Thay đổi tư duy về không gian sinh tồn Biển Đông
Việt Nam có hơn 3000 km bờ biển, nhưng trong chúng ta dường như chưa có nhận thức về một quốc gia biển đúng nghĩa. Gần đây vấn đề Biển Đông được quan tâm, chú ý nhiều nhưng chủ yếu chỉ mới tập trung vào thảo luận về chủ quyền mà chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống với quan điểm xuyên suốt, rõ ràng, với tư duy rằng đây là một không gian sinh tồn quan trọng của cả dân tộc. Đó là nhận định của PGS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) trao đổi với Tia Sáng.
PGS.TS Phạm Quang Minh. Ảnh: Thành Long
Hiện nay chủ đề Biển Đông đang thu hút sự quan tâm của đông đảo giới học thuật và công chúng, có những ý kiến cho rằng việc đầu tiên trong nghiên cứu Biển Đông là phải xác định rõ ràng mục tiêu nghiên cứu. Vậy theo ông, mục tiêu của chúng ta trong nghiên cứu Biển Đông là gì?
Không hiểu vì lý do gì, từ rất lâu rồi chúng ta quá nhấn mạnh các đặc trưng tam nông – nông nghiệp, nông dân, nông thôn của mình mà quên mất rằng Việt Nam là một quốc gia biển. Chỉ đến gần đây, khi vấn đề chủ quyền trở nên rất bức xúc rồi, cấp thiết rồi, chúng ta mới quan tâm nhiều đến biển và tuyên bố Việt Nam là một quốc gia biển. Rõ ràng là chúng ta có hơn 3000 km bờ biển nhưng lại quay lưng với biển. Về tư duy bơi ra biển lớn, thực sự mà nói, hình ảnh bơi ra biển lớn làm tôi rất suy nghĩ, từ hình ảnh những thuyền lá tre, thuyền thúng hay những con tàu sắt được Chính phủ đầu tư hỗ trợ cho người dân đóng cũng không ăn thua gì, chắc chắn ra biển sẽ bị chìm. Cứ nhìn các tàu bè của ngư dân mình ra biển, tàu Trung Quốc chỉ chạy với tốc độ cao thôi thì nước đã tràn vào tàu ta hết rồi, chưa nói là họ đâm vào mình.
Do vậy, mục tiêu lớn nhất của chúng ta khi nghiên cứu về Biển Đông là phải có được một hiểu biết toàn diện, hệ thống, liên ngành về Biển Đông vì đây không chỉ liên quan tới vấn đề tranh chấp chủ quyền mà nó liên quan tới vấn đề không gian sinh tồn. Nhìn về mặt địa chiến lược, Việt Nam không thể hướng lên phía Bắc hoặc Tây được nữa, chỉ có thể lên vũ trụ hoặc ra biển, nhưng lên vũ trụ lại đang vướng nguồn lực hạn chế, đồng bằng thì đã khai thác hết rồi, thế thì phải bơi ra biển.
Cũng phải bỏ tư duy khai thác một cách thiếu kiến thức khoa học và ỷ lại vào rừng vàng biển bạc, điều đó sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
Để thực hiện được những mục tiêu nghiên cứu trên, theo ông, yếu tố nào là quan trọng nhất?
Trước hết, chúng ta cần một chỉ đạo thống nhất từ bên trên xuống cùng với một chiến lược bài bản. Hiện nay chúng ta có tới sáu, bảy trung tâm, viện nghiên cứu về Biển Đông, nhưng chỉ có Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông, Viện nghiên cứu Biển Đông (thuộc Học viện Ngoại giao) là có chủ trương của Bộ Ngoại giao – tiếng nói chính thức của Nhà nước. Ngoài ra, tất cả các cố gắng khác đều chỉ là sáng kiến chủ động của các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy. Như vậy, có thể quan điểm của Nhà nước là giao vấn đề này cho phía ngoại giao làm. Hay phải chăng Nhà nước muốn tập trung nghiên cứu về một mối cho dễ quản lý? Theo tôi, nếu được thì nên có một số trung tâm nghiên cứu về Biển Đông, đặt ở các miền, Bắc, Trung, Nam. Và đã là vấn đề khoa học thì nên đặt thuộc Bộ KH&CN chứ không thể chỉ đặt trọng tâm vào một trung tâm nghiên cứu mang tính chất chính trị.
Cho đến nay cũng chưa có một thông điệp rõ ràng từ Nhà nước trong việc khuyến khích, hỗ trợ rộng rãi các nhà nghiên cứu. Chẳng hạn như, Quỹ Nafosted cũng chưa tài trợ đề tài nào về biển Đông. Ngay trong việc đào tạo, ở các trường đại học cũng chưa thấy khuyến khích nghiên cứu sinh tập trung nghiên cứu về vấn đề này.
Thực trạng đó có thể vì không có chủ trương chính sách, hai là không có nguồn lực, hoặc thứ ba là, họ nghĩ rằng có thể chủ đề này hơi “độc quyền” của ngành ngoại giao. Ví dụ: việc tổ chức hội thảo Biển Đông ở cấp quốc gia chỉ giao cho Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia thôi. Khi Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo về Biển Đông thì phải xin phép tất cả các bộ liên quan và cuối cùng là Văn phòng Chính phủ mới được tổ chức. Ngoài ra, các học giả quốc tế cũng nói rằng quy mô lớn của hội thảo quốc tế do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia tổ chức khiến họ rất khó thảo luận sâu.
Vậy theo ông phải làm sao để khuyến khích tự do học thuật trong nghiên cứu về biển Đông?
