Tiêu chuẩn và tiến trình hội nhập quốc tế của Hội đồng chức danh giáo sư
Bài viết này chỉ tập trung vào hai vấn đề mà dư luận rất quan tâm mà chưa được đề cập nhiều: chất lượng hội đồng, tức là trình độ và phẩm chất của các vị thành viên Hội đồng chức danh giáo sư (HĐCDGS) các cấp; và tiến trình hội nhập quốc tế của việc xét và bổ nhiệm các chức danh cao quý này.
GS.TS Phan Thanh Sơn Nam (ĐHQG TP HCM) được phong giáo sư năm 2015 (trẻ nhất vào thời điểm được phong). Ảnh: VOV.
Từ nhiều năm qua, nhất là từ khi Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS/PGS), dư luận xã hội, nhất là trong giới khoa học (KH), khi ồn ào, lúc âm thầm các ý kiến đa dạng, đa chiều về ‘câu chuyện’ hệ trọng này. Gần đây, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 (QĐ37) về qui định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS/PGS, các ý kiến ấy đã lắng xuống vì nhiều tiêu chuẩn và điều kiện mới đã đáp ứng được mong mỏi và kỳ vọng của giới ‘học thuật’ nước nhà, của xã hội, không còn lạc lõng với thế giới nữa. Ví dụ, (i) về tiêu chuẩn, chúng ta đã lấy năng lực nghiên cứu KH và năng suất KH của đội ngũ các nhà giáo cao cấp trong môi trường đại học (GS, PGS) thông qua các ‘thước đo’ quốc tế (công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín) làm tiêu chí hàng đầu; (ii) thủ tục cũng quy chuẩn hơn, như nhiệm kỳ bổ nhiệm chức danh là 5 năm, chấm dứt tình trạng ‘giáo sư suốt đời’; (iii) cứ 5 năm các chức danh cao quý này lại được rà soát, đánh giá lại một lần, chấm dứt hiện tượng bổ nhiệm hình thức, bổ nhiệm cho xong việc; (iv) tiêu chuẩn, điều kiện cũng được áp dụng linh hoạt, không còn tỷ mẩn lẫn lộn giữa điều kiện cần và điều kiện đủ như trước – chỉ cần một điều kiện, tiêu chuẩn ‘cứng’ nào đó không đủ là ứng viên bị gạt ra khỏi ‘cuộc chơi’, nay các tiêu chuẩn, điều kiện đã có thể hoán chuyển cho nhau (thiếu điều kiện này thì có thể bù bằng tiêu chuẩn khác); hay (v) người thẩm định hồ sơ và kết quả thẩm định sẽ được công khai sau khi HĐCDGS nhà nước (NN) công bố kết quả đạt chức danh GS/PGS.
QĐ 37 không thể cặn kẽ, cụ thể và bao phủ được hết những vấn đề mang tính kỹ thuật của việc xét chọn, bổ nhiệm nên đâu đó vẫn còn những băn khoăn và âu lo. Người ta cũng hi vọng rằng ‘Tài liệu hướng dẫn xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS/PGS (Tài liệu hướng dẫn) của HĐCDGSNN sắp ban hành sẽ giải tỏa được phần lớn những âu lo và băn khoăn này.
Chất lượng HĐCDGSNN
Phẩm chất và năng lực thành viên hội đồng
Người ta tin là, chất lượng (phẩm chất và năng lực) của các thành viên hội đồng (HĐ) là yếu tố quan trọng nhất. HĐ thế nào thì chất lượng đội ngũ GS/PGS thế ấy, vì ‘ở bầu thì tròn ở ống thì dài’; phẩm chất và năng lực của các vị cầm cân nảy mực này thế nào thì phẩm chất và năng lực của đội ngũ các GS/PGS của đất nước trong những năm tới sẽ theo đó mà ‘tròn’ hay ‘dài’ theo. Nên thành viên HĐ phải là những người có thành tích chuyên môn và năng suất KH ít nhất cũng phải bằng các ứng viên. Đồng thời, họ còn phải là những nhà giáo, nhà KH có tư cách và phẩm chất được các nhà KH cùng chuyên môn ngưỡng mộ và kính trọng, phải thực sự là tấm gương sáng để các ứng viên và cộng đồng KH học tập và noi theo. Không nên đối với ứng viên thì đưa ra tiêu chuẩn này, điều kiện kia rất cụ thể (định lượng được), còn tiêu chuẩn và điều kiện của các vị thành viên HĐ thì lại chung chung, kiểu như ‘có uy tín chuyên môn KH cao’ – rất khó định lượng, thế nào là cao/ không cao, đo đếm thế nào…? Rồi thì ‘có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí KH quốc tế có uy tín (rất đúng, nhưng chưa đủ; bài báo công bố trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài có tính không?), hoặc là xuất bản ở nhà xuất bản có uy tín trong 5 năm liền kề…’ (Mục 2 Điều 17); vậy thế nào là nhà xuất bản (trong nước) có uy tín? Qui định tù mù thế này là tạo ra ‘lối thoát hiểm’ cho các nhà KH ‘chất lượng thấp’, các giáo sư ‘rởm’ vào HĐ; Nếu không có quy định cụ thể thì rất có thể từ nay đến khi thành lập HDCDGSNN và các HĐ ngành/liên ngành sẽ có không ít ‘nhà KH’ xuất bản sách theo kiểu ‘chạy lụt’!
