Tiếp tục hoàn thiện Nafosted theo hướng nâng cao chất lượng đề tài khoa học

Ngày 21/7, Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia NAFOSTED (Quỹ) đã tổ chức hội nghị Triển khai đánh giá xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên năm 2012 để ghi nhận những kết quả đã làm được trong 3 năm qua và trao đổi về những điều chỉnh cần thiết cho sự phát triển của Quỹ trong giai đoạn tới.

Thành công rõ rệt nhất của Quỹ là thúc đẩy số lượng công bố quốc tế trong khoa học tự nhiên. Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, làm phép so sánh: trong giai đoạn 3 năm trước khi Quỹ đi vào hoạt động, trong số hơn 1000 đề tài được xét cấp kinh phí thì kết quả đạt được chưa tới 200 công bố quốc tế, nhưng trong 3 năm hoạt động, qua 1000 hồ sơ xét duyệt, Quỹ đã duyệt 223 đề tài, và tuy chỉ mới đánh giá kết thúc 129 đề tài nhưng đã có tới 547 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế trong danh sách ISI. Đây là căn cứ để thấy rằng “Quỹ đã đi đúng hướng, và đem lại kết quả rõ ràng”, và đem lại “một sân chơi cho những nhà khoa học thực sự làm khoa học”, Thứ trưởng Lê Đình Tiến khẳng định.

Ông cũng nhìn nhận rằng việc Quỹ đặt ra yêu cầu công bố quốc tế là một “cú hích”, tạo “sức lan tỏa” tới các trường đại học và viện nghiên cứu, và hiện nay đã bắt đầu có những trường, viện, cũng yêu cầu các đề tài phải đem lại kết quả cụ thể là những công bố quốc tế. Bên cạnh đó, tiêu chí về công bố quốc tế cho các đề tài khoa học, sự công khai minh bạch của các thủ tục và khả năng dễ dàng truy cập theo dõi trên internet, đã giúp Quỹ nâng cao sự chặt chẽ, dần tiếp cận được với các mô hình quản lý chuẩn mực quốc tế, tạo cơ sở để tăng cường hội nhập quốc tế trong khoa học qua các mối quan hệ hợp tác với các quỹ nước ngoài. Thứ trưởng Lê Đình Tiến cho biết, hiện nay Quỹ đã bước đầu có sự hợp tác với một quỹ khoa học của Bỉ và dự kiến sẽ tiến tới tổ chức những hội đồng khoa học có sự tham dự từ các nhà khoa học của cả hai quốc gia.

Một thành công khác của Quỹ qua 3 năm qua là dần dần tăng tỷ lệ tham gia đề tài của các nhà khoa học trẻ. Số liệu trong bài trình bày tại hội nghị của ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ cho thấy, từ năm 2009 đến nay, tỷ lệ đề tài đăng ký của các nhà khoa học trẻ tăng từ dưới 3% lên 38%. Theo GS.TS Phạm Hùng Việt từ Đại học Quốc gia  Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học ngành hóa, hoạt động của Quỹ đã đem lại một nguồn kinh phí không nhỏ làm động lực giúp những nhà nghiên cứu trẻ đào tạo từ nước ngoài tiếp nối được mạch nghiên cứu khoa học khi về nước. Ông cho rằng mức tài trợ 500-600 triệu VND cho mỗi đề tài là “rất quý” đối với các nhà khoa học trẻ, giúp họ yên tâm công tác và duy trì được hoài bão cống hiến cho khoa học. Ngoài ra, sự có mặt của các nhà khoa học trong các hội đồng khoa học ngành của Quỹ, trong đó có người sinh năm 1977, được ông đánh giá là “một tín hiệu đáng mừng”.

GS. TSKH Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Toán của Quỹ, đánh giá cao về mô hình và hoạt động của Quỹ, coi đây là “một cuộc cách mạng trong đánh giá và hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học”. Theo ông, mô hình tổ chức của Quỹ đã thu hút được các nhà khoa học tích cực tham gia đóng góp trong các hoạt động hội đồng khoa học ngành, phản biện, và những cuộc làm việc, trao đổi trực tiếp với các nhà quản lý Quỹ. “Các nhà khoa học coi Quỹ là ngôi nhà của mình, đây là điều rất hiếm có”, ông nói. 

