Tạo đòn bẩy từ các chương trình nghiên cứu phát triển (R&D) quốc gia

Để trở thành một nước công nghiệp có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, Việt Nam cần phải nâng cao thành tích sáng tạo, đổi mới công nghệ, tăng cường các hoạt động KH&CN. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, cần  phải tập trung ngân sách vào những chương trình R&D quốc gia theo các lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực sẽ đem lại lợi ích cao cho kinh tế và xã hội. Nhiều quốc gia đã áp dụng theo cách này và đã thành công trong việc phát triển các lĩnh vực KH&CN nền tảng của họ. Kinh nghiệm của họ cũng cho thấy rằng, để nghiên cứu theo mục tiêu thành công cần phải thận trọng khi lựa chọn các nhu cầu cụ thể.

Phát triển khoa học vật liệu tại Đức là một ví dụ để minh họa cho điều này. Khoa học vật liệu có thể tạo ra đổi mới trong rất nhiều lĩnh vực. Chính phủ Đức đã nhận thức điều này từ rất sớm. Từ những năm 70,  khoa học vật liệu trở thành lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên với mục tiêu đảm bảo năng lực dẫn đầu về nghiên cứu cũng như năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Đức.

Mục tiêu chính của chương trình 5 năm đầu tiên (có tên gọi là Nghiên cứu Vật liệu “MatFo”; 1983-93) là phát triển các kỹ năng nghiên cứu cơ bản và đẩy mạnh sự khám phá (phát minh) các vật liệu mới và áp dụng đổi mới. Một phần kinh phí lớn nhất của ngân sách đã được phân bổ cho các đề tài hợp tác nghiên cứu giữa khu vực khoa học và doanh nghiệp. Mục đích của việc hợp tác là xây dựng chuỗi đổi mới thông suốt, mà ở đó tất cả những người tham dự đều làm việc với nhau hiệu quả.

Sau khi kết thúc chương trình “MatFo”, trọng tâm nghiên cứu khoa học được thay đổi từ việc phát minh và phát triển  các vật liệu mới sang ứng dụng chúng. Chương trình 10 năm tiếp theo (Vật liệu cho các công nghệ tương lai – “MaTech”; 1993-2003) tập trung vào việc phát triển và ứng dụng các công nghệ vật liệu mới. Chương trình hiện nay (Đổi mới vật liệu phục vụ công nghiệp và xã hội – “Wing”; từ năm 2003) tập trung hoàn toàn vào việc đổi mới dựa vào vật liệu ở những công ty ứng dụng chính (chủ chốt).

 
TS Micheal Braun
Chuyên gia tư vấn công nghệ của Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ-Bộ KH&CN

Theo dõi tiến bộ và thành quả cũng như xu thế kinh tế và khoa học toàn cầu luôn được tiến hành liên tục trong tất cả các chương trình. Khi kết thúc từng giai đoạn của mỗi chương trình, thông qua đánh giá, các chuyên gia độc lập (với các nhà quản lý) và các đối tượng có liên quan  phân tích kết quả, tác động của chương trình và xu hướng toàn cầu về lĩnh vực này. Kết luận và khuyến nghị của họ được sử dụng để phục vụ cho việc thiết kế chương trình của giai đoạn tiếp theo.
 
Các dạng chương trình nghiên cứu mục tiêu như vậy cũng rất cần thiết cho Việt Nam. Nhưng tất cả kinh nghiệm đều chỉ ra rằng, sự thành công phụ thuộc vào việc xây dựng chiến lược rõ ràng và thực hiện hiệu quả. Dưới đây là bốn câu hỏi quyết định cần phải trả lời khi thiết kế các chương trình.

Bao nhiêu lĩnh vực R&D cần phải đầu tư?

Không thể tập trung kinh phí cho tất cả các lĩnh vực R&D. Phải giữ sự cân bằng giữa nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và phát triển cũng như những lĩnh vực cần thiết  khác cho sự phát triển kỹ năng khoa học của quốc gia trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn. Quốc gia không thể từ bỏ bất cứ phần nào của sự lớn mạnh về tri thức – nhưng phải phát triển năng lực và kỹ năng cụ thể để hấp thụ và áp dụng những tri thức tiên tiến nhất trong lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với kinh tế và xã hội.

Giữ sự cân bằng yêu cầu phải quản lý một cách chiến lược các danh mục hỗ trợ R&D, như thí dụ minh hoạ của Đức ở hình 1. 

                       Ngân sách dành cho R&D theo nguồn cung cấp và cách sử dụng ngân sách này
                       (Nguồn: Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức, 2010)

Tập trung vào lĩnh vực nào?