Ngoài ra, hồ sơ các ứng viên phải được công khai trên website của các cấp HĐ (Mục 3 Điều 11), còn Lý lịch KH của các thành viên trong HĐ chức danh giáo sư thì không cần công khai trên website của các cấp HĐ sao? Đây là điểm yếu cốt tử trong minh bạch thông tin và công khai hóa hoạt động KH của các nhà KH (tất nhiên là không kể các công bố thực sự là bí mật quốc gia, và cả bí mật đời tư nữa). Còn lý sự kiểu ‘huấn luyện viên không cần đá bóng giỏi như cầu thủ nhưng vẫn có thể làm huấn luyện viên’ để biện minh cho qui định này thì hãy để cho xã hội và các nhà KH bình luận. Nhưng rõ ràng là, ‘Tài liệu hướng dẫn’ cần chấm dứt hiện trạng tù mù, bất công và bất hợp lý này, trả lại sự công bằng, minh bạch cho cả thầy (HĐ) và trò (ứng viên), không nên làm xã hội nghi ngờ và cộng đồng các nhà KH thiếu tâm phục khẩu phục vì những qui định như thế.
Cần qui định tiêu chuẩn và điều kiện tối thiểu rõ ràng về chuyên môn, ví dụ như cần phải có tối thiểu bao nhiêu công bố quốc tế trên các tạp chí KH có chỉ số (10 hay 20 bài?) và chỉ số H-index của họ cho đến thời điểm được bổ nhiệm vào HĐ là bao nhiêu (5, 10, 15 hay 20?). H-index là một chỉ số hội nhập quốc tế của KH Việt Nam, không nên lảng tránh chỉ số này mãi, vì nó chứa đựng được cả hai thông tin: số lượng bài báo, chất lượng, tầm ảnh hưởng (số lần được các nhà KH khác trích dẫn) của hoạt động KH, rất cần được bổ sung vào lý lịch KH của các thành viên HĐ, nếu chúng ta thực sự muốn hội nhập quốc tế về KH&CN, về GD&ĐT, nếu chúng ta muốn các HĐ của chúng ta được cộng đồng KH trong nước và quốc tế thừa nhận và tôn trọng. Chỉ cần Thủ tướng công bố danh sách HĐ là giới KH sẽ rào rào mở máy tính ‘search’ vào google scholar, sciencedirect, scopus hay researchgate để biết các vị đức cao vọng trọng này là ai rồi, có muốn ‘trốn’ cũng không thể! Người ta tin là, những HĐ đáng kính ấy sẽ góp phần quan trọng vào việc loại bỏ dần thói háo danh và hư danh, thói khoa trương và gian dối của ‘một bộ phận không nhỏ’ các nhà giáo, nhà KH trong cộng đồng KH nước nhà.
Cơ sở dữ liệu về các nhà KH
Để nâng cao tính minh bạch, tính liêm chính và khả tín của HĐ chức danh các cấp, một trong các việc ‘cần làm ngay’ của HĐCDGSNN và của Bộ GD&ĐT là xây dựng càng sớm càng tốt cơ sở dữ liệu (database) về thành tựu và năng suất KH của các nhà KH Việt Nam (tiến sỹ, GS/PGS) để chọn ra các thành viên HĐ và các nhà thẩm định hồ sơ ứng viên ‘tiềm năng’, có lẽ số lượng cũng chỉ khoảng vài ba trăm người. Công việc này không tốn thời gian và tiền bạc nếu biết kết hợp với Cục Thông tin KH&CN quốc gia của Bộ KH&CN. Các thông tin này là ‘nguồn’ nhân lực bổ sung cho các HĐ (theo Mục 3 Điều 13, các Ủy viên HĐ sẽ được xem xét điều chính, bổ sung thường xuyên hằng năm).
