Tài trợ cho các đề tài nghiên cứu Khoa học Xã hội

Vài năm gần đây, việc tài trợ cho các đề tài nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam đã có những đổi mới nhưng vẫn còn một số bất cập, trước hết là việc xét duyệt chưa dựa trên những căn cứ rõ ràng, chủ yếu theo kiểu “nhìn mặt” trong khi các đề xuất khoa học lại có xu hướng tập trung vào nghiên cứu các vấn đề trong nước…

Hệ thống nghiên cứu KHXH ở Việt Nam, dù được tổ chức khá phân tán và đa dạng, nhưng có thể gom về ba nhóm chính như sau:

1) Các cơ quan, viện nghiên cứu trực thuộc các bộ, ban, ngành của Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Các tổ chức khoa học này đặt ưu tiên trọng tâm vào các nghiên cứu định hướng chính sách, chủ yếu là những vấn đề thuộc lĩnh vực quan tâm của bộ/ngành chủ quản.

2) Các viện nghiên cứu khoa học thuộc hệ thống Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội có định hướng nghiên cứu cơ bản, đặt những quan tâm học thuật lên hàng ưu tiên thay vì chỉ nghiên cứu định hướng chính sách.

3) Các khoa, viện và trung tâm nghiên cứu trực thuộc các trường đại học có nhiệm vụ vừa sản xuất ra tri thức mới, vừa phân phát các tri thức ấy đến người học. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của họ là hướng vào các nghiên cứu cơ bản hay thực tiễn, tùy thuộc vào chức năng được giao. 

Nếu xét về tác động xã hội của kết quả nghiên cứu thì có thể thấy các viện nghiên cứu thuộc nhóm một có tác động trực tiếp nhất vì nó nghiên cứu và tư vấn các vấn đề chiến lược và xây dựng chính sách cụ thể của mỗi ngành. Trong khi đó, các cơ quan nghiên cứu thuộc nhóm hai tập trung vào những vấn đề khoa học có tính học thuật cao ở cả tầm lý luận và thực tiễn. Tác động của dạng nghiên cứu này đến xã hội thường chậm và gián tiếp, và hầu hết những người quan tâm các kết quả nghiên cứu là các nhà khoa học cùng chuyên ngành. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu thuộc nhóm ba vừa nghiên cứu vừa truyền đạt kiến thức cho sinh viên để tạo ra thế hệ các nhà nghiên cứu mới… Kết quả nghiên cứu của họ có tác động trực tiếp vào nhóm sinh viên thuộc thế hệ các nhà nghiên cứu tương lai, còn đang được đào tạo.

Nhìn vào cách xét duyệt tài trợ cho các dự án khoa học chúng ta đang làm hiện nay, có thể nhận ra một vài khiếm khuyết chính sau đây:

a) Việc tài trợ cho các đề tài nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam nói chung chưa dựa trên những căn cứ rõ ràng để làm tiêu chí xét duyệt cấp kinh phí cho các dự án khoa học. Các vấn đề khoa học nêu ra trong bản thuyết minh của các đề tài khoa học thường ít được phân tích một cách nghiêm túc, thay vào đó, hội đồng xét duyệt thường nhìn vào tên tuổi các nhà khoa học chủ trì và tham gia đề tài cũng như cơ quan của người đề xuất đề tài để quyết định tài trợ hay không. Có rất ít cơ hội cho các nhà khoa học làm việc độc lập, các tổ chức phi chính phủ, các cán bộ trẻ nhiều tham vọng nhưng chưa có tên tuổi và vị trí trong các cơ quan khoa học cũng như các cơ quan nghiên cứu thuộc các trường đại học ít tên tuổi. Nếu quan tâm đến việc nâng đỡ các nhóm yếu thế thì các nhóm bị đặt ra “bên lề” nói trên cần được quan tâm hơn.

b) Cách xét duyệt các đề tài theo kiểu “nhìn mặt đặt tên” như trên có hệ quả là hầu hết các đề tài được xét duyệt thuộc về các nhà nghiên cứu có danh có vị, có các mối “quan hệ” rộng và thuộc về các cơ quan “có tên tuổi”. Kiểu tài trợ như vậy thường dẫn đến một thực hành phổ biến hiện nay là các đề tài thường có một danh sách người chủ trì và thành viên rất “hoàng tráng”, nhưng kết quả thì có thể rất kém, vì người ta có xu hướng mượn tên các nhà khoa học đứng ở vị trí chủ trì và cả danh sách thành viên, nhưng công việc nghiên cứu thì những người này chưa chắc đã ở vị trí “sản xuất ra tri thức mới”. Kiểu “mượn tên” làm khoa học này không giúp tạo ra một kết quả khoa học mới để có tác động xã hội và cho phép các nhà nghiên cứu tham gia vào các diễn đàn học thuật quốc tế. Thêm nữa, vì mỗi thành viên dính vào một tý để “thanh khoản” nên các dự án khoa học lại thường tạo ra tác dụng ngược, có nguy cơ triệt tiêu sáng tạo khoa học và làm mất cá tính sáng tạo của cá nhân nhà khoa học. Sẽ chỉ còn một nhóm những người hợp-tan xung quanh một đề tài, dự án nghiên cứu mà không sản xuất được các tri thức khoa học mới, chủ trì đề tài có vai trò khá mơ hồ và dễ thoái thác trách nhiệm do tính “tập thể’ của dự án nghiên cứu.

