Quản lý khoa học năm 2009: NHỮNG CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Việc nhiều Viện nghiên cứu, Trường đại học từng bước lấy chuẩn mực quốc tế làm thước đo chất lượng nghiên cứu thực sự là một chuyển biến tích cực trong đổi mới quản lý khoa học của đất nước trên tiến trình hội nhập.

Bước đầu tiên thực sự đáng giá là Trung tâm thông tin tư liệu thuộc Bộ KH&CN đã mua quyền truy cập điện tử tới hơn 2000 tạp chí khoa học quốc tế (từ ScienceDỉrect), tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học đăng ký sử dụng, và danh sách này – được cho biết – sẽ tiếp tục được mở rộng. Đây là cửa sổ không thể thiếu để các nhà khoa học trong nước tiếp cận thông tin khoa học quốc tế. Số lượng và tốc độ tăng số người đăng ký truy cập nói chung và ở các cơ sở cũng cho chúng ta kiểm tra chính sách khoa học có hướng được mọi người nâng cao trình độ tới hội nhập? Quyền truy cập tới cơ sở dữ liệu của Viện thông tin khoa học tại Mỹ (Institute for Scientific Information – ISI) cũng đã được mua.
Mặc dù Trung tâm hỗ trợ đánh giá KH&CN thuộc Bộ KH&CN còn chưa thành công trong việc thu thập thông tin chuyên gia (mà trọng tâm là danh mục công trình khoa học từ năm 2000 tới nay) của phần lớn các đối tượng cần quan tâm (tại sao ?), một số cơ quan khoa học đầu tầu trong nước đã tập hợp được những thống kê khoa học chính thức đầu tiên dựa trên chuẩn mực quốc tế để đánh giá tiềm lực khoa học của cơ quan mình và có các chính sách thích hợp.
Viện KH&CN VN và ĐHQG TP.HCM đã có được danh sách các bài báo công bố quốc tế công bố những năm gần đây được phân loại theo 3 mức: SCI, SCI Expanded, tạp chí và sách có số hiệu quốc tế ISSN hay ISBN. Các bài báo công bố trong nước cũng được thống kê riêng. Viện KH&CN VN còn thống kê cả số sáng chế được đăng ký, tuy số sáng chế còn ít và chưa thấy có sáng chế đăng ký quốc tế.
Các con số thống kê đã cho thấy, Viện KH&CN VN với số biên chế 2265 người có được tổng cộng 725 bài báo quốc tế chuẩn ISI (SCI & SCI mở rộng) trong thời gian gần 5 năm (2004-6/2008), và ĐHQG TP.HCM với gần 2200 giảng viên có 251 bài ISI trong thời gian gần 3 năm (2006-10/2008).
Xếp hạng theo tỷ lệ (số bài báo ISI /số biên chế) của 4.5 năm cho 29 Viện thành viên trong Viện KH&CN VN, thì các Viện đứng đầu có thứ tự là:  1.Viện Toán (1.68), 2.Vật lý (1.05), 3.Sinh học Tây nguyên (0.83), 4.Hóa học (0.54), 5.Vật lý TP HCM (0.51), 6.Hóa học các HCTN (0.50), 7.Khoa học Vật liệu (0.45), 8.Sinh thái TN sinh vật (0.30), 9.Công nghệ sinh học (0.28), 10.Kỹ thuật nhiệt đới (0.26), 11. Cơ học (0.24), 12. Tài nguyên MT biển (0.23), 13. Hải dương học (0.17), 14. Vật lý địa cầu (0.17), 15. Bảo tàng TN VN (0.16), 16. Công nghệ thông tin (0.16), 17.Công nghệ môi trường (0.16), … Có 3 Viện không có bài báo ISI nào, 4 Viện chỉ có 1 bài, và 1 Viện có 2 bài.
