Tìm kiếm mô hình vườn ươm doanh nghiệp ở Việt Nam
Đến đầu những năm 2000, các tổ chức ươm tạo, hay còn gọi là vườn ươm doanh nghiệp, mới xuất hiện tại Việt Nam. Nhưng sau một thời gian nở rộ hồi những năm 2004 – 2008, đến nay các vườn ươm đã rơi vào thời kỳ thoái trào mà khủng hoảng mô hình kết hợp với suy thoái kinh tế được cho là nguyên nhân.
Trong điều kiện đó, vẫn có những vườn ươm đang hoạt động và thu được những kết quả nhất định, đồng thời tìm kiếm cho mình một hướng đi phù hợp với điều kiện Việt Nam.
HBI – đầu tư bài bản với ưu thế về vốn
Công ty Điều hành Vườn ươm doanh nghiệp Hà Nội, vốn thường được biết đến với tên gọi Vườn ươm doanh nghiệp chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội (HBI) là một trong số rất ít các vườn ươm được đầu tư công phu và bài bản tại Việt Nam cho đến nay. Được khởi động từ năm 2003, trong thời kỳ phát triển khá sôi động của mô hình vườn ươm tại Việt Nam, HBI là kết quả của một sự hợp tác quốc tế giữa Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) thông qua “Chương trình hỗ trợ khu vực tư nhân Việt Nam”. Theo đó, HBI được EU tài trợ với cam kết từ phía Việt Nam là sẽ tài trợ nối tiếp cho vườn ươm này tiếp tục hoạt động sau khi gói tài trợ của EU kết thúc.
Theo số liệu do HBI cung cấp, trong giai đoạn từ 2005 – 2008, vườn ươm này đã nhận được 995.160 Euro vốn ODA do EU tài trợ (chưa kể chi phí thuê chuyên gia trong nước và quốc tế) và 16 tỷ đồng vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam. Số liệu này chưa bao gồm 10.000 m2 mặt bằng nhà xưởng, văn phòng làm việc của dự án và lương cán bộ, nhân viên. Trong 4 năm tiếp theo từ 2009 – 2012, dự án tiếp tục nhận được 250.000 Euro từ EU và hơn 1,7 tỷ đồng ngân sách từ UBND TP. Hà Nội.
Kể từ đó đến nay, với các khoản tài trợ từ EU và thành phố Hà Nội, HBI đã đầu tư một hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ trong một khuôn viên rộng tới 10.000 m2 tại khu công nghiệp thực phẩm Hapro. Các doanh nghiệp được ươm tạo ở đây được phép tiếp cận với 10 xưởng sản xuất, mỗi xưởng có diện tích từ 110-240 m2; 5 phòng phát triển sản phẩm, mỗi phòng 13 m2; 1 phòng thí nghiệm vi sinh; 1 phòng thí nghiệm hoá học; 1 phòng thí nghiệm cảm quan; 3 xưởng thực nghiệm sản xuất và chế biến các sản phẩm thực phẩm: thịt, rau quả, các sản phẩm từ sữa; cũng như văn phòng và các trang thiết bị thông tin liên lạc.
Nhờ đầu tư hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ và quy mô như vậy, HBI có khả năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ ở mức độ ưu đãi rất cao cho các doanh nghiệp được ươm tạo. Theo chế độ hỗ trợ của HBI, chi phí cho một mét vuông văn phòng, nhà xưởng tại đây chỉ là 22.000 đ/tháng, trong đó doanh nghiệp được ươm tạo được miễn phí trong 3 tháng đầu tiên và mỗi 3 tháng tiếp theo sẽ lần lượt tăng lên các mức 25%, 50%, 75% và 100%.
Theo bà Trần Thị Châu, Giám đốc điều hành HBI, “Các doanh nghiệp được ưu đãi đến mức gần như chi phí cho hạ tầng họ phải bỏ ra trong thời gian đầu ươm tạo là không đáng kể (doanh nghiệp chỉ phải bỏ ra khoảng 20 triệu đồng/năm để sử dụng mặt bằng nhà xưởng với diện tích 240 m2). Họ được thuê các nhà xưởng, văn phòng, tiếp cận các phòng thí nghiệm với chi phí cho năm đầu chỉ bằng khoảng 30% chi phí thực tế.
