Thiếu GS, PGS Ngành KHXH & NV: Có nên hạ chuẩn ?
Sau năm năm áp dụng Quyết định 37/2018/QĐ-TTg về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, một số ngành KHXH & NV đang đứng trước nguy cơ phải dừng đào tạo tiến sỹ vì thiếu giáo sư và phó giáo sư. Do vậy, có nhiều ý kiến phát biểu trên báo Giáo dục Việt Nam đề xuất nên bỏ tiêu chí xuất bản quốc tế để đảm bảo đủ số lượng giáo sư và phó giáo sư cho các cơ sở đào tạo. Bài viết này nêu vài ý kiến tham góp vào cuộc thảo luận nói trên.
Năm 2017 là đợt xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS & PGS) cuối cùng áp dụng tiêu chuẩn cũ (ứng viên không cần có xuất bản quốc tế). Từ năm 2018, Hội đồng Giáo sư nhà nước áp dụng Quyết định 37/2018/QĐ-TTg về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt GS – PGS với yêu cầu bắt buộc giáo sư phải có xuất bản quốc tế, tối thiểu 2 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus với ứng viên phó giáo sư và 5 bài với ứng viên chức danh giáo sư. Có lẽ vì vậy mà đợt xét năm 2017 chứng kiến hiện tượng bất thường khi có tới 1.226 người đạt chuẩn, trong đó có 85 người đạt chuẩn giáo sư và 1.141 người đạt phó giáo sư, nghĩa là tăng gấp hơn hai lần so với năm 2016.
Từ khi áp dụng Quyết định 37, số người đạt chuẩn GS & PGS của một số ngành KHXH&NV giảm hẳn, thậm chí nhiều ngành đã “giương cờ trắng”. Đặc biệt, sau đợt nghỉ hưu theo Nghị định 50/2022/NĐ-CP, ở trường Đại học KHXH&NV (ĐHQGHN), vốn là một cơ sở nghiên cứu và đào tạo hàng đầu của cả nước, chỉ còn lại một số ít giáo sư đang làm việc trong biên chế nhưng cũng có người sắp đến tuổi nghỉ hưu trong khi lớp kế tục vẫn cần thêm thời gian để phấn đấu đạt chuẩn. Ở các Viện Sử học, Khảo cổ học và Dân tộc học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thậm chí không còn ai có học hàm giáo sư đang làm việc trong biên chế cơ hữu của cơ quan, và số phó giáo sư có khả năng đạt chuẩn giáo sư trong vài năm tới cũng chưa rõ ràng. Thậm chí, năm 2023, không có ứng viên nào cho vị trí giáo sư ở nhiều ngành KHXH&NV như Giáo dục học, Ngôn ngữ học, Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học, Triết học, Xã hội học, Chính trị học và Văn học.
Duyên cớ vì đâu?
Có người cho rằng tình trạng đứt gãy mạch nối liên tục giữa các thế hệ các nhà khoa học trên có nguyên nhân sâu xa ở công tác quy hoạch đào tạo cán bộ trẻ kế cận của chính các cơ sở khoa học và đào tạo, ở những bất cập và thay đổi trong quy chuẩn công nhận giáo sư, phó giáo sư và tuổi nghỉ hưu của các đối tượng này. Tuy vậy, hiện tượng này cũng có nguyên nhân từ chính tình trạng sa sút của KHXH&NV Việt Nam do không theo kịp đà phát triển mạnh mẽ của KHXH&NV trên thế giới, ngoại trừ kinh tế học đang có số lượng xuất bản quốc tế tăng mạnh gần đây.
Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân trực tiếp hơn. Theo các giáo sư đầu ngành, vấn đề cốt lõi làm giảm ứng viên giáo sư và phó giáo sư các KHXH&NV là quy định cứng về số bài báo công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus.
