Tại diễn đàn khoa học toàn cầu: Khoa học Nga ngày càng vắng bóng

Kể từ cuộc chiến tranh Ukraine, hợp tác với phương Tây bị ngừng lại cộng với các biện pháp trừng phạt, hạn chế cấp thị thực và làn sóng di cư của các học giả Nga, đã làm mờ bóng dáng của giới khoa học Nga ở các diễn đàn khoa học toàn cầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lắng nghe người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos tại sân bay vũ trụ Vostochny hồi năm 2021. Nguồn ảnh: Getty

Tháng bảy vừa qua, Tổng thống Nga Putin xuất hiện tại một hội nghị công nghệ lượng tử được tổ chức ở Moscow để phát biểu phủ nhận “sự phong tỏa trên thực tế” về mặt khoa học của các nước khác với Nga đã không thành công. 

Sụt giảm công bố 

Nhưng dữ liệu lại kể một câu chuyện khác: cuộc chiến đã tác động rõ rệt đến việc giới khoa học Nga tham gia vào các cuộc thảo luận toàn cầu. Vào năm 2022, tỷ lệ các bài báo hội nghị học thuật có tác giả đến từ Nga đã giảm 40% và tiếp tục giảm trong năm nay. Cụ thể, vào năm 2021, khoảng 35.000 bài báo hội nghị có ít nhất một tác giả ở Nga, nhưng con số này đã giảm xuống còn khoảng 20.000 vào năm 2022. Trong năm 2023, đến nay chỉ có 10.597 bài được xuất bản.

Andrey Kalinichev, Giám đốc nghiên cứu gốc Nga tại IMT Atlantique, một trường đại học công nghệ ở Pháp, cho biết: “Sự tham gia của người Nga tại các hội nghị quốc tế đã giảm mạnh trong một năm rưỡi qua. Tôi đã trực tiếp chứng kiến điều này khi tham gia các sự kiện khoa học”. 

Lấy ví dụ về công bố trên Series Journal of Physics Conference do Viện Vật lý Vương quốc Anh điều hành, kể từ năm 2000, các nhà khoa học Nga đã công bố nhiều kết quả ở đây hơn bất kỳ nơi nào khác, và vật lý là một lĩnh vực mà Nga có truyền thống rất mạnh. Nhưng chiến tranh đã khiến nhiều công trình nghiên cứu không thực hiện được. Nên năm 2021, các tác giả Nga đã trình bày gần 6.000 công bố tại đây, nhưng năm 2022, con số này giảm mạnh xuống còn 1.023. Đến thời điểm này của năm 2023, chỉ có 106 bài.

Các công bố hợp tác quốc tế chung, giữa giới khoa học Nga với các nước khác cũng thay đổi. Số lượng bài báo chung của Nga với Mỹ, Đức và Anh giảm mạnh.


Việc loại các nhà khoa học Nga khỏi các chương trình như Horizon Europe là vi phạm quyền tự do khoa học theo luật nhân quyền quốc tế. Chưa kể, hạn chế đối với khoa học Nga không giúp mang lại hòa bình và rõ ràng có hại cho cộng đồng khoa học toàn cầu.

Dinara Gagarina, một nhà sử học kỹ thuật số người Nga đang làm việc tại Đức, đã viết vào tháng ba năm nay trên T-Invariant, một trang web do các học giả người Nga nhập cư điều hành: “Bức tường ngăn cách khoa học Nga với khoa học quốc tế đang gia tăng”. “Hợp tác quốc tế hầu như không thể thực hiện được […] khả năng đi lại, giao lưu học thuật và tham gia các sự kiện khoa học đã trở nên khó khăn hơn đối với cả hai bên,” bà nói.

Sự cô lập của phương Tây cũng khiến các nhà khoa học Nga khó tham gia các hội nghị khoa học quốc tế, ít nhất là ở châu Âu và Mỹ. Thậm chí thẻ tín dụng của Nga không còn hoạt động ở châu Âu do các lệnh trừng phạt, khiến việc đi lại trở nên khó khăn.

