Tập trung nguồn lực trong đào tạo nhân lực hạt nhân
Chúng ta nên tận dụng tối đa lò phản ứng nghiên cứu ở Đà Lạt, và các thiết bị mô phỏng rải rác trên nhiều địa phương để phục vụ cho công tác đào tạo. Chúng ta phải dành công sức để tăng cường chất xám thay vì đầu tư vào máy móc.
Hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc lần thứ 11 vừa được tổ chức tại Đà Nẵng là một cơ hội để những người hoạt động trong ngành đánh giá lại những kết quả đã đạt được trong hai năm qua. Nhiều thành tựu quan trọng đã được báo cáo tại Hội nghị như những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư tại Bệnh viện Bạch Mai do GS. Mai Trọng Khoa, hay thành tựu trong tìm hiểu trạng thái kích thích Hoyle của hạt nhân 12C do GS. Đào Tiến Khoa trình bày. Điểm nổi bật nhất của Hội nghị là sự hiện diện của các nhà khoa học trẻ với nhiều bài trình bày chất lượng cao trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ hạt nhân, đặc biệt về lò phản ứng hạt nhân.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những thực tế đáng lo ngại
Một số ý kiến trong hội nghị đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tạo dựng văn hóa an toàn hạt nhân ở Việt Nam. Điều này làm chúng ta nhớ lại những thực tế đáng lo ngại được báo chí phản ảnh gần đây: hồi tháng Năm, chúng ta được biết rằng hạ tầng an toàn và an ninh hạt nhân của Việt Nam (ở dự án Ninh Thuận I) chưa đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn đặt ra bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký; hồi tháng Tư, trong bối cảnh hai nguồn phóng xạ hoạt độ lớn bị thất lạc, chúng ta được nghe những lời phát biểu từ GS. Trần Thanh Minh và PGS. Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (VARANS), nhận định về tình trạng thiếu ý thức và quản lý lỏng lẻo đối với vật liệu nguy hiểm, đồng thời qua đó chúng ta cũng được biết việc thanh tra các vật liệu bức xạ chỉ được tiến hành ba năm một lần trong khi lẽ ra phải được tiến hành hằng năm do VARANS thiếu thốn cả về nhân lực và trang thiết bị; trong tháng Bảy chúng ta lại được biết Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký một chỉ thị mới với các quy định về việc nâng cao tiêu chuẩn an toàn trong công tác quản lý và sử dụng các thiết bị phóng xạ, chỉ thị cũng chỉ ra nhiều thiếu sót và hạn chế của hệ thống quản lý hiện tại mà hệ quả đã dẫn tới nhiều vụ thất lạc nguồn và thiết bị phóng xạ trong những năm qua.
Với chương trình về KH&CN hạt nhân ở đại học như hiện nay, sinh viên không hề được học về các loại lò phản ứng hạt nhân – tôi thậm chí được biết một số thạc sỹ vật lý hạt nhân không hề biết về nguyên lý vận hành của một lò phản ứng hạt nhân. |
Một thực trạng khác đáng quan tâm như báo chí phản ảnh từ cuộc Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân” tổ chức tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt ngày 17/7 vừa qua là sự thiếu hụt các chuyên gia trẻ về năng lượng hạt nhân, trong khi đội ngũ chuyên gia hạt nhân trong nước lại đang ngày càng già đi. Đây là một thách thức không nhỏ cho sự nghiệp phát triển nghiên cứu khoa học và năng lượng hạt nhân ở Việt Nam. Phát biểu tại cuộc Hội thảo này, ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, cho biết hiện tại có sáu trường đại học trong nước hằng năm đào tạo khoảng 200 sinh viên trong các lĩnh vực liên quan tới KH&CN hạt nhân, nhưng với chế độ đãi ngộ hạn chế và mức lương thấp, các cơ sở nghiên cứu rất khó thu hút được những tài năng trẻ.
