S4VN hướng tới góp phần minh bạch hóa môi trường học thuật

Trong khoảng một năm nay, nhóm Trắc lượng khoa học Việt Nam (viết tắt là S4VN), gồm ba nhà nghiên cứu Việt Nam tại Đài Loan là Huỳnh Hữu Hiền, Phạm Hiệp, Trần Danh Nhân, đã chủ động tiến hành thống kê thông tin trắc lượng khoa học của các cơ sở giáo dục đại học trong nước và công bố 15 cơ sở giáo dục đại học có thành tích tốt nhất, đồng thời cung cấp miễn phí những thông tin này cho công chúng qua trang web www.scientometrics4vn.com của nhóm.


Tạp chí Trắc lượng khoa học (Scientometrics)

Tạp chí Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với nhóm S4VN qua email. 

Nhóm có thể cho biết động lực và quá trình xây dựng dự án Trắc lượng khoa học Việt Nam?

Trong khoa học, để có những đánh giá đúng đắn về chất lượng các nghiên cứu mà không bị chi phối bởi các quan điểm thiên kiến, người ta cần tới các dữ liệu trắc lượng khoa học (scientometrics) và phản biện đồng nghiệp (peer review). Vì vậy, ngay từ năm 2014, khi cùng học tại Đài Loan, nhóm chúng tôi đã thảo luận về các thống kê trắc lượng khoa học của Việt Nam, đặc biệt là thành quả nghiên cứu của các trường đại học. Cho đến năm 2015, một số dữ liệu trắc lượng khoa học đã được nhóm lần đầu tiên thu thập và công bố chi tiết khi phản biện một kết quả đo lường trong đánh giá thành quả khoa học ở Việt Nam. Các dữ liệu đó được nhiều nhà khoa học đánh giá cao và phản hồi ý kiến tích cực. Qua đấy, chúng tôi nhận thấy thông tin về dữ liệu trắc lượng khoa học thực sự là một nhu cầu cần thiết đối với các nhà khoa học và các cơ quan quản lý. S4VN (viết tắt của Scientometrics for Vietnam) ra đời ngày 26/10/2015 nhằm góp phần đáp ứng những nhu cầu ấy.

Những dữ liệu nào được S4VN thống kê và hiện nay đã làm được đến đâu?

Các chỉ số chính về trắc lượng khoa học được nhóm S4VN thống kê và công bố gồm: tổng số bài báo ISI, tổng số trích dẫn, chỉ số H đối với từng phân ngành (theo phân loại của Web of Science, Thomson Reuters), các chỉ số phản ánh tác động khoa học và năng suất nghiên cứu như tổng số lượt trích dẫn (không kể tự trích dẫn), chỉ số H nội lực. Đến nay, nhóm đã tóm tắt các nghiên cứu trên thế giới về các chỉ số trong trắc lượng khoa học; thống kê thông tin trắc lượng khoa học của 15 cơ sở giáo dục đại học trong nước có thành tích công bố tốt nhất; so sánh công bố ISI của Việt Nam với các nước trong ASEAN; mô tả việc sử dụng ISI trong hoạt động KHCN ở Việt Nam1.

Trên thế giới, bộ môn trắc lượng khoa học ra đời từ 1960 với một số dấu mốc như: sự ra đời của Viện Thông tin khoa học (Institute of Scientific Information) năm 1960, tạp chí Trắc lượng khoa học (Scientometrics) năm 1978 và đã có những đóng góp không nhỏ tới việc đánh giá các công bố khoa học. Hầu hết các cơ quan chuyên môn về quản lý khoa học như Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF), Academia Sinica (Đài Loan) các tổ chức liên quốc gia như World Bank, United Nation đều có bộ phận chuyên trách về trắc lượng khoa học. Ở Việt Nam, vài năm gần đây, nhiều nhà khoa học được đào tạo ở nước ngoài đã khá quen thuộc với các khái niệm về trắc lượng khoa học, một số văn bản về quản lý khoa học đã nhắc tới các chuẩn mực khoa học quốc tế như ISI, Scopus… nhưng những thông tin bài bản về bộ môn này vẫn còn rất thiếu.

Qua việc thống kê, so sánh kết quả trắc lượng khoa học trong nước với khu vực và thế giới, khoa học Việt Nam đang đứng ở đâu so với khu vực và quốc tế?

Dữ liệu thống kê của S4VN (tính đến ngày 02/01/2016) đã cho thấy số lượng công bố và mức độ tác động khoa học của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Cụ thể, nếu trước đây, Việt Nam có số lượng công bố ISI xếp thứ 62 (năm 2010) thì nay đã vươn lên thứ 55 (năm 2015). Việt Nam cũng có thế mạnh trong một số phân ngành, ví dụ: đang xếp thứ ba khối ASEAN về công bố quốc tế ở các phân ngành Động thực vật học, Miễn dịch học và dẫn đầu ASEAN về các công bố ISI của ngành Toán học (tổng số công bố của ngành toán Việt Nam xếp vị trí 37 toàn cầu và hơn Singapore sáu bậc). Tuy nhiên, tính tổng số công bố quốc tế, Việt Nam vẫn xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.