Thành lập và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhân lực KHCN (GS, PGS, TS) trong đó công khai các công bố trong và ngoài nước, lý lịch KH của các GS/PGS, tiến sỹ (đang làm việc và đã nghỉ hưu) giống như Research Gate đang làm; thống kê năng suất KH của các HĐ chức danh, của các cơ sở đào tạo và đơn vị NCKH, và công bố công khai trên mạng. Đây là một cách để từng ngành, chuyên ngành, từng cơ sở giáo dục đại học, từng viện nghiên cứu biết họ đang ở đâu trên ‘bản đồ’ học thuật thế giới và loại bỏ các bài báo ngụy tạo (không ít).
Không nên đối với ứng viên thì đưa ra tiêu chuẩn này, điều kiện kia rất cụ thể (định lượng được), còn tiêu chuẩn và điều kiện của các vị thành viên HĐ thì lại chung chung, kiểu như ‘có uy tín chuyên môn KH cao’ – rất khó định lượng, thế nào là cao/ không cao, đo đếm thế nào…?
Người thẩm định hồ sơ (Điều 22) cũng vậy, thường là vị chủ tịch và thư ký HĐ ngồi phân hồ sơ ứng viên cho các thành viên HĐ thẩm định; nhưng cũng không ít trường hợp phải mời người ngoài HĐ; vì vậy, ngoài qui định các nhà KH này phải là người cùng chuyên môn, cũng cần qui định họ phải đang hoạt động NCKH và đào tạo (để luôn cập nhật thông tin chuyên môn), đồng thời họ cũng cần có các tiêu chuẩn và điều kiện về công bố KH ít nhất như tiêu chuẩn tối thiểu của ứng viên.
Nhìn về tương lai: Của Caesar hãy trả về cho Caesar!
Tháng 3/2016, trường ĐH Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm các chức vụ GS/PGS của họ; việc làm ấy, đã như một cơn ‘địa chấn’, gây ra bao cuộc tranh luận, phần nhiều là phản đối gay gắt cách làm của trường ĐH Tôn Đức Thắng. Thực ra ở nhiều nước phát triển, việc bổ nhiệm chức vụ này là công việc bình thường của các trường đại học. Điều kiện và tiêu chuẩn là do mỗi trường, mỗi khoa xây dựng nên, phù hợp với quá trình phát triển của trường, của khoa, thể hiện đẳng cấp và văn hóa của mỗi khoa, mỗi trường. Sự ‘đi trước’ của Đại học Tôn Đức Thắng có phải là vội vàng không? Điều đó cần thảo luận nghiêm túc và cầu thị để xem xét, nhưng điều đó cũng như một phát súng lệnh báo hiệu cho một thời kỳ mới?
Tuy rằng, ở các nước phương Tây, chỉ còn vài ba nước có HĐCDGSNN, nhưng trong điều kiện cụ thể hiện nay của Việt Nam, chúng ta vẫn cần duy trì HĐCDGSNN, để qui định những vấn đề chung nhất của việc xét, bổ nhiệm và miễn nhiệm này, như việc xác định điều kiện và tiêu chuẩn tối thiểu (điểm ‘sàn’) chẳng hạn. Nhưng cũng nên thí điểm rồi sau đó giao quyền cho các cơ sở giáo dục đại học tự làm công việc xét và công nhận chức danh GS/PGS như cách chính phủ đang làm với Tự chủ đại học vậy. Công việc này cần phải được phân cấp mạnh mẽ hơn nữa theo tiến trình tự chủ; vì hiện nay chưa có qui định nào cho phép các trường được tự xây dựng bộ quy định tiêu chuẩn xét, bổ nhiệm chức vụ GS/PGS của đơn vị; Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học hiện nay mới chỉ được phép thực hiện quy trình bổ nhiệm các chức danh này. Căn cứ để giao thí điểm có thể là (i) đội ngũ (số lượng GS/PGS), (ii) năng suất KH (số lượng công bố quốc tế và tương đương, nhất là trong 5 năm gần nhất), và (iii) sự tự nguyện và quyết tâm của cơ sở giáo dục. Cách làm hiện nay mới chỉ thấy ‘bóng dáng’ tự chủ của các trường qua việc giao quyền cho ‘người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học ra quyết định bổ nhiệm chức danh GS/PGS đối với ứng viên có đủ điều kiện” (Mục 4 Điều 27. “Trình tự xét bổ nhiệm chức danh GS/PGS”).
