Thước đo khoa học: Xây dựng hệ thống chỉ mục ngoài phương Tây?
Các nhà hoạch định chính sách giáo dục Việt Nam nên tránh việc thần thánh hóa các ấn phẩm và chỉ số phương Tây như chuẩn mực về tính xuất sắc. Thay vào đó, cần tập trung củng cố các tạp chí bằng tiếng Việt và xây dựng một khung đánh giá học thuật phù hợp với các thế mạnh đặc thù và nhu cầu của cộng đồng học thuật Việt Nam.
LTS: Thị trường xuất bản học thuật ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp với nhiều loại hình xuất bản, truy cập. Trước những tranh cãi về các tạp chí săn mồi, tạp chí ở vùng xám, cũng như liệu các chỉ mục toàn cầu có phải là “khuôn vàng thước ngọc”, bài viết của Liz Bedford và Judith Henchy* (Đại học Washington) mang lại cái nhìn toàn cảnh về thị trường xuất bản, hệ lụy của việc quá dựa vào các chỉ mục, chỉ số trắc lượng khoa học và đề xuất giải pháp khả thi với các quốc gia ngoài phương Tây.
Các chuẩn mực học thuật Âu-Mỹ, bắt nguồn châu Âu, từ lâu đã được “nhúng” vào khát vọng giáo dục của các chính phủ hậu thuộc địa và các quốc gia đang phát triển ở Nam bán cầu. Tuy nhiên, gần đây, áp lực kinh tế ngày càng gia tăng buộc các trường đại học trên toàn thế giới phải cạnh tranh trong các hệ thống xếp hạng toàn cầu đã làm xu hướng này thêm lệch lạc. Đồng thời, nó cũng gắn liền với những lo ngại ngày càng tăng về sự chi phối của các tập đoàn [xuất bản] trong lĩnh vực học thuật, cùng với sự nhận thức ngày càng rõ về sự phân biệt đối xử của hệ thống xuất bản.
Những cuộc kêu gọi đã xuất hiện cả Bắc bán cầu và Nam bán cầu, với các yêu cầu tạo điều kiện phù hợp hơn cho xuất bản các nghiên cứu sử dụng ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh và tăng cường công nhận các hệ thống tri thức ngoài Âu – Mỹ. Trong khi nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình, bao gồm cả các nước Đông Nam Á, đang thực hiện các chính sách giáo dục thúc đẩy tham gia vào hệ thống xuất bản học thuật phương Tây vốn vẫn còn những thiếu sót, thì giới thư viện và học giả trên toàn cầu đang phản đối sự phụ thuộc vào các hệ thống thâm căn cố đế này.
Trước những tranh luận gần đây trong cộng đồng học thuật Việt Nam về các chính sách này, cũng như trước sự bùng nổ của các tạp chí truy cập mở và dường như có chất lượng thấp để đáp ứng nhu cầu [chạy đua xuất bản] ngày càng tăng lên, chúng tôi chất vấn lại những giả định phổ biến về vai trò và lợi ích của các thực hành xuất bản và hệ thống xuất bản học thuật. Chúng tôi lập luận rằng sự phát triển của xuất bản mở (open access) thực chất là một lăng kính chiếu vào những điểm vênh nhau – đã tồn tại lâu nay – giữa quan niệm lý tưởng hóa về công nghiệp xuất bản học thuật phương Tây và vận hành trong thực tế. Chúng tôi khuyến nghị rằng các nhà hoạch định chính sách giáo dục Việt Nam tránh việc thần thánh hóa các ấn phẩm [tạp chí] và chỉ số phương Tây như chuẩn mực về tính xuất sắc. Thay vào đó, cần tập trung củng cố các tạp chí bằng tiếng Việt và xây dựng một khung đánh giá học thuật phù hợp với các thế mạnh đặc thù và nhu cầu của cộng đồng học thuật Việt Nam.
Quy trình bình duyệt
Một trong những chỉ trích chính nhắm vào các nhà xuất bản truy cập mở bị coi là “săn mồi” (predatory) là quy trình bình duyệt (peer review) không đạt chất lượng. Tuy nhiên, luôn có sự khác biệt về chất lượng bình duyệt giữa các tạp chí. Và câu hỏi đặt ra là: Giá trị thực sự của quy trình bình duyệt là gì? Công tác bình duyệt thường được coi là một quy trình xác minh sự thật – mà các chuyên gia đánh giá kỹ lưỡng mọi lập luận và phương pháp trong bản thảo để đảm bảo tính chính xác. Quan điểm này hình dung các chuyên gia bình duyệt như những người kiểm chứng (fact-checker), tỉ mỉ xác minh mọi tham chiếu và tái lập mọi thí nghiệm.
