Quản lý rủi ro ?

 Với chức năng là “cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân, và doanh nghiệp”, dòng vốn điều lệ 1000 tỷ được bổ sung đều đặn hằng năm từ Ngân sách Nhà nước của Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia (Quỹ) được kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn tài chính quý giá cho các dự án nghiên cứu ứng dụng tiềm năng, giúp chúng được hiện thực hóa trong đời sống thay vì nằm im đắp chiếu lãng phí. Đây là tin vui lớn cho các nhà khoa học và các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên để Quỹ vận hành được thành công, một trong những vấn đề then chốt cần sớm được giải quyết tốt là: cơ chế quản lý rủi ro.


Những rủi ro cố hữu   

Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ luôn tiềm ẩn những rủi ro khách quan cố hữu. Nghiên cứu có thể thất bại. Ứng dụng sản xuất có thể thất bại. Kinh doanh cũng có thể thất bại. Tất cả những rủi ro này trong nghiên cứu ứng dụng khiến nhà khoa học và các doanh nghiệp cùng dè dặt khi bỏ tiền túi ra đầu tư, các ngân hàng cũng dè dặt khi quyết định cho vay.

Sự ra đời của Quỹ là để san sẻ giúp rủi ro cho tất cả các bên liên quan: Có nguồn bảo lãnh từ Quỹ, các ngân hàng sẽ yên tâm hơn khi cho doanh nghiệp và cá nhân vay đầu tư nghiên cứu cải tiến công nghệ. Đồng thời, khi có nguồn vốn vay rẻ ưu đãi từ Quỹ, hoặc khi được Quỹ bảo lãnh khoản vay (nghĩa là Quỹ sẽ trả tiền thay trong trường hợp người đi vay mất khả năng thanh toán), nhà khoa học yên tâm hơn để nghiên cứu, doanh nghiệp yên tâm hơn khi đầu tư. Nhưng bản thân Quỹ cũng sẽ phải gánh thêm một rủi ro khác: rủi ro hoạt động. Nếu người quản lý Quỹ đưa ra các quyết định về cho vay, hỗ trợ lãi suất, và bảo lãnh, theo lề thói xin – cho, thay vì dựa trên một quy trình phân tích đánh giá khoa học và một hệ tiêu chí minh bạch rõ ràng hoặc do ý chí chủ quan của người có thẩm quyền, do những tiêu cực nảy sinh trong điều hành quản lý, thì rủi ro hoạt động là rất lớn – đồng tiền từ Quỹ có thể bị dùng kém hiệu quả, thậm chí dùng sai mục đích.       

Quản lý rủi ro như thế nào?

Hằng năm, Quỹ sẽ được bổ sung từ Ngân sách Nhà nước để luôn bảo đảm có vốn điều lệ 1000 tỷ. Như vậy, tất cả các rủi ro chúng ta đề cập trên đây, thực chất đối tượng phải gánh vác ở đây là Ngân sách Nhà nước, hay nói cách khác là túi tiền của những người dân đóng thuế. Do vậy, những người quản lý Quỹ phải báo cáo, giải trình định kỳ với Chính phủ, đồng thời, phải có cơ chế chịu trách nhiệm thật rõ ràng trên một cơ sở khoa học về quản lý rủi ro đáp ứng các tiêu chí chặt chẽ, minh bạch, công khai, để qua đó có thể kiểm tra và giải trình được một cách công bằng và khách quan.

Muốn vậy, người ta phải lượng hóa được các rủi ro, đồng thời xác định rõ mức rủi ro nào là chấp nhận được, mức rủi ro nào thì phải xử lý, và mức phí bảo lãnh tối thiểu là bao nhiêu. Từ đó mới có thể xây dựng cơ chế phòng ngừa, xử lý, và theo dõi rủi ro. Trong đó phân công rõ ai làm gì, như thế nào, đảm bảo trên lẫn dưới đều không thể lạm quyền.

Để làm được việc này, trước mắt có thể tạm tham khảo cơ chế quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại quốc tế lớn. Về lâu dài, nên xây dựng hoàn thiện cơ chế quản lý rủi ro, kết hợp với đào tạo nhân lực quản lý rủi ro (đội ngũ chuyên gia trong nước trong lĩnh vực này nhìn chung còn rất mỏng) thông qua các chương trình hỗ trợ hợp tác từ các tổ chức kinh tế tài chính có uy tín, như World Bank hay IMF.   

                                          TIA SÁNG

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)