Quỹ Nafosted: Tài trợ đã đủ mạnh và đa dạng?
Sau 10 năm góp phần xây dựng một môi trường học thuật minh bạch, khách quan, bình đẳng theo tiêu chuẩn quốc tế và thông thoáng, gọn nhẹ về cơ chế tài chính, Quỹ Nafosted đã trở thành một mô hình quản lý khoa học hiệu quả của Việt Nam. Nhưng có lẽ để mang đến những bước phát triển đột phá cho khoa học Việt Nam trong thời gian tới thì Quỹ Nafosted không chỉ cần có thế.
Phòng thí nghiệm của Viện Tế bào gốc (ĐHQG TPHCM). Ảnh: Viện Tế bào gốc.
Vậy Quỹ Nafosted cần đổi mới những gì? Câu hỏi này không chỉ đặt ra với ban quản lý Quỹ mà còn với cả các thành viên hội đồng khoa học ngành và các nhà khoa học – những người được tham gia trực tiếp vào các hoạt động tài trợ của Quỹ những năm qua. Do đó, không phải chờ đến lúc tổ chức hội thảo “Đánh giá hoạt động tài trợ/hỗ trợ của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia giai đoạn 2008-2018, tổ chức vào ngày 28/11/2018 mà tại rất nhiều phiên họp xét duyệt hồ sơ đề xuất và họp tổng kết trước, họ đã đưa ra những góp ý, kiến nghị hết sức thẳng thắn, thậm chí gai góc. Tất cả đều mong muốn Quỹ đổi mới phương thức tài trợ, chất lượng tài trợ, đối tượng tài trợ để rút cuộc đạt được mục tiêu là việc tài trợ cho khoa học ngày càng phải trở nên hiệu quả hơn.
Phương thức tài trợ chưa đa dạng
Một vài năm trước, một phó giáo sư trẻ khu vực phía Nam có bày tỏ băn khoăn với Tia Sáng: Quỹ Nafosted dường như rất cởi mở và thiện chí với các nhà nghiên cứu trẻ mới về nước thông qua việc sẵn sàng tài trợ cho họ làm những nghiên cứu ban đầu nhưng sau đó, câu chuyện tài trợ chỉ bỏ lửng ở đó, Quỹ chưa có chiến lược đầu tư dài hạn để góp phần thúc đẩy và nâng cao năng lực của họ, mặc dù trong số đó không ít người có công trình xuất bản trên các tạp chí uy tín.
Đó cũng là quan điểm của PGS. TS Đặng Hoàng Minh (Đại học Giáo dục, ĐHQGHN) – một thành viên của Hội đồng khoa học ngành Tâm lý học, giáo dục, nêu tại hội nghị ngày 28/11 thông qua trường hợp của chính mình, “cá nhân tôi cách đây 10 năm 15 năm là nhà khoa học trẻ từng được Quỹ tài trợ” để có thể theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và đặt ra câu hỏi, “bây giờ tôi đang đi đến thời giữa sự nghiệp, quỹ có đi cùng với tôi hay không?”. Theo quan điểm của chị, “đi cùng” ở đây có nghĩa là “đầu tư kinh phí nhiều hơn để cùng nhà khoa học hướng tới phát triển ở mức cao hơn”, “nâng cao [năng lực] hơn”. Trên thực tế, trong gần 10 năm qua, tổng kinh phí tài trợ cho các đề tài của chị luôn dao động ở các mức 650 triệu đến 870 triệu và “không tăng lên so với chỉ số lạm phát”. Rõ ràng với một nhà khoa học trẻ, thực hiện đề tài với mức kinh phí như vậy rất có ý nghĩa nhưng với một nhà khoa học trưởng thành, việc mở rộng phạm vi đề tài nghiên cứu, đặc biệt những đề tài mang tính liên ngành, quy tụ nhiều người tham gia để hướng tới đăng bài trên những tạp chí uy tín thì mức kinh phí này chưa thật thỏa đáng.
Để góp phần giải quyết vấn đề này, PGS. TS Đặng Hoàng Minh đã nêu một phương thức mà nhiều quỹ quốc tế đã áp dụng một cách hiệu quả, đó là trường hợp một số quỹ của Mỹ đã chọn cách chia ra rất nhiều gói tài trợ, tương ứng với nhiều mức độ khi tài trợ cho nghiên cứu cơ bản: mức cao nhất có kinh phí đầu tư từ 500.000 đến 1 triệu USD, thời gian thực hiện trong vòng 3 đến 5 năm (chỉ dành cho các nhà khoa học xuất sắc, các nhóm nghiên cứu lớn và các đề tài quy mô lớn); các mức sau có kinh phí và thời gian thực hiện thấp dần… Việc học hỏi và áp dụng một phương thức tài trợ đã được chứng thực thành công ở nhiều quỹ quốc tế sẽ là cơ hội tốt để Quỹ Nafosted có thể hạn chế được rủi ro, nếu có.