ĐHQG TP.HCM là cơ quan đầu tiên đã đưa ra danh sách cụ thể các bài báo công bố quốc tế ISI của các nhà khoa học công khai lên Internet. Đây là một việc làm hết sức cần thiết theo thông lệ quốc tế mà các cơ quan khoa học khác ở VN cần noi theo.
Thống kê của ĐHQG TP.HCM đã cho cả hệ số ảnh hưởng IF- tạp chí cho từng bài báo. Điều này có tác động khuyến khích các nhà khoa học phấn đấu công bố được trên các tạp chí uy tín có IF cao. Vì số bài báo các cơ sở của chúng ta chưa nhiều, việc thống kê chi tiết ra từng ngành hẹp có thể chưa cần ngay, nhưng cũng nên tạm chia ra 7 nhóm ngành chính như Bộ KH&CN đang làm là: Toán, Lý, Tin học, Cơ học, Hóa, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất. Thống kê riêng số bài báo cho từng ngành như vậy và cả số IF tạp chí trung bình cho từng ngành sẽ có ý nghĩa thực tiễn hơn, do những khác biệt nhất định giữa các ngành.
Chúng ta không chỉ cần phải lưu tâm tới số lượng và chất lượng (qua uy tín tạp chí) các công bố quốc tế, của từng ngành, từng cơ sở, mà còn cả số người có năng lực công bố quốc tế (tác giả chính).
26% số công bố quốc tế ISI của ĐHQG TP.HCM là công bố nội lực (bài báo hoàn toàn của tác giả VN). Đây cũng là một tiêu chí quan trọng vì tỷ lệ công bố nội lực của chúng ta hiện rất yếu so với quốc tế, và các bài báo nội lực hoàn toàn là bản quyền lao động sáng tạo của KHVN, thể hiện rõ hiệu quả của chính sách khoa học quốc nội. Nếu xét thưởng cũng nên chú ý tới điểm này (Hàn Quốc chỉ xét thưởng cho tác giả chính bài báo đăng tạp chí quốc tế uy tín) và một thực tế hiện nay là các tác giả bài báo cộng tác thường được tài trợ từ các cơ sở nước ngoài (qua học bổng, tiền lương, điều kiện làm việc), còn các tác giả bài nội lực thì được rất ít hỗ trợ trong nước. Hiện nay một tỷ lệ lớn số công bố quốc tế của chúng ta do các NCS ở nước ngòai mang lại. Từ việc công bố chung với thầy ở nước ngoài vươn tới tự công bố nội lực độc lập từ trong nước là bước tiến lớn của các TS trẻ, mà cần được chính sách trong nước quan tâm hỗ trợ thích đáng.
Các bài báo công bố quốc tế thường có 3 loại: bài nội lực, bài hợp tác quốc tế có ghi địa chỉ VN của tác giả VN, bài hợp tác có người VN tham gia nhưng không ghi địa chỉ VN (bởi vậy không được thống kê trong danh sách của ISI cho VN). 80% số công bố quốc tế ISI có ghi địa chỉ tác giả VN là các bài hợp tác quốc tế (chưa kể số những bài khác có tác giả VN tham gia nhưng không ghi địa chỉ VN – mà chỉ khi chúng ta tự khai mới biết được). Phần lớn số công bố cộng tác đó là được thực hiện ở nước ngoài, từ NCS, TTS của chúng ta, mà quyền cho phép ghi địa chỉ VN hay không phụ thuộc nhiều vào thầy hay chủ nhà nước ngoài.
Có ý kiến cho rằng chỉ bài báo quốc tế có ghi địa chỉ cơ quan mới được coi là thành tích của cơ quan. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, khai số công bố quốc tế của tất cả mọi người có biên chế trong cơ quan, dù bài báo có ghi địa chỉ nước ngoài hay cơ quan cũ sẽ phản ánh được tiềm lực nghiên cứu khoa học hiện có của cơ quan. Điều đó cũng phản ánh  thành công của chính sách chiêu hiền đãi sĩ của cơ quan: đất lành chim đậu.
