Thụy Điển: Cú chuyển mình trong bối cảnh mới
Ở Thụy Điển, ngành công nghiệp dược phẩm đã thực sự sụt giảm nhưng chính điều đó thúc đẩy một hệ sinh thái mới xuất hiện với những cơ hội mới cho lĩnh vực y tế điện tử và khoa học vật liệu.
Trung tâm nghiên cứu Máy gia tốc châu Âu sẽ đi vào hoạt động năm 2023. Nguồn: giasweden.com
Các vụ sáp nhập, tiếp nhận và tái cấu trúc là một phần của tiến trình phát triển ngành công nghiệp dược phẩm Thụy Điển. Các thị trường không ngừng lớn mạnh rồi lại co cụm, những biện pháp điều trị mới được phát triển và ưu tiên của các công ty đều thay đổi. Công việc được tạo ra, chuyển đổi và biến mất.
Đó là điều đã xảy ra tại AstraZeneca- một công ty dược phẩm được thành lập năm 1999 thông qua vụ sáp nhập giữa Astra AB (Thụy Điển) và Zeneca Group (Anh), sản phẩm chủ yếu tập trung vào ung thư, tim mạch, đường tiêu hóa, hô hấp, viêm, khoa học thần kinh và bệnh lây nhiễm: 600 người bị mất việc làm khi công ty đóng cửa hệ thống nghiên cứu ở Lund, Thụy Điển vào năm 2011. Khi làn sóng này lan rộng, người ta coi đó như một trong những bằng chứng về dấu hiệu rình rập của cái chết một ngành công nghiệp địa phương.
Bảy năm sau, dẫu cho ngành công nghiệp dược phẩm Thụy Điển vẫn chưa phục hồi thì nhiều người lại thấy một bức tranh rộng hơn với những dấu hiệu tích cực mới xuất hiện. Một số cơ sở nghiên cứu về khoa học vật liệu mới ở Lund được chờ đợi sẽ mở ra những viễn cảnh tươi sáng của lĩnh vực nghiên cứu này.
“AstraZeneca đã để lại một ‘lỗ đen’ lớn trong một đất nước nhỏ”, Tina Persson- một người chuyên đảm trách các khóa cung cấp kiến thức và kỹ năng làm việc trong môi trường công nghiệp cho các nhà nghiên cứu ở Stockholm, ví von. “Cảm giác của tôi là mọi thứ đang phát triển trở lại nhưng tạo ra một môi trường mới với rất nhiều startup và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô nhỏ. Những người tìm việc trong môi trường này cần hiểu văn hóa làm việc đã thay đổi, do đó họ phải có những kỹ năng làm việc mới phù hợp với yêu cầu”.
Thụy Điển có một truyền thống coi trọng đầu tư vào R&D: Thụy Điển đứng hạng 5 thế giới với 3,4% GDP đầu tư cho khoa học. Điều này giải thích tại sao đất nước này đứng thứ hai sau Hàn Quốc trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo của Bloomberg năm 2017 (Bloomberg Innovation Index). Các nhà hoạch định chính sách từng lo ngại rằng việc đầu tư này không phải lúc nào cũng đi kèm với việc tạo ra các doanh nghiệp và việc làm, Åsa Lindholm Dahlstrand – nhà nghiên cứu về đổi mới sáng tạo tạo trường Đại học Lund nhận xét. Dẫu sao, điều này dường như đang thay đổi vì Thụy Điển đang trong xu hướng suy giảm lớn về ngành dược phẩm và vì họ đang trong những cú chuyển mình về văn hóa trên diện rộng.
“Phần lớn người Thụy Điển có thói quen tìm kiếm một công việc lâu dài trong một công ty đa quốc gia lớn, và chúng tôi cũng yếu về tinh thần kinh doanh”, Lindholm Dahlstrand nói. “Phải mất một thời gian dài để chúng tôi làm quen với hoàn cảnh mới, tuy nhiên văn hóa đang được hình thành với xu hướng ngày càng cá nhân hơn. Chúng tôi đã thấy một số lượng lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang ngày một nhiều lên”. Những quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ của Thụy Điển đang được khuyến khích.