Hơn nữa, cũng cần lưu ý rằng chất lượng đào tạo tại các trường đại học trong nước hiện nay trong lĩnh vực KH&CN hạt nhân thường không đạt yêu cầu. Đơn cử như chương trình đào tạo thạc sỹ của một trường đại học ở Hà Nội, nội dung chuyên môn về vật lý hạt nhân chỉ chiếm 26%, trong khi thời lượng dành cho tiếng Anh và triết học Mác-Lênin là 29%, còn lại là thời lượng dành cho các môn toán cho vật lý, thống kê, mô phỏng trên máy tính, xử lý tín hiệu, v.v. Theo quan điểm của cá nhân tôi, lớp đào tạo thạc sỹ về KH&CN hạt nhân không phải là nơi dạy tiếng Anh, và các nội dung về vật lý hạt nhân đang được giảng dạy không đáp ứng được yêu cầu thực tế của ngành KH&CN hạt nhân hiện đại mà đất nước đang cần mà chỉ cung cấp những kiến thức tương tự như những gì chúng tôi được học từ cách đây 55 năm khi vật lý hạt nhân được dạy để lý giải về lực hạt nhân (tương tác mạnh). Với chương trình về KH&CN hạt nhân ở đại học như hiện nay, sinh viên không hề được học về các loại lò phản ứng hạt nhân – tôi thậm chí được biết một số thạc sỹ vật lý hạt nhân không hề biết về nguyên lý vận hành của một lò phản ứng hạt nhân.
Sự cần thiết của việc đào tạo nhân lực KH&CN hạt nhân
Trong bài trình bày của mình tại Hội nghị, tôi khẳng định rằng ngày nay động lực để chúng ta nghiên cứu vật lý hạt nhân đã hoàn toàn khác với hồi thập kỷ 1950, bởi vậy nội dung đào tạo cũng phải thay đổi. Từ năm 1973 với việc tìm ra sắc động lực lượng tử chìa khóa để hiểu tương tác mạnh, vật lý hạt nhân đã bị mất đi một trong những mục tiêu nghiên cứu chính của nó. Tuy nhiên, ngày nay vật lý hạt nhân vẫn còn hai lý do về mặt khoa học và nhiều lý do về ứng dụng để chúng ta tiếp tục theo đuổi.
Lý do về khoa học bao gồm nghiên cứu sử dụng các tia ion phóng xạ và thiên văn hạt nhân. Nghiên cứu sử dụng các tia ion phóng xạ đã giúp hồi sinh ngành vật lý hạt nhân thực nghiệm. Các tia ion phóng xạ được sử dụng để nghiên cứu phương trình trạng thái hạt nhân ở xa vùng bền, khám phá ra các đồng vị và các dạng động lực học mới, ví dụ như quầng hạch (halo nuclei), đóng góp những dữ liệu quan trọng cho thiên văn hạt nhân, mang lại nhiều ứng dụng mới cho y tế và công nghiệp. Lĩnh vực này dành được sự quan tâm ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở châu Á, Nhật Bản là nước đi đầu trong khi Hàn Quốc và Trung Quốc đang tích cực bám đuổi. Còn đối với thiên văn hạt nhân, phản ứng hạt nhân hiện hữu khắp nơi: từ quá trình tổng hợp hạt nhân sau vụ nổ Big Bang hình thành nên Vũ trụ tới quá trình tiến hóa của các vì sao. Để nắm bắt những vấn đề này đòi hỏi nhiều kiến thức thu được từ những phép đo trong phòng thí nghiệm, nhưng đồng thời vật lý thiên văn cũng chính là phòng thí nghiệm của Vũ trụ dành cho ngành vật lý hạt nhân mà không có phòng thí nghiệm nào khác trên Trái đất có thể so sánh được.
