Tôi chỉ là người giúp việc cho các nhà nghiên cứu

Khi còn sống, GS Phạm  Đức Dương (1930 - 2013) có ý định viết cuốn hồi ký Tôi làm Viện trưởng để “kể lại những kỷ niệm vui buồn, những ngu dốt, ấu trĩ và cả những tâm huyết trong cuộc đời làm quản lý khoa học của mình cho bạn bè, học trò chia sẻ”.  Ước nguyện này của ông không thành là điều rất đáng tiếc.

Những quan điểm, việc làm cùng cách ứng xử với đồng nghiệp của ông trong thời gian ông làm Viện trưởng không chỉ là những kinh nghiệm, bài học rất đáng quan tâm mà còn là tấm gương sáng về đạo đức của nhà quản lý khoa học.

Phân biệt quản lý khoa học và nghiên cứu khoa học

Cho đến nay, một số nhà quản lý khoa học vẫn ngộ nhận mình là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực mình quản lý. Điều này tạo nên nhiều hệ lụy khác nhau và ảnh hưởng đến không chỉ khoa học mà cả xã hội. Trước hết, sự ngộ nhận của nhà quản lý vô hình trung đã làm hạn chế môi trường hoạt động của các chuyên gia nghiên cứu thật sự. Cùng với đó là chất lượng các nghiên cứu trong lĩnh vực sẽ hạn chế. Sự ngộ nhận đó cũng “cướp đi” những chế độ đãi ngộ vật chất mà đáng lẽ các chuyên gia được hưởng để phục vụ nghiên cứu, sáng tạo. Và nguy hại hơn nữa, khi lãnh đạo nhà nước cần ý kiến tư vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn lại tìm nhầm người tư vấn.

Một trong số ít nhà quản lý khoa học tránh được sự nhầm lẫn, ngộ nhận này là GS Phạm Đức Dương. Ông luôn coi mình chỉ là một người đứng ra tổ chức anh em và tạo điều kiện tốt nhất cho họ nghiên cứu khoa học. Chức Viện trưởng như ông quan niệm “cũng chẳng khác gì anh tổ trưởng tổ sản xuất”. Một người bạn của ông lên làm lãnh đạo Ủy ban Khoa học Xã hội đã hỏi ông về kinh nghiệm lãnh đạo sau nhiều năm lãnh đạo viện nghiên cứu, ông cũng chỉ bảo: “Tôi không có kinh nghiệm gì về quản lý cả nhưng thiết nghĩ, anh muốn có khoa học thật sự thì hãy trân trọng các chuyên gia nghiên cứu, sử dụng họ hợp lý và tạo điều kiện để họ sáng tạo, đóng góp cho nền khoa học nước nhà. Hãy bớt hình thức và phân biệt rõ quản lý khoa học và nghiên cứu khoa học. Muốn vậy anh phải biết được ai là những chuyên gia thật sự trong các ngành mà anh quản lý và phải nắm rõ danh sách này để sử dụng họ đúng việc và tạo điều kiện cho họ làm việc tốt hơn”1.

Sử dụng chuyên gia đầu ngành

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh, “Viện Nghiên cứu Đông Nam Á dưới thời Viện trưởng Phạm Đức Dương được coi là thời hoàng kim khi tập hợp được nhiều chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực hội tụ về viện làm việc. GS Phạm Đức Dương có sức hút như một thỏi nam châm lớn hút được các chuyên gia về viện và tạo điều kiện để họ làm việc tốt”2. Sức hút mà Ngô Văn Doanh nói ở đây là thái độ trân trọng đối với các chuyên gia.

Việc GS Phạm Đức Dương tạo điều kiện cho GS Từ Chi và GS Phan Ngọc về làm việc tại viện là một minh chứng điển hình cho quan điểm này.

