Tỉ lệ thành công trong đề bạt chức danh khoa bảng và sự mất cân đối giới tính
Năm nay (2010), Việt Nam có thêm 578 người được phong chức danh giáo sư / phó giáo sư.  Theo thống kê, tính từ năm 1980 đến nay, Việt Nam đã phong chức danh GS/PGS cho gần 9000 người, trong số này có 1407 người với chức danh giáo sư. 
Nữ ít hơn nam !
Số ứng viên nữ vẫn thấp hơn nam. Theo thống kê, năm nay chỉ có 20% GS/PGS được đề bạt là nữ, và tỉ trọng này giảm khoảng 8% so với năm ngoái. Tuy nhiên, tỉ trọng nữ giới trong tổng số GS/PGS nữ trong vòng 5 năm qua dao động trong khoảng 18 đến 28%, chưa bao giờ vượt qua con số 30%.
Ở nước ngoài, tỉ trọng nữ GS/PGS có xu hướng cao hơn Việt Nam. Số liệu của Úc cho thấy nữ GS/PGS chiếm khoảng 15-25% tổng số GS/PGS tại các đại học. Ở Đại học Melbourne (một đại học lớn vào hàng thứ 2 của Úc), trong thời gian 1998-2005, trong số 330 GS/PGS được đề bạt, có 32% (n = 107) là nữ, và tỉ trọng này đang gia tăng trong thời gian gần đây.
Càng lên cao, số nữ giáo sư càng ít. Chẳng hạn như trong năm 2010, trong số 507 ứng viên được đề bạt chức danh PGS, có 21% là nữ. Nhưng khi lên chức danh GS, trong số 71 ứng viên được đề bạt, chỉ có 10% là nữ!
Tình trạng nữ thấp hơn nam cũng thấy ở Úc. Thật vậy, phân tích dữ liệu của ĐH Melbourne cho thấy tỉ trọng nữ PGS trong tổng số PGS được đề bạt là 39% (94 / 240); tuy nhiên, tỉ trọng này ở cấp GS chỉ 12% (13 / 90). Tỉ trọng ở ĐH Melbourne cũng là tỉ trọng hay thấy trong các đại học phương Tây.
Tỉ lệ thành công
Năm nay có 941 ứng viên xin chức danh GS/PGS, nhưng có 578 ứng viên được phong, với tỉ lệ thành công là 61%. Tỉ lệ này có phần cao hơn so với năm ngoái (57% hay 669 / 1167).
Tỉ lệ thành công dao động tùy vào bậc chức danh. Đối với chức danh PGS, tỉ lệ thành công năm 2010 là 86% (507 thành công trong số 770 ứng viên), cao hơn so với năm 2009 với tỉ lệ thành công là 60% (604 / 1004). Đối với chức danh GS, tỉ lệ thành công năm 2010 là khoảng 42% (71 / 171), tương đương với tỉ lệ năm 2009 (65 / 164).
Những tỉ lệ thành công trên so với nước ngoài ra sao? Ở Úc, chỉ có trường Đại học Melbourne làm thống kê về tỉ lệ thành công trong các kì đề bạt chức danh khoa bảng [1]. Do đó, để trả lời câu hỏi này tôi truy tìm thống kê của Đại học Melbourne. Trong thời gian 8 năm (1998 – 2005), ĐH Melbourne có 333 ứng viên xin đề bạt chức danh PGS, trong số này có 240 ứng viên thành công, tức tỉ lệ 72%. Trong cùng thời gian, có 218 ứng viên chức danh GS, nhưng chỉ 90 người thành công, tức tỉ lệ thành công là 41%.
Như vậy, tỉ lệ được đề bạt chức danh GS ở VN rất tương đương với tỉ lệ ghi nhận tại ĐH Melbourne. Tuy nhiên, đối với chức danh PGS, tỉ lệ của Việt Nam cao hơn ĐH Melbourne đến 14% (Xem bảng so sánh dưới đây).
Chức danh |
Tỉ lệ (%) thành công (được đề bạt) tại |
|
Việt Nam |
ĐH Melbourne |
|
Phó giáo sư |
86 |
72 |
Giáo sư |
42 |
41 |
Số liệu của Việt Nam không cho biết tỉ lệ thành công trong đề bạt chức danh GS/PGS theo giới tính. Tuy nhiên, số liệu của ĐH Melbourne cho thấy nữ có tỉ lệ thành công cao hơn nam ở cả 2 cấp khoa bảng. Ở cấp PGS, trong số 120 ứng viên nữ, 94 người thành công (tức tỉ lệ 78%), trong khi đó tỉ lệ này ở nam giới là 69% (146 / 213). Ở cấp GS, tỉ lệ thành công ở nữ giới là 50% (13 / 26), cao hơn tỉ lệ ở nam là 40% (77 / 192).
Tại sao nữ có tỉ lệ thành công cao hơn nam? Chưa thấy có ai chỉ ra nguyên nhân, nhưng một phân tích mới đây [2] cho thấy nữ ứng viên phải chịu sự kì thị của cả hai giới. Ở cấp PGS, nữ ứng viên có xác suất thành công thấp nếu hội đồng xét duyệt có nhiều nữ thành viên. Nhưng ở cấp GS, nữ ứng viên có xác suất thành công thấp nếu hội đồng xét duyệt có nhiều nam thành viên. Nói cách khác, nữ ứng viên có xu hướng bị chính đồng nghiệp nữ … kì thị nếu họ xin đề bạt ở cấp thấp, nhưng nếu họ xin đề bạt ở cấp cao nhất (GS) thì họ lại bị nam giới kì thị.
Những số liệu trên đây cho thấy 2 xu hướng quan trọng. Thứ nhất, độ phân phối GS / PGS ở Việt Nam có phần mất cân đối so với nước ngoài. Chẳng hạn như cứ 1 GS ở VN có hơn 7 PGS, trong khi đó ở Úc, tỉ số này là 2.7. Nói cách khác, tỉ trọng GS trong tổng số GS/PGS ở VN là 12%, còn ở Úc là 27% (con số 27% này cũng tương đương với Anh và Mĩ). Sự khác biệt này dẫn đến câu hỏi về sự phân phối tiêu chuẩn cho chức danh GS và PGS ở Việt Nam.
Thứ hai là sự hiện diện của nữ giới trong thành phần giáo sư và giáo sư còn khiêm tốn. Chỉ có khoảng 1/5 GS/PGS được đề bạt là nữ, trong khi con số này ở nước ngoài là 1/3. Điều đáng nói là ở bậc khoa bảng càng cao (như GS chẳng hạn), sự hiện diện của nữ giới càng thấp. So sánh với nước ngoài, tỉ trọng nữ giới trong số GS càng thấp hơn. Tuy chưa rõ lí do tại sao có sự mất cân đối nam nữ, và cũng chưa có bằng chứng kì thị ở Việt Nam, nhưng thiết tưởng đây là một đề tài cần có thêm nghiên cứu để giảm sự mất cân đối này.
Chú thích:
[1] Academic Promotion at the University of Melbourne: An Analysis by Gender. University of Melbourne 2005.
[2] N. Zinovyeva và M. Bagues. Does gender matter for academic promotion? Evidence from a randomized natural experiment. May 1, 2010.