Quan sát Trái đất từ ​​vũ trụ: Tầm quan trọng đối với Việt Nam

Chương trình Quan sát Trái đất qua vệ tinh quốc gia có vai trò thiết yếu đối với sự phát triển của đất nước, đòi hỏi sự tham gia thực hiện của rất nhiều bên cùng cộng đồng chuyên gia khai thác dữ liệu hiện đa dạng với quy mô lớn, trong khi nguồn lực có thể phân bổ còn hạn chế - tất cả những điều này chứng minh cần phải có sự phối hợp, giám sát, hướng dẫn chặt chẽ ở cấp chính phủ.

Hình ảnh vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 trong quá trình chuẩn bị và phóng lên quỹ đạo từ sân bay vũ trụ Kourou, Pháp. Nguồn ảnh: VTC.

Hiện có gần 6.000 vệ tinh đang hoạt động quay quanh Trái đất, trong đó có khoảng 1.000 vệ tinh chỉ dùng để quan sát Trái đất. Một số do các cơ quan vũ trụ lớn vận hành, có thể kể đến chương trình Landsat của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ) và loạt vệ tinh Sentinel của ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu). Một số do các cơ quan quốc gia đảm trách; và số khác thuộc về các công ty chụp ảnh vệ tinh thương mại như Digital Globe, Planet, Airbus Defense and Space, và Black Sky.

Các nước đang phát triển đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực Quan sát Trái đất qua vệ tinh (SEO). Một báo cáo gần đây của ESA nhấn mạnh lợi ích kinh tế quan trọng của lĩnh vực này đối với các quốc gia đang phát triển – xét về “tác động lan tỏa”; nhưng tác động chính của nó nằm ở khía cạnh phát triển bền vững, và điều này đã được ghi chép đầy đủ trong nhiều tài liệu. Một ví dụ điển hình là báo cáo do Nhóm Quan sát Trái đất (Group on Earth Observation – GEO) công bố cách đây vài năm. GEO là tổ chức liên chính phủ mở rộng cánh cửa cho tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) tham gia, Việt Nam hiện là thành viên của GEO. Báo cáo có tựa đề Quan sát Trái đất hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã đưa ra một minh họa xuất sắc về tầm quan trọng của SEO đối với sự phát triển và tiến bộ của Việt Nam. Trọng tâm của nó là các Mục tiêu Phát triển Bền vững đã được LHQ xác định vào năm 2015, đặc biệt hướng đến “xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và cải thiện cuộc sống lẫn tương lai của mọi người, ở khắp mọi nơi.” Báo cáo đã trình bày mười một nghiên cứu điển hình, trong số đó có mười nghiên cứu liên quan mật thiết đến Việt Nam và xứng đáng được đề cập ngắn gọn dưới đây:

Giám sát Nông nghiệp toàn cầu nhằm mục đích “nâng cao năng lực của cộng đồng trong quá trình sản xuất và phổ biến thông tin kịp thời, chính xác, đáng tin cậy, có thể hiện thực hóa về sản xuất lương thực bằng cách cải thiện việc ứng dụng các công cụ viễn thám để lên kế hoạch sản xuất cây trồng và dự báo thời tiết”, điều này đòi hỏi phải phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Vệ tinh Quan sát Trái đất (CEOS) để truy cập dữ liệu liên quan. Sáng kiến bao gồm hoạt động giám sát cây trồng, nghiên cứu và phát triển trong các dự án như Asia-Rice cũng như hoạt động phát triển năng lực để đưa ra dự đoán kịp thời về tình hình sản xuất và cảnh báo sớm về tình trạng thiếu lương thực. Nó vận hành dựa trên sự tham gia, hỗ trợ tích cực từ bộ nông nghiệp các nước trên toàn cầu và được những người khai thác dữ liệu đánh giá là một sáng kiến sáng tạo, có giá trị. Hy vọng sáng kiến này sẽ tiếp tục được phát triển và làm rõ các nhu cầu quan trọng để tiếp cận các dữ liệu đáng tin cậy từ việc quan sát Trái đất.