Dù các lĩnh vực có thể có các yêu cầu cụ thể về quy trình bình duyệt khác nhau nhưng nhìn chung, quy trình này nên được hiểu là giúp “cải thiện” hơn là “xác minh”. Các chuyên gia bình duyệt thường tập trung vào việc đánh giá tính mạch lạc trong lập luận, xác định những lỗi sai về phương pháp, đề xuất bổ sung tài liệu liên quan, gợi ý cách củng cố việc trình bày kết quả và ghi nhận những đổi mới so với các hiểu biết và thực tiễn trước đây.
Sự phân biệt này trở nên đặc biệt quan trọng khi xem xét cách độc giả tiếp cận các tài liệu đã qua bình duyệt. Mô hình “xác minh” gợi ý rằng các bài báo đã qua bình duyệt có thể tin được mà không cần suy xét nữa. Ngược lại, mô hình “cải thiện” cho rằng quy trình bình duyệt giúp đảm bảo cho bài báo đáp ứng các tiêu chuẩn học thuật cơ bản. Thật vậy, trong một số lĩnh vực, riêng biệt như các ngành nhân văn, cách tiếp cận “xác minh” là không phù hợp, bởi nội dung học thuật của một bài báo thường dựa vào các cách giải thích mới trong một phạm vi các yếu tố đã được chấp nhận, thay vì phát hiện ra những kết quả thí nghiệm mới có thể xác minh được. Trong mọi trường hợp, độc giả vẫn cần tiếp cận từng bài báo với tư duy phản biện phù hợp.
Quan điểm “xác minh” cũng dễ gây hiểu lầm rằng tính hợp lệ (legitimacy) của nghiên cứu được xác lập tại một thời điểm cụ thể – thời điểm bài báo được bình duyệt và xuất bản. Trên thực tế, các nguyên lý xuất hiện thông qua một quá trình tranh luận học thuật liên tục, nỗ lực tái lập (replication), và xây dựng đồng thuận dần dần. Các kết quả nghiên cứu đã xuất bản nên được hiểu như những lập luận được cấu trúc tốt để tham gia vào cuộc đối thoại học thuật, hơn là hiểu rằng đây là các sự thật vững chắc.
Các chỉ dấu thay thế cho chất lượng và tác động đến các nhà nghiên cứu
Một giả định phổ biến khác trong giới học thuật là các cơ sở dữ liệu mang tính thương mại về các tạp chí và các chỉ số trích dẫn là thước đo đáng tin cậy cho chất lượng học thuật. Nhiều tổ chức coi việc các tạp chí được đưa vào chỉ mục của các cơ sở dữ liệu như Web of Science, Scopus, hoặc các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác như một dấu hiệu mặc nhiên của tính chính danh. Quan điểm này hình dung các cơ sở dữ liệu này như những kho lưu trữ toàn diện về các công trình học thuật chất lượng, được tuyển chọn cẩn thận dựa trên các tiêu chí khách quan. Dựa trên quan niệm này, nhiều quốc gia ở Nam Bán cầu đã thực hiện chính sách yêu cầu các nhà nghiên cứu phải công bố trên các tạp chí được lập chỉ mục trong những cơ sở dữ liệu này để được bổ nhiệm vị trí hoặc thăng tiến. Đây là một phản ứng hoàn toàn hợp lý, bởi các chỉ số xuất bản này cũng là những tiêu chí được sử dụng để đánh giá thứ hạng của các trường đại học trên thế giới.
Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu về các tạp chí và chỉ số trích dẫn chưa bao giờ hoàn toàn là các chỉ dấu đáng tin cậy về chất lượng. Lịch sử cho thấy các cơ sở dữ liệu trích dẫn thường ưu ái các ngành khoa học tự nhiên hơn là KHXH&NV, phản ánh sự khác biệt trong mô hình xuất bản giữa các lĩnh vực cũng như nguồn gốc mang tính thương mại của các cơ sở dữ liệu này. Có lẽ, hạn chế lớn nhất của các cơ sở dữ liệu trích dẫn lớn là quá thiên vị các xuất bản phẩm tiếng Anh và các nghiên cứu từ Bắc Mỹ và Tây Âu. Điều này dẫn đến nhiều vấn đề, bao gồm cả việc lề hóa các nghiên cứu được công bố bằng ngôn ngữ khác một cách có hệ thống, loại trừ các tạp chí quan trọng ở các khu vực công bố bằng ngôn ngữ bản địa, và củng cố các mô hình thực dân trong sản xuất và phổ biến tri thức.