Nhận xét này hoàn toàn có cơ sở. Xuất bản quốc tế của ngành KHXH&NV Việt Nam quá ít, nếu có cũng chỉ lưa thưa ở một vài lĩnh vực. Từ sau Quyết định 37 chính thức có hiệu lực, số lượng công bố quốc tế đã có xu hướng tăng mạnh. Đấy là một dấu hiệu tốt. Tiêu chí công bố quốc tế, quy trình và thủ tục xét duyệt chặt chẽ theo Quyết định 37 đã giúp loại bỏ nhiều hồ sơ chưa đạt chuẩn lọt lưới. Tình trạng bỏ phiếu kín thiếu minh bạch của các hội đồng và hiện tượng ‘luồn lọt từ hội đồng chuyên môn này sang hội đồng chuyên môn khác để “chạy phiếu” đạt chuẩn đã bị chặn đứng. Quy trình xét công nhận chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư từ sau Quyết định 37 đã được các hội đồng từ cấp cơ sở, liên ngành đến cấp Nhà nước thực hiện chặt chẽ, minh bạch hơn. Thêm nữa, việc công khai hồ sơ cũng cho phép các nhóm liêm chính học thuật ngoài xã hội có điều kiện tham gia vào công tác giám sát, thẩm định chất lượng hồ sơ khoa học, và ý kiến của họ cũng được coi là một nguồn tham khảo hữu ích cho các hội đồng. Sự minh bạch hóa hồ sơ khoa học của ứng viên là một bước tiến quan trọng trong quy trình xét duyệt công nhận chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư để không còn ai có thể đi trong bóng đêm mà đạt chuẩn.
Dĩ nhiên, tình trạng giảm số lượng GS&PGS ở các cơ sở đào tạo và nghiên cứu hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhất là đào tạo các bậc sau đại học và dẫn dắt đội ngũ cán bộ trẻ trong tương lai gần, và còn cần thêm thời gian để lấp đầy khoảng trống mà thế hệ trước để lại.
Tuy vậy, tôi cho rằng không nên quá lo lắng về sự bất cân đối số lượng giáo sư, phó giáo sư của các ngành Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học nói riêng, KHXH&NV nói chung, so với các chuyên ngành khoa học khác. Dẫu lo lắng như vậy là cần thiết nhưng nó dễ dẫn đến nguy cơ can thiệp vào quá trình xét duyệt hồ sơ hoặc yêu cầu sửa đổi chính sách, như hạ chuẩn, châm chước, “linh động” trong việc xem xét các tiêu chí công nhận chức danh, thậm chí bỏ qua một vài điều kiện còn thiếu hoặc yếu của ứng viên để “ưu tiên” các ngành thiếu giáo sư. Cách tiếp cận như vậy dễ làm cho chính sách mới ban hành mất đi độ ổn định cần thiết để hướng quá trình công nhận chức danh đi vào nền nếp trong khi vẫn chưa có tổng kết và cân nhắc kỹ càng. Có lẽ thiếu hụt về số lượng GS & PGS chỉ là tình trạng tạm thời, khủng hoảng trong ngắn hạn, thậm chí có thể coi đây là cơ hội để lớp cán bộ trẻ phấn đấu quyết liệt hơn khi họ không còn bị che lấp bởi những cái bóng quá lớn của thế hệ trước.
Tại sao có đề xuất hạ chuẩn?
Những ý kiến đề xuất giảm chuẩn cho các ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành KHXN&NV dựa trên ba lập luận chính: (1) Phần lớn các nhà KHXH&NV tập trung nghiên cứu về Việt Nam nhằm phục vụ đường lối, chính sách và sự phát triển của quốc gia, đưa kết quả nghiên cứu về lĩnh vực này ra nước ngoài công bố là chưa phù hợp với thực tiễn, và rất khó tìm được tạp chí để công bố; (2) Đăng bài trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus thì phải chạy theo yêu cầu của các tạp chí này. Tuyệt đối hóa, coi đây là chuẩn mực quốc tế duy nhất để đánh giá chất lượng các công trình nghiên cứu là chưa phù hợp; (3) Có người muốn đăng bài thì phải nộp tiền, thậm chí một số tiền lớn nhưng không có gì đảm bảo chất lượng bài vở là tốt, thậm chí các hội đồng phải tốn nhiều công sức để thẩm định vì có những bài đăng tạp chí dởm.