Nước Mỹ có Argonne và Oak Ridge, Liên Xô có Obninsk, Vương quốc Anh có Harwell, Pháp có Saclay, chúng ta không có đơn vị tập trung hóa nỗ lực xây dựng. Nước Mỹ có Fermi và Walter Zinn, Liên Xô có Kurchatov, Anh có Cockcroft, Pháp có Joliot, chúng ta có một ủy ban nhưng không có ai phụ trách nó.

Hệ thống Cảnh báo sớm tảo nở hoa là một dự án phát triển phương pháp viễn thám để theo dõi tảo nở hoa ở vùng nội thủy và trên quy mô rộng lớn, bởi trong số các loài tảo có một số loài tạo ra độc tố mạnh gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, gia súc, động vật hoang dã và môi trường nước. Phương pháp chung để theo dõi độ đục trong dự án này phù hợp với tất cả các mẫu chất lượng nước quang học.

Hệ thống Dự báo lũ lụt sử dụng bản đồ lượng mưa Vệ tinh toàn cầu (GSMaP) xử lý các hệ thống giám sát và cảnh báo, kết hợp dữ liệu lượng mưa toàn cầu dựa trên vệ tinh với các quan sát trên mặt đất, liên quan mật thiết đến những quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương thường xuyên phải hứng chịu hiện tượng lũ lụt do bão và mưa lớn gây ra. Hệ thống cung cấp bản đồ lượng mưa toàn cầu hằng giờ – gần với thời gian thực – trên lưới có kích thước mắt lưới 10km. Điều này giúp phát triển các mô hình lũ lụt đáng tin cậy, sử dụng các lưu vực sông mục tiêu làm hình mẫu, một trong số đó là lưu vực sông Hồng – sông Thái Bình. Thông qua việc cải thiện công tác dự báo lũ lụt và tăng cường cảnh báo sớm trên điện thoại di động, nghiên cứu được kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia giảm thiểu rủi ro thiệt hại do lũ lụt.

Giám sát rừng ngập mặn toàn cầu (GMW) là một dự án hợp tác quốc tế nhằm cung cấp thông tin với độ phân giải tốt (25m) về không gian địa lý phạm vi rừng ngập mặn và những thay đổi của nó đến các chuyên gia đất ngập nước quốc gia và những nhà quản lý có quyền ra quyết định. Nhìn từ trường hợp Đồng bằng sông Cửu Long, ta có thể nhận thấy rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển và còn là nơi sinh sản, nuôi dưỡng của các loài chim, cá và động vật có vỏ. Chúng đang suy giảm nhanh chóng trên toàn thế giới, một tỷ lệ lớn đã biến mất hoặc suy thoái do các hoạt động khai thác không bền vững, tình trạng ô nhiễm và hủy hoại môi trường sống. SEO cung cấp một công cụ duy nhất để cải thiện thông tin không gian địa lý về phạm vi rừng ngập mặn và những thay đổi trên quy mô quốc gia đến toàn cầu, đồng thời hỗ trợ tích cực trong việc quản lý bền vững các vùng đất ngập nước và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản nhằm lập bản đồ chính xác các thay đổi về tình trạng sử dụng đất/độ che phủ rừng tại Việt Nam thông qua dữ liệu viễn thám vệ tinh.

Quan sát Trái đất để theo dõi Hệ sinh thái liên quan đến nước lập bản đồ phạm vi và sự phân bố của loài thực vật thủy sinh (macrophytes) – chúng cung cấp nơi trú ngụ cho cá và chất nền cho động vật không xương sống dưới nước, giúp chống lại dòng chảy và động vật săn mồi ở vùng đất ngập nước. Dự án đo lường sản lượng và sinh khối của thực vật phù du, những loài đóng vai trò chính trong việc duy trì sự sống dưới nước. Nghiên cứu mang đến một công cụ hiệu quả để đánh giá các hệ sinh thái liên quan đến nước.

