Thủ tướng Phạm Văn Đồng với Viện Toán học

Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm Viện Toán học hai lần, vào các năm 1982 và 1986. Viện Toán học có một may mắn đặc biệt là luôn nhận được sự quan tâm của ông kể từ ngày mới thành lập.


Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm Viện Toán học năm 1982.

Quyết định thành lập Viện Toán học (cùng với Viện Vật lý) được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký tháng 2 năm 1969. Tuy nhiên, khác với Viện Vật lý, Viện Toán học chỉ thực sự đi vào hoạt động vào cuối năm 1970, khi giáo sư Lê Văn Thiêm, lúc đó là Hiệu phó trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được tiếp nhận về Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) để giữ chức Viện phó Viện Toán học, phụ trách Viện. Mặc dù gặp một vài khó khăn thuở ban đầu, Viện Toán học đã may mắn nhận được sự quan tâm của nhiều lãnh đạo cao cấp, một phần có lẽ nhờ uy tín cá nhân của các lãnh đạo Viện khi đó, GS Lê Văn Thiêm và GS Hoàng Tụy.   

Giáo sư Lê Văn Thiêm bảo vệ luận án tiến sỹ năm 1945 tại Đại học Goettingen và bảo vệ luận án tiến sỹ khoa học năm 1949 tại Đại học Paris-Sorbonne. Cũng năm đó, ông về nước theo đường Paris-Bangkok, rồi từ Bangkok bằng đường bộ qua Campuchia về rừng U Minh tham gia kháng chiến. Năm 1951 ông được Chính phủ điều động từ Nam Bộ ra Việt Bắc để nhận nhiệm vụ xây dựng Trường Khoa học Cơ bản và Trường Sư phạm Cao cấp, và kiêm giữ chức Hiệu trưởng của cả hai trường này. Năm 1956, khi trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông được bổ nhiệm Hiệu phó nhà trường. Ông là người đặt nền móng cho toán học Việt Nam hiện đại. Trong thập kỷ 1960, cùng Hoàng Tụy và một số nhà khoa học lỗi lạc khác của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Lê Văn Thiêm kiên trì quan điểm coi chất lượng nghiên cứu là tiêu chí đánh giá hàng đầu. Quan điểm của ông nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu. Giáo sư Bửu và giáo sư Thiêm đã quan tâm giúp đỡ rất nhiều tài năng toán học trẻ vì lý do lý lịch mà không được vào đại học hay được đi học tập, nâng cao trình độ ở nước ngoài. Người ủng hộ hai ông từ cấp cao hơn là Thủ tướng Phạm Văn Đồng. 


Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Viện Toán học năm 1986.

Quan điểm của Lê Văn Thiêm và Hoàng Tụy, coi chất lượng nghiên cứu là tiêu chí đánh giá hàng đầu, đã trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển của Viện Toán học. Ngay từ khi thành lập, Viện đã nhận được sự quan tâm, thậm chí ưu ái của các vị lãnh đạo, từ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu. Chủ tịch Hồ Chí Minh, một thời gian ngắn trước khi mất, cũng đã mời GS Hoàng Tụy lên làm việc và giao nhiệm vụ nghiên cứu giải quyết vấn đề xếp hàng mua bia tại Hà Nội. 

Những năm 1980, điều kiện làm việc của các cán bộ Viện Toán học còn rất khó khăn. Cơ sở của Viện ở 208Đ Đội Cấn là mấy dãy nhà cấp 4, mái tranh đã hư hỏng nhiều, ngồi seminar ngửng lên nhìn thấy trời xanh bên trên. Nhiều nhà toán học nước ngoài tới thăm Viện đã rất ngạc nhiên, vì trong hoàn cảnh khó khăn đó, cán bộ nghiên cứu của Viện vẫn đang thực hiện những nghiên cứu ở tầm quốc tế. Giáo sư Neal Koblitz, trong bài viết “Một chuyến thăm toán học tới Hà Nội” trên tạp chí The Mathematical Intelligencer năm 1979, đã kể về những ngạc nhiên của ông khi đến thăm Việt Nam, khiến câu chuyện toán học Việt Nam được biết đến nhiều hơn trong cộng đồng toán học quốc tế. 

Biết những khó khăn của Viện, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng Đồng Sỹ Nguyên xây cho Viện Toán học một trụ sở, coi như một món quà của Thủ tướng cho các nhà toán học. Công việc được thực hiện hết sức nhanh chóng. Đích thân Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên năm lần tới kiểm tra công trình. Để có thể triển khai nhanh, vật tư và máy móc cho công trình được điều về từ công trình xây dựng Khoa Tiếng Pháp của Đại học Ngoại ngữ vừa thực hiện xong. Kết quả là chỉ sau một năm, Viện Toán học có một trụ sở hai tầng khang trang. 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Viện Toán học hai lần, năm 1982 và năm 1986. Trong lưu bút cho Viện Toán học ngày 10/7/1986 ông viết:

“… chúc các đồng chí kiên trì phấn đấu nhằm đóng góp phần xứng đáng nhất của mình vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc (đây là bài toán của bài toán).
Muốn vậy phải đồng thời làm mấy việc sau đây:

1) Xây dựng đội ngũ những nhà toán học có trình độ đáp ứng với yêu cầu trên đây; 

2) Cố gắng bằng mọi cách có những đóng góp thiết thực và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong lĩnh vực kinh tế xã hội, từ việc lớn đến việc nhỏ;

3) Trong quá trình làm hai việc trên đây thử xem có thể hình thành một cái gì gọi là học thuyết và nghệ thuật toán học Việt Nam”.

Trong đoạn trích ở trên, Thủ tướng gạch chân  những chữ “kiên trì phấn đấu” và “thiết thực”. Tính từ năm 1986 tới nay là 34 năm, Viện Toán học đã có một số đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng Tổ quốc. Tuy thế, để thực hiện được hết những yêu cầu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Viện Toán học nói riêng và cộng đồng toán học nói chung chắc sẽ còn phải kiên trì phấn đấu trong nhiều thập kỷ, hay cả thế kỷ.

Trong ý thứ ba, có lẽ Thủ tướng muốn nói đến một “trường phái toán học”. Trên thế giới, không có nhiều trường phái toán học, của Nga, của Pháp, của Mỹ, của Nhật… Ta có thể thấy trong mỗi trường phái đó sự khác nhau về phong cách nghiên cứu toán. Chẳng hạn, người Nga thiên về ý tưởng sáng tạo mà nhiều khi bỏ qua chi tiết. Người Nhật là điển hình của sự kiên trì, luôn giải quyết triệt để các vấn đề. Người Pháp là bậc thầy của tư duy trừu tượng. Người Mỹ là điển hình của sự năng động và coi trọng hiệu quả… Một trường phái toán học được thiết lập nhờ sự đóng góp bền bỉ của nhiều thế hệ toán học, tạo lập được những nhóm nghiên cứu mạnh có ảnh hưởng lớn, chi phối sự phát triển đương thời của Toán học. Để có được một trường phái toán học cần có những cố gắng rộng lớn trong nước và trong một thời gian dài, và đến khi đó thì Việt Nam mới thực “sự sánh vai các cường quốc” trên đài Toán học. □

Tác giả

(Visited 50 times, 1 visits today)