướng con đường cho các nghiên cứu tương lai, ngăn chặn việc xuất bản các nghiên cứu không đạt tiêu chuẩn, gây hiểu lầm hoặc thậm chí đạo văn.
Tuy nhiên, quy trình này cũng vẫn gặp những vấn đề như tính chủ quan, xung đột lợi ích, và thiếu minh bạch, đặc biệt khi đánh giá được thực hiện dưới dạng ẩn danh. Trong một số trường hợp, các bài báo gửi đến tạp chí thường bị đánh giá dựa trên danh tiếng của tác giả hoặc tổ chức mà tác giả cộng tác thay vì chất lượng thực sự của nghiên cứu bởi thư ký tòa soạn hay biên tập viên ngay từ quá trình tiếp nhận bản thảo, dù quá trình đánh giá ngang hàng sau này được thực hiện ẩn danh. Điều này dẫn đến tình trạng các tác phẩm từ những tác giả nổi tiếng dễ dàng được chấp nhận hơn, trong khi những nghiên cứu có giá trị nhưng từ các nhà khoa học trẻ hay ít được biết đến hơn có thể bị từ chối. Ngoài ra, đôi khi khiến tác giả không hiểu rõ lý do bài viết bị từ chối hoặc phải sửa đổi.
Những vấn đề này đã làm giảm uy tín của hệ thống, đồng thời thúc đẩy nhu cầu cải cách. Sự xuất hiện của các tạp chí truy cập mở (open access) đã mở ra cơ hội để thử nghiệm những mô hình thay thế, trong đó đáng chú ý là mô hình đánh giá mở (open peer review). Ở mô hình này, danh tính của các nhà đánh giá và nội dung nhận xét của họ được công khai, giúp tăng tính minh bạch trong quy trình đánh giá. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều nhà đánh giá e ngại khi đưa ra những nhận xét thẳng thắn hoặc chỉ trích mạnh mẽ, do lo ngại ảnh hưởng đến mối quan hệ cá nhân hoặc nghề nghiệp.
Điểm mạnh của đánh giá sau công bố là tính minh bạch cao và khả năng tạo ra các cuộc thảo luận khoa học đa chiều, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng nghiên cứu. Đặc biệt, phương pháp này không bị giới hạn bởi chính sách nội bộ của các tạp chí, cho phép tương tác diễn ra và linh hoạt hơn.
Bên cạnh đó, đánh giá sau công bố (post-publication peer review) là một mô hình khác đang ngày càng được chú ý. Phương pháp này không giới hạn việc đánh giá nghiên cứu chỉ trong giai đoạn trước khi công bố mà tiếp tục mở rộng thảo luận và đánh giá ngay cả sau khi nghiên cứu đã được phát hành. Các nền tảng trực tuyến như PubPeer, Publons, và ResearchGate đóng vai trò là cầu nối để cộng đồng học thuật tham gia vào quy trình này. Điểm mạnh của đánh giá sau công bố là tính minh bạch cao và khả năng tạo ra các cuộc thảo luận khoa học đa chiều, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng nghiên cứu. Đặc biệt, phương pháp này không bị giới hạn bởi chính sách nội bộ của các tạp chí, cho phép tương tác diễn ra và linh hoạt hơn.
PubPeer được thành lập như một câu lạc bộ học thuật trực tuyến, nơi các nhà khoa học có thể thảo luận về các bài báo trong môi trường mở. Năm 2013, tính năng ẩn danh được giới thiệu sau yêu cầu từ một số sinh viên lo ngại về hậu quả khi công khai ý kiến. Tính năng này đã nhanh chóng giúp PubPeer trở nên phổ biến, đặc biệt trong việc phát hiện các hành vi sai trái trong nghiên cứu khoa học. Nền tảng này không chỉ góp phần phát hiện các vấn đề trong hệ thống đánh giá ngang hàng, mà còn đẩy mạnh yêu cầu về minh bạch trong hệ thống xuất bản học thuật. Từ đây, PubPeer đã được xem như một nền tảng “thổi còi” khi liên tục chỉ ra những sai phạm trong các nghiên cứu. Cụ thể, một nghiên cứu năm 2021 chỉ ra rằng hơn hai phần ba các bình luận trên PubPeer liên quan đến các sai phạm như chỉnh sửa hình ảnh (image manipulation) trong các lĩnh vực khoa học sức khỏe và sinh học có số lượng bình luận cao nhất. Trong khi đó, bình luận viên trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn tập trung vào các phê bình lý thuyết và chỉ ra lỗi phương pháp luận.