Lập bản đồ Tăng trưởng đô thị cung cấp hệ thống giám sát hiệu quả tình trạng mở rộng đô thị và mối quan hệ giữa hoạt động sử dụng đất và tình trạng gia tăng dân số, đó là việc làm cần thiết để theo dõi sự phát triển đô thị theo thời gian. Điều này đặc biệt quan trọng ở Việt Nam, nơi dân số đô thị đang tăng nhanh, với 75% cư dân đô thị sống ở các vùng ven biển có địa hình thấp dễ bị lũ lụt, 27% sống trong nhà ở chất lượng thấp và 40% hộ gia đình ở các thành phố loại hai không được tiếp cận với hệ thống cung cấp nước. Việc xây dựng và cập nhật các bản đồ có độ phân giải cao và chính xác về các khu định cư đô thị là cơ hội duy nhất để khắc họa chi tiết đặc điểm kiểu hình của chúng trên toàn thế giới theo một cách độc đáo về mặt không gian.

Giám sát Ô nhiễm không khí cho các thành phố và Khu định cư bền vững của con người tích hợp dữ liệu vệ tinh và dữ liệu tại chỗ để ước tính nồng độ sol khí trên khắp các thành phố. Ô nhiễm không khí hiện được xem là rủi ro sức khỏe môi trường nghiêm trọng nhất thế giới, đặc biệt ở châu Á, nơi ô nhiễm không khí gây ra hơn 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm – do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng. Cần phải thực hiện các biện pháp quyết liệt để giảm ô nhiễm không khí ở các khu vực đô thị, do đó tổ chức ASEAN và các tổ chức liên chính phủ khác tại châu Á đã ký kết các thỏa thuận hòng kiểm soát ô nhiễm bụi thông qua các nỗ lực phối hợp xuyên quốc gia, khu vực và quốc tế. Với việc Nhật Bản phóng các vệ tinh mới (Himawari-8 và -9), phạm vi bao phủ sẽ lớn hơn giúp cải thiện việc quan sát sol khí tương ứng, từ đó có được những ước tính chính xác hơn về nồng độ sol khí bề mặt, cung cấp thêm thông tin cho chính quyền và hệ thống mô hình hóa.

Tên lửa Epsilon-5 của Nhật Bản mang theo vệ tinh NanoDragon đã phóng thành công vào quỹ đạo vào ngày 9/11/2021. Các nhà khoa học tại Trung tâm vũ trụ Việt Nam (VNSC) đã dành bốn năm để nghiên cứu, chế tạo vệ tinh này. Ảnh: VNSC.

Lập bản đồ Mức độ che phủ rừng và Sự biến đổi và Quản lý rừng hướng đến sự bền vững, cùng với các công cụ như nền tảng theo dõi nạn phá rừng toàn cầu Global Forest Watch, hỗ trợ giám sát thông qua vệ tinh độ che phủ của rừng lẫn các dữ liệu liên quan khác như loại rừng, đóng góp vào việc hiện thực hóa mục tiêu quản lý rừng bền vững. Các phương pháp trên hiện đã được áp dụng tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Sáng kiến Giám sát rừng toàn cầu (GFOI) nhằm mục đích cung cấp cho các quốc gia cơ hội phủ sóng dữ liệu vệ tinh trên toàn quốc. Nền nông nghiệp thương mại là nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng ở phần lớn các nước đang phát triển, bên cạnh đó còn do những yếu tố khác như tình trạng khai thác gỗ thương mại, khai thác gỗ có chọn lọc, thu gom gỗ nhiên liệu và sản xuất than củi. LHQ đã đưa ra một khuôn khổ về Giảm phát thải từ nạn phá rừng và suy thoái tài nguyên rừng ở các nước đang phát triển, trong đó đề cập đến việc cung cấp những ưu đãi tài chính cho các quốc gia để duy trì và bảo tồn rừng.