Thực ra, cách tranh luận như vậy dường như có ngụ ý biện hộ cho “tính đặc thù” Việt Nam và đề xuất sửa đổi Quyết định 37 đối với các ngành KHXH&NV theo hướng hạ chuẩn, bỏ tiêu chí bắt buộc ứng viên giáo sư và phó giáo sư phải có công trình khoa học đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus, nếu cần thì cũng chỉ nên khuyến khích công bố quốc tế thôi.
Dĩ nhiên, ISI/Scopus không phải là một thứ khuôn vàng thước ngọc để đo đếm chất lượng các công trình khoa học. Tôi đã nói chuyện với nhiều đồng nghiệp nước ngoài, họ cũng ngỡ ngàng khi chúng ta bị cuốn vào cuộc đua xếp hạng đại học mà chạy theo bài đăng trên các tạp chí loại này. Đối với KHXH, vấn đề không chỉ là đăng bao nhiêu bài trên tạp chí nào, mà là tác động xã hội của các kết quả nghiên cứu ấy như thế nào. Một số tạp chí ISI/Scopus có lượng người đọc không nhiều, chỉ các nhà nghiên cứu chuyên môn sâu mới bỏ tiền ra để tiếp cận được các bài đăng trên tạp chí này, trong khi KHXH&NV luôn động chạm đến mọi ngóc ngách của đời sống văn hóa, xã hội, chính trị hằng ngày, được công chúng và giới làm chính sách quan tâm. Nhiều nhà khoa học đã lựa chọn đăng kết quả nghiên cứu trên các tạp chí có nhiều độc giả và có tác động xã hội lớn hơn là đăng bài trên tạp chí chuyên sâu chỉ có vài người đọc.
Không chỉ khoa học xã hội, xu hướng công bố kết quả khoa học trên tạp chí mở (open access) để gia tăng tác động xã hội và minh bạch hóa cũng đang phát triển mạnh ở một số quốc gia. Chẳng hạn, Nhật Bản khuyến khích tất cả các tạp chí khoa học có bình duyệt (peer-reviewed) đăng ký với J-STAGE, một nền tảng điện tử do Bộ Khoa học quản lý. Theo nguồn tin từ J-STAGE, đến nay có khoảng 1600 tạp chí khoa học được xuất bản ở Nhật Bản và 2,3 triệu bài viết được quản lý trên nền tảng điện tử này, trong đó tất cả các bản tóm tắt bài viết đều được công bố công khai, và khoảng 87% số bài viết đầy đủ có thể truy cập miễn phí.
Tuy vậy, đã là khoa học thì các công trình nghiên cứu cần phải tuân thủ các nguyên tắc chung trong nghiên cứu và công bố. Tất cả các tạp chí ISI/Scopus đều là tạp chí có phản biện quốc tế, bao quát mọi ngành khoa học, kỹ thuật, xã hội, nhân văn, và nghệ thuật, và có lịch sử lâu đời. Phản biện hay bình duyệt (peer-review) do các đồng nghiệp quốc tế thực hiện, dù không phải là khuôn vàng thước ngọc, nhưng nó giúp các công trình nghiên cứu tuân thủ các quy chuẩn khoa học, tìm kiếm tri thức mới từ cái đã có, nâng tầm bài viết được gửi đăng và đặc biệt, nó đưa bài viết tham gia vào cuộc thảo luận học thuật mà giới học thuật quốc tế đang quan tâm. Các tạp chí này, con số lên đến hàng vạn tạp chí hàng đầu, được cộng đồng khoa học thế giới, nhất là ở các nước khoa học tiên tiến chấp nhận, thì chúng ta cũng có thể xem đây như là chuẩn mực, một bộ lọc đảm bảo chất lượng và giúp khẳng định vị thế của các nhà khoa học Việt Nam trên diễn đàn khoa học thế giới. Đặt trong bối cảnh các tạp chí KHXH&NV ở Việt Nam đã ít về số lượng, lại vẫn chưa có một hệ thống phản biện và biên tập bài bản, hoặc có phản biện nhưng chưa dựa trên những nguyên tắc khoa học cơ bản mà có tính hình thức và cảm tính, thì các bài đăng trên tạp chí ISI/Scopus với sự phản biện gắt gao của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyên sâu và biên tập kỹ lưỡng vẫn nên dùng làm thước đo chất lượng khoa học.
