Tham vọng mở đường

Tháng 5 vừa qua, Hàn Quốc đã khai trương một viện nghiên cứu mới, Viện Khoa học Cơ bản (IBS), với tham vọng rằng cơ sở này sẽ trở thành một trong những tổ chức nghiên cứu cơ bản hàng đầu thế giới, có thể xếp ngang hàng với Viện Max Planck Society của Đức và RIKEN của Nhật Bản.

Mục tiêu đưa ra cho Viện Khoa học cơ bản (IBS), có trụ sở đặt tại Daejeon, là trở thành một tổ chức khoa học đủ sức định hướng cho Hàn Quốc trong phát triển các công nghệ mới. “Cho đến nay chúng ta chỉ mới sao chép và chạy theo những công nghệ tiên tiến”, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nói trong bài phát biểu tại lễ khai trương viện. “Tuy nhiên, để thực hiện bước nhảy vọt vào hàng ngũ các quốc gia tiên tiến hàng đầu, chúng ta phải phát triển một nền tảng sáng tạo dựa trên khoa học cơ bản và công nghệ cơ bản”. Và ông Lee hứa sẽ hỗ trợ tốt nhất có thể để IBS trở thành “viện đáng mơ ước” thu hút được các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới.

Trong quá khứ, “những những người có nhiều công bố khoa học thường được đánh giá tốt. Tuy nhiên, bây giờ là thời điểm để thúc đẩy các nghiên cứu mạo hiểm và sáng tạo để có thể đi khai phá trong một lĩnh vực mới, và chúng tôi sẽ không còn đánh giá kết quả đạt được thuần túy dựa trên đếm số lượng ấn phẩm nữa. Và hơn nữa, chúng tôi cho phép họ thất bại. Chúng tôi chỉ muốn họ phải liều lĩnh hơn”.
                             Chủ tịch Oh Se-Jung của IBS

Năm 2011, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành một đạo luật để phát triển Dự án vành đai khoa học và kinh doanh quốc tế (ISBB), trong đó IBS sẽ được đầu tư 5,17 nghìn tỷ won (4,4 tỷ USD) cho tới năm 2017, đồng thời xây dựng trung tâm gia tốc đồng vị hiếm đầu tiên của quốc gia, cùng với các dự án khác.

Tham vọng lớn

Thách thức lớn đối với những người tổ chức và quản lý Viện Khoa học Cơ bản là lựa chọn nhân sự. Theo George Sawatzky – nhà vật lý từ Đại học British Columbia của Mỹ, đồng thời là thành viên hội đồng tuyển chọn của IBS – tuy quá trình tuyển chọn nhân sự diễn ra nhanh chóng nhưng “những người được chọn đầu tiên chắc chắn đều là những ‘siêu sao’ đẳng cấp thế giới”.
IBS có kế hoạch thu hút 3.000 nhà nghiên cứu và nhân viên cho 50 trung tâm nghiên cứu ở Daejeon và trên khắp đất nước. Mỗi trung tâm sẽ có ngân sách trung bình hằng năm là 10 tỷ Won (xấp xỉ 9 triệu USD) và sẽ được quản lý bởi một nhà khoa học đẳng cấp thế giới làm việc theo một hợp đồng 10 năm. Giám đốc sẽ có quyền tự chủ rất lớn trong quyết định trọng tâm nghiên cứu, tuyển dụng nhân sự và điều hành trung tâm của mình.

Oh Se-Jung, nhà vật lý học là chủ tịch của IBS cho biết, viện sẽ khuyến khích sáng tạo và chấp nhận rủi ro. Ông nói, trong quá khứ, “những nhà khoa học có những nghiên cứu thất bại thường phải chịu sự trừng phạt nặng nề. Và những người có nhiều công bố khoa học thường được đánh giá tốt. Tuy nhiên, bây giờ là thời điểm để thúc đẩy các nghiên cứu mạo hiểm và sáng tạo để có thể đi khai phá trong một lĩnh vực mới, và chúng tôi sẽ không còn đánh giá kết quả đạt được thuần túy dựa trên đếm số lượng ấn phẩm nữa. Và hơn nữa, chúng tôi cho phép họ thất bại. Chúng tôi chỉ muốn họ phải liều lĩnh hơn”.



