Sự cần thiết phải Đổi mới-Sáng tạo
Tri thức, Khoa học-Công nghệ chỉ trở thành động lực chính hay tư liệu sản xuất trực tiếp cho nền kinh tế trong những điều kiện, cơ chế nhất định. Mô hình Đổi mới-Sáng tạo thay thế cho mô hình Khoa học-Công nghệ giữa những năm 80 của thế kỷ 20 đã giúp tri thức hoá thị trường và thị trường hoá tri thức. Đổi mới-Sáng tạo khắc phục được các hạn chế của mô hình cũ và tạo ra môi trường, công cụ, cơ chế mới cho phát triển.
Vị trí của “Công nghệ” trong chuỗi giá trị Đổi mới-Sáng tạo
Muốn cải tiến hệ thống, cần quan sát, phân tích chuỗi giá trị của hệ thống đó.
Ở các Nhà nước với nền kế hoạch hóa tập trung, Nhà nước là tác nhân chính (hay duy nhất) trong khoa học-công nghệ. Để thực hiện nhiệm vụ khoa học-công nghệ từ nghiên cứu đến ra các kết quả nghiên cứu, các “công đoạn” được sắp xếp liên tục, nối tiếp nhau theo một “quy trình” tuyến tính (xem hình 1).
Trong đó, đầu ra (output) của công đoạn trên là đầu vào (input) của công đoạn dưới và các công đoạn này cần cân đối, ăn khớp với nhau về thời gian, khối lượng…, ví dụ: bao nhiêu người, đề tài nghiên cứu thì sẽ làm ra bao nhiêu kết quả nghiên cứu, với thời hạn bao lâu, các kết quả nghiên cứu cơ bản này được chuyển tiếp qua nghiên cứu ứng dụng, rồi tiếp đến sản xuất thử, vv. Trong mô hình này rất ít khi có các trao đổi-mua bán kết quả nghiên cứu đang trong quá trình nghiên cứu giữa các cơ quan khoa học-công nghệ, doanh nghiệp. Trong quá trình của chuỗi giá trị, rất ít khi có việc nhận input từ bên ngoài vào và đưa output ra ngoài. Như vậy, “Công-nghệ” hầu như gắn chặt vào và là công đoạn tiếp theo của “Khoa- học”. Vì tiếp nhận khối lượng output của khoa học, nên khối lượng công nghệ thường dự đoán được và không mấy lớn hơn khoa học. Đặc trưng của mô hình này là: Công nghệ được khởi tạo chủ yếu từ Khoa học. Đây là mô hình khoa học-công nghệ tuyến tính, hay mô hình “đóng” đặc trưng của các nền kinh tế dựa trên kế hoạch hóa tập trung.
Trong nền kinh tế hướng tới thị trường, “Công nghệ” (trừ rất ít công nghệ do Nhà nước kiểm soát) ở đâu đó rất sát (hay gắn hữu cơ )với doanh nghiệp, với thị trường và ngày càng có xu hướng gắn trực tiếp với người tiêu dùng. Ở mô hình này, “công nghệ” vô cùng biến động, khó lường và có khối lượng lớn hơn nhiều so với mô hình tuyến tính (xem hình 2).
