Thế giới hết hy vọng hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững

Nếu không có thêm hành động và nguồn lực, thế giới sẽ khó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững SDG, kể cả vào năm 2050, muộn hơn 2 thập kỷ so với thời hạn đặt ra ban đầu.

Các nhà khoa học đã nói với Nature rằng các chính phủ và các nhà lãnh đạo giỏi đưa ra lời hứa hơn là giữ lời hứa. Tuy nhiên vẫn có những dấu hiệu cho thấy chương trình nghị sự về SDG đang có tác động.

Một “tuyên bố chính trị” dài 12 trang, được thông qua trong Hội nghị thượng đỉnh SDG của LHQ tại New York vào ngày 18 và 19/9, tuyên bố rằng các mục tiêu phát triển bền vững vẫn là “lộ trình bao quát” cho tương lai của thế giới. “Chúng tôi sẽ hành động khẩn cấp để hiện thực hóa tầm nhìn SDG, đây là kế hoạch hành động vì con người, hành tinh, sự thịnh vượng, hòa bình và hợp tác, không để ai bị bỏ lại phía sau”, theo tuyên bố.

Tuyên bố chính trị được đưa ra trong bối cảnh có các bằng chứng và phân tích cho thấy rằng các chính phủ đang không đạt được các SDG. Báo cáo Phát triển bền vững toàn cầu (GSDR), thực hiện 4 năm một lần, đã phân tích 36 trong số 169 mục tiêu chi tiết được phân chia từ 17 mục tiêu tổng thể. Trong 36 mục tiêu chi tiết này, các nhà khoa học nhận thấy thế giới chỉ có khả năng đạt được 2 mục tiêu kịp thời hạn, đó là tăng khả năng truy cập Internet và mạng điện thoại di động.

“Các SDG cần được giải cứu trên phạm vi toàn cầu”, Tổng thư ký LHQ António Guterres tuyên bố khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh. Guterres đang đề xuất tăng nguồn tài trợ cho các mục tiêu phát triển bền vững thêm ít nhất 500 tỷ USD để giúp các nước đạt được mục tiêu, cùng lúc với tăng cường các biện pháp hỗ trợ tài chính khác, bao gồm giảm nợ cho các quốc gia nghèo nhất để họ có thể tồn tại và phát triển sau những cú sốc kinh tế.

12/17 mục tiêu tổng thể đạt được rất ít hoặc không có tiến triển gì. Thậm chí, một số mục tiêu, chẳng hạn như an ninh lương thực, bao phủ vaccine và giảm phát thải khí nhà kính, còn đi sai hướng. Báo cáo GSDR cho thấy nếu không có thêm hành động và nguồn lực, thế giới sẽ khó đạt được các mục tiêu kể cả vào năm 2050, muộn hơn thời hạn ban đầu 2 thập kỷ.

Nhà xã hội học Shirin Malekpour, đồng tác giả GSDR, nhìn thấy một số hy vọng trong tuyên bố chính trị mới, trong đó nói rằng các quốc gia sẽ không chỉ tiếp tục lồng ghép SDG vào các chính sách quốc gia mà còn “phát triển các kế hoạch quốc gia để hành động mang tính chuyển đổi và tăng tốc”.

Trong khi đó, Paula Caballero, cựu nhà ngoại giao Colombia, người tham gia tạo ra khuôn khổ SDG cho rằng hệ thống Liên Hợp Quốc vẫn đang mắc sai lầm khi coi phát triển bền vững và khí hậu là những vấn đề riêng biệt, bao gồm cả việc tổ chức riêng biệt Hội nghị thượng đỉnh về SDG và Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu. “Cách duy nhất có thể giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu là thông qua các SDG, và không thể đáp ứng các SDG trừ khi giải quyết vấn đề khí hậu”, bà cho biết.

Khúc Liên

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)