Phát triển y tế điện tử
Một lĩnh vực được coi có sức phát triển nhanh là y tế điện tử (e-health) – một lĩnh vực rất rộng bao gồm cả hồ sơ y tế điện tử, hội chẩn y tế ảo (virtual health-care consultations), các hệ thống IT y tế và các dịch vụ y tế từ xa qua internet (telemedicine). Thụy Điển là một xã hội có mức kết nối rất cao: năm 2016, 93% cư dân truy cập internet, 79% mua sắm online và 77% có điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay – tất cả các chỉ số này đều ở trên mức trung bình của châu Âu.
Thị trường dành cho các bác sỹ ảo đang được trải rộng, với hai công ty – Min Doktor tại Mälmo và KRY tại Stockholm – sử dụng các dịch vụ giọng nói, video và văn bản để góp phần cắt giảm chi phí y tế của các nhà cung cấp. Vào tháng 3/ 2017, 13.000 cuộc hội chẩn y tế số được thực hiện tại Thụy Điển thông qua một hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng. “Chúng tôi đang thấy sự tăng trưởng nhanh chóng của các công ty và sáng kiến về y tế số”, Nima Jokilaakso nói. Chị là nhà quản lý dự án về y tế điện tử tại Swecare ở Stockholm – dự án thu hút sự tham gia của cả lĩnh vực công và tư với mục tiêu thúc đẩy y tế Thụy Điển và tăng lượng xuất khẩu các mặt hàng liên quan đến khoa học sự sống.
Vào năm 2016, chính quyền Thụy Điển và Hội các nhà chức trách vùng và địa phương Thụy Điển đã thông qua một mục tiêu đưa đất nước này dẫn đầu toàn cầu về y tế điện tử vào năm 2025. Dẫu sao, Jokilaakso cho rằng các nhà chính trị không thành công trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh doanh thương mại y tế điện tử. “Họ muốn chứng tỏ là họ quan tâm đến lĩnh vực này nhưng lại không có đầu tư hay kế hoạch kết nối với những vấn đề mà các công ty y tế điện tử đang chờ đợi.” Những vấn đề mà Jokilaakso nhắc đến là các rào cản pháp lý và sự ngăn cản chính trị để kiếm lợi nhuận từ y tế.
Cuộc cạnh tranh giữa giới nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu trong ngành công nghiệp có thể vẫn còn tồn tại nhưng y tế điện tử và một trong những lĩnh vực mà cánh cửa luôn mở cho những ai sẵn sàng có sự thay đổi linh hoạt trong cách nghĩ. Ví dụ các công ty đặt hàng các bác sỹ ảo và các dịch vụ y tế qua internet luôn cần các chuyên gia cho những hoạt động tư vấn qua điện thoại của họ, và do đó cần thuê cả những nghiên cứu sinh tiến sỹ y khoa. “10 năm trước, không cần thiết người phụ trách hoạt động đó là các tiến sỹ nhưng giờ thế giới đang trở nên ngày càng kỹ thuật và hiện đại hơn”, Persson nói.
Các mạng lưới việc làm
Có sự khác biệt trong thị trường việc làm ở ba thành phố lớn nhất Thụy Điển (Stockholm, Gothenburg và Mälmo). Tại Stockholm, Persson nói, vai trò của R&D thường chiếm ưu thế trong các công ty vừa và nhỏ cũng như trong các trường đại học. Ở đây có yêu cầu cao về những tiến sĩ toán học và vật lý để làm việc cùng các nhà khoa học dữ liệu và phân tích dữ liệu trong ngành công nghiệp tài chính. Persson cho rằng có một số lượng lớn các nhà nghiên cứu tìm việc tư vấn cho các công ty, và những người khác chuyển đổi kỹ năng để liên kết với vai trò trong bán hàng, marketing và điều hành.