Nỗ lực Nhắm đến tình trạng Suy thoái đất để đạt được mục tiêu trung hòa carbon, giữa cuộc chiến chống sa mạc hóa, nhằm mục đích giúp các quốc gia trích xuất bộ dữ liệu toàn cầu dưới dạng thông tin mặc định về độ che phủ đất, năng suất đất và lượng carbon hữu cơ của đất. SEO đã chứng tỏ khả năng hữu ích của mình trong việc theo dõi sự thay đổi trong lớp phủ đất và hoạt động sinh khối trong thời gian dài, và đã giúp phát triển một phương pháp kết hợp ba bộ dữ liệu thành phép đo tỷ lệ đất bị suy thoái. Hiện các chuyên gia đang tiếp tục nghiên cứu để chuyển sang bộ dữ liệu toàn cầu có độ phân giải cao hơn (10-30m).

Bài viết không hướng đến liệt kê đầy đủ và toàn diện các ứng dụng của SEO – vốn nằm ngoài phạm vi nội dung của bài viết; danh sách mười ví dụ tiêu biểu ở trên đã đủ để minh họa rõ ràng những gì SEO có thể làm được đối với nhu cầu phát triển của Việt Nam. Đó chỉ là những ví dụ bất kỳ, tôi có thể chọn nhiều ứng dụng khác làm ví dụ, nhưng dù thế nào chúng cũng đều phục vụ cùng một mục đích minh họa.

Nhìn từ không gian, rõ ràng các quốc gia không có biên giới, mà ngược lại, có nhu cầu về việc tiếp cận toàn cầu. Đặc biệt, cần phối hợp các sáng kiến thương mại, quốc gia, ​​toàn cầu để tối ưu hóa mức độ gắn kết và hiệu quả, tránh giẫm lên chân nhau và lãng phí nguồn lực. Ở cấp độ LHQ, điều này đang được Nhóm Quan sát Trái đất (GEO) và Ủy ban Vệ tinh Quan sát Trái đất (CEOS) – cơ quan chính phụ trách điều phối các chương trình SEO cho tất cả các cơ quan vũ trụ trên thế giới – hiện thực hóa cụ thể. Ngoài ra còn có các tổ chức lớn khác cũng đóng góp vào những phối hợp liên chính phủ như trên, chẳng hạn như ESA với chương trình Giám sát Môi trường và An ninh Toàn cầu EAS (GMES) hoặc Ngân hàng Phát triển châu Á với sáng kiến Quan sát Trái đất vì một châu Á và Thái Bình Dương đang chuyển đổi. Các chương trình SEO là những khoản đầu tư lớn nhất liên quan đến ứng dụng vệ tinh mà chính phủ các quốc gia trên toàn cầu bỏ ra, thường là thông qua các cơ quan vũ trụ quốc gia của họ, để giải quyết những thách thức quan trọng như biến đổi khí hậu, nguồn nước, an ninh lương thực, giảm nhẹ thiên tai, giao thông an toàn và đảm bảo, năng lượng và an ninh tài nguyên, nông nghiệp, lâm nghiệp và hệ sinh thái, bờ biển và đại dương, các vấn đề sức khỏe và an ninh quốc gia. Đã có một số lượng nhỏ – nhưng đang gia tăng – các quốc gia có thể phát triển và phóng các vệ tinh SEO của riêng mình; hầu hết các quốc gia khác đều thiếu nguồn lực để làm điều đó, và điều này còn đòi hỏi tính sẵn có của dữ liệu cho tất cả các quốc gia. Từ lâu Mỹ đã cung cấp miễn phí dữ liệu sứ mệnh của mình, và với sự ra đời của chính sách dữ liệu mở và miễn phí thông qua chương trình Copernicus của châu Âu, cơ hội truy cập dữ liệu SEO theo nhu cầu của các nước đang phát triển đã được cải thiện đáng kể. Khả năng xử lý và lưu trữ trên đám mây, điện toán hiệu suất cao đang giúp việc xử lý và áp dụng các bộ dữ liệu SEO – thường lớn và phức tạp – trở nên đơn giản hơn. Và các cơ quan vũ trụ đang ưu tiên các nỗ lực nhằm tiếp tục loại bỏ rào cản đối với các chuyên gia khai thác dữ liệu SEO tiềm năng bằng cách cung cấp thêm dữ liệu “sẵn sàng để phân tích”, trao cho các quốc gia và khu vực đang phát triển khả năng thu thập, phân tích và sử dụng thông tin vào việc hoạch định chính sách.