Vụ việc nổi bật nhất và có ảnh hưởng lan rộng nhất từ các bình luận trên Pubpeer là vụ của học giả Voinnet, một nhà sinh học thực vật người Pháp, bị cáo buộc sử dụng dữ liệu giả trong các bài báo của mình. Những nghiên cứu của ông lần lượt bị phanh phui, đặc biệt là các số liệu trong các bài báo. Thêm vào đó, khi các bài báo bị rút lại hoặc có thông báo lo ngại, vai trò của PubPeer và các bình luận ẩn danh của người dùng lại càng trở nên nổi bật trong các báo cáo, tạo nên một chuỗi nghi ngờ không ngừng về các tác giả và phòng thí nghiệm có liên quan. Điều nay gây ra áp lực buộc các phòng thí nghiệm tiến hành điều tra nội bộ và giải quyết các rủi ro tiềm ẩn trước khi bị “lên sóng” trên các diễn đàn trực tuyến.
Dù vậy, đáng lưu ý là tuy hầu hết các bình luận đều ẩn danh (85,6%), tỷ lệ tác giả phản hồi lại rất thấp (7,5%). Một nghiên cứu khác cùng tác giả tiếp tục được công bố vào năm 2023 cho thấy chỉ 21,5% các bài báo bị báo cáo trên PubPeer được sửa chữa. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng các nền tảng như PubPeer, dù hiệu quả trong việc phát hiện sai sót, vẫn còn hạn chế trong việc đảm bảo các sai phạm được xử lý đến nơi đến chốn.
Các tranh luận về liêm chính khoa học
Pubpeer chịu điều chỉnh của quy định nào?
Pubpeer, dù được biết đến nhiều như một diễn đàn trung lập, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Pubpeer có thuộc sự điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật hay chính sách của cộng đồng khoa học hay không? Cụ thể, những cáo buộc của Pubpeer thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định được ban hành chính phủ liên bang Hoa Kỳ về việc các tổ chức điều tra cáo buộc gian lận nghiên cứu liên quan đến công trình được tài trợ bởi các quỹ liên bang được quy định trong Chính sách Gian lận Nghiên cứu Liên bang, do Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhà Trắng (OSTP) ban hành vào ngày 6/12/2000. Mục tiêu chính của chính sách là giúp đạt được sự đồng nhất trong việc triển khai các tiêu chuẩn về gian lận nghiên cứu ở các cơ quan liên bang. Theo mục 93, khi nhận được các cáo buộc gian lận nghiên cứu, các tổ chức (thường thông qua các Văn phòng Điều tra Gian lận) trước hết phải đánh giá các cáo buộc để xác định liệu có cần tiến hành một cuộc điều tra hay không.
Từ khi ra đời, PubPeer đã tạo ra một thay đổi lớn trong cách thức các cáo buộc gian lận nghiên cứu được xử lý. Trước khi PubPeer ra đời, các cáo buộc gian lận nghiên cứu thường được gửi đến các tổ chức liên quan qua các kênh chính thức và được xem xét bởi một người khiếu nại cụ thể, một cá nhân có kiến thức về công trình nghiên cứu bị nghi ngờ. Tuy nhiên, PubPeer đã thay đổi điều này bằng cách cho phép bất kỳ ai cũng có thể ẩn danh bình luận và cáo buộc gian lận trên các bài báo khoa học, khiến các tổ chức phải đối mặt với một lượng lớn thông tin và cáo buộc không rõ ràng. Các bình luận ẩn danh trên PubPeer có thể khiến các tổ chức phải xem xét lại các bài báo cũ, thậm chí là những bài báo đã được xuất bản từ nhiều năm trước, điều này làm tăng khối lượng công việc cho các tổ chức và dẫn đến những cuộc điều tra kéo dài, đôi khi gây ra sự lãng phí tài nguyên. Những thay đổi này cũng làm cho các tổ chức phải đưa ra các quyết định khó khăn về việc xử lý các cáo buộc gian lận, khi mà một số cáo buộc có thể không đủ cơ sở hoặc chỉ đơn giản là những hiểu lầm. Vì vậy, PubPeer, mặc dù không phải là một tổ chức có chức năng điều tra chính thức, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và đưa ra các cáo buộc gian lận nghiên cứu.