Kiến nghị về tài chính

So với các mô hình quản lý trước đây, có thể coi Quỹ là một mô hình tiến bộ về cơ chế và thủ tục tài chính, nhưng các nhà khoa học cho rằng như vậy vẫn chưa đủ. GS.TSKH Ngô Việt Trung nói rằng vẫn còn nhiều khó khăn cho các nhà khoa học khi phải làm việc với các cơ quan kiểm toán và quản lý về tài chính vì những cơ quan này không hiểu đúng về đặc thù nghiên cứu khoa học.

Ông cũng đánh giá rằng mức lương chủ nhiệm đề tài khoảng 10 triệu VND/tháng mới chỉ tương đương đương với thu nhập tháng của một cử nhân giỏi khi ra trường, vẫn chưa tương xứng với công sức của nhà khoa học. Ngoài ra, ông khẳng định rằng việc thu hồi kinh phí trong trường hợp không hoàn thành đề tài là không nên, không phù hợp với thông lệ quốc tế, nếu có thì chỉ nên thu hồi khoảng 10%, vì sự rủi ro mang tính khách quan trong nghiên cứu khoa học là không tránh khỏi. Ví dụ trong ngành toán, ông nói, “không ai dám nói trước mình sẽ nghiên cứu ra được kết quả”.

Cùng quan điểm cho rằng nguồn kinh phí cấp cho các đề tài cần điều chỉnh phù hợp với đặc thù của từng ngành, TS Lê Hữu Song, Bác sĩ Bệnh viện TW Quân đội 108, thành viên Hội đồng Khoa học sự sống – y sinh dược học, cho rằng kinh phí hiện nay cấp cho thuê khoán chuyên môn làm tạm đủ, nhưng phần cấp để làm các thí nghiệm cho những đề tài mang tính thực nghiệm thì còn hạn chế, thậm chí chưa đủ để các nhà nghiên cứu mua nguyên vật liệu. Làm nghiên cứu thực nghiệm để ra 1 bài báo/năm đã là khó vì riêng thời gian làm thực nghiệm có khi đã mất cả năm trời, để ra 2 bài báo càng khó hơn, trong khi kinh phí lại thấp, TS Lê Hữu Song chia sẻ. Theo ông, hiện nay có nhiều nhà khoa học mong muốn nhưng không dám đăng ký đề tài với Quỹ, vì kinh phí từ Quỹ chưa đủ để làm nghiên cứu mà họ mong muốn.

TS. Phạm Văn Hùng ngành công nghệ sinh học, Đại học Quốc tế – ĐHQG TP.HCM, thành viên Hội đồng KH ngành khoa học sự sống – sinh học nông nghiệp kiến nghị rằng Quỹ nên cân nhắc tạo những nguồn kinh phí cho các tiến sĩ mới ra trường làm nghiên cứu hậu tiến sĩ (postdoc) giống như thông lệ chung ở nhiều nước trên thế giới, nhằm khuyến khích các nhà khoa học trẻ khi họ mới chập chững bắt đầu con đường nghiên cứu khoa học. Cùng có quan điểm này, GS.TS Đào Tiến Khoa ngành vật lý hạt nhân của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, thành viên Hội đồng khoa học ngành vật lý của Quỹ chia sẻ rằng cách đây ít ngày, một nhà nghiên cứu trẻ người Ấn Độ muốn xin làm postdoc với ông nhưng Việt Nam chưa có nguồn kinh phí cho những đối tượng này. Ông kiến nghị rằng nên có những nguồn kinh phí tuy không cần nhiều nhưng đủ để khuyến khích những nhà khoa học trẻ không phân biệt quốc tịch đến nghiên cứu và làm việc tại Việt Nam.