Hình ảnh Huế và Đà Nẵng nhìn từ vệ tinh VNREDSat-1. Nguồn: Vast.

Cộng đồng khai thác dữ liệu SEO tại Việt Nam

Trong tất cả các khu vực được đề cập trong phần giới thiệu, Việt Nam là nơi có những cộng đồng chuyên gia khai thác dữ liệu SEO quan trọng. Việt Nam quy tụ những nhân tài có năng lực, đóng góp cho sự phát triển, tiến bộ của đất nước và xứng đáng nhận được hỗ trợ đúng mức. Phân bổ nguồn lực, quyết định các ưu tiên và xác định chủ trương, định hướng chung để thực hiện – đó là nhiệm vụ lớn và đầy thách thức của Chính phủ. Một số lĩnh vực có cách vận hành đủ độc lập mà không cần phối hợp nhiều với các cơ quan ban ngành trong lĩnh vực khác. Chẳng hạn như các cơ quan trong lĩnh vực quân sự và viễn thông. Việc quan sát vệ tinh có thể giúp theo dõi các khu vực nhạy cảm, chẳng hạn như quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, cũng là một phần trong mối quan tâm của họ. Nhóm viễn thông hiện đang sử dụng VINASAT-1 và 2, do VNPT vận hành, lần lượt được phóng vào năm 2008 và 2012, và chúng cần được thay thế bằng vệ tinh mới trước năm 2030.

Tuy nhiên, các lĩnh vực khác lại đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên với nhau, một số địa hạt thậm chí còn có có mối liên hệ với tất cả các bên, chẳng hạn như các vấn đề về bản đồ (Hệ thống thông tin địa lý) hoặc theo dõi và dự báo thời tiết, sử dụng các vệ tinh toàn cầu như METEOSAT, Himawari và GOES. Có thể nhận thấy mức độ năng động và năng lực của cộng đồng khai thác dữ liệu SEO Việt Nam thông qua những đóng góp của nhiều trường đại học trên cả nước trong một hội nghị về Khoa học Trái đất và Môi trường, được tổ chức tại Quy Nhơn. Hội thảo, dưới sự dẫn dắt của PGS.TS Ngô Đức Thành, Trưởng khoa Vũ trụ và Ứng dụng tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), là bằng chứng rõ ràng cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của các nhà nghiên cứu trong trường đại học đối với lĩnh vực khoa học môi trường, là hồi chuông kêu gọi Bộ GD&ĐT nên cung cấp cho họ những hỗ trợ phù hợp. Song các cơ quan đóng vai trò chính trong các vấn đề liên quan đến SEO là Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD), cả hai Bộ đều nỗ lực tận dụng hiệu quả công nghệ vệ tinh để giúp giải quyết một số vấn đề bức thiết mà đất nước đang phải đối mặt. Ngoài các nhiệm vụ Quan sát Trái đất, Bộ TN&MT cũng là đơn vị đảm trách vận hành các dịch vụ thủy văn và khí tượng quốc gia – cả hai dịch vụ đều sử dụng rất nhiều dữ liệu vệ tinh. Do đó, Bộ TN&MT là tác nhân chính trong bức tranh SEO tại Việt Nam. Hoặc có thể nói rõ hơn, họ giữ vị trí trọng yếu, trong đó Cục Viễn thám Quốc gia (DNRS) đóng vai trò trung tâm. Tiền thân là Trung tâm Viễn thám của Cục Đo đạc và Bản đồ Quốc gia (1980-1993); năm 2003, DNRS sáp nhập vào Bộ TN&MT và hiện là đơn vị có thâm niên nhất về các vấn đề viễn thám trên cả nước. Cục đang thực hiện nhiều dự án lấy SEO làm trọng tâm, đặc biệt là dự án vận hành Trạm Mặt đất Việt Nam có khả năng thu nhận, xử lý hình ảnh SEO quang học và SEO RADAR từ các vệ tinh như SPOT và ENVISAT, đồng thời cung cấp những dữ liệu này cho các đơn vị bộ ngành và chính quyền các tỉnh. Một trong những nhiệm vụ của Cục là tập trung hóa các yêu cầu quan sát Trái đất bằng vệ tinh VNRedsat-1, vệ tinh duy nhất chuyên dùng để quan sát bề mặt Việt Nam. Nó nặng 130kg, được ra mắt vào tháng 5/2013 với tuổi thọ dự kiến ​​là năm năm, có thể tạo ra hình ảnh quang học với độ phân giải ~2,5m. DNRS cùng với Viện Công nghệ Vũ trụ (STI), đơn vị chức năng trực thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (VAST), đảm trách nhiệm vụ vận hành các trạm mặt đất để điều khiển vệ tinh và tiếp nhận hình ảnh. Một lỗi lớn trong hệ thống lưu trữ dữ liệu đã khiến vệ tinh ngừng hoạt động gần năm tháng vào giai đoạn Tết năm 2022, nhưng các chuyên gia STI đã khắc phục được vào tháng ba năm ngoái và vệ tinh đã hoạt động trở lại, tăng gấp đôi tuổi thọ dự kiến. Trong quá khứ, các chuyên gia đã từng thảo luận về việc phát triển vệ tinh kế nhiệm VNRedsat-1 – có thể tên là VNRedsat-2 hoặc VNRedsat-1b, nhưng hiện tại dự án đã lùi vào dĩ vãng dù rằng nhu cầu tiếp tục dự án này rất lớn.