Các cơ sở dữ liệu đầy tính thương mại này đã dẫn đến một nút thắt khó giải trong vòng lặp khép kín của thực hành trích dẫn (các tác giả trích dẫn những gì được “ưu ái” xuất hiện trong cơ sở dữ liệu – ND), các nhà xuất bản thương mại được ưu ái và các nhà nghiên cứu ngoài lề bị đánh giá thấp. Đồng thời, việc đánh đồng các bài báo trong các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao có thể đáng tin cậy hơn so với những bài báo trong các ấn phẩm ít được biết đến hơn cũng là một sai lầm. Mặc dù có thể thông thường các tạp chí uy tín công bố các công trình chất lượng cao hơn, nhưng học thuật có trách nhiệm đòi hỏi phải đánh giá từng bài báo dựa trên giá trị nội tại của nó, bất kể nó xuất hiện ở đâu.
Lý tưởng nhất, việc bổ nhiệm vị trí hoặc thăng tiến và các bước tiến trong sự nghiệp nên dựa trên cơ sở những ý nghĩa đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu của học giả. Tuy nhiên, các hệ thống đánh giá từ trước đến nay vẫn phụ thuộc nhiều vào các chỉ số đại diện, chẳng hạn như số lượng bài báo, chỉ số ảnh hưởng của tạp chí, số lượt trích dẫn, nguồn tài trợ nghiên cứu, và chỉ số H-index. Những thước đo này được sử dụng vì việc đánh giá trực tiếp chất lượng và ảnh hưởng là điều khó khăn, tốn thời gian và mang tính chủ quan. Tuy nhiên, sự lệ thuộc vào các chỉ số này đã tạo ra những động cơ lệch lạc, có thể gây hại cho tiến trình nghiên cứu. Áp lực xuất bản thường dẫn đến tình trạng xé lẻ các nghiên cứu thành “các công bố nhỏ lẻ” và vội vã công bố các kết quả sơ bộ thay vì chờ xác nhận một cách chắc chắn. Những hệ thống này cũng tạo cơ hội cho việc thao túng, chẳng hạn như xây dựng “vòng tròn trích dẫn” (một mạng lưới các nhà nghiên cứu thường trích dẫn qua lại các công bố của nhau – ND), hoặc thao túng chỉ số trích dẫn thông qua việc tự trích dẫn. Sự lệ thuộc vào các hệ thống trắc lượng này đã thúc đẩy sự gia tăng theo cấp số nhân trong hoạt động xuất bản trên cả các nền tảng thương mại có uy tín cao và thấp.
Trong thị trường xuất bản toàn cầu đang nổi lên, chất lượng của các tạp chí dao động trong một phổ rất rộng, bao gồm cả những tạp chí thường được mô tả là “săn mồi” (predatory) – ở các tạp chí này, có sự chênh lệch đáng kể giữa các dịch vụ biên tập được quảng cáo, như bình duyệt – với hiệu quả thực tế của chúng. Số tạp chí này gia tăng khiến việc kiểm soát chất lượng trở nên khó khăn. Cộng đồng học thuật đã xây dựng các nguồn tài nguyên như Directory of Open Access Journals (DOAJ), giúp nhận diện các tạp chí “có trách nhiệm” đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu, và các nguồn như Beall’s List hoặc Cabells Reports, liệt kê các nhà xuất bản và tạp chí bị coi là có tính chất săn mồi.
Các kết quả nghiên cứu đã xuất bản nên được hiểu như những lập luận được cấu trúc tốt để tham gia vào cuộc đối thoại học thuật, hơn là hiểu rằng đây là các sự thật vững chắc.