Mặc dù việc bảo vệ quyền ẩn danh là cần thiết để thúc đẩy trao đổi ý kiến và bảo vệ những người tham gia thảo luận khoa học khỏi bị trả thù, nhưng cũng có thể tạo ra môi trường nơi các cáo buộc sai sự thật có thể lan rộng mà không phải chịu trách nhiệm.
Điều này đặt ra câu hỏi liệu PubPeer có nên bị điều chỉnh và giám sát chặt chẽ hơn bởi các cơ quan chức năng, hay liệu nền tảng này nên được giữ nguyên để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và khuyến khích việc phát hiện gian lận trong nghiên cứu?
Văn phòng Đạo đức Nghiên cứu (ORI) và các văn phòng tương tự tại các cơ quan liên bang khác như Bộ Quốc phòng (DoD), Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) và Bộ Năng lượng (DoE) tại Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc sàng lọc các mối quan ngại được công khai và chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu thích hợp để tiến hành điều tra. Những văn phòng này có trách nhiệm xác định các cáo buộc về hành vi sai phạm nghiên cứu và đảm bảo rằng chúng được xử lý đúng cách bởi các cơ sở có liên quan. ORI thường nhận được các cáo buộc được đăng tải trên nền tảng PubPeer và chuyển chúng đến cơ sở của tác giả tương ứng, yêu cầu họ tiến hành đánh giá hoặc điều tra các cáo buộc đó.
Một số nghi ngờ quy trình xử lý các cáo buộc mà ORI nhận được từ PubPeer là thiếu minh bạch, bởi các quy định của cơ quan này chưa được cập nhật từ năm 2005 trong khi PubPeer đã ra đời từ năm 2012. Trên thực tế, trong khi ORI có thể không chủ động giám sát PubPeer, họ có thể dựa vào các khiếu nại từ người tố cáo. Khi nhận được các cáo buộc, ORI sẽ tiến hành xem xét sơ bộ để xác định mức độ liên quan và tính xác thực của chúng trước khi chuyển giao cho cơ sở nghiên cứu thích hợp. Hệ thống này đảm bảo rằng chỉ những cáo buộc có cơ sở và có thể xử lý mới được chuyển tiếp để điều tra thêm, giữ gìn tính toàn vẹn của cộng đồng nghiên cứu trong khi giải quyết các vấn đề sai phạm một cách có hệ thống và có kiểm soát.
Hệ lụy không mong muốn của bình luận ẩn danh
Khi PubPeer mới ra đời, hệ thống bình luận trên nền tảng này không cho phép người dùng đăng bình luận ẩn danh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã liên lạc với người sáng lập PubPeer và bày tỏ lo ngại về việc công khai bình luận trước mặt các đồng nghiệp cấp trên của họ, khiến họ cảm thấy e ngại khi chia sẻ ý kiến. Để giải quyết vấn đề này, vào tháng 3/2013, PubPeer đã cập nhật hệ thống và cho phép người dùng bình luận ẩn danh.
Những người sáng lập PubPeer đã giải thích rằng khi người bình luận hoàn toàn ẩn danh, tức là họ không đăng ký tài khoản trên PubPeer và không cung cấp thông tin nhận dạng, các bình luận của họ sẽ được kiểm duyệt bởi đội ngũ quản trị của PubPeer. Mỗi bình luận phải dựa trên thông tin có thể kiểm chứng công khai, chẳng hạn như số liệu trong một nghiên cứu, và phải liên quan trực tiếp đến nghiên cứu đó thay vì công kích cá nhân tác giả. Mục tiêu của hệ thống là đảm bảo rằng các bình luận sẽ luôn tập trung vào dữ liệu nghiên cứu, thay vì vào các yếu tố không liên quan hoặc các vấn đề cá nhân.
Trong khi đó, PubPeer cũng cho phép tác giả của các bài báo được thông báo về các bình luận liên quan đến công trình của họ và khuyến khích họ phản hồi các ý kiến này. Điều này giúp tạo ra một không gian thảo luận cởi mở và công khai, nơi các nhà nghiên cứu có thể giải quyết các vấn đề hoặc sự bất đồng về nghiên cứu của mình.