Đây không phải là lần đầu tiên, vấn đề đổi mới phương thức tài trợ theo nhiều mức được đề cập tới. Trong bài viết “Tài trợ nghiên cứu theo mô hình ba mức” trên Tia Sáng vào tháng 12/2016, TS. Trần Đình Phong (trường Đại học KH&CN Hà Nội) đã nêu phương án tài trợ tương tự theo cách làm của Hội đồng Khoa học châu Âu (European Research Council ERC): 1. các tiến sĩ trẻ tài năng với khoản đầu tư tối đa là 1,5 triệu Euro cho năm năm (ERC starting grant); 2. các tiến sĩ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm việc, đã chứng minh được tài năng với khoản đầu tư lên đến hai triệu Euro cho năm năm (ERC consolidator grant); 3. các nhà nghiên cứu đã khẳng định được tài năng và dẫn đầu các phòng thí nghiệm lớn với kinh phí khoảng 2,5 triệu Euro cho năm năm (ERC advanced grant).
Khi đề xuất với Quỹ Nafosted về một phương thức tài trợ mới, cả PGS. TS Đặng Hoàng Minh và TS. Trần Đình Phong đều chung một cách nhìn: cách đầu tư như hiện nay của Quỹ nên được coi là mức đầu tiên nhằm hình thành một cộng đồng khoa học đủ về số lượng. “Liệu mình có nên chia các mức tài trợ như thế hay không để vẫn có thể phân phối các nguồn lực một cách đúng đắn mà vẫn phát triển được sân chơi rộng cho tất cả nhà nghiên cứu? Tôi nghĩ là Quỹ phải nghĩ đến những mục tiêu đó để 10, 15 năm tới không chỉ có được sức ảnh hưởng lớn hơn mà còn đem lại ý nghĩa phát triển sự nghiệp cho các nhà khoa học trẻ”, PGS. TS Đặng Hoàng Minh nói.
Tài trợ chưa hợp lý cho nhân lực nghiên cứu
Bằng cách này hay cách khác, Quỹ Nafosted cũng đang tích cực học hỏi cách làm của nhiều quỹ đầu tư quốc tế nhằm tăng cường chất lượng đầu tư cho khoa học. Với sự ra đời của Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN quốc gia, Quỹ có nhiều cơ hội hỗ trợ các nhà nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu trẻ, trong các hoạt động: tham dự hội thảo quốc tế, nghiên cứu ngắn hạn tại nước ngoài, hỗ trợ kinh phí công bố quốc tế. Theo số liệu của Quỹ Nafosted, từ năm 2009 đến nay đã có 560 lượt nhà khoa học Việt Nam nhận được hỗ trợ tham dự hội thảo quốc tế, 92 lượt người tham gia các khóa thực tập nghiên cứu ngắn hạn. Để phong phú thêm các hình thức tài trợ, Quỹ đã tìm cách mở rộng mối quan hệ quốc tế với nhiều quỹ nước ngoài như Quỹ Flander (Bỉ), Quỹ Khoa học Đức, Viện Hàn lâm Anh quốc và Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh… Kể từ năm 2017, Quỹ bắt đầu triển khai việc đầu tư vào các nhóm nghiên cứu mạnh, chủ yếu là cấp thêm kinh phí thực hiện đề tài có quy mô lớn hơn và thời gian thực hiện dài hơn.
Những nỗ lực mở thêm các phương thức tài trợ này của Quỹ Nafosted được nhiều nhà khoa học đánh giá là tốt và tiến bộ nhưng chưa đủ. Từ năm 2013, GS. TS Đào Tiến Khoa (Viện KH&KT hạt nhân), thành viên Hội đồng khoa học ngành Vật lý, đã nhắc đi nhắc lại câu hỏi “tại sao Quỹ không có khoản tài trợ cho postdoc?” từ năm 2013 và băn khoăn “không hiểu tại sao mãi chúng ta không giải quyết được vấn đề này”. Hậu quả của việc thiếu tài trợ cho những tiến sĩ trẻ muốn làm postdoc trong nước để tiếp tục phát triển khả năng nghiên cứu là rất nhiều nhóm nghiên cứu trong nước rơi vào tình trạng thiếu nhân lực vì không mời được postdoc – thành viên năng động nhất của các nhóm nghiên cứu, hoặc có rồi lại để mất khi họ xin được học bổng ở nước ngoài. Để thoát khỏi khó khăn này, ông nêu giải pháp: “đã đến lúc chúng ta cần có một hỗ trợ dưới dạng học bổng postdoc fellowship như nhiều quỹ quốc tế đã áp dụng hay lương (payment), hỗ trợ ít nhất trong 12 tháng để người ta có thể yên tâm nghiên cứu với một mức lương nào đó”.
Trong Kỷ yếu kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Quỹ Nafosted, GS. TS Nguyễn Xuân Phúc (Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Hội đồng khoa học ngành Vật lý, cũng đề xuất “hình thức khích lệ thích đáng cho postdoc trong nhóm nghiên cứu, tạo điều kiện để một số chủ nhiệm đề tài có uy tín có điều kiện xem xét chấp nhận các yêu cầu thực tập postdoc trẻ nước ngoài để góp phần thúc đẩy quá trình quốc tế hóa các nhóm nghiên cứu trong nước”.