Phải đa dạng hóa học thuật và học thuật hóa vấn đề Biển Đông. Giờ đây vấn đề quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại cần phải có sự tham gia của nhiều chủ thể, không chỉ có một chủ thể là Bộ Ngoại giao, mà cần có cả các cơ quan học thuật. Nhưng ở nước ta chưa khuyến khích các tổ chức học thuật độc lập (think tank) mà đây là mô hình rất phổ biến ở Mỹ, Úc và các nước phát triển.
Nếu trong chính sách đối ngoại mình đã đa dạng hóa, thì nay đối thoại về Biển Đông mình cũng phải đa dạng hóa, và ngay cả người dân cũng phải tham gia. Cần tăng cường năng lực cho người dân, cả về kiến thức kỹ thuật tàu thuyền cũng như kiến thức pháp lý, để họ cùng nhà nước bảo vệ chủ quyền. Một khi người dân hiểu biết pháp luật hơn thì chủ quyền cũng được bảo vệ tốt hơn. Tranh chấp biên giới, tranh chấp chủ quyền có được giải quyết, được giữ là nhờ người dân, chứ không phải chỉ nhờ vào cảnh sát biển và các lực lượng chấp pháp. Có thể thấy ngư dân của ta vẫn còn thiếu kiến thức và vẫn vướng mắc pháp lý với nước ngoài khi đánh cá trên biển. Ví dụ vừa qua Thái Lan bắt bốn tàu cá của ngư dân ta, rồi Indonesia cũng nhiều lần bắt tàu cá của Việt Nam vì người dân không hiểu các vùng biển nào của ta, của họ, họ đâu biết rõ ràng là 12 hải lý với 200 hải lý.
Một số ý kiến cho rằng, thay vì tập trung vào nghiên cứu cơ bản như khảo cổ học, lịch sử để chứng minh chủ quyền trong lịch sử ở Biển Đông, nên ưu tiên các nghiên cứu pháp lý nhằm tham gia và “giành lợi thế” trong các thảo luận về tranh chấp trên Biển Đông. Ông có nhận định gì về quan điểm này?
Tôi nghĩ rằng cả hai cách tiếp cận đều rất quan trọng. Hướng thứ nhất do các nhà luật học, nghiên cứu quan hệ quốc tế tập trung nghiên cứu về luật pháp quốc tế nhằm xác định vấn đề chủ quyền, quyền tài phán. Hướng thứ hai cố gắng đi tìm và chứng minh chủ quyền trong lịch sử do các nhà lịch sử, văn hóa phát triển. Từ trước đến nay có lẽ Việt Nam đã tiếp cận nhiều ở hướng thứ hai, tức là chủ quyền trong lịch sử, văn hóa.
Tôi khẳng định là phải kết hợp hai xu hướng này trong nghiên cứu về Biển Đông để có tiếp cận liên ngành. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, khi nói tới chủ quyền, thì đấu tranh về mặt luật pháp quốc tế là tiếng nói có trọng lượng hơn, trừ trường hợp chúng ta có bằng chứng lịch sử không thể chối cãi được. Chúng ta có thể thấy qua phán quyết PCA vừa rồi, các bằng chứng lịch sử không có tác động quyết định tới Tòa trọng tài thường trực trong việc đưa ra các phán quyết chủ quyền đối với các vùng tranh chấp. Tòa trọng tài thường trực yêu cầu, nếu muốn chứng minh chủ quyền với một vùng biển, đảo thì nước đó phải có một quá trình chiếm giữ hoà bình và khai thác liên tục, còn các bằng chứng sử học nói rằng một quốc gia phát hiện ra một vùng biển, đảo từ cách đây 2000 năm nhưng không chiếm giữ liên tục không được coi là chủ quyền. Ví dụ: Trung Quốc đã lập luận rằng công ước Liên Hợp Quốc về biển 1982 ra đời sau còn họ đã có chủ quyền với vùng nước đó từ vài nghìn năm trước nhưng Tòa trọng tài thường trực cũng bác bỏ các căn cứ lịch sử này.
Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để sớm có được một đội ngũ nhà nghiên cứu đáp ứng được các mục tiêu nghiên cứu về Biển Đông?
Đúng là chúng ta đang rất thiếu chuyên gia về Biển Đông. Vì vậy, cấp thiết phải tổ chức tốt việc đào tạo. Phải đưa ngay vào giảng dạy với dung lượng phù hợp trong sách giáo khoa lịch sử bậc phổ thông. Sau đó tiếp tục đào tạo bài bản, chuyên sâu, mang tính hệ thống và khách quan ở các bậc cử nhân, sau đại học. Nên có định hướng để có một tỉ lệ nhất định sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh nghiên cứu về vấn đề này. Ngoài ra, việc xây dựng một số trung tâm, viện ở các trường đại học hoặc các cơ quan hữu quan (trực thuộc các đại học chuyên ngành, đại học vùng, những nơi gần biển) cũng rất cần thiết. Điều mà Nhà nước có thể làm được là phân bổ nguồn ngân sách từ đề án 911, hoặc quỹ Nafosted hoặc nguồn riêng cho nghiên cứu Biển Đông, để các nghiên cứu sinh du học, các nhà nghiên cứu tham gia các hội thảo, toạ đàm khoa học, khóa học ngắn hạn, học hậu tiến sĩ… Đặc biệt là phải thu hút các chuyên gia nước ngoài về làm việc ở các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học. Cần tạo ra mạng lưới kết nối trong và ngoài nước giữa học giả Việt Nam và quốc tế trong nghiên cứu về Biển Đông, đặc biệt là kết nối các nghiên cứu liên ngành liên quan đến Biển Đông.
Xin cảm ơn ông!