Với cơ chế mở, đầu vào của “công nghệ” là kho tàng khổng lồ của khoa học thế giới, các bản quyền, sở hữu trí tuệ, đặc biệt từ các công nghệ chưa hoàn thiện (immature technologies), các tri thức nguồn mở, các bản quyền miễn phí do đã hết hạn… Rất nhiều doanh nghiệp tìm cách khai thác khoa học ngay ở những giai đoạn (tưởng như) chưa hoàn thiện, “lai ghép” các công nghệ để tạo ra cái mới, bán ra thị trường. Lúc đó, nơi chính “làm” công nghệ không phải ở các tổ chức Nhà nước mà ở các doanh nghiệp với mục đích lợi nhuận. Đặc trưng của mô hình này là: Công nghệ được khởi tạo từ Doanh nghiệp+Thị trường. Chuỗi giá trị được “cắt’ ra rất nhiều các đoạn lẻ, đan xen nhau. Ở đó, các input được đưa “chen ngang” vào (không nhất thiết từ công đoạn trước) và nhiều kiến thức được đưa ngay ra thương mại hóa (không nhất thiết được chuyển tiếp xuống công đoạn tiếp theo). Toàn bộ quá trình trở nên “phi tuyến tính” và rất “mở”. Một điểm lý thú và có ý nghĩa đột phá về kinh tế của mô hình mở là: công đoạn dưới (và các doanh nghiệp bên ngoài) có phản hồi (feedback), đặt hàng, tài trợ cho người làm ở các công đoạn trên (khác với mô hình tuyến tính khi Nhà nước tài trợ và đặt hàng là chính). Quan trọng hơn, khoa học cơ bản phía thượng nguồn (thường vẫn do Nhà nước tài trợ ở mô hình tuyến tính) đã nhận được đặt hàng, tài trợ từ các công đoạn hạ nguồn và từ các doanh nghiệp bên ngoài. Như vậy, quá trình này không còn là một đường tuyến tính, một chiều mà là một chu trình khép kín, đa chiều. Điều này làm cho hệ thống có thể tự chủ về tài chính thông qua việc gắn hữu cơ vào thị trường + người tiêu dùng. Đây là điểm khác cơ bản giữa Hệ thống “Khoa học-Công nghệ-Đổi mới” (Science-Technology-Innovation) và “Khoa Học-Công Nghệ” (Science-Technology) kiểu kế hoạch hóa. Thuật ngữ “Khoa học-Công nghệ-Đổi mới” thực ra vẫn chưa nêu sát quá trình trên vì hai lý do. Một là: nó vẫn chưa nhắc đến yếu tố “thị trường+doanh nghiệp”. Hai là: nó vẫn thể hiện tư duy gắn chặt “Công-nghệ” vào “Khoa-học” trong khi các nhà hoạch định chính sách đều chủ trương giải phóng sự “cưỡng hôn” giữa Khoa-học và Công-nghệ. Chính vì vậy, thuật ngữ miêu tả sát nhất quá trình này là “Đổi mới-Sáng tạo” (Open Innovation).
Sự hội tụ của các công nghệ
Mô hình tuyến tính, cách phát triển theo chiều dọc (vertical development) của nền sản xuất đại công nghiệp từ trên 400 năm trước không đáp ứng được với sự hội tụ (convergence), trộn lẫn của các loại công nghệ, các thể chế, chức năng, quan điểm, văn hóa, … của nền sản xuất linh hoạt cuối thế kỷ 20.
Các ngành, công nghệ, thể chế, chức năng, quy trình, quan niệm… ngày càng hòa quyện, đan xen, lai ghép với nhau và biến hóa không ngừng. Ngành mới, công nghệ mới, quy trình mới, tác nhân mới, luật chơi mới… xuất hiện và biến mất liên tục. Những điều trên làm cách nhìn nhận tuyến tính trở thành cứng nhắc, bất cập và thách thức mọi dự báo.
Các quy trình, thể thức, quy chuẩn, phương pháp,… để thực hiện một công việc, điều khiển một hệ thống ngày càng trở nên quan trọng so với thiết bị, công nghệ hữu hình (“phần cứng”), tương tự như tỷ trọng giữa phần mềm và phần cứng của máy tính. “Phần mềm” của chuỗi cung ứng, hệ thống Internet… ngày càng có tỷ trọng giá trị cao hơn so với các thiết bị hữu hình như kho vận, bến cảng, vv. Hệ thống tiêu chuẩn đề cập ngày càng nhiều về quy trình, ví dụ: ISO, chứ không còn về các sản phẩm hữu hình. Các know-how, các bí quyết công nghệ… có tỷ lệ tăng về giá trị ngày càng lớn so với các công nghệ hữu hình. Việc chuyển từ khái niệm “Khoa học-Kỹ thuật” sang “Khoa học-Công nghệ” ở đa số các nước trong những năm 1970-1980 cũng cho thấy xu thế này. Khác với các nước nghèo, sự phồn thịnh của các nước phát triển nằm ở tài sản trí tuệ (đặc biệt là các “nguồn mở” dùng chung), các định chế, hệ thống pháp lý công bằng, chữ tín, các liên kết,… Đó là những công nghệ “mềm” của nền kinh tế-xã hội.