Tuy nhiên, những phân loại này không cố định: một số nhà xuất bản truy cập mở (OA) từng bị coi là săn mồi thì nay đã được chấp nhận, như MDPI1. Những nhà xuất bản khác vẫn nằm ở vùng xám về chính sách biên tập và bình duyệt, nhưng các nghiên cứu mà họ công bố lại có giá trị rất khác nhau. Một số học giả lập luận rằng những tạp chí nằm ở vùng xám này tạo cơ hội để công bố dữ liệu địa phương và các nghiên cứu tuân theo những giá trị hoặc hệ thống tri thức khác biệt với thực hành của phương Tây.
Khi nộp bản thảo, tác giả phải tự tìm hiểu về khả năng của tạp chí trong việc đánh giá đúng các công bố gửi đến và khả năng cung cấp các dịch vụ xuất bản mà tác giả cần; các nguồn như Think.Check.Submit (https://thinkchecksubmit.org/) hữu ích để tác giả nghiên cứu các tạp chí tiềm năng và tự đưa ra quyết định.
Tính chất “săn mồi” trong xuất bản tạp chí truyền thống
Một khoảng cách lớn khác tồn tại giữa lý tưởng và thực tế trong ngành xuất bản học thuật. Góc nhìn lý tưởng cho rằng các nhà xuất bản tạp chí chủ yếu hoạt động nhằm mục tiêu nâng cao tri thức, và nguồn lực tài chính chỉ nhằm duy trì sứ mệnh cao cả của họ. Nhưng trên thực tế, trước tiên, các nhà xuất bản học thuật lớn là các doanh nghiệp, với tỷ suất lợi nhuận thường vượt 30% – cao hơn nhiều so với các công ty công nghệ lớn. Mặc dù cá nhân các biên tập viên có thể rất tận tâm với nghiên cứu học thuật, nhà xuất bản bản chất vẫn vận hành theo mô hình kinh doanh hướng tới lợi nhuận. Phần lớn các bài báo trên tạp chí học thuật do các nhà xuất bản vì lợi nhuận xuất bản, trong đó chỉ năm nhà xuất bản thương mại lớn đã chiếm 61% số bài báo được liệt kê trên Web of Science2. Mặc dù ngành xuất bản chắc chắn cần nguồn lực tài chính, không có cơ sở nào để biện minh cho mức lợi nhuận quá lớn mà đa số các nhà xuất bản đã tự đặt ra.
Các thư viện học thuật từ lâu đã nhận thức rõ cấu trúc ngành kinh doanh này, khi luôn phải đối diện với mức phí truy cập ngày càng tăng trong nhiều năm. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang xuất bản truy cập mở, đặc biệt là mô hình thu phí xử lý bài viết (Article Processing Charges – APC), đã khiến vấn đề tài chính này lần đầu tiên trở nên rõ ràng. Khi các nhà nghiên cứu phải tự tìm nguồn tài trợ cho APC – thường dao động từ vài trăm đến hàng nghìn USD mỗi bài – họ buộc phải đối mặt với khía cạnh kinh doanh của ngành xuất bản học thuật, điều mà mô hình người đọc/ thư viện trả phí trước đây đã che mờ.
Hạn chế lớn nhất của các cơ sở dữ liệu trích dẫn lớn là quá thiên vị các xuất bản phẩm tiếng Anh và các nghiên cứu từ Bắc Mỹ và Tây Âu. Điều này dẫn đến loại trừ các tạp chí quan trọng ở các khu vực công bố bằng ngôn ngữ địa phương, và củng cố các mô hình thực dân trong sản xuất và phổ biến tri thức.
Các nhà nghiên cứu ở các quốc gia thuộc Nam bán cầu đã cùng với các thủ thư phương Tây và các học giả nghiên cứu về truyền thông học thuật lên tiếng chỉ trích hiện trạng này là “săn mồi” từ lâu. Các hành vi mang tính độc quyền đã dẫn đến việc “ép giá”, cùng với việc kiểm soát độc quyền đối với quyền sở hữu trí tuệ – buộc các học giả và cơ sở giáo dục phải trả phí để được sử dụng cho việc giảng dạy chính công bố của mình.
Ngoài mục tiêu cung cấp quyền truy cập rộng rãi hơn vào các nghiên cứu học thuật, phong trào truy cập mở còn giảm bớt gánh nặng chi phí tạp chí đang ngày càng tăng lên đối với các thư viện, đồng thời cho phép các học giả, các cơ quan chủ quản của họ và các nhà tài trợ nghiên cứu kiểm soát tài sản trí tuệ mà các nhà xuất bản bên thứ ba đang thu lợi khổng lồ.