Cho đến nay, HBI đã ươm tạo 28 doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến và đóng gói thực phẩm, trong đó 16 doanh nghiệp đã được thương mại hóa các ý tưởng kinh doanh như: các sản phẩm thủy sản (cá đóng hộp, chả cá, chả mực, cá viên, mực viên..); các sản phẩm từ thịt (thịt hộp, xúc xích, thịt hun khói); rượu vang hibiscus, rượu pha chế, rượu vang quả, thạch các loại (sữa chua, rau câu…), bánh kẹo, dầu thực vật, tương ớt, tỏi gia vị, đồ uống, bột cháo dinh dưỡng, rau quả đóng hộp và rau quả đông lạnh xuất khẩu… Các doanh nghiệp này cũng đã tạo ra hơn 500 việc làm và tổ chức đào tạo cho hơn 1500 lượt học viên.
Lý giải cho những kết quả này của HBI trong bối cảnh thoái trào của mô hình vườn ươm ở Việt Nam, bà Trần Thị Châu cho rằng: “HBI được đầu tư bài bản ngay từ đầu, với nguồn tài trợ được đảm bảo bởi EU và sau này là ngân sách nhà nước do UBND TP. Hà Nội phân bổ. Hệ thống cơ sở vật chất đã được xây dựng xong và hiện nay chỉ tập trung vào khai thác”.
Sự tham gia của nhà nước
Trên thực tế, tồn tại một cách phổ biến các vườn ươm có sự tham gia của nhà nước ở các cấp độ khác nhau, kể cả ở Việt Nam và thế giới. Điều này đặc biệt dễ nhận thấy khi xét đến khía cạnh ngân sách hoạt động của các vườn ươm. Đó là lý do mà cho đến nay, hầu hết các vườn ươm doanh nghiệp ở Việt Nam đều là các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, như Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc trực thuộc Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các vườn ươm doanh nghiệp khoa học công nghệ thuộc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách Khoa TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM,…
Tuy vậy, mô hình vườn ươm trực thuộc các cơ quan nhà nước cũng bộc lộ những bất cập lớn khiến cho một số vườn ươm hoạt động không thực sự hiệu quả. Bà Trần Thị Châu cho rằng, “Cần phải có những khảo sát kỹ càng và toàn diện về các vườn ươm hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp của nhà nước, nhưng theo nhận định chủ quan của tôi, tại một số vườn ươm, hầu hết cán bộ làm việc theo cơ chế kiêm nhiệm và không được đào tạo một cách chuyên nghiệp về vườn ươm, do đó, hiệu quả đạt được có thể chưa thực sự như mong muốn. Chuyên môn được đào tạo và mức độ chuyên tâm của nhân viên vườn ươm đóng vai trò rất quan trọng trong sự vận hành của một vườn ươm”.
Trao đổi với Tia Sáng, bà Phạm Lê Nguyên, Giám đốc Vườn ươm 5DESIRE – một vườn ươm hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp 100% vốn tư nhân, nhận định: “Có 3 nguyên nhân khiến cho các mô hình vườn ươm trong khối đơn vị sự nghiệp khó có thể đạt được hiệu quả như mong muốn, đó là rào cản của cơ chế hành chính, sự thiếu động lực phát triển và nguồn lực của vườn ươm không cung cấp được cho các nhóm khởi nghiệp cái họ thực sự cần là kỹ năng quản lý và hiểu biết về thị trường”.
“Nếu với 5DESIRE, chúng tôi có thể quyết định rất nhanh chóng việc ươm tạo, đầu tư cho một dự án thì đối với các vườn ươm trong khối đơn vị sự nghiệp, họ sẽ mất nhiều thời gian hơn trong việc xin phép các cấp có thẩm quyền” – bà Nguyên nói.