Đối với việc phân bổ kinh phí nghiên cứu, điều quan trọng là phải thiết lập những nội dung ưu tiên một cách rõ ràng. Nếu không có ưu tiên, dàn trải cho quá nhiều hoạt động, kinh phí dành cho những tổ chức quan trọng sẽ ít đi và sẽ không đạt được sự xuất sắc.

Các lĩnh vực nghiên cứu được ưu tiên phải là những lĩnh vực mà các tổ chức lớn hoặc nền kinh kế phụ thuộc nhiều vào chúng ví dụ như nông nghiệp hoặc vì chúng đem lại tiềm năng phát triển hấp dẫn, hoặc vì tri thức khoa học rất quan trọng đối với nhiều lĩnh vực như khoa học thông tin, khoa học vật liệu.

Để hiện thực hiện những nội dung này trong giai đoạn phát triển hiện nay của hệ thống KH&CN Việt Nam, hai mục tiêu cần phải được cân đối một cách thận trọng: phát triển sự xuất sắc về nghiên cứu khoa học và nâng cao năng lực hấp thụ và khai thác tri thức khoa học và công nghệ tiên tiến. Rất nhiều viện nghiên cứu và các doanh nghiệp thương mại vẫn cần phải phát triển năng lực để đạt trình độ cạnh tranh ở tầm quốc tế. Cần đẩy mạnh sự hợp tác giữa khoa học và doanh nghiệp và phát triển mạng lưới và các cụm đổi mới. Như vậy, chính sách KH&CN không thể chỉ tập trung vào một giới hạn R&D cụ thể. Chiến lược phải phát triển (xây dựng) toàn bộ chuỗi đổi mới. Các chương trình nghiên cứu mục tiêu phải đạt được các bước đi quan trọng.

Loại R&D nào và những nhóm chiến lược nào?

Để đạt được kết quả bền vững, các chương trình phải phát triển năng lực nghiên cứu cơ bản,  nghiên cứu ứng dụng và khuyến khích đưa những tri thức này vào những sản phẩm mới góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Các viện nghiên cứu và các công ty tư nhân phải tham gia vào chuỗi đổi mới thông suốt ví dụ tâp trung vào hợp tác nghiên cứu ứng dụng để cùng học hỏi và chuyển giao tri thức/công nghệ, kết hợp với phát triển năng lực nghiên cứu tiên tiến ở những lĩnh vực quan trọng chủ chốt như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, v.v…

Với khung này, Chính phủ cấp kinh phí hầu hết cho nghiên cứu cơ bản và hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng và các hoạt động đổi mới. Nhưng các công ty tư nhân phải nắm lấy cơ hội và chính họ cũng phải đầu tư vào KH&CN để chuyển các tri thức mới vào sản phẩm mới và tăng trưởng kinh tế. Theo lý thuyết ngón tay cái, nhiều nước công nghiệp yêu cầu mỗi đồng USD do Chính phủ bỏ ra cho nghiên cứu ứng dụng  phải làm cho doanh nghiệp đầu tư ít nhất một USD bổ sung. (Xem hình 1 về sự đóng góp kinh phí giữa khu vực công và tư ở Đức)

Làm thế nào để thực hiện hiệu quả?

Khi thực hiện các chương trình cạnh tranh, nhiều nước thực hiện tài trợ theo đề tài, dự án song song với phát triển năng lực nghiên cứu tiên tiến nhất. Cơ chế tài trợ theo đề tài, dự án là phù hợp nhất và hỗ trợ tốt nhất cho các hoạt động R&D theo các lĩnh vực chủ chốt đã được xác định. Để có thể phát triển được các kỹ năng khoa học và công nghệ quan trọng trong những lĩnh vực nghiên cứu, công nghệ hoặc ứng dụng, có thể kết hợp với các chính sách phát triển cấu trúc. Ví dụ, sự cạnh tranh thành công của chương trình “Bio Regio” đã khởi động sự phát triển các cụm công nghệ sinh học ở nhiều vùng thuộc Đức.

Việc thực hiện chương trình hiệu quả được xây dựng theo tháp ba bậc. Cơ chế tài trợ cạnh tranh là phù hợp nhất để thu hút các đề xuất từ tất cả những người tham gia có năng lực. Các đề xuất này được đánh giá bởi các chuyên gia độc lập, thường là cả chuyên gia quốc tế, những người đảm bảo cho các ý tưởng nghiên cứu tốt nhất và những đề tài, dự án có sức thuyết phục nhất được lựa chọn. Việc quản lý chương trình hiệu quả được đảm bảo bằng các tổ chức quản lý đề tài, dự án chuyên nghiệp ở Đức. Và sự minh bạch được đảm bảo bằng sự giám sát thường xuyên thông qua đánh giá theo các mốc thời gian đã được xác định (những mốc kết quả cụ thể).

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)