Với chương trình như hiện nay, sinh viên không hề được học về các loại lò phản ứng hạt nhân – tôi thậm chí được biết một số thạc sỹ vật lý hạt nhân không hề biết về nguyên lý vận hành của một lò phản ứng hạt nhân. |
Những động lực thực tiễn thúc đẩy chúng ta nghiên cứu vật lý hạt nhân liên quan tới các lĩnh vực về năng lượng hạt nhân và các nguồn phóng xạ. Tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam hằng năm tăng khoảng 15%, đòi hỏi đất nước phải phát triển năng lượng hạt nhân. Các nhà máy điện hạt nhân hoạt động an toàn, hiệu quả, không phát thải CO2 sẽ đóng vai trò quan trọng trong chính sách năng lượng của đất nước. Tuy nhiên chúng đòi hỏi rất cao về năng lực quản lý trong công tác vận hành, bảo dưỡng, khai thác, đồng thời những vấn đề của nó cũng rất khác so với hồi cuối thập kỷ 1950. Ngày nay, các nhà máy điện hạt nhân gieo rắc sự sợ hãi có tính cảm tính từ công chúng và chúng phải đối mặt với một phong trào phản đối mang màu sắc chính trị hết sức mạnh mẽ. Xã hội vẫn đang đặt câu hỏi về các vấn đề lưu trữ, xử lý chất thải phóng xạ; các công tác vận hành và tháo dỡ nhà máy sau sử dụng, các giải pháp tăng cường tính an toàn đều nhất là khi các hoạt động này đang đòi hỏi chi phí ngày càng tăng cao một cách đáng kể so với dự kiến; sự hữu hạn của trữ lượng quặng phóng xạ; những bất ổn địa chính trị, nguy cơ khủng bố làm dấy lên lo ngại về vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân; việc chuyển giao ngành công nghiệp hạt nhân vào tay khu vực tư nhân dưới sự chi phối của lợi ích riêng về tài chính sẽ khó tránh khỏi dẫn tới những hệ lụy.
Tất cả những thực tế trên đây cần được xem xét một cách thích đáng khi chúng ta quyết định cần đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân như thế nào. Chúng ta mong muốn đào tạo ra những nhà khoa học, kỹ sư giàu tinh thần trách nhiệm, những người không chỉ khăng khăng tin vào những giá trị của năng lượng hạt nhân, mà còn có khả năng đấu tranh bảo vệ cho những giá trị này trên cơ sở các căn cứ vững chắc, đồng thời sẵn sàng lắng nghe, tự điều chỉnh khi đối diện với những tiếng nói phản biện giàu sức thuyết phục.
Ngày nay, nguồn phóng xạ và máy gia tốc đã trở nên phổ biến trong thế giới hiện đại. Ứng dụng của chúng rất đa dạng, từ y tế, công nghiệp, nông nghiệp, tới khai khoáng, địa chất, khảo cổ học, v.v. Chúng được dùng trong đánh dấu hoặc chụp ảnh như tia X, hoặc làm nguồn phóng xạ cho thanh trùng, tiệt trùng, phá hủy các khối u, hoặc tạo đột biến gene. Các máy gia tốc có chức năng tương tự như các hạt nhân phóng xạ, nhưng có cường độ và năng lượng cao hơn nhiều. Các nguồn bức xạ synchrotron giúp khám phá hoặc thay đổi cấu trúc vật liệu, còn các chùm electron được sử dụng trong chế tạo máy, hàn, xử lý bề mặt, v.v, các máy gia tốc tròn cyclotron được dùng để tạo ra các hạt nhân phóng xạ, các chùm ion dùng trong điều trị ung thư, phân tích và cấy vào các chất bán dẫn trong ngành công nghiệp điện tử.
Cần một Trung tâm tầm quốc gia để tập trung các nguồn lực đào tạo
Việt Nam đang rất tụt hậu trong đào tạo các nhà khoa học, kỹ sư, và kỹ thuật viên trong các ngành KH&CN hạt nhân. Tìm cách bắt kịp với đòi hỏi của đất nước để phát triển và tiến bộ là nhiệm vụ cấp bách. Chúng ta phải chú trọng vào việc đào tạo những nhà khoa học, kỹ sư, và kỹ thuật viên đáp ứng công tác quản lý một cách bền vững và có trách nhiệm đối với chương trình điện hạt nhân (trong xây dựng, vận hành, bảo trì, và khai thác) cũng như trong những ứng dụng khác trong y tế, công nghiệp, bao gồm cả máy gia tốc. Như đã đề cập, phải đặc biệt chú ý đến vấn đề an toàn hạt nhân.