Xung quanh những tiêu chí về số lượng và chất lượng

Hội nghị có những ý kiến trái chiều liên quan tới yêu cầu về số lượng công bố cho mỗi đề tài. GS. Phạm Hùng Việt cho rằng các nhà khoa học làm việc tại các viện nghiên cứu chuyên ngành do không phải tham gia công tác giảng dạy nên cần được yêu cầu cao hơn về số lượng công bố quốc tế. GS.TSKH Ngô Việt Trung thì kiến nghị các ngành khoa học xã hội cũng cần xem xét áp dụng tiêu chí về công bố quốc tế để có thể dần hội nhập với những chuẩn mực chung của cộng đồng khoa học thế giới. 

Đối với ngành toán, ông cho rằng đòi hỏi 2 bài công bố trên tạp chí ISI cho mỗi đề tài là khá cao. Ở Việt Nam một nhà nghiên cứu công bố được 1 đề tài trong vòng 2 năm đã có thể được coi là nhà toán học, ông chia sẻ. Đáp lại quan điểm này, Thứ trưởng Lê Đình Tiến khẳng định rằng việc Quỹ đặt ra yêu cầu 2 công bố quốc tế cho mỗi đề tài là nhằm khuyến khích các nhà toán học tăng cường hợp tác với nhau thay vì làm việc riêng lẻ, để tăng được số lượng công bố quốc tế, qua đó góp phần hình thành nên những nhóm nghiên cứu mạnh.

Ông cũng khẳng định rằng trong thời gian tới, Quỹ sẽ không chỉ đòi hỏi số lượng công bố quốc tế cho mỗi đề tài mà còn nâng cao yêu cầu về chất lượng nghiên cứu, ví dụ như bổ sung đánh giá dựa trên tiêu chí ảnh hưởng của bài báo (impact factor). Nhất trí với quan điểm này, GS.TS Phạm Hùng Việt cho rằng việc thẩm định chất lượng các đề tài hiện nay còn khá nương nhẹ, trong giai đoạn tới sẽ phải “chặt tay hơn”. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng việc áp dụng tiêu chí impact factor phải linh hoạt theo đặc thù ngành. Yêu cầu impact factor của ngành sinh học phải trên 5, ngành hóa thì 5 là bình thường, trong khi ngành toán thông thường chỉ là 1, ông nhận định.

GS.TS Đào Tiến Khoa đề xuất rằng các tiêu chí về chất lượng nghiên cứu cần đảm bảo tính công bằng và sâu hơn về chuyên môn, có thể phân thành 3 mức A, B, C. Kinh phí thuê khoán chuyên môn nên gắn liền với những mức độ chất lượng khác nhau này theo đánh giá của hội đồng khoa học ngành, ông kiến nghị.

Tăng vai trò của các hội đồng ngành

Sau khi lắng nghe kiến nghị từ các nhà khoa học, Thứ trưởng Lê Đình Tiến  khẳng định rằng sau 3 năm hoạt động, Quỹ sẽ phải điều chỉnh để thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ của mình. Cơ chế tài chính sẽ phải hoàn thiện lại, trong đó sẽ có cơ chế thưởng cho những đề tài xuất sắc, ví dụ như kinh phí thưởng cho những đề tài có impact factor cao. Tuy nhiên, do mỗi ngành khoa học có những đặc thù riêng, nên Quỹ sẽ ngày càng giao thêm quyền cho các hội đồng khoa học ngành trong việc tự xây dựng và áp dụng những tiêu chí đánh giá chất lượng nghiên cứu. Mỗi hội đồng khoa học cần đặt ra những tiêu chí về chất lượng nghiên cứu phù hợp với ngành của mình, giúp đánh giá khách quan đâu là những bài báo xuất sắc, tạo động lực để các nhà khoa học nỗ lực vươn lên. Ông cũng yêu cầu các hội đồng khoa học ngành không chỉ chịu trách nhiệm về đầu vào và đầu ra của các đề tài khoa học mà còn phải dành thời gian bàn về cơ chế, chính sách, chiến lược trong lĩnh vực của mình để ra được đề xuất riêng bằng văn bản với Quỹ. Trên cơ sở đó, Quỹ sẽ tổng hợp trình Bộ KH&CN cùng các cơ quan chức năng để phối hợp xây dựng cho Quỹ những cơ chế và chính sách phù hợp hơn cho hoạt động nghiên cứu của các ngành khoa học.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)