Khai trương Trung tâm Hợp tác gia tốc Hàn Quốc – Mỹ (KUCC) ngày 27/8/2012

KUCC mới thành lập sẽ đặt nền tảng cho Viện Khoa học Cơ bản/RISP hợp tác với một trong những phòng thí nghiệm gia tốc hàng đầu thế giới tại Bắc Mỹ để xây dựng một máy gia tốc ion nặng, cũng như thúc đẩy quá trình trao đổi công nghệ và chuyên gia.

IBS sẽ chuyên thực hiện các dự án dài hạn đòi hỏi những nhóm lớn các nhà nghiên cứu, và như vậy không thể được thực hiện tại các trường đại học hay các trung tâm nghiên cứu khác. “Chúng tôi sẽ tập trung vào các lĩnh vực mà mình có thế mạnh và đủ sức cạnh tranh giành top đầu trên thế giới”, ông Oh nói. “Chúng tôi cũng sẽ chọn những lĩnh vực quan trọng đối với quốc gia và cả thế giới, ví dụ như biến đổi khí hậu”.

Để theo đuổi xu hướng toàn cầu, Viện sẽ đặt ưu tiên hàng đầu cho khoa học sự sống, với số lượng các trung tâm dành riêng cho lĩnh vực này nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Sau đó là các lĩnh vực yêu cầu những thí nghiệm trên quy mô lớn như thiên văn học và vật lý, và tiếp theo là hóa học, toán học và khoa học trái đất, ông Oh cho biết.

Mô hình quản lý của IBS được tổ chức tương tự như mô hình Hội Max Planck của Đức và Viện RIKEN của Nhật, nhưng tính thứ bậc cao hơn. IBS dự kiến thành lập được 25 trung tâm vào giữa năm 2013. Một nửa các trung tâm sẽ nằm ở Daejeon, một đô thị khoa học cách Seoul 150 km. Các trung tâm khác sẽ nằm rải rác ở nhiều nơi, đa số nằm ở các trường đại học. “Cách bố trí này nhằm tránh sự thiên lệch quá nhiều cho một miền nào đó của đất nước”, ông Oh nói.

Độc chiếm nguồn lực

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu trong nước lo lắng trước quy mô đầu tư quá lớn của IBS. Han Woong Yeom, nhà vật lý tại Đại học KH&CN Pohang, cảnh báo rằng tập trung quá nhiều kinh phí vào một nhóm nhỏ các nhà khoa học được ưu tiên đặc biệt có thể sẽ ngốn hết nguồn lực cho các dự án nghiên cứu khác.

Ông nói, “mức hỗ trợ tài chính lớn nhất cho mỗi nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản cho đến nay là 1,5 tỷ Won, ít hơn rất nhiều so với ở các trung tâm của IBS. Vì vậy, các trung tâm nghiên cứu của IBS có thể độc chiếm các nguồn nhân lực và làm phá sản các dự án nghiên cứu quy mô nhỏ bên ngoài IBS”. Yeom còn cho rằng vấn đề chính hiện nay mà các nhà nghiên cứu Hàn Quốc phải đối mặt không phải là thiếu đầu tư mà là tình trạng thiếu hụt nhân lực.

Oh thừa nhận rằng những lo lắng như vậy có thể chuyển thành những phê phán về sự mất cân đối giữa các chuyên ngành ở IBS, và về sự phân bố địa lý rải rác trên diện rộng của các trung tâm nghiên cứu. “Đây là một dự án quốc gia, do đó, cần một sự đồng thuận chính trị về sự mất cân bằng như vậy, và đây là điều làm tôi ít nhiều quan ngại. Nhưng nếu viện thành công, các nhà khoa học của đất nước cuối cùng sẽ chấp nhận”, ông nói.

Thu Quỳnh tổng hợp
Các nguồn:
http://www.nature.com/news/south-korean-research-centre-seeks-place-at-the-top-1.10667
http://newsline.linearcollider.org/2012/09/20/korea-us-collaboration-center-for-accelerator-science-opens-at-fermilab/
http://www.physicstoday.org/resource/1/phtoad/v65/i10/p26_s1?view=print&bypassSSO=1

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)