Thời điểm khởi công nhà máy ĐHN: Phụ thuộc kết quả thẩm định báo cáo đầu tư của Nga và Nhật Bản
Theo kế hoạch, cuối năm 2014, Việt Nam sẽ khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên Ninh Thuận 1. Tuy nhiên, khả năng quá trình này sẽ phải lùi lại nhằm có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho rằng, thời hạn lùi bao lâu  còn phụ thuộc vào kết quả thẩm định hai báo cáo đầu tư của Nga và Nhật Bản đã trình với Chính phủ Việt Nam.
° Bộ trưởng NGUYỄN QUÂN: Dự án ĐHN Ninh Thuận được Quốc hội cho chủ trương từ năm 2009 sau khi Việt Nam có Luật Năng lương nguyên tử. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển năng lượng nguyên tử ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030. Theo đó, dự kiến năm 2014 sẽ khởi công và đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 vào vận hành phát điện thương mại và năm 2021 vận hành tổ máy 2. Tuy nhiên đến đầu năm 2011 thì xảy ra sự cố ĐHN Fukushima ở Nhật Bản. Sau sự cố này, rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đều phải xem lại chính sách phát triển ĐHN của mình. Chúng ta đã phải rà soát lại toàn bộ mọi công tác chuẩn bị cho điện hạt nhân. Trong đó có hai vấn đề trọng tâm là chuẩn bị nguồn nhân lực và hệ thống văn bản pháp quy đảm bảo an toàn hạt nhân, bao gồm cả việc lựa chọn công nghệ và đảm bảo những giải pháp an toàn ở mức cao nhất đối với việc xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN. Trên cả hai vấn đề này, chúng tôi thấy rằng, cần phải có thêm nhiều thời gian để chuẩn bị tốt nhất. Vì vậy, việc lùi thời điểm khởi công nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 là việc làm hoàn toàn cần thiết.
° Bộ trưởng cho biết vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực cũng như xây dựng văn bản pháp quy liên quan đến phát triển ĐHN của chúng ta đã thực hiện đến đâu?
° Việc chuẩn bị nguồn nhân lực, chúng ta cũng đã rất tích cực trong những năm qua, nhưng cho đến thời điểm này, tự chúng ta đánh giá là vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ĐHN. Chúng ta rất thiếu chuyên gia đầu ngành về công nghệ và an toàn hạt nhân. Còn việc ban hành các văn bản pháp quy liên quan, thì cho đến nay vẫn còn một số văn bản quan trọng đang xây dựng, chưa hoàn thiện và ban hành được. Chính vì vậy, chúng ta phải có thêm thời gian để hoàn thành những vấn đề đó, nhất là những văn bản pháp quy như Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi, các nghị định của Chính phủ; rồi các thông tư của những bộ, ngành liên quan, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn. Phải khi nào hoàn thiện được những điều đó, chúng ta mới có thể yên tâm xây dựng nhà máy ĐHN. Sau khi làm việc với lãnh đạo EVN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến điều chỉnh lại thời gian khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận: cần phải an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, không đạt không làm! Trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, chắc là Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này. Chúng ta phát triển ĐHN, nhưng phải đảm bảo an toàn ở mức cao nhất, đồng thời tuân thủ đúng những cam kết quốc tế về năng lượng nguyên tử mà Việt Nam đã tham gia.
° Thời điểm lùi này đã được xác định chưa và mất bao nhiêu lâu, thưa Bộ trưởng?
° Hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. EVN đề nghị là lùi 6 năm, đến 2020 mới khởi công xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên. Một số ý kiến thì cho rằng cần lùi 2-3 năm; tức là sẽ khởi công vào năm 2016 hoặc 2017. Theo tôi, vấn đề còn phụ thuộc vào kết quả thẩm định hai báo cáo đầu tư của Nga và Nhật Bản đã trình với Chính phủ Việt Nam. Nhật Bản thì đã trình từ tháng 6 năm 2013, còn Nga thì chuẩn bị trình. Sau khi thẩm định hai báo cáo khả thi này, thì chúng ta mới có thể quyết định thời điểm khởi công là vào lúc nào. Hiện nay chưa thẩm định được hai báo cáo này về đánh giá địa điểm xây dựng, đánh giá mức độ an toàn về địa chất – thủy văn, đánh giá mức độ an toàn của các công nghệ… thì chúng ta chưa thể xác định được thời điểm khởi công một cách chính xác.
° Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ KH-CN về thời gian lùi cũng như các công việc tiếp theo của dự án ĐHN Ninh Thuận?
° Đến thời điểm này thì đã có thể khẳng định là không thể khởi công vào năm 2014 như kế hoạch trước đây. Bộ KH-CN cho rằng, phải sau khi thẩm định xong 2 báo cáo đầu tư của Nga và Nhật Bản thì mới quyết định cụ thể chính xác thời điểm lùi được. Bởi sau khi thẩm định xong 2 báo cáo này, chúng ta còn phải tiến hành một loạt các công việc khác như: xác định địa điểm, đấu thầu về thiết kế, thẩm định thiết kế, đàm phán về tài chính, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan, chuẩn bị hạ tầng… Chưa kể công tác đào tạo nhân lực cho chương trình ĐHN và ban hành văn bản pháp quy, xây dựng cơ quan pháp quy an toàn hạt nhân, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân… cũng cần nhiều thời gian. Với lượng công việc lớn như vậy, chúng ta cần phải có thời gian để thực hiện sau khi Chính phủ thẩm định xong 2 báo cáo nói trên.
° Trong cuộc thăm và làm việc ở Việt Nam hồi tháng 1-2014 vừa qua, Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cho rằng, Việt Nam phải chuẩn bị cẩn thận, có tham vấn kỹ càng chứ không nên gấp gáp trong dự án ĐHN đầu tiên của mình. Ý kiến của Bộ trưởng như thế nào về vấn đề này?
° Đúng như vậy! Thông thường, việc xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên sẽ mất 10 – 15 năm, song với một số quốc gia thì thời gian này có thể ngắn hoặc dài hơn dự kiến. Các dự án ĐHN là vấn đề lâu dài, sẽ sử dụng trong nhiều thập kỷ tới nên đòi hỏi một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt sự an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Về phía mình, IAEA cam kết sẽ giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề phát triển ĐHN một cách an toàn và bền vững. Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với IAEA, chúng ta cũng đang phối hợp tốt với các quốc gia cung cấp công nghệ ĐHN trong tất cả mọi bước của dự án, nhằm xây dựng một nhà máy ĐHN an toàn, hiệu quả nhất.
° Cảm ơn Bộ trưởng!