Dù tích cực hay tiêu cực, một trong những kết quả nổi bật từ chiến dịch thúc đẩy truy cập mở là các nhà xuất bản vì lợi nhuận đã tìm cách thương mại hóa hoạt động xuất bản thông qua phí xử lý bài viết (APC). Các nhà xuất bản hàng đầu cũng nhận thấy cơ hội kinh tế trong việc theo đuổi xu hướng toàn cầu hóa xuất bản bằng tiếng Anh, bằng cách thành lập các tạp chí truy cập mở với mức APC thấp hơn và có vẻ chấp nhận các công trình nghiên cứu ở giai đoạn sớm hơn, thiếu hoàn chỉnh hơn trong phân tích.
Các khung thay thế
Những khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế trong xuất bản học thuật gợi ý nhu cầu cần có các cách tiếp cận khác. Tạp chí học thuật trước hết nên là một công cụ trao đổi tri thức cho các cộng đồng. Do đó, lý tưởng nhất tạo ra ít rào cản nhất để nhiều thành viên nhất trong cộng đồng đó có thể tham gia. Một khía cạnh quan trọng là chi phí, với các mô hình cho phép tác giả công bố mà không cần trả phí APC. SciElo, mô hình hợp tác xuất bản ở Nam Mỹ là một ví dụ tiêu biểu. Trên khắp thế giới, các trường đại học, nhà tài trợ và các hiệp hội đang hỗ trợ nhu cầu trao đổi tri thức bằng cách tài trợ trực tiếp cho các tạp chí, để các tác giả không cần phải trả phí. Những nỗ lực này đã giúp cộng đồng học thuật Nam Mỹ thiết lập các chuẩn mực, đưa việc xuất bản trên các tạp chí địa phương trở thành tiêu chí trong đánh giá thăng tiến hay bổ nhiệm vị trí3.
Một khía cạnh khác là xuất bản bằng các ngôn ngữ bản địa. Dĩ nhiên, các học giả mong muốn ý tưởng của mình tiếp cận được độc giả quốc tế, và hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy tiếng Anh – ngôn ngữ chung trong học thuật tiếng Anh sẽ sớm bị thay thế. Tuy nhiên, các bản tóm tắt song ngữ và công cụ dịch thuật bằng máy hiện nay có thể giúp các học giả tiếp cận kiến thức được viết bằng các ngôn ngữ khác nhau.
Scopus, đã từng đưa vào chỉ mục một số tạp chí truy cập mở, nhưng động thái này bị cộng đồng khoa học chỉ trích và sau đó đã ngừng lại. Chúng tôi cho rằng thật thiếu sót khi quay lưng lại với chính sách truy cập bao trùm với các hình thức xuất bản khác nhau, cần hiểu toàn cảnh hơn về hệ sinh thái xuất bản, miễn là không có sự đánh giá chất lượng ngầm định. Scopus vẫn được coi là thước đo giá trị học thuật cho các hội đồng xét duyệt thăng tiến và bổ nhiệm trên toàn thế giới, và hàng ngàn tạp chí truy cập mở vẫn tuyên bố được đưa vào chỉ mục của Scopus, dù không rõ là thật hay giả (và điều này càng làm phức tạp thêm vấn đề – ND).
Một số quốc gia Nam bán cầu đang tự phát triển các hệ thống riêng để chỉ mục, đánh giá tạp chí và xác định giá trị cho các ấn phẩm học thuật của quốc gia mình thay vì lệ thuộc vào các hệ thống độc quyền toàn cầu. Các quốc gia thuộc ASEAN đã xây dựng các hệ thống thay thế, với Chỉ số trích dẫn ASEAN (ASEAN Citation Index) (hiện đã chỉ mục khoảng 30 tạp chí của Việt Nam, bao gồm cả các tạp chí xuất bản chủ yếu bằng tiếng Việt) và Hanoi National University’s Citation Gate của Đại học Quốc gia Hà Nội hiện cung cấp dữ liệu tác động địa phương, nhưng sức hấp dẫn của các tiêu chuẩn và nền tảng phương Tây vẫn rất mạnh.