c) Xu hướng chung của các đề xuất khoa học ở nước ta hiện nay chủ yếu tập trung vào nghiên cứu các vấn đề trong nước và có tính định hướng chính sách, tức những mối “quan tâm riêng” của Việt Nam, trong khi rất ít khuyến khích nghiên cứu các vấn đề xuyên quốc gia, liên quốc gia, khu vực và quốc tế. Thêm nữa, khoa học xã hội đáng ra phải nghiên cứu những chủ đề “có tính vấn đề” của xã hội thì lại thường né tránh do lo ngại “nhạy cảm”. Điều này hạn chế rất nhiều đến việc sản xuất ra tri thức về thế giới bên ngoài Việt Nam và hạn chế đóng góp của khoa học cho định hướng chính sách và phổ biến kiến thức trong khi Việt Nam đang muốn vươn ra “biển lớn”, hội nhập sâu hơn vào khu vực và quốc tế, muốn khoa học xã hội có đóng góp thiết thực hơn nữa vào hoạch định chính sách và hiểu biết xã hội. Nhìn vào hệ thống các Hội đồng khoa học của NAFOSTED chẳng hạn, người ta chỉ thấy các hội đồng chuyên ngành mà không có các hội đồng khoa học liên ngành hoặc đa ngành, trong khi xu hướng nghiên cứu liên ngành trên thế giới đang là một ưu thế của khoa học xã hội, làm cho ranh giới giữa các khoa học xã hội và nhân văn hiện nay đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Cũng cần lưu ý thêm là trong khi các hội đồng khoa học được tổ chức theo hướng chuyên ngành, tức nghiên cứu cơ bản, nhưng lại thường đòi hỏi các đề tài khoa học phải giải quyết những vấn đề thực tiễn, tức định hướng chính sách thì thật là một sự tréo ngoe. Những vấn đề học thuật quan trọng, độc đáo và có tầm lý luận, có thể giúp các nhà khoa học Việt Nam tham gia trực tiếp vào các cuộc tranh luận học thuật ở tầm quốc tế do vậy thường ít khi lọt được vào danh sách đề tài được tài trợ do quan niệm ưu tiên các đề tài tiếp cận nghiên cứu định hướng chính sách (policy-oriented research). Tôi cho rằng các tiêu chí đánh giá cần làm rõ hai cách tiếp cận: (1) nghiên cứu định hướng chính sách; và (2) nghiên cứu hàn lâm cơ bản, bởi mỗi loại nghiên cứu đòi hỏi cách tiếp cận khác nhau, phải được làm rõ ngay từ khâu xác định chiến lược nghiên cứu chứ không phải cứ đòi hỏi các đề tài tiếp cận nghiên cứu cơ bản nhưng lại phải đưa ra các khuyến nghị như chúng ta đang làm hiện nay.

d) Mặc dù trong một số tiêu chí xét duyệt tài trợ cho các dự án nghiên cứu, thành tích khoa học của người đề xuất đề tài phải được kê khai, với ngụ ý xem đó như một lợi thế nhưng khi xét duyệt đề xuất mới, người ta ít khi phân tích mối liên hệ giữa tiềm năng phát triển của đề tài đang được đề xuất với các kết quả đã công bố của các nghiên cứu mà ứng viên thực hiện trước đó. Đặc biệt, việc đòi hỏi phải có kết quả nghiên cứu ngay trong thời gian thực hiện đề tài (thường là trong vòng một đến hai năm) như các công bố quốc tế và trong nước, các bài báo khoa học và sách chuyên khảo, các kết quả hỗ trợ nghiên cứu sinh và học viên cao học… là không có tính khả thi. Tất nhiên để đáp ứng được yêu cầu quá đáng này, các chủ nhiệm đề tài thường phải tìm các hình thức đối phó, hoặc công bố kết quả theo kiểu “chín ép” ở những tạp chí khoa học chất lượng thấp. Ai đã từng tham gia công bố quốc tế đều biết để in một bài báo trên một tạp chí khoa học có uy tín, phải trải qua quá trình bình duyệt chặt chẽ (peer review) thì cần có thời gian hai hay ba năm để hoàn thành công việc là chuyện bình thường. Hầu hết các tổ chức tài trợ quốc tế thường giám sát quá trình thực hiện và tiến bộ của dự án trong khuôn khổ thời gian thực hiện, nhưng kết quả cuối cùng (bài báo, sách, kết quả khác) thì cho thêm thời gian để nhà nghiên cứu hoàn thiện đến khi đạt được kết quả mong đợi. Nếu các chủ trì dự án khoa học không thực hiện cam kết thì họ sẽ không có cơ hội để xin tài trợ cho các dự án nghiên cứu tiếp theo. Để khắc phục tình trạng đòi hỏi “chín ép” của các đề tài khoa học ở Việt Nam, tôi cho rằng các hội đồng khoa học cần vận dụng quy định hồi tố, yêu cầu ứng viên kê khai kết quả công bố của đề tài đã thực hiện trước đó, nếu đã quá thời hạn cho phép mà sau đó không công bố kết quả như đã cam kết thì người chủ trì dự án sẽ không được xem xét các đề xuất cho dự án tiếp theo. 

——–
*PGS.TS, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)