Cần phải có một nhóm tổ chuyên trách nhỏ phụ trách tư vấn cho Thủ tướng. Các thành viên của tổ tư vấn nên được lựa chọn hoàn toàn dựa trên các tiêu chí thuần túy về năng lực, kinh nghiệm, liêm chính và có khả năng xem xét các bài toán với tầm nhìn bao quát và dài hạn.

Bên cạnh các trường đại học, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT, các chuyên gia trong những đơn vị khác cũng có nhu cầu sử dụng SEO, chẳng hạn như VAST – với STI là đơn vị đóng vai trò quan trọng, Trung tâm Vũ trụ Quốc gia Việt Nam (VNSC) – đơn vị chủ quản của Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ thành phố Hồ Chí Minh. VNSC được thành lập năm 2011, với sứ mệnh “dẫn đầu lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và đào tạo công nghệ vệ tinh và công nghệ vũ trụ tại Việt Nam”. Trung tâm đã thiết lập mối quan hệ hợp tác rất chặt chẽ với Cơ quan Thám hiểm Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), một cơ quan R&D nhằm mục đích hỗ trợ phát triển và ứng dụng hàng không vũ trụ của Chính phủ Nhật Bản. Điều này đã giúp Trung tâm nhận được tài trợ ở mức vài trăm triệu USD dưới dạng các khoản vay từ chương trình ODA của Nhật Bản, đặc biệt là cho việc xây dựng và lắp đặt thiết bị của Trung tâm Vũ trụ ở Hòa Lạc, cũng như việc mua lại một vệ tinh quan sát Trái đất, Lotusat-1. Trung tâm Vũ trụ Hòa Lạc sẽ được trang bị các thiết bị và công cụ cần thiết để sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm các vệ tinh nhỏ, bao gồm một cung thiên văn, một kính thiên văn 50cm và một bảo tàng Vũ trụ. Lotusat-1, vệ tinh nặng 600kg do Nhật Bản sản xuất, sẽ mang cảm biến radar khẩu độ tổng hợp có độ phân giải rất cao (1m đến 16m tùy chế độ) và dự kiến ​​được phóng vào tháng 12 năm nay. Những năm vừa qua, VNSC đã tập trung đào tạo cán bộ chuyên chế tạo và lắp ráp các vệ tinh nhỏ dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư và kỹ thuật viên Nhật Bản, ngoài ra Trung tâm còn hỗ trợ phần lớn cán bộ của mình lưu trú định kỳ hằng năm tại các trường đại học, học viện của Nhật Bản. Trong tương lai, VNSC hướng đến tập trung ngày càng nhiều vào SEO vệ tinh nhỏ, điều này đã được đại diện Trung tâm trình bày trong Hội thảo “Đề xuất kế hoạch và lộ trình xây dựng năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ”.

