Sự tự do và cái tâm là quan trọng nhất
Nhân dịp TS. Kil-Choo Moon, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) thăm và làm việc tại Việt Nam, tạp chí Tia Sáng đã có bài phỏng vấn ông về việc Viện KIST hỗ trợ Việt Nam gây dựng một viện nghiên cứu xuất sắc (VKIST) trong một tương lai không xa.
Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chuyến thăm Hàn Quốc, trong đó có dành thời gian đến Viện KIST. Ngài Thủ tướng đã đề nghị chúng tôi giúp tạo dựng một viện nghiên cứu tại Việt Nam theo mô hình tương tự như Viện KIST, nhằm đem lại lợi ích cho thế hệ tương lai của Việt Nam, đặc biệt là đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế. Cá nhân tôi cho rằng đó là một ý tưởng rất hay. Ngài Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ của các bạn cũng nghĩ như vậy. Và Chính phủ Hàn Quốc thì hoàn toàn ủng hộ. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã cùng hợp tác và bắt tay ngay vào việc trong vòng 6-7 tháng vừa qua.
Trong quá khứ Viện KIST đã từng làm một việc tương tự như vậy ở một quốc gia nào khác hay chưa, và ông hình dung rằng việc này sẽ khó khăn như thế nào?
Chưa hề. Chúng tôi đã từng thành lập các phân viện của mình ở Châu Âu, Ấn Độ, và Mỹ, nhưng chúng tôi chưa từng hỗ trợ quốc gia nào thành lập một viện nghiên cứu của họ. Vì vậy có thể coi Việt Nam là quốc gia đầu tiên. Tôi nghĩ đây sẽ là một việc khó khăn, vì điều chúng ta mong muốn là một viện nghiên cứu có chất lượng tốt, đáp ứng được những nhu cầu của tương lai. Chúng tôi sẽ giúp các bạn thành lập một viện nghiên cứu, nhưng đó sẽ là viện nghiên cứu của các bạn. Chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa nếu được yêu cầu, trong việc bồi dưỡng năng lực, đào tạo cán bộ, tư vấn về quản lý, và sẵn sàng chia sẻ cởi mở mọi điều [về cách thức tổ chức và hoạt động]. Nhưng các bạn là người tự quyết định sẽ vận dụng như thế nào cho phù hợp với bối cảnh và hệ thống quản lý của Việt Nam. Đó chính là phần khó khăn nhất.
Sự ra đời và phát triển thành công của Viện KIST trong quá khứ có thể cung cấp cho Việt Nam những bài học gì?
Kil-Choo Moon tốt nghiệp tiến sĩ ngành Cơ khí Chế tạo máy tại Đại học Minnesota (Mỹ) năm 1984. Từ đó đến nay, ông đã thường xuyên được giao nhiều trọng trách khác nhau của một nhà quản lý khoa học. Ngoài chức trách Chủ tịch Viện KIST, ông từng là Giám đốc Ban điều hành Các chương trình Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia, thuộc Quỹ Nghiên cứu Quốc gia của Hàn Quốc. |
Viện nghiên cứu mà chúng ta mong muốn xây dựng ở Việt Nam ngày nay phải tốt hơn Viện KIST của 50 năm trước. Chúng ta không thể nào làm giống hệt quá khứ. Vì công nghệ ngày nay đã thay đổi. Trước đây ở Hàn Quốc có sự tách biệt rõ ràng giữa các ngành công nghệ, như giữa ngành cơ khí chế tạo và ngành vật liệu. Nhưng giữa các công nghệ hiện nay không thể có sự phân biệt rạch ròi như vậy. Chúng có mối quan hệ hỗ trợ mật thiết lẫn nhau. Vi dụ để công nghệ sinh học phát triển thì công nghệ thông tin cũng cần phát triển. Chúng ta đang sống ở một kỷ nguyên mới, và các viện nghiên cứu công nghệ tiên tiến phải có sự phát triển đồng bộ để thích ứng được với bối cảnh mới.