AstraZeneca vẫn còn một trung tâm R&D tại Mölndal, gần Gothenburg, nơi các nhà nghiên cứu tập trung vào bệnh tim mạch, trao đổi chất và bệnh hô hấp cũng như viêm nhiễm và miễn dịch. Các công việc tại Mälmo-Lund đều tập trung ở trường Đại học Lund và các công ty nhỏ, các startup như công nghệ y tế và y tế điện tử. Việc tạo ra một mạng lưới kết nối tất cả các công việc trong các công ty này đóng vai trò hết sức quan trọng.
“Với những người nước ngoài đến Thụy Điển và nói rằng thật khó để kiếm được việc làm tại đây, tôi thường giải thích rằng Thụy Điển là một đất nước nhỏ với những mạng lưới nghề nghiệp cũng rất nhỏ. “Mẹo” tìm được việc là phải hòa nhập với cuộc sống và văn hóa ở đây”, Persson nói và đề xuất một trong những giải pháp là tham gia vào các hoạt động của Thụy Điển, tới các cuộc gặp gỡ và tận dụng các mối quan hệ, thậm chí là quan hệ qua các nhóm trên Facebook.
Nghĩ lớn hơn
Thụy Điển đang chờ đợi trong tương lai gần sẽ có nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài tới làm việc tại đất nước mình nhiều hơn, nhờ sự phát triển của hai cơ sở nghiên cứu tầm cỡ thế giới ở Lund.
MAX IV là một nguồn bức xạ synchrotron được mở cửa vào năm 2016, khi được vận hành đủ công suất sẽ đạt tới mức gấp 100 lần so với những cỗ máy gia tốc khác. Synchrotron là máy gia tốc hạt sử dụng nam châm để điều hướng các electron quanh một ống chân không hình tròn với vận tốc gần vận tốc ánh sáng khiến chúng có thể chiếu ra những tia X năng lượng cao.
Mikael Eriksson – một giáo sư Thụy Điển và nhà sáng chế của ba cỗ máy synchrotronMAX: MAX IV với vòng tròn có đường kính 528m đẩy các electron lại gần nhau và tạo ra các xung tia X sáng hơn những cỗ máy trước. MAX IV cũng còn có một vòng tròn khác nhỏ hơn và một gia tốc tuyến tính dành cho những loại thí nghiệm khác. Nó sẽ được dùng để nghiên cứu về vật liệu với những yêu cầu chi tiết tỉ mỉ hơn trước đây như khám phá về những phản ứng hóa học trong các loại pin, cấu trúc chính xác của các hạt nano và những cơ chế của các loại thuốc mới.
Năm 2019, thiết bị này được đưa vào sử dụng và người ta ước tính có khoảng 2.500 nhà nghiên cứu mỗi năm chờ đợi sử dụng nó. “Tôi nghĩ MAX IV sẽ làm cho Thụy Điển và khu vực xung quang phát triển như cách CERN đã làm với Thụy Sỹ”, Søren Bregenholt, phó chủ tịch công ty dược phẩm Novo Nordisk của Đan Mạch, liên hệ MAX IV với cỗ máy gia tốc hạt lớn ở gần Geneva. “Nó sẽ thu hút được rất nhiều nhà nghiên cứu và tập trung sự phát triển vật liệu và vật liệu y sinh.”
Cũng đang được xây dựng ở Lund là Trung tâm nghiên cứu đa ngành European Spallation Source – được dự báo là một trong những nguồn xung neutron mạnh nhất thế giới, sẽ được mở cửa vào năm 2023. Cơ sở nghiên cứu này sẽ bao gồm một máy gia tốc proton 600m có khả năng tạo ra những chùm tia neutron hai bậc của độ sáng hơn tất cả các máy gia tốc hiện có. Trường Đại học Lund, trường Đại học Công nghệ Chalmers tại Gothenburg và trường Đại học Uppsala tuyển nhiều nhà nghiên cứu có kinh nghiệm sử dụng các công cụ hàng đầu thế giới về khoa học vật liệu. “Chúng tôi đang thấy các trường đại học này tuyển những vị trí mới về vật liệu từ và hóa xúc tác ở các trung tâm lớn,” Tomas Lundqvist, giám đốc khoa học tại MAX IV, nói.
Thanh Nhàn dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-03805-1