Tính bản địa, một rào cản cho công bố quốc tế trong ngành KHXH&NV
Khuyến khích và hỗ trợ công bố quốc tế là một điều rất nên làm. Tuy nhiên, cần phải tính đến đặc thù của từng chuyên ngành. Đối với các ngành KHTN, tri thức khoa học tự thân đã có tính quốc tế với các tiêu chuẩn và thước đo quy củ. Nhưng các tri thức của một số ngành KHXH&NV lại thường mang tính bản địa rất cao.
Mặt khác, trên bình diện quốc tế, mỗi tạp chí luôn có “gu” riêng theo từng giai đoạn (tùy thuộc vào tính thời sự của lý thuyết đang thịnh hành, tùy thuộc vào bối cảnh chính trị xã hội của từng quốc gia). Nếu một bài viết mà không viết đúng vấn đề “tạp chí đó quan tâm”, không trúng vấn đề mà quốc gia (có tạp chí) đó đang cần thì dĩ nhiên việc đăng tải là điều rất khó khăn. Muốn “chơi” với họ thì người làm nghiên cứu ở Việt Nam buộc phải thay đổi mối quan tâm của mình (hoặc rộng hơn của đất nước mình) để chiều theo sở thích của họ.
Nói như thế để thấy rằng, một công bố có giá trị trong ngành KHXH&NV không nhất thiết cứ phải là công bố quốc tế. Tuy nhiên, các công bố trong nước hiện đang ở tình trạng “vàng thau lẫn lộn”. Vì vậy, để thẩm định một bài báo khoa học có giá trị hay không, chúng ta không có cách nào khác hơn là nâng cao trình độ năng lực và sự công tâm của các hội đồng khoa học.
Đọc thêm:
+ Không thể “né” mãi (Trần Ngọc Vương)
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=7602
+ Lại bàn về công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí quốc tế: Nhiều chưa hẳn tốt (Phạm Duy Hiển)
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=7596