Việt Nam vẫn còn những rào cản cố hữu giữa những người làm khoa học và các doanh nghiệp. Chúng tôi cần làm gì để cải thiện tình trạng này?
Đây là vấn đề khó khăn. Để giảm bớt khoảng cách lớn giữa những người làm khoa học cơ bản với các doanh nghiệp sẽ cần có vai trò của chính phủ, các doanh nghiệp, và sự chủ động của các nhà khoa học. Người làm chính sách có vai trò quan trọng nhất trong việc tạo cầu nối liên kết giữa ba đối tượng này. Việt Nam ngày nay có nhiều nguồn lực hơn hẳn so với Hàn Quốc 50 năm trước đây, từ nguồn vốn tới nhân lực. Vấn đề là làm sao tổ chức kết nối được các nguồn lực này với nhau. Đối với một viện nghiên cứu cũng như vậy, người quản lý cần phải tổ chức liên kết tốt các nguồn lực để tạo thành sức mạnh.
Tại cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Nguyễn Quân hôm 08/10, ông có đề cập rằng việc thành lập một viện ở Việt Nam theo mô hình Viện KIST đòi hỏi những sự cải thiện về hành chính, đề nghị ông giải thích rõ hơn quan điểm này.
Các bạn vốn đã có sẵn những viện nghiên cứu tốt ở Việt Nam. Nhưng lý do chúng ta vẫn bắt tay vào việc xây dựng VKIST là nhằm tạo ra một viện nghiên cứu hàng đầu, đáp ứng được những đòi hỏi của tương lai. Chính phủ Việt Nam và các nhà làm chính sách sẽ phải cân nhắc làm cách nào để thực hiện được điều này. Nếu không chúng ta sẽ đơn thuần chỉ có thêm một viện nghiên cứu như những viện đã sẵn có.
Điều quan trọng là cách tổ chức của viện phải hoạt động vì lợi ích chung của Việt Nam, và các nhà khoa học cần có quyền tự chủ để có thể tư duy một cách tự do, làm sao để đem lại lợi ích tốt nhất cho quốc gia, thay vì lợi ích riêng của một vài cơ quan chức năng hay một nhóm cá nhân nào đó. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm hiểu và lắng nghe các bạn và sẽ viết một báo cáo tới ngài Bộ trưởng của các bạn trong đó đề xuất những điều mà chúng ta cần làm.
Như vậy tự chủ có thể coi là một bí quyết đem lại thành công cho một viện nghiên cứu?
Điều kiện quan trọng đầu tiên cho thành công của một viện nghiên cứu là sự tự do của nhà khoa học, và sự tự do của những ai phụ trách việc vận hành nó. Điều kiện quan trọng thứ hai là cái tâm của nhà khoa học. Khi KIST hình thành từ 50 năm trước, Hàn Quốc đã có một thế hệ những nhà khoa học làm việc hăng say vì sự phát triển của đất nước.
Điều kiện quan trọng thứ ba là nguồn kinh phí. Và tôi khá chắc là Việt Nam có đủ kinh phí [cho một viện nghiên cứu]. Tuy nhiên, kinh phí không phải là điều kiện quan trọng nhất. Ai đó có thể nghĩ rằng đầu tiên cứ phải có tiền cái đã, nhưng tôi không nghĩ vậy. Tiền rất quan trọng, rất cần thiết, nhưng sự tự do và cái tâm còn quan trọng hơn. Và để có sự tự do và cái tâm thì một viện nghiên cứu phải được tự chủ.
Điều ông mong muốn nhất trong sự hợp tác với Việt Nam?
Tôi hi vọng rằng tất cả mọi người, đặc biệt là chính phủ và những cơ quan, tổ chức liên quan, cùng thấu hiểu và đồng lòng trong triển khai dự án hợp tác này. Đây không phải là điều dễ dàng, nhưng là cách duy nhất để giúp VKIST thành công.