Tuy nhiên, việc cho phép ẩn danh vấp phải sự chỉ trích từ một số nhà nghiên cứu. Một số người lo ngại rằng bình luận ẩn danh có thể dẫn đến việc chỉ trích không có cơ sở và không công bằng, gây tổn hại đến uy tín của các nhà khoa học mà không cần phải chịu trách nhiệm. Bình luận ẩn danh có thể dẫn đến việc lạm dụng nền tảng để quấy rối cá nhân, àm tổn hại đến danh tiếng và uy tín khoa học vì mục đích cạnh tranh. Điều này khiến cho PubPeer trở thành công cụ bị lợi dụng vì những mục đích không chính đáng.
Các lo ngại với một nền tảng trực tuyến này dần trở thành những cuộc chiến pháp lý ngoài đời thực. Tiêu biểu, vào năm 2014, Fazlul Sarkar là một nhà nghiên cứu về ung thư đã kiện PubPeer sau khi các bình luận ẩn danh trên trang này cáo buộc ông có hành vi gian lận trong nghiên cứu khoa học. Những bình luận này cho rằng ông đã thao túng hình ảnh trong các bài báo nghiên cứu, và những cáo buộc này đã làm tổn hại đến danh tiếng của ông, khiến ông mất cơ hội trong công việc. Sarkar đã yêu cầu PubPeer tiết lộ danh tính của những người bình luận này để ông có thể theo đuổi vụ kiện phỉ báng và đòi bồi thường thiệt hại.
Vào năm 2015, một tòa án sơ thẩm đã ra phán quyết yêu cầu PubPeer phải tiết lộ danh tính của các người bình luận ẩn danh, với lý do rằng các bình luận này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và sự nghiệp của Sarkar. Tuy nhiên, quyết định này đã bị Tòa án phúc thẩm Michigan lật lại vào năm 2023. Tòa án cho rằng, mặc dù Sarkar có quyền theo đuổi vụ kiện về hành vi phỉ báng (defamation), ông không có quyền yêu cầu PubPeer tiết lộ danh tính của các bình luận viên ẩn danh. Quyền ẩn danh này được bảo vệ bởi Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ, bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do trao đổi thông tin. Tu chính án thứ Nhất bảo vệ không chỉ quyền phát biểu của số đông mà còn của các thiểu số, những người có thể có quan điểm khác biệt hoặc không được lắng nghe trong các diễn đàn công cộng.
Quyết định này của tòa án phúc thẩm đã đưa ra một tiền lệ quan trọng trong việc bảo vệ quyền ẩn danh trên các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là đối với những người tham gia vào các cuộc thảo luận khoa học và nghiên cứu. Các thẩm phán nhấn mạnh rằng PubPeer chỉ cho phép người dùng bình luận ẩn danh và kiểm soát nội dung bình luận theo cách đảm bảo tính xác thực của thông tin, ví dụ như các bình luận phải dựa trên dữ liệu công khai và có thể kiểm chứng được. Sau vụ việc này, PubPeer nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) tại Mỹ khi khẳng định tầm quan trọng của việc giữ bí mật danh tính người dùng, khuyến khích họ sử dụng Tor để hoàn toàn ẩn danh, và cuối cùng hợp tác phát triển một hệ thống mà họ không lưu lại bất kỳ dấu vết nào về người sử dụng.
Tuy nhiên, vụ kiện cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng về sự cân bằng giữa bảo vệ quyền tự do ngôn luận và bảo vệ danh tiếng cá nhân. Mặc dù việc bảo vệ quyền ẩn danh là cần thiết để thúc đẩy trao đổi ý kiến và bảo vệ những người tham gia thảo luận khoa học khỏi bị trả thù, nhưng cũng có thể tạo ra môi trường nơi các cáo buộc sai sự thật có thể lan rộng mà không phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, một trong những vấn đề quan trọng là làm thế nào để kiểm soát việc bình luận ẩn danh để ngăn ngừa việc lợi dụng nó cho mục đích quấy rối hoặc gây tổn hại đến danh tiếng người khác.