Chiến lược

Chương trình SEO quốc gia có vai trò thiết yếu đối với sự phát triển của đất nước, đòi hỏi sự tham gia thực hiện của rất nhiều bên cùng cộng đồng chuyên gia khai thác dữ liệu hiện đa dạng với quy mô lớn, trong khi nguồn lực có thể phân bổ còn hạn chế – tất cả những điều này chứng minh cần phải có sự phối hợp, giám sát, hướng dẫn chặt chẽ ở cấp chính phủ. Nếu thiếu những điều này, mỗi bên sẽ tự đi theo con đường riêng của mình, phục vụ lợi ích bản thân hơn là lợi ích quốc gia; các nguồn lực sẽ bị lãng phí, các nỗ lực sẽ bị trùng lặp và các nhu cầu quan trọng nhất sẽ không được đáp ứng đúng mức. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) tham khảo ý kiến của các bên liên quan để xây dựng một kế hoạch phát triển với lộ trình 10 năm. Thủ tướng sau đó đã ban hành kế hoạch này vào ngày 4/2/2021. Với tiêu đề “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030”, đây là phần mở rộng và cập nhật của kế hoạch trước đó, bao trùm từ năm 2006 đến năm 2020. Như chúng ta vẫn thường thấy, kế hoạch trình bày đánh giá toàn diện và đầy đủ về các mục tiêu và nhiệm vụ cần giải quyết, thể hiện sự sáng suốt và hiểu biết sâu sắc trước những thách thức. Tôi trích lại dưới đây một số đoạn từ phần đầu văn bản để minh họa mức độ thức thời của kế hoạch với chính sách toàn cầu: “Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ là nhu cầu cấp thiết nhằm […]  bảo đảm tính an toàn, tin cậy của dữ liệu vệ tinh; góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm các lợi ích quốc gia khác; phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; liên kết hài hòa với các Chiến lược quốc gia khác. Đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ là quá trình liên tục và lâu dài, kế thừa và phát huy tối đa các kết quả đã đạt được của Chiến lược đến năm 2020 […], đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy tiềm năng của doanh nghiệp, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực dùng chung; từng bước làm chủ, tiến tới sáng tạo công nghệ mới. Phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ là động lực thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ, phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, tự động hóa, vật liệu mới, sinh học, cơ điện tử, cơ khí chính xác, các công nghệ mới […]”. Kế hoạch Chiến lược tiếp tục xác định một loạt các mục tiêu cụ thể đầy tham vọng và bao quát, đồng thời liệt kê nhiều nhiệm vụ cần thiết để đạt được chúng; đặc biệt đề cập đến việc ưu tiên nâng cao chất lượng cuộc sống trong nước, thúc đẩy phát triển SEO sử dụng vệ tinh nhỏ, nêu ra các dự án quan trọng như hoàn thành việc xây dựng và lắp đặt thiết bị tại Trung tâm Vũ trụ Hòa Lạc, khẩn trương thay thế vệ tinh VINAsat- 1 và 2, và nhấn mạnh nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, Chiến lược không đề xuất được một tổ chức đáng tin cậy có thể đảm bảo việc thực hiện đi đúng hướng. Thay vào đó, văn bản liệt kê từng trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan trong số mười lăm cơ quan ban ngành khác nhau, từ Bộ KH&CN đến Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, và giao cho một Ủy ban chịu trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề liên ngành trong việc thực hiện Chiến lược. Ủy ban này được đặt tên là Ủy ban Vũ trụ Việt Nam, trong phiên bản kế hoạch trước đây là tập hợp những đại diện của các cơ quan tham gia thực hiện Kế hoạch. Một ủy ban như vậy rõ ràng không thể đảm bảo sự phối hợp, giám sát chặt chẽ và đưa ra hướng dẫn cần thiết ở cấp chính phủ. Tôi thường viết về điều này trong các bài báo mặc dù tôi không có quyền hạn cụ thể để làm vậy; nhưng đây là những nhận xét thuần túy thông thường mà bất kỳ ai quan tâm đến sự tiến bộ của đất nước đều có thể đưa ra. Năm 2012, trong bối cảnh xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, tôi đã nhận xét rằng “Như đã biết, và đã nhiều lần được các nhà khoa học giàu năng lực của Việt Nam có kinh nghiệm với lò phản ứng Đà Lạt tuyên bố, chúng ta chưa sẵn sàng cho sự kiện này [… ] Mỹ có Argonne và Oak Ridge, Liên Xô có Obninsk, Vương quốc Anh có Harwell, Pháp có Saclay, chúng ta không có đơn vị tập trung hóa nỗ lực xây dựng. Nước Mỹ có Fermi và Walter Zinn, Liên Xô có Kurchatov, Anh có Cockcroft, Pháp có Joliot, chúng ta có một ủy ban nhưng không có ai phụ trách nó”. Bốn năm sau, vào tháng 11/2016, dự án bị hủy bỏ. Trong một bài báo khác, tôi đã viết: “Cho sự thành công của một dự án, điều kiện tiên quyết là phải có một người phụ trách. Người đó không phải là một đại diện chính quyền, một quản trị viên, hay một ủy ban nào đó; mà đó phải là một người có năng lực, quyết đoán, toàn tâm toàn ý, dành toàn bộ thời gian và công sức cho dự án; một người được đồng nghiệp coi trọng, người không sợ khó khăn cho cuộc sống của mình khi phải đấu tranh không mệt mỏi của lãnh đạo cấp cao hơn để có được sự hỗ trợ và nguồn lực cần thiết đảm bảo cho thành công của dự án hay chương trình. Thiếu người như vậy sẽ dẫn đến lãng phí; điều xảy ra sẽ là: nguồn lực, cả về tài chính và con người, phân bổ cho dự án sẽ rơi vào tay nhiều người không thực sự có trách nhiệm với dự án mà chỉ là những người lợi dụng cơ hội để thu lợi cho cá nhân. Tôi nhớ, Pháp đã rất thành công trong lĩnh vực hạt nhân dưới sự lãnh đạo của Frederic Joliot và với ngành vũ trụ dưới sự lãnh đạo của Hubertt Curien; nhiều ví dụ tương tự tồn tại ở nhiều quốc gia và cần được học hỏi”.