Có nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm cho rằng, KHXH&NV của ta chỉ nghiên cứu Việt Nam trong khi số lượng tạp chí quốc tế quan tâm đến Việt Nam quá ít ỏi, không đủ để đăng bài. Quả thực, trên thế giới cũng có một vài tạp chí khoa học chuyên về Việt Nam học, như The Russian Journal of Vietnamese Studies thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, hay The Journal of Vietnamese Studies do Đại học California (Hoa Kỳ) phát hành. Ngoài ra, hầu hết các đại học và viện nghiên cứu lớn trên thế giới đều có tạp chí đăng bài nghiên cứu khu vực học về Đông Nam Á và châu Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, các tạp chí như vậy chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với hàng vạn tạp chí khoa học chuyên ngành và liên ngành thuộc các lĩnh vực KHXH&NV. Các tạp chí này đều có nhu cầu lớn về việc công bố các nghiên cứu về Việt Nam, ở Việt Nam, bởi các nhà nghiên cứu Việt Nam.
KHXH & NV Việt Nam có một điểm yếu cố hữu là chỉ tập trung nghiên cứu ở Việt Nam và về Việt Nam. Chúng ta đã bị tách rời khỏi KHXH&NV do khác biệt về tư tưởng hệ, và bây giờ, với chính sách mở cửa và hội nhập, chính là lúc gắn kết trở lại.
Có đề xuất chỉ nên sử dụng các công trình khoa học đăng trên tạp chí trong nước để đánh giá chất lượng ứng viên GS&PGS. Tuy nhiên, cần phải sòng phẳng mà nói rằng, hầu hết các tạp chí trong nước đều chưa đạt chuẩn quốc tế, từ hình thức bình duyệt, phản biện đến quy cách viết một bài báo khoa học. Hằng năm, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh mục tạp chí được tính điểm dẫn đến hiện tượng các tạp chí chạy đua để được vào danh mục xếp hạng từ 0,25 đến 1,0 điểm. Thực ra, cách lập danh mục này cũng rất mù mờ, vì nó chỉ đếm bài cho điểm tạp chí của chuyên ngành mà không tính điểm cho các bài đăng trên tạp chí liên ngành. Trong khi đó, các bài đăng trên tạp chí quốc tế thì lại không tính theo chuyên ngành nào cả, cứ có bài đăng tạp chí là được tính điểm. Nếu chúng ta muốn đề cao các tạp chí trong nước thì cần cải tiến chất lượng biên tập và phản biện theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời khuyến khích các bài nghiên cứu có tính liên ngành đăng ở các tạp chí có uy tín nhưng không trong danh mục của hội đồng. Ví dụ, các nghiên cứu nhân học văn hóa xã hội rất gần với xã hội học, thì hội đồng nên tính điểm cho các nhà nhân học có bài đăng trên tạp chí xã hội học và ngược lại.
Một luận điểm thường được các nhà KHXH&NV nêu ra để biện hộ cho việc không có bài báo khoa học xuất bản quốc tế, đó là giới hạn nghiên cứu của mình về Việt Nam và cho Việt Nam thôi, đem ra quốc tế thì không phù hợp. Ý kiến này cần được xem xét một cách thấu đáo hơn. Nhìn lại lịch sử, dưới thời thuộc địa, từ năm 1898 đến năm 1956, các nghiên cứu về Việt Nam và xứ Đông Dương của Viễn Đông Bác cổ đã từng đóng vai trò dẫn dắt xu hướng KHXH&NV của thế giới, các xuất bản bằng tiếng Pháp đã mang lại cho thế giới một lượng kiến thức phong phú về lịch sử văn hóa văn minh của xứ sở này, và sản sinh ra những nhà khoa học kiệt xuất. Hay như gần đây, một vài nghiên cứu về tình trạng sang chấn tâm lý của trẻ em Việt Nam trong đại dịch Covid 19 cũng mang lại cho thế giới những đóng góp quan trọng cả về lý thuyết và thực nghiệm để nhìn lại trường hợp của họ.