Xếp hạng thế giới công bố ISI giữa Việt Nam và các nước ASEAN theo phân ngành toán học

Những dự định trong thời gian tới của nhóm S4VN là gì?

S4VN sẽ từng bước mở rộng thống kê các chỉ số trắc lượng khoa học hữu ích, nhằm hỗ trợ cho tiến trình hoạch định của các nhà hoạch định chính sách cũng như tôn vinh các nhà khoa học có nhiều đóng góp cho sự phát triển của khoa học Việt Nam.

Những khó khăn mà nhóm gặp phải khi tiến hành dự án này?

Tất nhiên có khó khăn vì S4VN hoạt động không có nguồn tài trợ và vẫn phải hoàn thành nhiều công việc khác nhưng chúng tôi không muốn nói quá nhiều về khó khăn của mình. S4VN quan tâm nhiều hơn đến khó khăn chung của cả nền khoa học và giáo dục đại học Việt Nam. Cụ thể, S4VN thấy rằng, các nhà khoa học Việt Nam vẫn thiếu một môi trường làm việc phù hợp và nguồn hỗ trợ tài chính tương xứng để hoàn toàn tập trung cho nghiên cứu khoa học; còn khó khăn lớn nhất với các nhà hoạch định chính sách là thiếu thông tin tin cậy về trắc lượng khoa học.

Nhóm S4VN cần những điều kiện gì để làm tốt hơn cho dự án trắc lượng khoa học này?

Sự chung tay minh bạch hóa các dữ liệu thống kê liên quan đến đánh giá thành tích khoa học từ các cấp sẽ là sự hỗ trợ lớn nhất đối với dự án của S4VN.

Xin cảm ơn những chia sẻ của nhóm.

Ý kiến đánh giá của một số nhà khoa học về dự án S4VN

* Nhóm S4VN đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu thông tin khoa học với những dữ liệu khách quan về hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu và triển khai trong các lĩnh vực khoa học khác nhau của Viêt Nam, rất cần được tham khảo rộng rãi trong cộng đồng khoa học nước nhà, bao gồm cả những ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Giới quản lý truyền thông khoa học và công nghệ rất nên vào cuộc trực tiếp hỗ trợ và quảng bá dự án startup này của các bạn trẻ.

GS.TS. Đào Tiến Khoa – Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân.

* Hiện tại, giáo dục đào tạo (đặc biệt đào tạo trình độ cao) và KHCN nước ta đang đứng trước những thách thức và đòi hỏi lớn về đổi mới để bắt kịp nhu cầu phát triển KT-XH cũng như theo kịp trình độ quốc tế, vì vậy rất cần những chính sách tốt, cập nhật theo xu thế chung của thế giới nhưng phải phù hợp với thực trạng tại Việt Nam. Trong quá trình làm chính sách, các số liệu thống kê đầy đủ, tin cậy và hiện đại theo chuẩn mực thế giới là thông tin quan trọng để tìm ra câu trả lời cho các vấn đề căn bản: ta đang ở đâu, có những thế mạnh nào, tương quan so sánh với các nước khu vực ra sao? Vì vậy, tôi đánh giá rất cao nỗ lực và sự tâm huyết của nhóm trong thống kê và so sánh công bố công trình khoa học quốc tế (bài báo ISI) của Việt Nam theo các phân ngành với các nước trong khu vực.

PGS.TS Tạ Hải Tùng – Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh tại Đông Nam Á (NAVIS), Đại học Bách khoa Hà Nội.

* Sự ra đời của Dự án rất có ý nghĩa trong nâng cao chất lượng khoa học ở Việt Nam. Một số nhà khoa học xã hội thường cho rằng ngành khoa học này của nước ta có “đặc thù” và “nhạy cảm” để lý giải cho sự non yếu. Thực chất, nhiều cơ quan thuộc khoa học xã hội đã thiếu chiến lược hội nhập để đạt chuẩn quốc tế. Bởi vậy, các tổ chức và nhà khoa học nên tham khảo các thông tin này. Ngoài ra, từ ý tưởng của dự án này, nên mở rộng, có những thống kê khác về trắc lượng khoa học của các đề tài cấp bộ, cấp nhà nước.

PGS. TS Vương Xuân Tình – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Chú thích:

1. Các thống kê, mô tả này của nhóm S4VN đã được nhiều cơ sở khoa học, nhà khoa học uy tín trích dẫn lại (Tia Sáng).

Tác giả

(Visited 44 times, 1 visits today)