Lĩnh vực xuất bản tạp chí học thuật sôi động của Thái Lan phụ thuộc nhiều vào phần mềm mã nguồn mở Hệ thống Tạp chí Mở; THAIJO (Tạp chí Thái Lan trực tuyến) hiện lưu trữ dữ liệu của hơn 1.500 tạp chí học thuật và cơ quan. Trung tâm Chỉ số Trích dẫn Tạp chí Thái Lan được thành lập năm 2001 sau một đánh giá về các chỉ số tác động của tạp chí học thuật Thái Lan, và mang lại cơ sở vững chắc cho hệ thống theo dõi trích dẫn và đánh giá tác động bằng tiếng Thái. Đáng tiếc, Thái Lan gần đây cũng đã chuyển hướng cạnh tranh theo hệ thống xếp hạng toàn cầu, trước áp lực lớn nên các nhà khoa học phải xuất bản trên các tạp chí được Scopus lập chỉ mục, và hệ quả là gia tăng các trường hợp gian lận học thuật.
Indonesia, quốc gia có tỷ lệ xuất bản tạp chí truy cập mở cao thứ hai trên thế giới4, từ lâu đã có một cơ quan nghiên cứu khoa học của chính phủ phụ trách lập chỉ mục và cấp quyền truy cập vào các nguồn tư liệu học thuật, nhưng chưa phát triển một hệ thống đánh giá các ấn phẩm nghiên cứu tương tự Thái Lan. Tại Indonesia, các báo cáo gần đây cũng đã cho thấy nỗi bất mãn và tình trạng tham nhũng học thuật khi các nhà khoa học buộc phải tham gia vào thế giới xuất bản bằng tiếng Anh đầy áp lực.
Điều thú vị là, vào năm 2020, Trung Quốc đã ban hành các chính sách làm giảm đáng kể sự phụ thuộc vào các chỉ số nghiên cứu của Science Citation Index (SCI) trong đánh giá các học giả và trường đại học. Có vẻ như một phần của quyết định này xuất phát từ nhận thức rằng, mặc dù Trung Quốc đạt được thành công lớn trong các bảng xếp hạng quốc tế, nhưng các khoản đầu tư nghiên cứu của họ đã không giải quyết được nhiều vấn đề xã hội trong nước.
Tại Việt Nam, các tạp chí học thuật do các viện hàn lâm khoa học, KHXH&NV của nhà nước, cùng các trường đại học xuất bản, đang ngày càng cạnh tranh trong các chỉ số xếp hạng toàn cầu. Nhiều tạp chí đã xuất bản tóm tắt bằng tiếng Anh và, các bài viết đó đã được xuất hiện trên nền tảng tìm kiếm như Google Scholar và trong một số cơ sở dữ liệu chỉ mục khu vực và quốc tế, bao gồm cả Scopus. Trong các cuộc thảo luận gần đây, các học giả nhiều thâm niên ở Việt Nam bày tỏ lo lắng về việc quyết định sự nghiệp tương lai của các đồng nghiệp mà không có đủ kiến thức về lĩnh vực nghiên cứu của họ. Đối với họ, chỉ số Scopus được coi là một thước đo hấp dẫn, nhưng đối với những người có trình độ tiếng Anh hạn chế, việc đánh giá một đồng nghiệp trẻ xuất bản bằng ngôn ngữ này cũng là một thách thức. Các học giả cũng phàn nàn rằng các lĩnh vực nghiên cứu quan tâm tại Việt Nam không nhất thiết là mối quan tâm của thị trường học thuật toàn cầu, khiến công trình của họ khó được chấp nhận [đăng] hơn.
Áp lực lên các trường đại học tại Đông Nam Á trong việc chạy đua trong một thị trường giáo dục toàn cầu ngày càng cạnh tranh là rất lớn. Các chỉ thị của khối ASEAN về giáo dục đại học yêu cầu hài hòa hóa các thực hành giáo dục để tăng tính lưu động của sinh viên trong khu vực đa ngôn ngữ này – điều này thực chất đòi hỏi việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chung. Khác với khu vực Mỹ Latin, nơi xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha tạo nên một cộng đồng học thuật thống nhất, các quốc gia ASEAN có di sản ngôn ngữ thuộc địa đa dạng, với tiếng Anh chỉ là một trong nhiều ngôn ngữ quan trọng của học giới khu vực. Việc chấp nhận các tạp chí tiếng Anh danh giá và các chỉ mục như SCOPUS làm thước đo chất lượng đã chứng minh là gây ra hệ lụy đối với các nền học thuật không sử dụng tiếng Anh như khu vực ASEAN.
