Sẽ cơ bản khắc phục tình trạng lạm phát đề tài
Để trả lời một số nội dung chính trong phản hồi của bạn đọc với bài viết “Đổi mới quan điểm và phương pháp xây dựng kế hoạch KH&CN” (Tia Sáng, số 19 ngày 20/9/2014), phóng viên Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Quân.
Thưa Bộ trưởng, vì sao tỉ lệ cơ cấu chi 2% ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ (KH&CN) cần phải điều chỉnh?
Những năm trước đây, Bộ KH&CN hầu như không có vai trò trong việc phân bổ cơ cấu chi 2% ngân sách nhà nước dành cho KH&CN, mọi việc đều do Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Tài chính quyết định. Vì vậy, việc phân bổ và sử dụng ngân sách đã có nhiều điều không thật phù hợp:
Chi phí Dự phòng và An ninh Quốc phòng trong ngân sách dành cho KH&CN mấy năm gần đây tăng một cách đột ngột từ khoảng 11- 15% các năm trước năm 2010 lên đến 32% vào năm 2014 (bằng gần 1/3 ngân sách thực chi cho KH&CN) khiến ngân sách thực chi cho R&D ngày càng hạn hẹp.
Vốn đầu tư phát triển [để xây dựng hạ tầng cơ sở cho KH&CN] chiếm khoảng 36% ngân sách cho KH&CN, quá nhiều so với vốn sự nghiệp khoa học.
TỶ LỆ CƠ CẤU CHI DỰ KIẾN CỦA 2% NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NĂM 2020 |
Tỉ lệ vốn đầu tư phát triển chi cho Trung ương và địa phương là 50/50. Trong khi các viện nghiên cứu ở Trung ương rất thiếu vốn để xây dựng các phòng thí nghiệm và các cơ sở nghiên cứu trọng điểm thì ở hầu hết các địa phương, hiệu quả sử dụng nguồn vốn này rất thấp, thậm chí có nơi còn sử dụng tùy tiện, sai mục đích như dùng vốn này để làm đường, xây dựng trường học… Chẳng hạn, Hà Nội đã lấy gần 300 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho KH&CN để phục vụ cho việc xây dựng đường vành đai 3. Cũng theo các số liệu từ quyết toán ngân sách địa phương, trước năm 2010, tỉ lệ chi ngân sách cho KH&CN đúng mục đích ở các địa phương trên cả nước chỉ hơn 20%. Gần đây, qua chỉ đạo và kiểm tra của Bộ KH&CN, tỉ lệ này đã nâng lên được hơn 60% vào năm 2013.
Thực trạng đó là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiệu quả hoạt động khoa học thấp, nên cần thiết phải điều chỉnh lại tỉ lệ cơ cấu phân bổ ngân sách KH&CN hiện nay.
Vậy xin Bộ trưởng cho biết, việc điều chỉnh sẽ chủ yếu dựa trên những căn cứ nào?
Hiện nay, theo Luật KH&CN 2013, Bộ KH&CN được quyền đề xuất tỉ lệ cơ cấu chi ngân sách dành cho KH&CN gồm cả vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp khoa học [để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành và các quỹ Quốc gia]. Căn cứ vào những số liệu thống kê về hiệu quả sử dụng ngân sách KH&CN của các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2010 đến nay do Tổng cục Thống kê và cơ quan chức năng Bộ KH&CN khảo sát điều tra; tiềm lực KH&CN và nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội từ nay đến 2020, Bộ KH&CN đã thống nhất với Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Tài chính xác định lại tỉ lệ cơ cấu chi 2% ngân sách nhà nước cho KH&CN. Theo đó, tỉ lệ chi cho dự phòng và an ninh quốc phòng sẽ giảm dần để đến năm 2020 chỉ còn dưới 15%; giảm tỉ trọng vốn đầu tư phát triển xuống còn 30% và tăng vốn sự nghiệp khoa học lên 55% tổng chi ngân sách dành cho KH&CN. Tăng vốn đầu tư phát triển của Trung ương và giảm của địa phương theo tỉ lệ 60/40 để tăng kinh phí đầu tư cho các phòng thí nghiệm trọng điểm và các cơ sở nghiên cứu ở Trung ương. Tỉ lệ cơ cấu phân bổ trên sẽ được thực hiện từng bước và cố gắng đạt được vào năm 2020. Riêng trong năm 2015, sẽ giảm tỉ lệ ngân sách cho dự phòng an ninh quốc phòng từ 32% xuống khoảng 25%, tỉ lệ giữa vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp vào khoảng 35/40. Còn tỉ lệ vốn đầu tư và phát triển giữa Trung ương và địa phương tạm thời vẫn giữ nguyên là 50/50.