Trước những yêu cầu của thực tế này, Thông tư số 09/2015/TT-BKHCN quy định quản lý hoạt động nâng cao năng lực KH&CN do Quỹ hỗ trợ, trong đó có hình thức hỗ trợ postdoc, được phê duyệt như một giải pháp để Quỹ Nafosted tháo gỡ khó khăn, trong việc hỗ trợ postdoc được tính vào tiền công thực hiện đề tài do Quỹ tài trợ. Tuy nhiên từ đó đến nay, cơ chế tài chính về hình thức hỗ trợ postdoc vẫn còn chưa rõ ràng và nhà khoa học vẫn chờ đợi một hỗ trợ thỏa đáng, đúng với những đóng góp vào công trình nghiên cứu của postdoc – nhân tố quan trọng của một dự án nghiên cứu chỉ sau chủ nhiệm đề tài (với các nhóm nghiên cứu quốc tế, postdoc thường giữ vai trò quan trọng thứ hai sau giáo sư trưởng nhóm).
Với những thành công đã đạt được trong 10 năm qua, Quỹ Nafosted đang đứng trước nhiều cơ hội đổi mới để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu của mình. Nếu không có đổi mới trong phương thức tài trợ thì theo TS. Trần Đình Phong, chúng ta “chỉ có thể triển khai những ý tưởng khoa học rời rạc, những đề tài có thí nghiệm quan trọng chủ yếu được thực hiện ở nước ngoài, và hơn cả là chỉ tạo ra các nhóm nghiên cứu ‘đồng hàng thẳng tiến’, có thể liên tục ‘trúng’ tài trợ của Nafosted và có bài báo ISI nhưng khó xây dựng được các nhóm nghiên cứu mạnh có vị trí đáng kể trong cộng đồng khoa học quốc tế”.¨
“Đối với lĩnh vực KHXH và NV, tôi đề xuất cần chú trọng là đạo đức nghiên cứu. Không một quỹ quốc tế nào lại không yêu cầu đạo đức nghiên cứu trong các đề tài có các đối tượng nghiên cứu là con người. Để làm được điều này, tuy không cần thêm một hội đồng đạo đức nghiên cứu nhưng Quỹ Nafosted phải yêu cầu các quy trình về đạo đức nghiên cứu với các chủ nhiệm đề tài khi nghiên cứu về y sinh hay tâm lý học liên quan rất nhiều đến con người. Nếu không, điều gì đảm bảo tất cả nghiên cứu được Quỹ tài trợ đấy không làm tổn hại đến con người? Tôi nghĩ rằng nếu một đề tài nào, ví dụ như ngành của tôi tâm lý học, mà sau đấy bị kiện là ảnh hưởng đến con người thì bên đầu tiên phải chịu trách nhiệm pháp lý là Quỹ vì Quỹ là cơ quan tài trợ. Tôi nghĩ, Quỹ nên quan tâm đến vấn đề này để trong vòng 10, 15 năm tới, có những cơ sở hỗ trợ nhiệm vụ tài trợ cho nghiên cứu của mình”. (PGS. TS Đặng Hoàng Minh).
“Đối với nhóm nghiên cứu mạnh có hướng nghiên cứu cập nhật với khu vực và thế giới, cần có tài trợ để đầu tư trang thiết bị nghiên cứu nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu.” (Hội đồng khoa học ngành Hóa học)
“Việc xem xét các đề xuất lần sau của chủ nhiệm đề tài cần gắn liền với kết quả đề tài trước và cần thể hiện rõ nét sự phát triển của nhóm nghiên cứu”. (Hội đồng khoa học ngành Sinh học nông nghiệp)
“Không nên yêu cầu các đề tài không hoàn thành phải xuất toán vì đầu tư cho khoa học cơ bản là một loại đầu tư mạo hiểm. Giữ phương án không cho phép các chủ nhiệm đề tài không hoàn thành nhiệm vụ đăng ký đề tài trong hai năm tiếp theo. Khi xét các đề tài mới, các hội đồng khoa học ngành sẽ chú ý đến lịch sử thực hiện đề tài của các chủ nhiệm có đề tài nghiệm thu không đạt”. (Hội đồng ngành Cơ học và kỹ thuật)
“Việc Quỹ Nafosted quy định sau hai năm thực hiện đề tài phải có công bố quốc tế đôi khi cũng gây áp lực cho chủ nhiệm đề tài phải có bằng được sản phẩm để nghiệm thu, vì thế đôi khi họ phải chọn cách đăng bài trên tạp chí có chất lượng thấp hơn năng lực công bố để tránh rủi ro. Ràng buộc bởi quy định này làm giảm cơ hội công bố trên tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao của nhà khoa học. Theo tôi, chúng ta có môt giải pháp thỏa đáng: chủ nhiệm một số đề tài có khả năng công bố tốt có thể đề xuất với Quỹ và hội đồng khoa học ngành là cho phép kéo dài thời gian nghiệm thu. Khi đó, hội đồng khoa học ngành sẽ là người thẩm định và Quỹ có thể xem xét gia hạn để họ có sản phẩm tốt”. (TS. Nguyễn Việt Cường, Hội đồng khoa học ngành Kinh tế)