Một nhà khoa học đang làm việc ở Nga, đề nghị giấu tên, cho biết: “Đối với các hội nghị, chi phí đi lại và các vấn đề về thị thực chắc chắn là những lý do chính [làm giảm số người tham dự]. Xin visa bây giờ khó quá”. Để di chuyển sang các nước khác, việc phải “trung chuyển” ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc UAE khiến vé máy bay đắt gấp 2 – 3 lần và điều này càng trở nên tồi tệ hơn do đồng rúp mất giá.

Một số học giả Nga cũng cho biết họ bị các hội nghị và tạp chí quốc tế phân biệt đối xử mặc dù không có nhiều thông báo chính thức về chính sách công bố đối với các nhà khoa học nga. Tạp chí Journal of Molecular Structure có lẽ là tạp chí duy nhất từng công khai có thông báo cấm các tác giả đến từ các cơ quan nghiên cứu của Nga. Gudkov, nhà sinh học cùng điều hành T-Invariant, cũng cho biết rằng một số tạp chí trong lĩnh vực của ông thậm chí còn từ chối xem xét các bản thảo của các nhà khoa học ở Nga. 

Một yếu tố khác giải thích sự sụt giảm số lượng công bố của Nga là nhiều nhà khoa học Nga đã rời khỏi đất nước. Novaya Gazeta Europe, một tờ báo Nga lưu vong, hồi tháng tám thống kê hơn 270 học giả Nga đã rời khỏi đất nước, trong đó khoa học máy tính là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng con số này có lẽ còn chưa phản ánh hết. Kalinichev cho biết: “Từ các cuộc thảo luận trên mạng xã hội, tôi có ấn tượng rằng con số thực tế thậm chí có thể cao hơn nhiều”.

Tình trạng thiếu trang thiết bị khoa học tạo ra một trở ngại khác cho khoa học Nga. Ngay sau chiến tranh, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nhập khẩu thiết bị, phần mềm, máy tính… đã gây ra vấn đề lớn trong các phòng thí nghiệm của Nga, khi các nhà khoa học phải xoay sở để có được những thứ đơn giản như thuốc thử và hạt giống.

Hơn 18 tháng trôi qua, các cơ sở nghiên cứu của Nga vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng và chưa tìm ra cách lách lệnh trừng phạt.

Câu hỏi dành cho châu Âu

Việc khoa học Nga ngày càng bị cô lập khỏi các đồng nghiệp toàn cầu, đặc biệt là ở phương Tây cho thấy các biện pháp trừng phạt khoa học của châu Âu đang phát huy tác dụng, ít nhất là theo quan điểm của Ủy ban châu Âu. Khi EU công bố các biện pháp trừng phạt sau cuộc xâm lược Ukraine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nói rõ rằng một phần của mục tiêu là “làm xói mòn cơ sở kinh tế của Nga, cắt đứt mọi triển vọng hiện đại hóa nước này”. Việc tách Nga ra khỏi khoa học toàn cầu sẽ giúp đạt được điều này. Các nhà khoa học Ukraine cũng kêu gọi tẩy chay toàn bộ giới học thuật Nga, vì cho rằng về bản chất nó có liên quan đến quyền lực nhà nước. 

Nhưng ngay cả các học giả Nga thân Ukraine cũng nghi ngờ về điều này, nói rằng việc cô lập thêm này sẽ không giúp mang lại sự thay đổi nào trong nước. Một số học giả châu Âu nhận định rằng việc loại các nhà khoa học Nga khỏi các chương trình như Horizon Europe là vi phạm quyền tự do khoa học theo luật nhân quyền quốc tế. Và nếu không có sự tham gia của các nhà khoa học Nga, một số câu hỏi khoa học quan trọng, như tác động của biến đổi khí hậu đến vùng băng vĩnh cửu ở Siberia, sẽ khó trả lời hơn nhiều. Chưa kể, hạn chế đối với khoa học Nga không giúp mang lại hòa bình và rõ ràng có hại cho cộng đồng khoa học toàn cầu. 

Bảo Như lược thuật 

Nguồn: sciencebusiness.net

(Bài đăng ở Báo KH&PT số 46)

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)