Theo Bộ trưởng, cần có những giải pháp gì để việc sử dụng ngân sách sự nghiệp khoa học có hiệu quả trước một hiện trạng số lượng đề tài nghiên cứu ở các cấp ngày càng tăng. Chẳng hạn như một cơ quan cấp Bộ trong 5 năm đã thực hiện tới 2.525 nhiệm vụ khoa học, trong đó có trên 50 đề tài, khoa học cấp Nhà nước?
Trước đây, hằng năm, khi Bộ KH&CN thông báo hướng dẫn làm kế hoạch thì các viện, trường, doanh nghiệp ở Trung ương, địa phương đề xuất với Bộ KH&CN rất nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu mà chỉ căn cứ vào năng lực của viện, trường hay nhà khoa học chứ không xuất phát từ nhu cầu của đời sống hay đặt hàng của doanh nghiệp, chúng tôi vẫn gọi đó là kiểu “rải bươm bướm”.
Nhưng nay, với những quy định của Luật KH&CN 2013, việc xét duyệt các chương trình, đề tài nghiên cứu được thực hiện chặt chẽ hơn. Như với các chương trình, nhiệm vụ cấp Quốc gia và cấp Bộ thì các cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền (Bộ, ngành, địa phương…) phải đề xuất với Bộ KH&CN và sẽ được thực hiện theo cơ chế đặt hàng, đồng thời cơ quan nào đề xuất đặt hàng sẽ phải có trách nhiệm tiếp nhận lại kết quả nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất. Điều đó có nghĩa là nếu trước đây, một viện, trường, thậm chí một cá nhân cũng có quyền đề xuất đặt hàng, thì giờ đây, họ chỉ được đề xuất, còn việc chọn lựa các đề xuất đặt hàng phải là các cơ quan có thẩm quyền, nghĩa là cơ quan quản lý vừa có quyền lực vừa có nguồn kinh phí đảm bảo.
Vậy hai Viện Hàn lâm và hai Đại học Quốc gia có được quyền đề xuất đặt hàng các chương trình, đề tài cấp quốc gia không?
Hai viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng không đủ điều kiện đề xuất đặt hàng vì dù là một cơ quan thuộc chính phủ nhưng họ cũng chỉ là một đơn vị sự nghiệp khoa học. Ngân sách nhà nước dành cho các tổ chức đó chỉ để chi thường xuyên và lương cho đội ngũ cán bộ, triển khai các đề tài dự án KH&CN sau khi được tuyển chọn hoặc giao trực tiếp. Các trường đại học, kể cả hai Đại học Quốc gia cũng vậy. Các đề xuất nhiệm vụ của các viện nếu thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ nào thì phải gửi qua các Bộ đó và được xem xét để đề xuất đặt hàng với Bộ KH&CN.
Xin Bộ trưởng cho biết cụ thể hơn về quy trình và thủ tục xét duyệt đề tài đặt hàng?
