Thành – bại ở nhận thức
Nếu thiếu nhận thức đầy đủ ở lãnh đạo các cấp trong toàn hệ thống thì Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 cũng chỉ để nói cho hay mà thôi, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân nói về việc triển khai Chiến lược.
Nhận thức không đều
Năm 2012, Khu công nghiệp Samsung ở Bắc Ninh có 28 nghìn lao động, đã xuất khẩu được 119 triệu điện thoại di động, trị giá 12,5 tỷ USD, với tỷ lệ nội địa hóa 17%. Năm nay, khu công nghiệp này dự tính tăng số lao động lên 38 nghìn người và xuất khẩu 150 triệu điện thoại di động với trị giá 16,3 tỷ USD. Trong khi đó, toàn bộ ngành dệt may Việt Nam với quy mô 2 triệu lao động, năm 2012 cũng chỉ xuất khẩu được 17,2 tỷ USD, tỷ lệ nội địa hóa là 20%.
Mang câu chuyện này đến Hội nghị toàn quốc triển khai Chiến lược sáng 8/3 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân muốn nhấn mạnh rằng, chỉ có công nghệ cao mới giúp đem lại hiệu quả lớn về phát triển kinh tế. Thế nhưng, điều đáng tiếc là vai trò của KH&CN lại chưa được nhận thức một cách sâu sắc trong toàn hệ thống, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN đã chỉ ra. “Hầu hết các kế hoạch 5 năm phát triển KT-XH ở địa phương không đi đôi với nội dung phát triển KH&CN. KH&CN cũng chưa thật sự được coi là quốc sách như trên các văn bản, điều này thể hiện ở đầu tư cho KH&CN còn thấp,” Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói. Ông dẫn chứng, Việt Nam đầu tư cho KH&CN trong 50 năm mới bằng Hàn Quốc đầu tư trong một năm. Hiện mỗi năm Việt Nam đầu tư cho KH&CN khoảng 1 tỷ USD (tương đương 2% ngân sách nhà nước), trong khi mỗi năm Hàn Quốc đầu tư trên 50 tỷ USD.
Một nguyên nhân quan trọng khiến vai trò của KH&CN đối với phát triển KT-XH vẫn mờ nhạt, theo Phó Thủ tướng, đó là do KH&CN chưa chứng tỏ được đóng góp của mình, chẳng hạn đối với năng suất của các ngành, bằng con số cụ thể. Ông đề nghị, trước mắt ít nhất phải công bố được đóng góp của KH&CN đối với năng suất của một số ngành sản xuất chính của quốc gia.
Hiện mức đầu tư của các tỉnh cho KH&CN bằng tiền ngân sách giao động trong khoảng từ 0,75% đến 5% – tùy thuộc vào việc giới lãnh đạo ở địa phương đánh giá tầm quan trọng của KH&CN như thế nào. Nhưng ngay cả ở tỉnh Quảng Ninh, nơi đầu tư từ ngân sách tỉnh cho KH&CN cao nhất cả nước với mức 5% thì “vẫn còn tâm lý ngại việc đối với các nhiệm vụ KH&CN”, trong khi “nếu là dự án xây dựng cơ bản thì rất nhiều người muốn tham gia, và thể nào cũng có những cuộc điện thoại gọi đến can thiệp, tác động,” Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu chia sẻ. Năm 2012, tỉnh Quảng Ninh chi cho KH&CN 350 tỷ đồng, dự kiến năm 2013 là 400 tỷ đồng, chủ yếu cho các hoạt động chuyển giao và ứng dụng, do “tỉnh chưa có đội ngũ các nhà nghiên cứu”. Ông Hậu cho biết thêm, không dễ gì có được con số 5% đó bởi nó “động chạm đến các khoản chi khác” và bởi “nhận thức không đồng đều ngay trong đội ngũ lãnh đạo”.
Quỹ phát triển KH&CN, một hình thức hỗ trợ và cho vay không vì mục đích lợi nhuận đối với các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, thường do chính quyền địa phương cung cấp tài chính, cũng chưa phổ biến ở các tỉnh/thành phố. Theo ông Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng – Trưởng Ban KH&CN Địa phương của Bộ KH&CN, có đến 34 trong tổng số 63 tỉnh/thành phố chưa lập quỹ này, trong đó bao gồm nhiều tỉnh/thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Cần Thơ, Hậu Giang… Sắp tới, dự kiến cũng chỉ có thêm năm tỉnh lập quỹ.
Đổi mới để được như thông lệ quốc tế
Năm nay, Bộ KH&CN phối hợp với một số bộ khác tiếp tục soạn thảo nhiều văn bản quan trọng như: Đề án phát triển Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trở thành hai tổ chức KH&CN hàng đầu quốc gia và ASEAN; Đề án phát triển doanh nghiệp KH&CN; Đề án phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh; Đề án xây dựng kế hoạch hợp tác KH&CN với các nước mạnh về KH&CN, các đối tác chiến lược của Việt Nam; Nghị định về chính sách đầu tư và cơ chế tài chính cho KH&CN; Cơ chế giao nhiệm vụ KH&CN tiềm năng cho cán bộ khoa học trẻ, các nhóm sinh viên giỏi trong các trường đại học trọng điểm và các viện nghiên cứu trọng điểm; Cơ chế tự chủ tài chính đặc thù, chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với cán bộ KH&CN được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN quốc gia; Ban hành chức danh tổng công trình sư, kỹ sư trưởng trong hệ thống ngạch viên chức KH&CN; Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách thu hút các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài và nhà khoa học người nước ngoài tham gia các hoạt động KH&CN ở Việt Nam, Quy chế dân chủ trong hoạt động KH&CN… Nếu các văn bản đó được phê duyệt, sẽ tạo ra một bộ khung pháp lý chắc chắn cho việc thực thi Chiến lược.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, những ý tưởng đổi mới nêu ra trong Chiến lược, từ phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, đến chính sách đãi ngộ người làm khoa học, thực chất đã trở thành thông lệ với tất cả những nước có nền KH&CN phát triển, chỉ là “trước đây chúng ta làm khác nên giờ phải đổi mới”. “Đáng tiếc không phải lúc nào những đề xuất đổi mới của chúng ta cũng được ủng hộ một cách êm xuôi. Chẳng hạn, ngày nay không còn nước nào áp dụng cơ chế cấp tiền cho đề tài nghiên cứu khoa học qua kho bạc nữa nhưng chúng tôi đã phải “đấu tranh” rất vất vả để cơ chế quỹ KH&CN được chấp nhận áp dụng rộng rãi,” Bộ trưởng chia sẻ. Ông cho rằng, yếu tố đầu tiên quyết định thành công của Chiến lược là lãnh đạo các cấp nhận thức và quan tâm đến các vấn đề KH&CN ra sao; thiếu yếu tố đó, Chiến lược cũng chỉ để “nói cho hay” mà thôi.
Một số chỉ tiêu của chiến lược: Đến năm 2020, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10 – 15%/năm giai đoạn 2011 – 2015 và trên 20%/năm giai đoạn 2016 – 2020. Giá trị giao dịch của thị trường KH&CN tăng trung bình 15 – 17%/năm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận, mục tiêu “giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP” là không thực tế, “đến Hàn Quốc cũng chưa đạt được”. Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN ngày 1/11/2012, mục tiêu này đã được điều chỉnh thành “Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp”, tức là chỉ tương đương khoảng 15-16% GDP. |