GS Từ Chi là một nhà dân tộc học được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm nghiên cứu điền dã dân tộc học từ châu Phi đầu những năm 1960. Theo GS Phạm Đức Dương nhận xét thì “với bề ngoài xuềnh xoàng, ăn mặc lôi thôi nhìn như một người hành khất nên ít ai biết được GS Từ Chi chứa đựng một trí tuệ sắc sảo với một vốn tri thức uyên bác. Khi GS Từ Chi về làm công tác tư liệu tại Tổ  Dân tộc học của Ủy ban Khoa học Xã hội, để phục vụ công tác nghiên cứu, ông đã tổng hợp các quan điểm lý thuyết và phương pháp nghiên cứu nhân học của phương Tây để trình bày cho cán bộ trẻ. Một số người đã quy cho ông là “phổ biến các tư tưởng tư sản cho cán bộ trẻ”. Chuyện này gây nhiều khó khăn khiến ông phải xin rời khỏi Tổ Dân tộc học sang Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật.

Khi GS Phạm Đức Dương làm quản lý Ban Đông Nam Á, sau là Viện Đông Nam Á, ông đã mời GS Từ Chi tham gia các chương trình nghiên cứu của Viện, giảng dạy và đào tạo cán bộ cho Viện. Ông cử các cán bộ trẻ như Nguyễn Duy Thiệu, Ngô Văn Doanh… đi theo GS Từ Chi để học tập. Cũng chính sự cộng tác của GS Từ Chi mà các cán bộ trong viện học được về phương pháp nghiên cứu liên ngành, phương pháp và lý thuyết nhân học phương Tây. Không chỉ vậy, GS Từ Chi còn khơi dậy khát vọng và đam mê cho nhiều cán bộ nghiên cứu trẻ ở Viện.

GS Phan Ngọc cũng là một trí tuệ uyên bác, với vốn ngoại ngữ phong phú, ông từng nghiên cứu và dịch thuật nhiều tài liệu và tác phẩm quan trọng, tham gia giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau phong trào Nhân văn Giai phẩm, ông bị đình chỉ công tác giảng dạy và chuyển sang làm tư liệu tại khoa Ngôn ngữ, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Sau hơn hai mươi năm ở lại khoa Ngôn ngữ, ông được giao nhiệm vụ chính là dịch thuật, biên soạn một số tư liệu để phục vụ giảng dạy và có nhiều công trình nghiên cứu nhưng lại không được phép xuất bản (ngay bản dịch Sử ký của Tư Mã Thiên ông cũng phải in dưới tên Nhữ Thành) nên ông cố gắng xin chuyển cơ quan nhưng Đại học Tổng hợp không đồng ý.

Đến năm 1980, khi hai người học trò của GS Phan Ngọc lên làm quản lý khoa Ngôn ngữ, đồng thời ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức của Ủy ban Khoa học Xã hội-vốn là một tín đồ của chủ nghĩa thành phần giai cấp – về hưu thì việc “giải cứu” Phan Ngọc về Viện Đông Nam Á mới được hoàn thành. Từ đó, sự nghiệp nghiên cứu khoa học của GS Phan Ngọc vươn cao khi ông được GS Phạm Đức Dương tạo mọi điều kiện để ông tập trung làm việc. Vậy nên năm 2009, khi GS Phạm Đức Dương đến thăm GS Phan Ngọc ở Mỹ Đình, Phan Ngọc đã ôm lấy ông Dương và nói rằng: “Có Phan Ngọc ngày hôm nay là nhờ có Phạm Đức Dương, ông là ân nhân của đời tôi”3.

Chăm lo đời sống cán bộ

Quan điểm của GS Phạm Đức Dương rất rõ ràng: Muốn các nhà nghiên cứu khoa học tập trung để tìm tòi, sáng tạo và đóng góp cho nền khoa học nước nhà thì người quản lý khoa học phải biết quan tâm, chăm lo đời sống cho các cán bộ nghiên cứu.

Với chuyên gia làm cộng tác viên như GS Từ Chi, ông không thể tạo điều kiện tăng lương được nên phải dùng nhiều cách để giúp đỡ gia đình GS Từ Chi. Trong các chuyến công tác đều cố gắng để GS Từ Chi có một khoản công tác phí cho ông đi điền dã. Đóng góp và chia sẻ từ mọi người để GS Từ Chi có bát bún, chén rượu trong những bữa nói chuyện với các cán bộ viện vào cuối ngày làm việc. Kể cả sau khi GS Từ Chi qua đời, ông và Viện Đông Nam Á cũng cố gắng giúp đỡ bà Tuất – vợ của GS Từ Chi.

