Thái Lan hướng đến mục tiêu dẫn đầu khoa học châu Á

Chính phủ Thái Lan đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc tế với Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) tập trung vào ba điều khoản.

Đó là: tăng cường sự tham gia của khoa học Thái Lan vào các nghiên cứu của CERN; đào tạo một thế hệ các nhà khoa học, kỹ thuật viên, kỹ sư, giảng viên mới; hỗ trợ xây dựng năng lực khoa học, đặc biệt là vật lý hạt, với mục tiêu đưa quốc gia này lên vị trí dẫn đầu khoa học châu Á.

Ông Suvit Maesincee, Bộ trưởng Bộ KH&CN Thái Lan, cho biết Bộ sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực cũng như KH&CN phù hợp với các chủ đề nghiên cứu của CERN. Cuộc hợp tác ở mức độ cao lần này được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các nhà khoa học Thái Lan được tham gia những nghiên cứu ở trình độ thế giới và xa hơn nữa là phát triển năng lực khoa học quốc gia cũng như thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, qua đó có thể phát triển những lĩnh vực riêng biệt.

Pairash Thajchayapong, Tổng thư ký Quỹ Công nghệ thông tin Thái Lan đã tỏ lòng biết ơn đối với công chúa Maha Chakri Sirindhorn – người đã có sáng kiến hợp tác với CERN từ năm 2000 và thông qua 5 lần tới trung tâm này đã góp phần đem lại 6 ký kết giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu Thái Lan với CERN. Quỹ Công nghệ thông tin cũng là một trong những sáng kiến của bà.

Bà Charlotte Warakaulle, Giám đốc quan hệ quốc tế của CERN và là người ký thỏa thuận hợp tác với Bộ KH&CN Thái Lan, cho rằng, các nhà khoa học Thái Lan đã từng tham gia vào các thực nghiệm của CERN trong thập kỷ qua như trường Đại học Chulalongkorn từng tham gia thí nghiệm CMS năm 2012 và trường Công nghệ Suranaree, trường Công nghệ Thonburi, Viện Nghiên cứu Synchrotron Light, Trung tâm nghiên cứu Vi điện tử Thái Lan… tham gia thí nghiệm ALICE, tuy nhiên “đây là thỏa thuận đầu tiên ở cấp chính phủ giữa hai bên”. Do đó, thỏa thuận cấp chính phủ này là bước đi quan trọng, “cho phép chúng tôi hợp tác sâu hơn và trải rộng hơn”. Tuy nhiên bà cũng lưu ý đây chỉ là một thỏa thuận khung, nên hai bên chưa thể thảo luận cụ thể về trao đổi khoa học.

Một số nhà khoa học Thái Lan đã từng thực hiện các nghiên cứu với đồng nghiệp tại CERN nhưng theo thỏa thuận này thì các trường đại học và các nhà khoa học Thái Lan sẽ có quyền tham gia vào những nhóm nghiên cứu tại CERN hoặc thành lập các nhóm nghiên cứu mới. Việc tham gia ngày càng nhiều các hoạt động nghiên cứu của Thái Lan tại CERN sẽ đem lại “một sự tiếp cận hết sức hiệu quả cho ngành vật lý hạt và nghiên cứu cơ bản Thái Lan. Dù chưa thể định lượng được hiệu quả nhưng chúng tôi có thể thấy tiềm năng nghiên cứu,” bà Charlotte Warakaulle nhấn mạnh.

Giáo sư Emmanuel Tsesmelis, giám đốc phụ trách quan hệ với các quốc gia thành viên và không phải thành viên của CERN, thấy thỏa thuận này là bước đệm để tăng cường “làm việc cùng nhau trong các chương trình khoa học và phát triển công nghệ, các dự án R&D. Các nhà khoa học trẻ Thái Lan sẽ đến CERN để được huấn luyện và phát triển kỹ năng trong môi trường khoa học trình độ cao. Đây là một phần của xây dựng năng lực”.