Chẩn đoán bệnh thì dễ; chữa khỏi bệnh mới khó. Ở Việt Nam, khó khăn mà chúng ta gặp phải trong việc thành lập các đơn vị chuyên trách đủ năng lực chịu trách nhiệm đưa ra lời khuyên đúng đắn cho Thủ tướng có nguồn gốc sâu xa: hàng thập kỷ chiến tranh và dư chấn của nó đã cản trở quá trình đào tạo các thế hệ cống hiến cho bước chuyển đổi đất nước – từ một quốc gia gần như phong kiến ​​thành một quốc gia hiện đại. Nhiều thứ cần phải được xây dựng từ đầu thay vì phát triển nối tiếp từ tàn dư trong quá khứ. Việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược hiện tại vẫn còn nhiều thách thức; mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng theo các hoạt động trong tương lai của trung tâm Hòa Lạc và khả năng tiếp cận dữ liệu radar Lotusat-1, điều này được kỳ vọng sẽ thu hút một cộng đồng khai thác dữ liệu SEO quan trọng để tận dụng hiệu quả dữ liệu quang học VNredsat-1. Để giải quyết hợp lý những vấn đề này, cần phải có một nhóm tổ chuyên trách nhỏ phụ trách tư vấn cho Thủ tướng. Các thành viên của tổ tư vấn nên được lựa chọn hoàn toàn dựa trên các tiêu chí thuần túy về năng lực, kinh nghiệm, liêm chính và có khả năng xem xét các bài toán với tầm nhìn bao quát và dài hạn.□

Anh Thư dịch

Tác giả

(Visited 46 times, 1 visits today)