Với các cán bộ trong Viện, GS Phạm Đức Dương rất quan tâm đến đời sống mọi người. Lương cán bộ nghiên cứu thời bao cấp rất thấp, đã vậy phải 5 năm mới được xét tăng lương một lần. Vậy nên khi về Viện Đông Nam Á, GS Cao Xuân Phổ dù là một nhà nghiên cứu kỳ cựu nhưng vẫn chỉ được hưởng lương cán sự 3 (tương đương sinh viên mới tốt nghiệp). GS Phạm Đức Dương đã trao đổi với cán bộ trong viện là cán bộ trẻ cố gắng chịu thiệt một ít để nhường cho các cán bộ lớn tuổi hơn tăng lương trước. Nhờ vậy mà ông đưa lương của GS Cao Xuân Phổ từ cán sự 3 lên lương chuyên viên và khi nghỉ hưu là chuyên viên bậc 5. Để thực hiện được ý tưởng trên, ông đã sử dụng quyền bổ nhiệm cán bộ: lần lượt bổ nhiệm những người “thuộc danh sách” cần được lên mức lương do ông và Viện đã trao đổi trước, làm trưởng phòng và phó phòng. Sau khi họ được tăng lương một hai năm thì lại bổ nhiệm người khác để giải quyết vấn đề lương. Vậy nên “quân của ông Dương” luôn có cuộc sống khá hơn trong điệu kiện khó khăn lúc đó. Sau này, khi nhìn lại, ông tâm sự: “Bổ nhiệm cán bộ cần nhìn vào chuyên môn, trình độ của họ để sử dụng hợp lý. Nhưng trong điều kiện lúc bấy giờ khó khăn, mọi người đói quá thì không thể sống được chứ nói gì làm nghiên cứu khoa học. Vậy nên phải làm như vậy để giải quyết cuộc sống cho anh em trước”.

Không nhận đặc quyền đặc lợi

Không ít người quản lý khoa học đã cố tình cho mình được quyền hưởng thụ cả chế độ mà đáng lẽ ra phải dành cho người làm nghiên cứu khoa học. Còn với GS Phạm Đức Dương thì việc đảm bảo quyền lợi cho người nghiên cứu khoa học là mối quan tâm nhất của ông.

Hơn hai mươi năm làm Trưởng ban và Viện trưởng, ông tự đặt ra nguyên tắc là không đăng ký vào danh sách chiến sĩ thi đua của viện và không đăng ký vào danh sách 5% cán bộ được tăng lương. Theo ông quan niệm, chiến sĩ thi đua của một viện nghiên cứu khoa học phải là những người làm công tác nghiên cứu khoa học. Danh hiệu này lại do chính các cán bộ trong Viện bầu. Nếu Viện trưởng đăng ký thì dù sao mọi người cũng sẽ bỏ phiếu bầu cho lãnh đạo. Như vậy thì chính người quản lý đã cướp mất một danh hiệu đáng ra của nhà nghiên cứu. Còn việc tăng lương, ông cố gắng dành cho cán bộ chuyên môn tối đa những gì họ được hưởng. Không phải ông không cần lương, mà ông nghĩ ông có trách nhiệm lo cho đời sống của các nhà nghiên cứu mà ông quản lý. Còn chuyện lương bổng của ông thì chính những người quản lý ông phải lo. Ông từng nói với lãnh đạo Ủy ban Khoa học Xã hội rằng: “Các anh là người phải xem xét lương của các viện trưởng như chúng tôi vì chúng tôi là quân của các anh quản lý. Còn chúng tôi lại có trách nhiệm lo cho các nhà nghiên cứu mà chúng tôi quản lý. Nếu tôi cũng đăng ký vào 5% cán bộ tăng lương của Viện thì còn gì phần của anh em”.