CERN là phòng thí nghiệm vật lý hàng đầu thế giới sử dụng một máy gia tốc hạt lớn để tiến hành các thực nghiệm về vật lý hạt. Cơ hội mà Thái Lan nhắm tới trong hợp tác với CERN được tham gia vào các thực nghiệm này và thông qua việc nghiên cứu những vấn đề khoa học tiên tiến bậc nhất thế giới để mang lại cơ hội phát triển các công nghệ tiên tiến. Sự hợp tác này bao gồm cả hai mặt: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Vì vậy bà Charlotte Warakaulle cũng hi vọng, hợp tác “sẽ mở ra cho Thái Lan cả khả năng phát triển công nghệ tiên tiến”.

Thúc đẩy nghiên cứu cơ bản và ứng dụng

Thái Lan nhận thấy, nghiên cứu cơ bản là một yếu tố quan trọng để phát triển đất nước, và thỏa thuận này được ký trong bối cảnh nghiên cứu về vật lý hạt cũng như nghiên cứu khoa học cơ bản đang được nhìn nhận lại ở châu Á. Thái Lan chủ động gia nhập xu thế đó và củng cố vị trí của mình. Họ mong muốn đào tạo các nhà nghiên cứu khoa học cơ bản để làm nền tảng, sau đó sẽ mở rộng nghiên cứu ứng dụng trên nền tảng sẵn có này. Ở góc độ một người giàu kinh nghiệm. Bà Warakaulle cho rằng chính nền tảng vững chắc và sự cân bằng giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng sẽ làm tăng thêm sự năng động của Thái Lan.

Thái Lan đang có tiềm năng trở thành một trong những quốc gia hàng đầu châu lục về nghiên cứu cơ bản, và hợp tác với CERN sẽ tạo một khung vững chắc cho mục tiêu này. Với những nghiên cứu đã thực hiện trước đó, Thái Lan sẽ cần tập trung vào các lĩnh vực đặc biệt và phát triển chúng tới trình độ quốc tế.

Công chúa Maha Chakri Sirindhorn (thứ hai từ phải sang) trong một chuyến làm việc tại CERN. Nguồn: cds.cernch

Ba yếu tố để khoa học Thái Lan phát triển: thứ nhất, Chính phủ Thái Lan có sự ủng hộ rõ ràng và mạnh mẽ cho khoa học; thứ hai là hợp tác quốc tế đang trở thành xu hướng tất yếu vì các nghiên cứu khoa học lớn đòi hỏi sự hợp tác của nhiều quốc gia; thứ ba, nhu cầu sống còn của các trường, viện nghiên cứu Thái Lan là hợp tác để đảm bảo chất lượng nghiên cứu.

Hiện Thái Lan không phải là nước dẫn đầu trong nghiên cứu khoa học nhưng chính phủ và những người có vai vế trong ngành công nghiệp sẽ thay đổi điều đó. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã cam kết sẽ tăng cường kinh phí đầu tư cho R&D từ ngân sách quốc gia và sẽ thúc đẩy cả lĩnh vực tư nhân đầu tư cho nghiên cứu.

Xu hướng này đang bắt đầu ở Thái Lan. PTT – doanh nghiệp công về năng lượng của chính phủ Thái Lan, đã đầu tư vào hai trường công nghệ tiên tiến với các phòng thí nghiệm và thiết bị hiện đại ở Hành lang kinh tế phía Đông, và thực hiện chính sách miễn học phí để thu hút sinh viên giỏi trên khắp đất nước. Mục tiêu của việc thành lập hai trường này là đào tạo một đội ngũ các nhà khoa học trẻ, tạo điều kiện cho họ góp phần vào sự phát triển của Thái Lan.

“Đây chính là sự cân bằng giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, nó tạo ra một nền tảng tốt và góp phần gia tăng động lực phát triển cho Thái Lan”, bà Charlotte Warakaulle nhận xét. “Chúng tôi đã nhìn thấy nhiều dấu hiệu tích cực và cơ hội thực sự cho Thái Lan trong tương lai”.

Thanh Nhàn tổng hợp

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)