Thống kê ban đầu vủa Bộ KH&CN cho thấy 17 phòng thí nghiệm trọng điểm, với số vốn đầu tư trung bình hơn 4 triệu USD/1 phòng, chỉ cho được 3 bài báo quốc tế. Khi dư luận quan tâm và Bộ tiến hành kiểm tra, một số Phòng thí nghiệm đã khai bổ sung. Tuy nhiên các báo cáo kết quả cần được thẩm định, tối thiểu nhất là xem tác giả và địa chỉ bài báo cụ thể có phải là bài nội lực và thực hiện tại VN hay ở nước ngoài, nhưng chính xác hơn là phải có các nhà chuyên môn kiểm tra nội dung bài có dùng đúng thiết bị đã cho ở VN ?
Các nhà quản lý của Bộ GD&ĐT đã bắt đầu đề cập yêu cầu luận văn TS phải có bài báo công bố quốc tế. Tuy nhiên phải bắt đầu từ đòi hỏi đó cho các chức danh GS, NCVCC, rồi đến PGS, NCVC, thầy hướng dẫn, cho các lĩnh vực KHTN & KT (thậm chí việc xét ưu tiên cho các nhà khoa học có thành tích công bố quốc tế và sản phẩm công nghệ có giá trị cũng chưa được quan tâm). Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt.
Quyết định về việc áp dụng thí điểm phương thức lập dự toán kinh phí đề tài NCCB của Quỹ PTKH&CN QG vừa mới ban hành đã có những chính sách hỗ trợ tài chính hợp lý để các nhà khoa học có năng lực không chỉ có thể tập trung vào chuyên môn mà còn có kinh phí để nhận đào tạo lực lượng trẻ như thông lệ quốc tế (trước nay ở ta thì việc nhận người và đào tạo TS là đặc quyền của các chức sắc dù khả năng chuyên môn yếu xét theo chuẩn mực quốc tế).
Tuy nhiên để có được những chuyển biến toàn diện và thực sự, quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng cấp Nhà nước, cấp Bộ-Ngành cũng cần phải có các cải cách tương tự: yêu cầu công bố quốc tế, bằng sáng chế, sản phẩm mới và quy trình mới có giá trị thực thụ, tài chính minh bạch, và đào tạo TS trẻ thông qua nghiên cứu. Cần phải nhấn mạnh rằng, các công bố quốc tế của chúng ta trong các lĩnh vực ứng dụng, đặc biệt là các công bố từ nội lực, là rất yếu so với quốc tế. Một thống kê của GS Nguyễn Văn Tuấn cho thấy số công bố nội lực trên lĩnh vực khoa học sự sống – lĩnh vực chiếm tới 1/3 số công bố quốc tế ISI của VN – chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ 2% (so với mức chung vốn đã nhỏ 20%). Cần có sự thay đổi mạnh văn hóa nghiên cứu KH ở VN, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng.
Việc lập mới các Hội đồng chuyên môn dựa theo thành tích công nghệ và bài báo chuẩn mực khách quan quốc tế, trên cơ sở các thông tin mà Trung tâm hỗ trợ đánh giá KH&CN có trách nhiệm thu thập, là yếu tố quyết định hàng đầu cho tiến bộ của KH&CN VN. Tuy nhiên có thể thấy sức cản lớn từ một số chức sắc đặc quyền đặc lợi và lạc hậu muốn duy trì hiện trạng. Chúng ta vẫn thường phê bình sự bất cập của công tác quản lý, nhưng đã chưa lưu ý tới trách nhiệm của các chuyên gia “đầu ngành” trong các Hội đồng chuyên môn này đối với thực trạng hiện nay của KHVN.
Các yếu kém của chúng ta trong giáo dục, phát hiện và xử lý phẩy khuẩn tả, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, dự báo thời tiết, lũ lụt … đều có liên quan ở các mức độ khác nhau tới năng lực đội ngũ cán bộ khoa học và chất lượng nghiên cứu khoa học ở VN hiện nay.1

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)