Như vậy, cần đưa nội dung Đổi mới-Sáng tạo vào hệ thống “Khoa học-Công nghệ” để mở rộng ra các giao diện, độ thâm nhập vào các ngành khác nhằm nâng cao hàm lượng trí tuệ, phát triển kinh tế. Đổi mới-Sáng tạo (hay Khoa học-Công nghệ-Đổi mới) chứa đựng đầy đủ hơn các yếu tố, quá trình, cách thức… mà tri thức thông qua các ứng dụng của nó đang đóng góp cho xã hội.
Sự thâm nhập, hòa trộn các ngành vào nhau làm các thể chế, tổ chức, cá nhân mang tính liên ngành cao mà cơ chế cũ không thể quản lý được. Tính đa ngành thể hiện ở hai mặt. Thứ nhất, một tổ chức bao gồm nhiều bộ phận, nhiều ngành khác nhau. Ví dụ, phòng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo gồm chuyên gia từ nhiều lĩnh vực như lý, hóa, sinh, phân tâm học, xã hội học, văn học, nhân chủng học…Thứ hai, một tổ chức có nhiều mặt hoạt động, có nhiều “tư cách pháp nhân” khác nhau.
Định hướng địa phương và định hướng toàn cầu
Mô hình quản lý cũ dựa vào định hướng quốc gia, có nền tảng, xuất phát điểm và mục đích là quốc gia. Định hướng quốc gia thể hiện ở các việc như: hoạch định theo biên giới địa lý quốc gia, các ngành trong quốc gia phải “cân đối” với nhau (đại học đào tạo ra đủ kỹ sư, bác sỹ… cho cả nước, nghiên cứu khoa học để các nhà máy trong nước đưa vào áp dụng…).
Thực ra, phân định quốc gia chủ yếu mang tính lịch sử và không mấy liên quan đến tính hợp lý và hiệu quả về kinh tế. Định hướng quốc gia không nhất thiết đem lại những tối ưu về hiệu quả kinh tế. Vì vậy, khi văn hóa chung sống của các quốc gia, các định hướng và công nghệ cho phép, người ta cùng nhau sản xuất-kinh doanh theo hiệu quả kinh tế mà không nhất thiết theo biên giới quốc gia. Chuỗi cung ứng ngành năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, phần cứng, phần mềm máy tính, ngành công nghiệp nặng, hàng tiêu dùng… hẳn sẽ không có hiệu quả như ngày nay nếu nó không mang tính toàn cầu mà lại chỉ bó hẹp trong từng quốc gia, hay từng châu lục.
Cách làm tốt nhất là hoạch định căn cứ vào địa phương (vùng) để ứng phó với toàn cầu. Thung lũng Silicon của Mỹ, hãng Toyota, Wal-Mart, Dell… ắt hẳn căn cứ vào điều kiện địa phương cụ thể để kinh doanh toàn cầu chứ không theo định hướng quốc gia.