Tòa án tối cao trong vụ việc trên đã tiếp nối quan điểm trong vụ McIntyre v. Ohio Elections Commission, 514 U.S. 334 (1995) rằng: Quyền ẩn danh theo hiến pháp “không phải là tuyệt đối”, nhưng nó bảo vệ những người phát ngôn ẩn danh khỏi việc bị lộ diện, “trừ khi những người kiện có thể chứng minh sơ bộ tính hợp lý của yêu cầu pháp lý của họ”. Sự bảo vệ này là cần thiết để đảm bảo quyền ẩn danh tiếp tục đóng vai trò như một “lá chắn chống lại sự chuyên chế của đa số”.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc giữ cho quyền ẩn danh không bị xâm phạm gặp phải vấn đề cân bằng giữa quyền tự do ngôn luận và trách nhiệm pháp lý. Cần lưu ý rằng các vụ việc được Tòa án tối cao Michigan trích dẫn như McIntyre v. Ohio, Talley v. California xác nhận quyền ẩn danh trong các tình huống chính trị theo tư duy thể chế của Hoa Kỳ. Trong khi đó, cáo buộc về PubPeer mang tính dân sự và thuộc phạm vi của cộng đồng khoa học. Tòa án đã bác bỏ đơn kháng cáo của Sarkar vì đơn kiện không đáp ứng được yêu cầu về mức độ chi tiết trong các cáo buộc phỉ báng theo tiêu chuẩn của Michigan. Cụ thể, trong các vụ kiện phỉ báng, nguyên đơn phải chỉ ra cụ thể những tuyên bố sai sự thật, tác động của những tuyên bố đó đến danh dự, uy tín của mình, cũng như chứng minh thiệt hại mà mình đã phải chịu. Điều này nhằm bảo vệ bị cáo khỏi những vụ kiện phỉ báng không có cơ sở, khi những tuyên bố mơ hồ hoặc thiếu chứng cứ có thể dẫn đến việc lạm dụng pháp luật. Dù vậy, có thể thấy rằng điều cá nhân khiếu nại bình luận ẩn danh trên PubPeer bị gánh nặng chứng minh lớn, trong khi người đưa ra bình luận ẩn danh có vẻ như được bảo vệ trong vùng an toàn của nền tảng này nhân danh lợi ích khoa học.
Vì vậy, khi có những cáo buộc gian lận không có căn cứ hoặc sai lệch, PubPeer có thể trở thành công cụ bị lợi dụng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các cá nhân vô tội, dẫn đến sự “chuyên chế của đa số” trong cộng đồng khoa học.
Kết luận
PubPeer đem lại một phương thức mới để điều tra cáo buộc gian lận nghiên cứu qua việc cho phép bất kỳ ai cũng có thể ẩn danh và đưa ra bình luận. Tuy nhiên PubPeer cũng tạo ra một hệ thống nơi các cá nhân có thể dễ dàng tự biện minh cho việc đưa ra những cáo buộc thiếu minh bạch và không có cơ sở vì mục đích chính trị trong giới nghiên cứu mà không phải chịu trách nhiệm. Sự thiếu rõ ràng trong việc xử lý các cáo buộc này có thể khiến nó trở thành một yếu tố cản trở thay vì thúc đẩy sự tiến bộ trong việc điều chỉnh quy định. Do đó, dù PubPeer đang thúc đẩy sự thay đổi và minh bạch hóa trong việc xử lý cáo buộc gian lận nghiên cứu, các cơ quan và tổ chức vẫn cần có những quy định cụ thể và hệ thống kiểm soát hiệu quả để đảm bảo tính chính xác và công bằng trong việc xử lý các cáo buộc, tránh tạo ra một môi trường khoa học bị vấy bẩn bởi những động cơ cá nhân, vụ lợi thiếu lành mạnh.□
—–
Tài liệu tham khảo
Caron, M. M., Lye, C. T., Bierer, B. E., & Barnes, M. (2024). The PubPeer conundrum: Administrative challenges in research misconduct proceedings. Accountability in Research, 1–19. https://doi.org/10.1080/08989621.2024.2390007
Ortega, José Luis (May 2022). “Classification and analysis of PubPeer comments: How a web journal club is used”. Journal of the Association for Information Science and Technology. 73(5): 655–670. doi:10.1002/asi.24568
Drozdz JA, Ladomery MR. The Peer Review Process: Past, Present, and Future. Br J Biomed Sci. 2024 Jun 17;81:12054. doi: 10.3389/bjbs.2024.12054. PMID: 38952614; PMCID: PMC11215012.
Bài đăng Tia Sáng số 22/2024