Điều đầu tiên để nhà nước có thể tin tưởng giao quyền tự chủ việc xét và bổ nhiệm các chức vụ GS/PGS là các cơ sở giáo dục này cần phải có dữ liệu KH về đội ngũ giảng dạy đại học của họ (TS, GS/PGS); để từ đó xây dựng hệ thống tính điểm xét công nhận GS, PGS của riêng họ, ví dụ như 5 điểm cho 1 công bố trên SCI, 3 điểm cho SCIE, 2 điểm cho Scopus, hội thảo quốc tế hoặc hội thảo trong nước có phản biện, ngôn ngữ sử dụng là tiếng Anh được 1 điểm, v.v… Như vậy, bộ tiêu chuẩn của HĐCDGSNN chỉ là ‘khung pháp lý’, còn các trường đưa ra các điều kiện và tiêu chí cao hơn phù hợp với từng ngành, không thể yêu cầu ngành lịch sử có điều kiện và tiêu chuẩn xét, bổ nhiệm, miễn nhiệm như ngành toán, v.v….
Khi ấy, chức vụ GS/PGS mặc nhiên được gắn với tên trường đại học, không còn là GS/PGS ‘cả nước’ nữa; và chỉ khi ấy thì chức vụ GS/PGS mới thực sự gắn với vị trí việc làm, các cơ sở đào tạo bổ nhiệm, sử dụng các ‘vị trí việc làm’ này, và việc các cơ sở giáo dục đại học miễn nhiệm các chức vụ này sẽ là điều bình thường, thể hiện vai trò tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.
Về quy trình, trình tự thủ tục ba cấp HĐ còn khá nặng nề, gây khó khăn cho nhà KH, vì mọi người chưa thấy có sự khác biệt rõ nét giữa 3 cấp HĐ. Sắp tới (sau 5 năm nữa) cũng nên xem xét bỏ một số công đoạn không cần thiết vì có sự trùng lặp giữa HĐCDNN và HĐ ngành, liên ngành. Thiển nghĩ, khi đã có các tiêu chuẩn tường minh của các thành viên HĐ và của các ứng viên rồi, nhất là các tiêu chuẩn về công bố quốc tế, thì cũng nên mạnh dạn giao công việc này về cho các trường, và đó mới là thông lệ quốc tế; khi đó có thể bỏ HĐ ngành, liên ngành. Thời gian qua, đã có những HĐ ngành/liên ngành để lại tai tiếng, chứ không phải HĐ cơ sở. Người ta vẫn truyền tai nhau về HĐ liên ngành nọ, hầu hết thành viên HĐ ko có công bố quốc tế, quá nửa thành viên HĐ không nghe nói được tiếng Anh, đã ‘dũng cảm’ liên tục đánh trượt (bẳng bỏ phiếu và một số qui định nội bộ chẳng giống ai) một số ứng viên có hàng chục công bố quốc tế và trình độ tiếng Anh của họ gần như tiếng mẹ đẻ.
Có người lo rằng, HĐ cơ sở sẽ bình duyệt không nghiêm túc, do cả người xét và ứng viên đều là ‘người nhà’, trong khi tâm lý ‘một trăm cái lý không bằng một tý cái tình’ vẫn đang ngự trị. Nhưng điều đó hoàn toàn có thể bị loại trừ khi chúng ta đã có được bộ các tiêu chuẩn và điều kiện của HĐ và ứng viên tường minh, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, trong đó công bố trên các tạp chí KH chuyên ngành quốc tế có uy tín là tiêu chuẩn bắt buộc. Mặt khác, theo thông lệ quốc tế, thì việc xét phong GS/PGS là việc của các đại học (của HĐ cơ sở như ở ta), họ tự làm việc ấy theo nhu cầu của chính họ. Vì vậy, cần củng cố HĐ cơ sở trên cơ sở các tiêu chuẩn và điều kiện được quốc tế hóa với sự tư vấn, giám sát, kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn… của HĐGS Nhà nước. Người ta mong là, 10-15 năm nữa công việc xét phong chức vụ GS/ PGS là công việc thường niên của các cơ sở giáo dục đại học, không còn tồn tại HĐ ngành và thậm chí là cả HĐ nhà nước nữa.
Để phù hợp với thông lệ quốc tế cũng nên bỏ quy định bắt buộc chủ tịch HĐGSNN là Bộ trưởng, nghe rất hành chính, không biết có bao nhiêu quốc gia trên thế giới này còn qui định như vậy không? Đây là hoạt động nghề nghiệp, hoạt động chuyên môn của cộng đồng các nhà KH thì nên trao lại công việc này cho cộng đồng các nhà KH. Nếu thật cần thiết (như để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đổi mọi hoạt động chẳng hạn), thì về mặt quản lý nhà nước, không thiếu gì cách để Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quản lý hoạt động này, ví dụ như Thủ tướng có thể ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quản lý hay giám sát hoạt động của HĐ GSNN. Cố gắng tránh tối đa lối tư duy ‘hành chính hóa’.