Thực ra, Việt Nam là một quốc gia có mối liên hệ quốc tế thâm sâu về chính trị và văn hóa với phần còn lại của thế giới trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của mình. Các cuộc chiến tranh vệ quốc chống lại quân xâm lược phương Bắc và phương Tây đã làm cho Việt Nam không ngừng được nói tới trong các diễn đàn quốc tế. Chính sách mở cửa và hội nhập gần đây của Việt Nam càng làm cho đất nước dấn sâu hơn vào sân chơi quốc tế. Nếu chúng ta cho rằng KHXH&NV có sứ mạng chính trị bảo vệ và giới thiệu lịch sử và văn hóa của quốc gia thì việc tham gia vào các diễn đàn khoa học quốc tế lại vô cùng cần thiết và là nhiệm vụ không thể chối bỏ. Những vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, những kiến thức mơ hồ và thiếu cơ sở về văn hóa-xã hội Việt Nam là những nội dung thường xuất hiện trong các tạp chí khoa học có tầm ảnh hưởng quốc tế. Đây chính là cơ hội để các nhà nghiên cứu Việt Nam, bằng tri thức uyên thâm của mình, tham gia sâu hơn vào thảo luận những vấn đề được thế giới quan tâm thay vì tránh ra xa và cho rằng nó không phù hợp. Nếu chỉ tập trung vào xuất bản các nghiên cứu, có thể là rất tốt, rất khoa học, bằng tiếng Việt, thì kiến thức chúng ta sản xuất ra chỉ được phổ biến ở quốc nội, tự thỏa mãn với nhau, mặc cho những thảo luận khoa học của bên ngoài về Việt Nam cứ thoải mái tung hoành thì có nghĩa, KHXH&NV Việt Nam đã bỏ rơi lãnh địa của mình và không hoàn thành sứ mạng của khoa học mà đất nước giao phó. Xuất bản với các tạp chí khoa học quốc tế có ảnh hưởng không chỉ khẳng định vị thế khoa học của Việt Nam mà còn góp phần đấu tranh bảo vệ đất nước bằng tri thức khoa học, thay vì chi phí tốn kém cho hoạt động tuyên truyền một chiều đã mất dần giá trị.
Nếu chúng ta hạ thấp tiêu chí xét phong giáo sư và phó giáo sư bằng cách loại bỏ tiêu chí xuất bản quốc tế sẽ gặp phải những hậu quả khôn lường về khoa học, đào tạo và quan hệ quốc tế về lâu dài. Cách đây chưa lâu, Bộ GD&ĐT đã có quyết định hạ yêu cầu đào tạo tiến sỹ bằng quy chế mới (năm 2021) cho phép nghiên cứu sinh được bảo vệ luận án mà không cần có bài báo đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI/Scopus hoặc tối thiểu là hai bài báo quốc tế trên tạp chí có phản biện được quy định trước đó mới bốn năm. Tuy nhiên, việc hạ chuẩn này lại chỉ có tính chất nửa chừng, để cho các cơ sở đào tạo tự quyết, và ĐHQGHN kiên quyết không theo quy chế mới mà vẫn yêu cầu nghiên cứu sinh phải xuất bản hai bài tạp chí quốc tế, dẫn đến việc chạy chọt đăng bài trên các tạp chí không minh bạch và đặt người học trước lựa chọn đến làm nghiên cứu sinh ở cơ sở đào tạo khác dễ hơn hay vào ĐHQGHN để phải chật vật viết bài quốc tế, đóng tiền quá hạn, và nhiều hệ lụy khác. Trong trường hợp này, nếu chấp nhận chuẩn giáo sư không có bài quốc tế mà lại đủ tư cách hướng dẫn nghiên cứu sinh viết bài quốc tế thì thật là trái khoáy.
