Quy định số công bố ISI nên dựa trên tính đặc thù của từng lĩnh vực nghiên cứu
Góp ý về những đổi mới cần thiết nhằm xây dựng một quy chế quản lý khách quan và minh bạch hơn cho Quỹ Nafosted, PGS. TS Trần Thanh Hải (Đại học Mỏ - Địa chất) cho rằng, khi quy định số lượng bài báo ISI với các đề tài được Quỹ tài trợ, chúng ta cần chú ý đến tính đặc thù của từng lĩnh vực nghiên cứu để có mức tiêu chuẩn phù hợp.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chúng ta không nên phụ thuộc quá nhiều vào đánh giá các hồ sơ đề tài của chuyên gia nước ngoài mà cần xem xét tính khả thi của nó trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, điều mà các chuyên gia nước ngoài có thể không hiểu rõ. Do vậy, để có được phương án tốt nhất cho đánh giá của Quỹ Nafosted, tôi cho rằng với mỗi đề tài cần có ba phản biện, trong đó có hai chuyên gia Việt Nam và một chuyên gia nước ngoài. Việc mời phản biện độc lập nước ngoài tham gia cũng tùy thuộc vào tính chất của từng đề tài.
Về công bố trên các tạp chí ISI, theo thống kê của Quỹ Nafosted, các đề tài đã được nghiệm thu đều có ít nhất hai bài báo ISI và có chỉ số ảnh hưởng IF ở mức trung bình khá, đây là một tín hiệu đáng mừng cho khoa học Việt Nam. Tuy vậy có một vấn đề đặt ra là khi quy định số lượng bài báo ISI với các đề tài được Quỹ tài trợ, chúng ta cần chú ý đến tính đặc thù của từng lĩnh vực nghiên cứu để có mức tiêu chuẩn phù hợp. Ví dụ đối với ngành khoa học Trái đất, để xuất bản được hai bài trong một đề tài thực hiện trong vòng ba năm là khá khó khăn bởi kết quả nghiên cứu còn phụ thuộc vào một số yếu tố khách quan như khảo sát thực địa, thu thập thông tin và đặc biệt là phân tích mẫu. Đối với các nhà khoa học trẻ mới thành danh, có thể tạo quy định riêng về cơ chế tài trợ như không nhất thiết phải có đủ hai bài báo trong danh mục ISI mà chỉ nên đặt mức tối thiểu một bài cộng với một số công bố khác dạng báo cáo hội nghị quốc tế và/hoặc bài báo đăng trên tạp chí uy tín quốc gia…
Đối với các nhà khoa học, việc Quỹ Nafosted hỗ trợ họ tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế là hết sức quan trọng. Tuy vậy, với các quy định hiện nay của Quỹ Nafosted, việc hỗ trợ kinh phí vẫn còn quá hạn chế về số lượng hoặc số lần tham dự cho một cá nhân. Thời gian xem xét tài trợ cũng còn khá dài và đòi hỏi nhiều thủ tục hành chính, trong khi đó thời gian công bố tài trợ (nếu có) lại khá gần với thời điểm diễn ra hội thảo nên nhiều nhà khoa học đã bị động và không kịp làm các thủ tục tham dự hội nghị. Để khắc phục vấn đề này, Quỹ có thể nghiên cứu và lựa chọn một số phương thức hỗ trợ hiệu quả hơn như quy định cụ thể về kinh phí dành cho việc tham dự hội thảo quốc tế nằm trong tổng kinh phí cấp cho đề tài nghiên cứu với ít nhất hai cuộc hội thảo mà chủ trì đề tài trình bày báo cáo, đi kèm với nó là quy định rõ ràng đối tượng được hưởng hỗ trợ. Quỹ cũng cần mở rộng việc tài trợ cho các nhà khoa học trẻ dù họ không là chủ trì hoặc thành viên các đề tài do Quỹ tài trợ đi tham dự các hội nghị quốc tế, nếu các báo cáo của họ có ý nghĩa đối với khoa học, an ninh quốc phòng hoặc kinh tế nước nhà.
Vào ngày 19/9 vừa qua, tám Hội đồng khoa học Quỹ Nafosted trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật nhiệm kỳ 2015-2017 đã chính thức ra mắt. Tại phiên họp đầu tiên, các nhà khoa học đã thảo luận về cơ chế đánh giá, thẩm định đề tài nghiên cứu và những đổi mới cần thiết nhằm góp phần đem lại một quy chế quản lý khách quan và minh bạch hơn cho Quỹ Nafosted. |
Thanh Nhàn ghi