Bên cạnh đó, việc sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp theo các chương trình vườn ươm cũng vướng phải những bất cập về mặt nguyên tắc. Tiến sĩ Hồ Sỹ Hùng – Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng: “Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, nên nếu phải dùng nguồn chi ngân sách Nhà nước (do người dân và doanh nghiệp đóng thuế) để hỗ trợ cho một nhóm doanh nghiệp (dẫu đã được lựa chọn khắt khe) là khó nhận được sự đồng thuận rộng rãi, nhất là khi nhận thức về lợi ích của các vườn ươm mang lại còn hạn chế”. (1)
Vai trò tích cực của yếu tố tư nhân
Xuất phát từ những bất cập trên, TS. Hồ Sỹ Hùng nhận định: “Qua thực tế hoạt động và trong điều kiện đang phát triển của Việt Nam hiện nay, mô hình lý tưởng để điều hành vườn ươm doanh nghiệp trong tương lai nên là mô hình thực thể công – tư theo hình thức doanh nghiệp. Điều này là hợp lý và cần thiết để nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ về mặt chính sách, đảm bảo sự phát triển bền vững của vườn ươm và cung cấp những ưu đãi cho vườn ươm như: Miễn/giảm thuế cho các doanh nghiệp ươm tạo, kéo dài thời gian khấu hao cho các tài sản cố định của vườn ươm, khuyến khích các nhà tài trợ cho vườn ươm, tạo điều kiện thuận lợi cho vườn ươm kết nối kinh doanh, tiếp cận tài chính (vốn ngân hàng) cho các doanh nghiệp được ươm tạo”. (2)
Ở một thái cực khác trong việc tìm kiếm một mô hình vườn ươm phù hợp với điều kiện Việt Nam, vườn ươm 5DESIRE lại là một doanh nghiệp thuần túy sử dụng vốn tư nhân và cũng đang thu được những kết quả bước đầu tương đối khả quan, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) và vườn ươm này thu lợi nhuận duy nhất từ phí tư vấn cho các dự án khởi nghiệp.
Trao đổi về những đặc điểm trong mô hình vườn ươm của mình, bà Phạm Lê Nguyên – Giám đốc vườn ươm, cho rằng, “Tôi không nghĩ các nhóm khởi nghiệp ICT cần một chỗ để ngồi, một cái máy chủ để tác nghiệp hay nói cho chính xác thì họ cần sự hiểu biết về đầu tư, kinh nghiệm thị trường và các mối quan hệ hơn là được hỗ trợ về cơ sở vật chất”. Họ có thể có các công nghệ rất tốt, rất triển vọng, họ có thể làm việc ở phòng ngủ hoặc garage ô-tô, nhưng lại rất thiếu các yếu tố liên quan đến quản lý và thị trường. Đó là cái mà mô hình vườn ươm như 5DESIRE muốn tập trung hỗ trợ cho các nhóm khởi nghiệp”.
Cho đến nay, 5DESIRE đã đạt được thỏa thuận với các doanh nghiệp ICT lớn nhất ở Việt Nam như FPT Online, CMC, VCCorp, Vật giá và quỹ đầu tư mạo hiểm Gale Creek. Đầu tháng 4 vừa qua, họ trở thành đối tác chính thức của WebFWD – một chương trình thúc đẩy sáng tạo các dự án mã nguồn mở của tổ chức mã nguồn mở Mozilla (Hoa Kỳ – thường được biết đến với trình duyệt web Firefox). Mối quan hệ này của 5DESIRE có thể mang lại cho các nhóm khởi nghiệp một cơ hội được đào tạo trong 6 tháng (3 tháng ở Việt Nam và 3 tháng tại Hoa Kỳ) và tiếp cận với các nhà đầu tư mà Mozilla giới thiệu. Sau hơn 4 tháng hoạt động, vườn ươm này đã đưa 15 nhóm khởi nghiệp vào quy trình ươm tạo, trong đó có 1 nhóm đã mang lại doanh thu ổn định và chuẩn bị đi vào hoạt động chính thức.
——————
(1) (2) Hình thành và phát triển vườn ươm doanh nghiệp ở Việt Nam – Tiến sĩ Hồ Sỹ Hùng – www.hbi.vn, ngày 26/8/2011.