Đã đến lúc cần tập trung các nguồn lực cho công tác đào tạo nhân lực hạt nhân đang bị phân tán rải rác vào việc hình thành một Trung tâm Đào tạo hạt nhân quốc gia, với một người lãnh đạo duy nhất, để có thể mang lại một cách tiếp cận chung, tập trung, đồng bộ đối với công tác phát triển nguồn nhân lực hạt nhân. |
Những kiến thức cần đào tạo bao gồm: vật lý nguyên tử và vật lý hạt nhân căn bản; tác động sinh học của bức xạ và an toàn bức xạ; vật lý neutron cơ bản, nhiệt hóa và vận chuyển neutron; các khái niệm và thiết kế lò phản ứng, điều tiết lò, chu trình nhiên liệu, tính tới hạn, các loại lò phản ứng, giới thiệu về lò Thế hệ IV và các lò tái sinh; quặng urani, công tác khai thác, phân tách, làm giàu, đầu vào của chu trình nhiên liệu; việc lưu giữ nhiên liệu đã qua sử dụng, lưu giữ và xử lý chất thải, công tác tháo dỡ nhà máy; an toàn hạt nhân, bảo vệ con người và môi trường, giáo dục công chúng, quy định Nhà nước về năng lượng hạt nhân; hạt nhân phóng xạ, các ứng dụng trong y tế, công nghiệp, đảm bảo an toàn và điều khiển; máy gia tốc hạt, những phương pháp và công nghệ gia tốc cơ bản trong y tế và công nghiệp; vũ khí hạt nhân, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh hạt nhân; cộng đồng thế giới hạt nhân, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, các tổ chức bảo vệ môi trường, tình hình địa chính trị châu Á, v.v.
Tuy nhiên, các trường đại học trong nước hiện đang thiếu đội ngũ giảng dạy trong nhiều lĩnh vực đề cập trên đây. Để khắc phục tình trạng này, điều tiên quyết chúng ta cần là một chương trình đào tạo nhân lực hạt nhân mang tính tập trung ở tầm quốc gia, cho phép tập hợp các nguồn lực sẵn có cả trong và ngoài nước. Hiện nay, có thể thấy chúng ta đang sử dụng các nguồn lực, tiền bạc, và nhân lực một cách phân tán qua quá nhiều các bộ, ban, ngành, tổ chức. Điều này được thể hiện rõ qua báo cáo trong hội nghị của PGS. Vương Hữu Tấn về việc sử dụng các nguồn lực Nhà nước phân bổ cho Chương trình Nghiên cứu KC05/11-15.
Tôi cho rằng đã đến lúc cần tập trung các nguồn lực cho công tác đào tạo nhân lực hạt nhân đang bị phân tán rải rác vào việc hình thành một Trung tâm Đào tạo hạt nhân quốc gia (Trung tâm), với một người lãnh đạo duy nhất, để có thể mang lại một cách tiếp cận chung, tập trung, đồng bộ đối với công tác phát triển nguồn nhân lực hạt nhân. Lâu nay, chúng ta đã và đang cử đi nhiều sinh viên du học ở Nga, Nhật Bản, Hungary, v.v, nhưng ở trong nước có rất ít địa chỉ để chào đón họ khi trở về. Việc hình thành một Trung tâm như nêu trên sẽ là bước tiếp nối đồng bộ cho sinh viên trở về từ nước ngoài, nơi họ có thể chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo lẫn nhau, hay ngắn gọn là xây dựng văn hóa làm việc theo nhóm mang lại hiệu quả vượt trội so với cách làm việc xé lẻ từng cá nhân.
Để hình thành và khởi động Trung tâm như vậy, hoàn toàn không cần nhiều chi phí, và không đòi hỏi những trang thiết bị đắt đỏ. Chúng ta nên tận dụng tối đa lò phản ứng nghiên cứu ở Đà Lạt, và các thiết bị mô phỏng rải rác trên nhiều địa phương để phục vụ cho công tác đào tạo. Như tôi vẫn thường nói, chúng ta phải dành công sức để tăng cường chất xám thay vì đầu tư vào máy móc. Trong tương lai, tất nhiên chúng ta có thể nghĩ đến một lò nghiên cứu có công suất lớn hơn ở Đà Lạt, bổ sung thêm nhiều thiết bị mô phỏng, v.v, nhưng chúng không phải là những ưu tiên hiện nay.