Quy trình này bao gồm bốn công đoạn: công đoạn đầu tiên là đề xuất nhiệm vụ, mọi tổ chức, cá nhân thấy có vấn đề KH&CN gì cần làm thì đề xuất để các cơ quan quản lí có thẩm quyền xét duyệt. Công đoạn thứ hai là đề xuất đặt hàng: trên cơ sở chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương và nhiệm vụ, khả năng cân đối ngân sách các cơ quan quản lý (Bộ, tỉnh, thành phố) sẽ xác định danh mục nhiệm vụ phù hợp. Với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tác động lớn đến sự phát triển chung, cần có sự liên kết giữa các Bộ, ngành, viện nghiên cứu mới thực hiện được, thì các Bộ, ngành đề xuất đặt hàng nhiệm vụ cấp quốc gia với Bộ KH &CN. Công đoạn thứ ba là đặt hàng: Bộ KH&CN sẽ tổ chức hội đồng tư vấn để đánh giá, nếu đề xuất đặt hàng đó thực sự ở tầm quốc gia và phù hợp với chiến lược quốc gia, quy hoạch phát triển KH&CN thì Bộ sẽ tiến hành việc công khai tuyển chọn các tổ chức/nhà khoa học đủ năng lực nhận nhiệm vụ thực hiện. Công đoạn thứ tư là nhận đặt hàng : Bộ KH&CN, các Bộ và UBND địa phương sẽ ký hợp đồng với các tổ chức KH&CN trúng tuyển hoặc được giao trực tiếp để tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Khi chương trình, đề tài nghiên cứu đã được đánh giá, nghiệm thu, Bộ KH&CN sẽ bàn giao kết quả nghiên cứu cho cơ quan đề xuất đặt hàng và họ phải chịu trách nhiệm tiếp nhận và ứng dụng vào sản xuất. Do vậy buộc các Bộ, ngành khi đề xuất đặt hàng, phải cân nhắc rất kĩ việc kết quả nghiên cứu sẽ được giao cho công ty, viện nghiên cứu, doanh nghiệp nào và liệu các đơn vị đó thực sự có khả năng đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng không, và phải có nguồn kinh phí hỗ trợ họ thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ.
Thưa Bộ trưởng, hẳn là cùng với một quy trình xét duyệt chặt chẽ như vậy, chúng ta phải đổi mới việc thành lập các hội đồng xét duyệt và nghiệm thu đề tài đặt hàng?
Để tổ chức xét duyệt, nghiệm thu một đề tài nghiên cứu phải thành lập ba hội đồng: Hội đồng tư vấn để xác định nhiệm vụ, Hội đồng tuyển chọn, xét giao trực tiếp và Hội đồng đánh giá nghiệm thu. Và điều quan trọng hơn là, nếu như trước đây việc thành lập hội đồng khoa học có nhiều bất cập như: không có quy định tiêu chí nhà khoa học được mời tham gia làm thành viên các hội đồng; số lượng thành viên hội đồng không thống nhất (lúc có 15 người, lúc chỉ có bảy người)… Nay, Bộ KH&CN quy định, thành viên của các hội đồng phải là những người đủ điều kiện quy định thuộc cơ sở dữ liệu chuyên gia của Bộ KH&CN, ví dụ phải có trình độ TS, PGS, GS; có kết quả khoa học (phát minh, sáng chế, công bố quốc tế, giải thưởng khoa học, đã từng chủ trì đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước trong những năm gần đây; có phẩm chất đạo đức, không vi phạm quy định của Nhà nước v.v…
Lựa chọn các thành viên của Hội đồng Hiện nay, cơ sở dữ liệu của Bộ KH&CN đã có hơn 2.000 chuyên gia. Đó là cơ sở để lựa chọn các thành viên của hội đồng xét duyệt và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu theo đặt hàng. Khác với trước đây, thành viên của các hội đồng từ tư vấn ban đầu đến tuyển chọn, nghiệm thu thường do một chuyên viên của Bộ đề xuất mà hầu như không dựa trên một tiêu chí, chuẩn mực nào. Do vậy sẽ tránh được những hiện tượng không lành mạnh như: nhà khoa học nào trung thực, thẳng thắn thì có thể không được mời tham gia hội đồng, còn những người năng lực hạn chế, thậm chí có trường hợp chưa làm nghiên cứu bao giờ nhưng “dễ dãi, thân quen” thì có thể lại được mời… Những quy định mới trong việc thành lập hội đồng bắt đầu được thực hiện từ khi Luật KHCN bắt đầu có hiệu lực. Bộ trưởng Nguyễn Quân |
Việc thực hiện cơ chế quỹ và cơ chế khoán được coi là đổi mới có tính đột phá trong quản lý khoa học, xin Bộ trưởng cho biết những nội dung chính của hai cơ chế này?