Như một thông lệ, người có học hàm GS&PGS thường được giao đứng đầu các bộ môn chuyên ngành, các đề tài khoa học quan trọng, tham gia hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tham gia các hội đồng chức danh, nghề nghiệp, thẩm định luận án và đề tài khoa học, v.v… Với vị thế của một người không đủ năng lực viết bài theo chuẩn mực quốc tế mà lại được giao đứng đầu những lĩnh vực quan trọng như vậy, chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động khoa học và đào tạo của các cơ sở và của cả nước. Tôi mạo muội nghĩ rằng, bỏ yêu cầu xuất bản quốc tế trong tiêu chí xét duyệt GS&PGS đối với các ngành KHXH&NV là hạ thấp vị thế của người được công nhận đạt chuẩn, vì họ không có đủ năng lực ngoại ngữ và kiến thức để làm việc ở tầm quốc tế, do đó khó đứng vững ở vị trí cầm lái để dẫn dắt các lĩnh vực KHXH&NV.
Cách nào để vượt qua?
Từ sau Quyết định 37, các chỉ số thống kê đều cho thấy số lượng ứng viên GS&PGS giảm đi ở nhiều ngành KHXH&NV, trong khi nguồn bổ sung ứng viên cho chức danh giáo sư và phó giáo sư lại rất hạn chế. Đây chỉ là những khó khăn tạm thời, trong ngắn hạn. Nhìn vào xuất bản quốc tế gần đây của các ngành KHXH&NV, có thể thấy Quyết định 37 đã tạo ra những chuyển động tích cực. Một nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành, trường Đại học Phenikaa cho thấy trong từ 2018 trở lại đây, số lượng các bài báo quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV của các tác giả Việt Nam đã có tăng trưởng vượt bậc. Không chỉ kinh tế học mà các lĩnh vực Nhân học, Văn học, Triết học, Thư viện và khoa học thông tin, Đô thị học, Tâm lý học, Văn hóa học, Luật học, Khoa học Chính trị, Ngôn ngữ học, Sử học đều có sự gia tăng số lượng công bố quốc tế vượt bậc, có chuyên ngành chỉ có vài bài thì đến nay đã lên đến cả trăm bài. Riêng trường Đại học KHXH&NV trong những năm gần đây, số lượng các bài xuất bản quốc tế đều có xu hướng tăng, trung bình mỗi năm có khoảng 60 bài báo xuất bản quốc tế, trong đó hơn một nửa là các bài đăng trên tạp chí ISI/Scopus và các nhà xuất bản có uy tín.
Nhưng có một thực tế đáng lo ngại hơn, đó là trong số hơn 500 cán bộ của trường Đại học KHXH& NV, chỉ có khoảng hơn 50 người thường xuyên có bài báo quốc tế, số còn lại vẫn đang rất chật vật để có thể vượt lên. Tôi đã tập hợp danh sách những người có xuất bản quốc tế và nhận thấy tuyệt đại bộ phận những người được đào tạo bài bản ở các đại học nước ngoài đều có bài đăng trên tạp chí quốc tế. Cán bộ đào tạo trong nước gặp khó khăn do hạn chế về năng lực ngoại ngữ, sự hiểu biết về cộng đồng khoa học quốc tế, và tiếp cận thông tin các chuẩn mực khoa học khi viết bài báo khoa học. Nhà trường đang có những biện pháp tích cực thúc đẩy xuất bản quốc tế từ các nguồn đề tài khoa học của cán bộ, nâng cao năng lực ngoại ngữ, tập huấn kỹ năng viết bài báo khoa học theo chuẩn quốc tế và đặt mức thưởng cho từng loại công trình xuất bản quốc tế.
Tôi tin rằng đây là một hướng đi đúng, và trong vài năm tới sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ hơn. Ngược lại, nếu chúng ta hạ chuẩn, rút về với ao làng, thì mãi mãi chúng ta chỉ là những kẻ đứng ở bên lề của sự phát triển và nhìn thiên hạ đi lên mà thôi.□