Điều tôi nói trên không có nghĩa là tất cả các sinh viên được đào tạo ở nước ngoài nhất thiết phải làm việc toàn thời bộ thời gian ở Trung tâm. Một số người có thể làm việc tại Trung tâm một hai năm, một số người khác chỉ tham gia một khóa ngắn hạn, trong vai trò giảng viên, học viên, hoặc thành viên của một nhóm nghiên cứu… Chúng ta nên mời các chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy ở Trung tâm, bằng cách đó sẽ không cần phải gửi quá nhiều học viên đi tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài.
Vị trí của Trung tâm nên được đặt ngay dưới Chính phủ, lãnh đạo của Trung tâm nên được báo cáo trực tiếp tới Thủ tướng Chính phủ, nếu được như vậy đây đã là sự cải thiện đáng kể tình trạng [phân tán trong quản lý, đào tạo, phát triển nhân lực hạt nhân] hiện tại. Từ đó, sẽ có một tiếng nói duy nhất, thống nhất tới Chính phủ một tiếng nói có tầm bao quát nhiều bộ, ngành liên quan, với chất lượng chuyên môn cao hơn, mang lại thông tin chắt lọc hữu ích hơn giúp Chính phủ hình thành những quyết sách. Thậm chí, chúng ta có thể hy vọng rằng Trung tâm là bước khởi đầu để quản lý chương trình hạt nhân quốc gia một cách tập trung và hiệu quả hơn.
Chúng ta cũng phải đặc biệt coi trọng việc tận dụng khai thác một cách tối ưu nguồn chất xám các chuyên gia giàu năng lực và kinh nghiệm, những người đã vận hành thành công lò phản ứng nghiên cứu ở Đà Lạt trong suốt ba mươi năm qua. |
Vị thế trung tâm của Trung tâm sẽ giúp nó sử dụng các trang thiết bị hiện có một cách dễ dàng hơn. Ví dụ, Trung tâm có thể được giao quyền điều phối khai thác sử dụng máy pelletron, một cỗ máy gia tốc sở hữu bởi Khoa Vật lý hạt nhân của Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, phục vụ các nghiên cứu phá hủy bức xạ trên vật liệu lò phản ứng, một chủ đề đang được Đại học Bách khoa Hà Nội hợp tác nghiên cứu cùng một đại học của Nhật Bản. Việc phá bỏ các rào cản giữa các tổ chức nghiên cứu trong nước hiện nay là vô cùng cần thiết, và sự hình thành của Trung tâm có thể chính là cơ hội thực hiện nhu cầu cấp bách này.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đặc biệt coi trọng việc tận dụng khai thác một cách tối ưu nguồn chất xám các chuyên gia giàu năng lực và kinh nghiệm, những người đã vận hành thành công lò phản ứng nghiên cứu ở Đà Lạt trong suốt ba mươi năm qua.
Khi đất nước tập trung các nguồn lực cho một Trung tâm như vậy, cộng đồng các nhà khoa học vật lý hạt nhân cần chung sức để phát huy một cách tốt nhất, đảm bảo sự đồng bộ và tính hiệu quả trong hoạt động của nó. Những rào cản hành chính giữa các tổ chức, cơ quan nhà nước cần được gạt bỏ, tất cả cho mục tiêu chung của chương trình đào tạo nhân lực hạt nhân.
Chúng ta, với tư cách là những kỹ sư, nhà khoa học có tri thức về vật lý hạt nhân, không thể nhắm mắt làm ngơ, mặc nhiên coi đây là những vấn đề không liên quan đến mình. Công chúng và Nhà nước đều mong đợi chúng ta lo lắng tới vấn đề này, và sẽ là vô trách nhiệm nếu chúng ta lờ đi điều ấy. Nếu muốn được lắng nghe, trước hết chúng ta phải cất lên tiếng nói như một cộng đồng thống nhất.
Thanh Xuân dịch
Phạm Ngọc Điệp hiệu đính