Tính bất khả tiên lượng
Khác với mô hình tuyến tính cũ, ở mô hình mới, người hoạch định chính sách công nghiệp hay khoa học-công nghệ sẽ rất khó lường trước được các sản phẩm đầu ra của quá trình vì nay có nhiều tác nhân tham gia, tác động, đặt hàng, tài trợ… ở tất cả mọi khâu của chuỗi giá trị. Tương tự, trong trò chơi ghép hình, việc tạo ra một hình ghép đẹp không phải công của người làm ra các mảng ghép mà của những đứa trẻ mày mò, thử nghiệm (với vô số thất bại và nhiều khi chẳng xuất phát từ một quan điểm gì). Chính vì vậy, kỹ năng quản lý Đổi mới – Sáng tạo khác ở mô hình cũ. Có việc cũ nay không nên (và không thể) làm được nữa. Nhưng nhiều quan niệm, cách quản lý mới cần bổ sung như kỹ năng quản lý Tính phức hợp (Complexity), Sự bất định (Uncertainty), Biến động (Change), Đa lĩnh vực (Interdisciplinary), Rủi ro (Risk), vv.
Điều tưởng chừng như nghịch lý của kinh tế thị trường mở, đặc biệt trong khoa học-công nghệ-tri thức, là: khi càng nhiều người đem tài sản của mình ra để dùng chung trong xã hội thì nguồn lợi mà xã hội thu được sẽ càng gia tăng. Một minh họa đơn giản (tuy chưa thật sự đầy đủ) là: khi mọi người không đầu cơ, tích trữ hàng hóa thì hàng hóa sẽ ít tồn kho hơn, được đưa ra lưu thông nhiều hơn, quay vòng nhanh hơn…và xã hội sẽ có lợi hơn. Hay, khi mọi người đều đem món ăn nhà mình ra mời cả xã hội thì mọi người đều được thưởng thức nhiều hơn. Nhưng với hàng hóa tri thức thì nguồn lợi mang lại sẽ lớn hơn nhiều so với hàng hóa hữu hình, vì sự “lai ghép”, tạo ra các tổ hợp mới sẽ lớn hơn nhiều so với phép cộng thuần túy. Đây chính là thế mạnh của xã hội mở. Đó là nguyên nhân vì sao Google bỏ hàng trăm triệu USD để đưa tri thức của những thư viện lớn cho dùng miễn phí trên Internet. Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và nhiều trường đại học hàng đầu thế giới đưa học liệu mở lên mạng, các công ty chấp nhận/hưởng thụ việc tự do nhảy việc của các nhân tài, các câu lạc bộ bóng đá buồn/vui khi đưa/đón các cầu thủ tài năng… Công nghệ, nguồn tri thức dùng chung sẽ làm ‘chiếc bánh” phúc lợi xã hội ngày càng lớn ra, xóa bỏ cách hành xử “Tổng bằng không” (tức: anh được thì tôi mất, sao cho tổng giữa chúng ta bằng không, Zero-sum) và phát triển văn hóa “cạnh tranh trong hợp tác” (hay tranh-hợp, coo-petition).
Ngày nay, chuỗi giá trị công nghiệp cũng tương tự như quá trình “mở” của khoa học-công nghệ. Công nghiệp hóa (CNH) kinh điển theo kiểu tuyến tính, xây dựng tuần tự các ngành theo phát triển chiều dọc với sự cân đối giữa các công đoạn trở nên không khả thi ở các nước có tính cạnh tranh thấp và với kinh tế “mở”. Khi đó, chuỗi giá trị Công – Thương đã bị xé lẻ và không còn chịu sự điều tiết chính của Nhà nước – bàn tay hữu hình. Trong bối cảnh đó, CNH theo kiểu cũ không thể thành công. Ngày nay, không có khuôn mẫu chung cho mọi quốc gia như kiểu chương trình CNH trước kia. Từng nước, từng vùng dựa vào hoàn cảnh cụ thể của mình để tìm ra giải pháp. Trong nền kinh tế hướng thị trường và toàn cầu hóa, muốn tránh lãng phí nguồn lực và cơ hội, điều đầu tiên các nước đang phát triển cần làm là Đổi mới – Sáng tạo trong hoạt động kinh tế.
——————–
* TS.-Viện Chiến lược và Chính sách KHCN – Bộ KH&CN