Đúng vậy, bởi việc thực hiện tốt hai cơ chế đó thì hiệu quả nghiên cứu KH&CN sẽ được nâng cao. Với cơ chế quỹ, khi ký được hợp đồng nhận đề tài, nhà khoa học sẽ được cấp tiền ngay, không phải chờ đợi. Nếu hết năm chưa sử dụng hết số tiền được cấp thì được chuyển sang năm sau và chỉ quyết toán một lần khi kết thúc hợp đồng, không như trước đây quyết toán theo năm tài chính nên có trường hợp gần cuối năm mới được cấp tiền, không ít trường hợp chưa kịp mua sắm vật tư, thậm chí chưa triển khai được đề tài đã phải quyết toán. Với cơ chế khoán, nhất là cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng, các nhà khoa học sẽ chủ động hơn, được toàn quyền quyết định các định mức và nội dung chi, không phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước. Ví dụ, Nhà nước quy định mức chi bồi dưỡng nhà khoa học tham dự các hội thảo khoa học là 70.000 đồng/buổi/người nhưng đề tài được khoán đến sản phẩm cuối cùng có thể chi đến 500.000đ/buổi/người và chứng từ thực chi là 500.000đ chứ không phải như bây giờ là phải ký nhiều chứng từ để hợp thức hóa. Các hóa đơn, chứng từ khoán là thực chi và chỉ có giá trị trong nội bộ cơ quan chủ trì đề tài để thanh tra, kiểm toán có căn cứ để xem xét khi xảy ra thắc mắc, kiện cáo chứ Bộ Tài chính, Bộ KH&CN không quan tâm đến chứng từ đó khi quyết toán đề tài. Do vậy họ không phải quá mệt mỏi và “dối trá” trong việc hợp lí hóa các chứng từ, hóa đơn.
Hai hình thức khoán: Theo quy định của Luật KH&CN có hai hình thức khoán: Khoán một phần đối với những đề tài nghiên cứu mà nhà khoa học không xác định được sản phẩm cuối cùng. Trường hợp này, các chi phí cho con người (nghiên cứu, tiền công lao động, đi công tác, hội nghị, hội thảo…) sẽ được khoán, còn việc mua sắm các thiết bị, vật tư, đoàn đi công tác nước ngoài thì các hóa đơn chứng từ, định mức, nội dung chi vẫn theo quy định của Nhà nước. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ (không nghiệm thu được) thì chủ nhiệm đề tài phải hoàn trả lại ngân sách nhà nước ít nhất là 10% (tối đa là 100% nếu “không làm gì”). Đối với những đề tài mà nhà khoa học xác định rõ sản phẩm cuối cùng thì hội đồng khoa học sẽ thẩm định và khuyến cáo nên sử dụng hình thức khoán đến sản phẩm cuối cùng. Khi thực hiện hình thức khoán đó thì việc nghiệm thu và quyết toán chỉ căn cứ vào sản phẩm cuối cùng của đề tài, không yêu cầu hóa đơn chứng từ trung gian. Tuy vậy, khi nhận hình thức khoán này thì chủ nhiệm đề tài không được phép điều chỉnh tổng kinh phí và nếu không có được sản phẩm cuối cùng theo yêu cầu của hợp đồng đã kí với Bộ KH&CN sẽ phải hoàn trả cho ngân sách nhà nước tối thiểu là 30%, tối đa là 100% tùy theo mức độ sai phạm do chủ quan của chủ nhiệm đề tài. Bộ trưởng Nguyễn Quân |
Tôi tin rằng nếu thực hiện tốt những giải pháp kể trên, về cơ bản sẽ khắc phục được tình trạng “lạm phát” chương trình, đề tài nghiên cứu KH&CN. Từ đó, ngân sách nhà nước chi cho KH&CN sẽ được sử dụng một cách hợp lý và có hiệu quả cao hơn hiện nay.
Xin cảm ơn Bộ trưởng !
VĂN THÀNH thực hiện