Kinh nghiệm của Trung Quốc mang lại bài học quan trọng: mặc dù việc xuất bản trên các tạp chí tiếng Anh danh giá đã giúp các trường đại học Trung Quốc leo lên các bảng xếp hạng toàn cầu như Times Higher Education Impact Rankings, nhưng điều này chưa chắc đã thúc đẩy được các mục tiêu nghiên cứu và phát triển quốc gia, dù tiến độ đạt được các mục tiêu này là một chỉ số quan trọng trong hệ thống xếp hạng. Điều đó đã cho thấy hạn chế của việc coi các chỉ số chỉ mục toàn cầu như là đại diện cho chất lượng nghiên cứu.
Chính từng quốc gia mới hiểu rõ nhất để đánh giá tác động của các tạp chí và sản phẩm nghiên cứu của chính mình, chẳng hạn mô hình của Việt Nam về xuất bản tóm tắt bằng tiếng Anh trong khi giữ nguyên toàn văn bài báo bằng ngôn ngữ địa phương là một cách tiếp cận để đạt được sự công nhận quốc tế mà vẫn giữ được chủ quyền ngôn ngữ. Cũng có những kênh thay thế khác hỗ trợ cả việc khám phá lẫn đánh giá [học thuật]: các tạp chí phi lợi nhuận của các hiệp hội và tổ chức, kho lưu trữ của các tổ chức, kho lưu trữ bản thảo trước công bố, và các chỉ số [khoa học] của quốc gia/ khu vực.
Những nền tảng này cho phép các cộng đồng học thuật duy trì quyền kiểm soát cả việc phân phối [tri thức] lẫn đánh giá nghiên cứu của họ. Việt Nam nên củng cố các tạp chí trong nước và xây dựng niềm tin vào truyền thông học thuật trong nước, đồng thời sử dụng các chỉ mục chỉ như công cụ khám phá thay vì thước đo chất lượng duy nhất. Bằng cách tập trung vào thúc đẩy chất lượng xuất bản trong nước đồng thời tạo điều kiện khám phá quốc tế thông qua tóm tắt và dữ liệu lớn bằng tiếng Anh, các cơ quan nghiên cứu có thể phục vụ tốt hơn cả cộng đồng nghiên cứu trong nước và trao đổi tri thức toàn cầu. Cách tiếp cận này vẫn giữ được vai trò quan trọng các chỉ mục trong việc giúp tra cứu các công trình học thuật (thay vì được coi là thước đo chất lượng khoa học – ND), đồng thời trả lại chức năng cốt lõi của việc đánh giá chất lượng cho các cộng đồng học thuật có chuyên môn sâu – những người có năng lực tốt nhất để làm điều này. □
Bảo Như dịch
*Về các tác giả:
Liz Bedford là thư viện viên phụ trách xuất bản học thuật tại Thư viện Đại học Washington (vị trí phụ trách xuất bản tại nhiều thư viện nghiên cứu lớn hỗ trợ các nhà nghiên cứu bằng cách theo dõi cơ chế và các xu hướng trong hệ sinh thái xuất bản học thuật).
Judith Henchy chịu trách nhiệm về bộ tài liệu Đông Nam Á tại Thư viện Đại học Washington và đã nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Kể từ năm 2015, bà xây dựng một thư mục các bài báo về Nghiên cứu Việt Nam cho nhóm Nghiên cứu Việt Nam thuộc Hiệp hội Nghiên cứu châu Á, sử dụng phần mềm quản lý trích dẫn Zotero: https://www.zotero.org/groups/479046/vsg_public/library.
**Tiêu đề do tòa soạn đặt.
Chú thích:
1. “Cảnh giác với những tạp chí “ăn xổi”,” 18-06-2020. https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/canh-giac-voi-nhung-tap-chi-an-xoi-25292/
2. Crotty, D. “Quantifying Consolidation in the Scholarly Journals Market” The Scholarly Kitchen, 30 October 2023. https://scholarlykitchen.sspnet.org/2023/10/30/quantifying-consolidation-in-the-scholarly-journals-market/
3. Boukacem-Zeghmouri, C. (2023). How universities can assist in foiling predatory journals. Nature (London), 620(7974), 469–469. https://doi.org/10.1038/d41586-023-02553-1
4. See Curtin Open Knowledge Initiative: https://openknowledge.community/dashboards/coki-open-access-dashboard/
Bài đăng Tia Sáng số 23/2024