Ngoài chuyện lương bổng thì cán bộ quản lý khoa học cũng có nhiều ưu tiên trong việc xuất bản các công trình nghiên cứu trong thời bao cấp. Khi tiêu chuẩn xuất bản được phân bổ về các viện mà lãnh đạo viện đăng ký thì những người khác sẽ phải chịu thiệt. Tuy nhiên, GS Phạm Đức Dương lại ứng xử khác. Tiêu chuẩn xuất bản in ấn của viện Đông Nam Á được ông phân chia rất rõ ràng: ông không đăng ký vào tiêu chuẩn của Viện, ưu tiên số một dành cho các công trình nghiên cứu mà ông cho là có giá trị khoa học cao của các nhà nghiên cứu hàng đầu. Vậy nên các công trình nghiên cứu của GS Phan Ngọc, GS Từ Chi đều được xuất bản ở Viện Đông Nam Á. Theo ông, Viện Đông Nam Á được đứng ra để in những tác phẩm của các học giả này làm rạng danh thêm cho Viện chứ không phải Viện làm rạng danh các nhà khoa học. Sự ưu tiên còn lại trong xuất bản phẩm được ông dành cho các nhà nghiên cứu trẻ. Các cán bộ của Viện sau khi bảo vệ tiến sĩ đều được động viên chỉnh sửa lại luận văn, để ông đưa đi in thành sách.

***

Những quan điểm của GS Phạm Đức Dương trong quản lý khoa học có lẽ bắt đầu từ nhận thức của ông về những gì mà Cách mạng đã mang lại cho ông – từ con nhà nông dân suýt chết đói thành Giáo sư, Viện trưởng và nhiều thứ khác. Vì thế ông luôn nghĩ phải mở rộng tấm lòng để đón nhận và giúp đỡ mọi người. Ông nghĩ và làm đúng cái tâm của mình. Vậy nên nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm gọi ông là “con người của hành động”4, hành động từ trái tim. Còn nhà xã hội học Tô Duy Hợp thì coi “Phạm Đức Dương là một trong số ít người làm Viện trưởng của một viện nghiên cứu khoa học xã hội mà từ khi đương chức đến khi về hưu đều được nhiều người kính trọng và yêu mến”5.

Đầu những năm 1980, sau chiến tranh biên giới Tây Nam rồi chiến tranh biên giới phía Bắc đã đặt ra nhiều vấn đề về quan hệ giữa Việt Nam và khu vực. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cho gọi Phạm Đức Dương lên gặp để hỏi ý kiến với tư cách là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á. Khi gặp Thủ tướng, GS Phạm Đức Dương nói: “Anh bảo tôi trình bày về Đông Nam Á thì tôi cũng nói được một số vấn đề. Nhưng nếu anh muốn hỏi ý kiến chuyên gia thật sự về vấn đề lịch sử, văn hóa Đông Nam Á thì tôi xin giới thiệu anh Phan Ngọc và anh Từ Chi. Họ mới là những chuyên gia thật sự”6. Sau buổi trao đổi với GS Phạm Đức Dương, Thủ tướng đã mời  GS Phan Ngọc đến nói chuyện một buổi để hiểu thêm vấn đề.

——

1 Trao đổi giữa tác giả và GS Phạm Đức Dương, ngày 08/6/2013.

2 Trao đổi giữa PGS.TS Ngô Văn Doanh với NNS Đặng Hoàng Giang và tác giả trong lễ tang GS Phạm Đức Dương ngày 11-12-2913.

3 Ghi chép của tác giả trong cuộc gặp với GS Phạm Đức Dương và học giả Phan Ngọc ngày 30/6/2009.

4 Trần Ngọc Thêm: “Phạm Đức Dương-một nhân cách lớn”. http://www.vanhoahoc.vn/tin-tuc/tin-lien-quan/2520-gs-pham-duc-duong-mot-nhan-cach-lon.html.

5 Trao đổi giữa tác giả với GS.TS Tô Duy Hợp nhân 49 ngày mất của GS Phạm Đức Dương, ngày 24-1-2014.

6 Trao đổi giữa tác giả và GS Phạm Đức Dương, ngày 08/6/2013.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)